Độc đáo nghề... bồng heo thuê
(Dân trí) - Cứ cách một ngày, những phụ nữ làm nghề bồng heo lại đến chợ Hàng Rượu (TP Quảng Ngãi) mưu sinh. Cả buổi đánh vật với đàn heo, người bồng heo thuê chỉ kiếm được từ 100.000-200.000 đồng.
Chợ heo Hàng Rượu (TP Quảng Ngãi) đã có cách đây khoảng 30 năm. Đây là chợ heo giống lớn nhất tại tỉnh Quảng Ngãi. Chợ họp vào ngày chẵn (Âm lịch). Mỗi phiên chợ có hàng trăm con heo được mua bán.
Từ nhiều năm nay, chợ heo Hàng Rượu đã tồn tại một công việc đặc thù phục vụ cho việc bán heo của các thương lái. Đó là hoạt động của đội bồng heo thuê, phần lớn trong số đó là phụ nữ. Họ được thương lái thuê bắt heo chuyển lên xe với tiền công 1.000-1.500 đồng/con, tùy heo lớn hay nhỏ. Quần quật với đàn heo cả buổi nhưng những người làm nghề bồng heo thuê cũng chỉ kiếm đủ tiền chợ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (45 tuổi) đã gắn bó với nghề bồng heo thuê hơn 10 năm qua. Theo chị Ngọc, lúc trước có nhiều người làm nghề này nhưng thu nhập thấp, công việc cực nhọc nên bây giờ chỉ còn khoảng 7 người theo nghề.
Từ 4h, chị Ngọc đã đến chợ heo bắt đầu công việc. Đến khoảng 10h là lúc chợ tan. Trong buổi sáng, chị được thuê bồng khoảng 50 con heo giống nặng tầm 5kg. Đối với heo có trọng lượng lớn hơn phải 2 người hợp sức khiêng rọ, tiền công cho mỗi rọ heo khoảng 30.000 đồng. Cứ mỗi phiên chợ, chị Ngọc lại góp nhặt được khoảng 100.000-150.000 đồng tiền công.
Người làm nghề bồng heo phải có kinh nghiệm để tránh cho heo quẫy đạp nhiều. Khi bắt heo từ các lồng lên xe phải ôm heo thật chặt tránh việc heo chạy thoát. Do phải ôm heo vào người nên chất bẩn của heo bám khắp người.
"Thu nhập ít nhưng nghề này vừa cực, lại bẩn nên giờ ít người làm. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa là quần áo ướt sũng, dính chất bẩn đầy người. Chị không có việc gì làm nên ráng bám nghề kiếm ít tiền chi tiêu hàng ngày", chị Ngọc nói.
Bà Nguyễn Thị Bông cũng gắn bó với nghề bồng heo ở chợ Hàng Rượu từ nhiều năm qua. Trong khu chợ tấp nập, bà Bông thoăn thoắt mở lồng, xách ngược 2 chú heo con một cách thành thạo. Chỉ sau 10 phút, bầy heo 20 con đã được chuyển từ đầu chợ đến xe của thương lái đậu ở cuối chợ.
Theo bà Bông, công việc bắt, chuyển heo con rất nhẹ nhàng, chỉ những con heo nặng khoảng 10kg mới phải tốn sức. Heo lớn rất khỏe, do đó khi bắt phải lựa thế rồi ôm chặt để heo không quẫy, hạn chế thương tích cho heo. Việc bị tuột tay để heo chạy thoát rồi phải bỏ công đuổi bắt xảy ra như cơm bữa.
"Không phải cứ có sức khỏe là bồng heo được đâu. Nếu không quen thì mấy con heo lớn nó quẫy một cái là nó chạy thoát ngay. Xong buổi chợ là phải thay áo ngoài rồi mới về nhà chứ dính bẩn, hôi lắm", bà Bông chia sẻ.
Thậm chí những người như bà đã coi đây như cái nghiệp nên không thể bỏ nghề. Cứ đến ngày họp chợ là phải đi làm, nếu không lại nhớ cảm giác bồng heo. Sau một buổi chợ, những người bồng heo thuê cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Với họ, đây là một nguồn thu nhập đủ để trang trải chi tiêu hàng ngày.
Một số hình ảnh về công việc của những người bồng heo tại chợ heo Hàng Rượu (TP Quảng Ngãi):