Lương tối thiểu 5 triệu đồng, để đủ sống cần gấp đôi, công nhân sợ... ở phố
(Dân trí) - Hơn 10 năm làm công nhân may ở Sài Gòn, chị Lê Thị Thu (36 tuổi) năm nào cũng nghe nói về việc tăng lương tối thiểu. Song chị không mấy quan tâm vì dù lương có tăng cũng chẳng đủ trang trải cuộc sống.

Lương tối thiểu không đủ chi trả mức sống tối thiểu
Chọn thuê một phòng trọ cho cả nhà 3 người ở quận 7, TPHCM với giá 3,5 triệu đồng một tháng (mức thấp nhất có thể thuê được), thêm tiền ăn uống, điện nước và những nhu cầu thiết yếu nhất, mỗi tháng cả nhà chị Thu phải tiêu tốn hết khoảng 14 triệu đồng.
"Đấy là trong điều kiện bình thường, cả nhà không đau ốm gì và chủ trọ không thông báo tăng giá tiền nhà hay tiền điện nước. May nữa là dù gia đình không có hộ khẩu thành phố, con trai tôi vẫn được học ở trường công lập nên chi phí học tập trên trường đỡ hơn. Nhưng còn nhiều phụ phí khác cũng ngốn hết chừng ấy tiền hàng tháng", chị Thu nói.
Chi phí cuộc sống không ngừng tăng trong khi tiền lương tối thiểu vùng của TPHCM dù qua bao lần điều chỉnh vẫn chỉ mới ở mức 4,96 triệu đồng. Mức lương tối thiểu này, thực tế lương của cả 2 vợ chồng chị Thu đều đã vượt qua mà cộng lại cũng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của một gia đình cơ bản, nuôi một con như nhà chị.
"Chúng tôi cũng thường nghe về việc tăng lương tối thiểu, nhưng tôi ít khi quan tâm. Bởi lẽ, thu nhập thực tế của vợ chồng tôi đã cao hơn mức lương tối thiểu, nên dù nhà nước có điều chỉnh, mức lương hàng tháng của tôi cũng không thay đổi đáng kể.
Tôi chỉ thấy khác biệt khi trước đây, mỗi số điện có giá 2.500 đồng, giờ đã lên 3.600 đồng. Mỗi tháng co kéo, tằn tiện trong 100 số điện thì cũng tốn hết 360.000 đồng. Đấy là mới tính riêng tiền điện. Còn đồ ăn, quần áo, đồ dùng học tập của con mấy năm qua tăng giá như thế nào thì không kể hết được", nữ công nhân thở dài.

Với chị Thu, lương tối thiểu không phản ánh đúng mức chi tiêu hàng ngày của gia đình chị (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cũng từ quê Cà Mau lên TPHCM lập nghiệp, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đạt, 34 tuổi, đành từ bỏ để về quê sau 7 năm lăn lộn ở thành phố.
"Trong điều kiện công việc đều đặn thì không sao nhưng mỗi lần có biến cố về kinh tế là gia đình tôi lại lao đao", anh Đạt chia sẻ.
Để hai con nhỏ ở quê cho ông bà chăm sóc, vợ chồng anh mỗi tháng phải gửi về nhà 6 triệu đồng cho con ăn học. Thuê được căn trọ rẻ nhất cho vợ chồng, có giá 1,2 triệu đồng tháng, các khoản khác cũng chắt bóp lắm anh chị mới đủ xoay xở với hơn 12 triệu đồng tiền lương cơ bản của cả hai. Anh Đạt nhẩm tính, nếu không tăng ca thì lương cơ bản này chỉ vừa đủ sống. Còn có tăng ca đều thì mỗi tháng vợ chồng anh mới dư ra được một vài triệu để dành.
Sau dịch Covid-19, vợ chồng anh Đạt 2 lần mất việc đột ngột. Từng về quê rồi quay lại thành phố nhưng rồi đến nay, thấy không thể ổn định cuộc sống lâu dài với đồng lương ít ỏi, anh và vợ quyết định về quê ở hẳn.
"Ở quê tôi có đất trồng dừa, nuôi tôm, nuôi cua, bán thêm thức ăn gia súc nữa, chắc chắn vất vả nhưng sẽ ổn hơn nhiều so với việc ở phố ngồi chờ lương nhích lên chậm chạp qua từng năm", anh Đạt kể.

Anh Đạt mang cả gia đình về quê vì lương công nhân có tăng thì cũng khó sống ở thành phố (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Theo anh Đạt, nhu cầu và yêu cầu cuộc sống ngày càng tăng, chi phí ở thành phố càng thêm đắt đỏ. Cố bám trụ lại thành phố với mức lương ít ỏi thì cuộc sống có thể bị xáo trộn bất cứ lúc nào khi đối diện biến cố.
Lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu
Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nguyên thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, mức sống tối thiểu được xác định bằng cách tính tổng chi phí cho những mặt hàng thông thường mà một người bình thường để duy trì sự tồn tại.
Ông Thọ điểm qua, ngoài lương thực, thực phẩm, quần áo cho mỗi người mặc hàng ngày, chi phí đi lại, nhà ở, chi phí cho văn hóa tinh thần cũng được tính toán vào mức sống tối thiểu.

PGS.TS Vũ Quang Thọ từng tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Theo nguyên tắc, từ mức sống tối thiểu, các nhà hoạch định chính sách sẽ xây dựng mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, cách tính toán mức sống tối thiểu hiện chưa thống nhất, còn nhiều quan điểm khác nhau.
Theo ông Thọ, các kỳ họp của Hội đồng tiền lương quốc gia đều có rất nhiều tranh luận, không ít phiên đàm phán lương rất căng vì mỗi bên (bên đại diện người lao động, đại diện doanh nghiệp, đại diện cơ quan quản lý nhà nước) lại xác định mức sống tối thiểu khác nhau.
"Có bên xác định mức sống tối thiểu dựa trên giá của 48 mặt hàng khác nhau, có bên lại đưa ra nhóm 31 mặt hàng. Mỗi mặt hàng lại lựa chọn những giá trị đại diện riêng… Vì thế, sự chênh lệch trong việc xác định mức sống tối thiểu khó tránh khỏi", ông Thọ dẫn chứng.
Kết quả, Hội đồng lương quốc gia thường dùng giá trị trung bình từ con số đưa ra của 3 nhóm tham gia đàm phán lương để xác định mức đại diện tương đối.
Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2024 do Tổng Cục thống kê công bố cuối tháng 1/2025, mức sống tối thiểu của người dân Việt Nam là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, mức sống tối thiểu ở khu vực thành thị là 2,3 triệu đồng/người/tháng và ở khu vực nông thôn là 1,7 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, tại thành thị, mức sống tối thiểu của một gia đình 3 người là khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Riêng với khu vực TPHCM, trong hoạt động thảo luận tại Quốc hội mới đây, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố còn nêu con số, để một gia đình có hai người lao động nuôi được hai con, thu nhập cần đạt khoảng 21 triệu đồng/tháng.
Con số này vượt cao hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu vùng 4,96 triệu đồng áp dụng với TPHCM hiện tại.

Nhiều nghiên cứu cho thấy mức lương tối thiểu không phản ánh đúng mức sống tối thiểu (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Vấn đề lương tối thiểu không đáp ứng đủ mức sống tối thiểu đã được đặt ra trong nhiều năm qua. Từ các tranh luận, đại biểu TPHCM nêu quan điểm xây dựng khái niệm "lương đủ sống" như một căn cứ thương lượng tiền lương, dựa trên giá cả, sức lao động. Và "lương đủ sống" tại thành phố lớn nhất cả nước, phải ở mức 10,5 triệu đồng/người/tháng.
Khi nào lương tối thiểu đủ sống?
TS Vũ Quang Thọ phân tích, mức sống hiện đã cao hơn và có nhiều thay đổi về mặt bản chất. Vì vậy cách tính mức sống tối thiểu cũng cần có những cập nhật.
"Ví dụ, ngày nay điện thoại thông minh cũng là một nhu cầu thiết yếu. Ngay cả công nhân cũng cần có một chiếc điện thoại trong túi. Chi phí cho thiết bị này cũng cần phải tính vào rổ hàng hóa để tính mức sống tối thiểu. Nếu tính toán đủ thì mức sống tối thiểu hiện nay phải cao hơn đáng kể so với mức lương tối thiểu", ông Thọ nói.
Dù chưa thể hiện được đúng và đủ mức sống tối thiểu nhưng lương tối thiểu vẫn được xác định là đang thực hiện vai trò quy định mức sàn, tức mức thấp nhất trên thị trường lao động và người sử dụng lao động không được trả thấp hơn.
Theo Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Lê Đình Quảng, hiện vẫn chưa thể bỏ được lương tối thiểu vì năng lực thương lượng, thỏa thuận tiền lương của người lao động Việt Nam còn yếu, buộc phải duy trì hội đồng tiền lương để đàm phán tăng lương tối thiểu vùng hàng năm.
Với PGS.TS Vũ Quang Thọ thì trước tiên, để mức lương tối thiểu tiệm cận với mức lương đủ sống, hội đồng tiền lương cần phải có sự tham gia của một bên độc lập. Ông gợi ý, trước đây có 3 nhóm thành phần tham gia đàm phán lương thì nay nên tăng thêm đối tượng, như bổ sung nhóm các nhà khoa học để có những góc nhìn khách quan hơn. Đây có thể là những thành viên chuyên lo việc tính toán, còn thương lượng là do các bên khác.
Bên cạnh đó, ông Thọ cho rằng mỗi thời kỳ đều cần khảo sát mới đưa ra một con số thể hiện mức sống tối thiểu.
"Năm nào cũng phải có nghiên cứu, khảo sát thì mới sâu sát được với đời sống của người lao động. Khi xác định đúng và đủ mức sống tối thiểu thì khi đó mức lương tối thiểu mới bám sát với thực tế", ông Thọ trăn trở.