Công nhân dệt may lương thấp, môi trường làm việc khắc nghiệt

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Công nhân ngành dệt may phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt với bụi, tiếng ồn, nóng nực, tăng ca kéo dài... nhưng thực tế thu nhập chỉ ở mức trung bình.

Tỷ lệ lương cơ bản chưa cao

Ngày 21/2 tại TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến Báo cáo tiền lương, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp dệt may và khuyến nghị đối với hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương, thu nhập trong ngành dệt may.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ, cho biết: "Tổng số lao động làm việc trong ngành dệt may đã tăng từ gần 1,8 triệu người năm 2012 lên khoảng 3 triệu người năm 2024, trong đó, khoảng 74% lao động là nữ".

Công nhân dệt may lương thấp, môi trường làm việc khắc nghiệt - 1

Ông Nguyễn Vinh Quang chủ trì hội nghị lấy ý kiến (Ảnh: Tùng Nguyên).

Tính đến năm 2024, dệt may có khoảng 7.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong năm 2024 chỉ có 735 doanh nghiệp dệt may có công đoàn cơ sở gửi báo cáo về Tổng LĐLĐ để thực hiện báo cáo tiền lương, thu nhập của người lao động. Kết quả thống kê cho thấy, thu nhập bình quân chung của người lao động ngành dệt may là 10,4 triệu đồng/người/tháng.

Con số này tương tự công bố trong Niên giám thống kê 2023 của Tổng Cục Thống kê. Theo đó, thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp dệt là 10,83 triệu đồng/tháng, ngành may là 9,14 triệu đồng/tháng.

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, mức thu nhập này thấp hơn thu nhập bình quân chung của cả nước (11,499 triệu đồng); thấp hơn bình quân của một số ngành như chế biến chế tạo (10,58 triệu đồng), điện tử (12,54 triệu đồng)…

Trong khi đó, điều kiện làm việc của lao động ngành dệt may khắc nghiệt, phải đối mặt với một số vấn đề như: nồng độ bụi, ánh sáng, độ ồn, môi trường nóng ẩm, tăng ca, kéo dài thời gian làm việc với cường độ cao…

Thiệt thòi hơn là tỷ lệ lương cơ bản trong cơ cấu thu nhập của công nhân ngành dệt may khá thấp, chỉ chiếm 72%. Phần thu nhập còn lại được doanh nghiệp chi trả qua các khoản như phụ cấp, tiền làm thêm giờ, thưởng, phúc lợi…

Lương cơ bản thấp dẫn đến căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp, ảnh hưởng đến các chế độ an sinh cho người lao động như ốm đau, thai sản, hưu trí… cũng thấp theo.

Ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng: "Tỷ lệ tiền lương trong cơ cấu thu nhập phải đạt 85-90% mới đảm bảo an sinh xã hội, hiện 72% là rất thấp, phải đàm phán để tăng tỷ lệ này lên, chiếm 75-80% thu nhập".

Công nhân dệt may lương thấp, môi trường làm việc khắc nghiệt - 2

Công nhân ngành dệt may làm việc trong điều kiện độc hại nhưng lương chưa cao (Ảnh minh họa: Khánh Hồng).

Đó là chưa kể thời gian nâng lương định kỳ của công nhân ngành này rất dài và mức tăng mỗi lần thấp.

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ, bình quân người lao động ngành dệt may được nâng bậc lương sau 19 tháng làm việc. Mức nâng lương bình quân là 6% cho mỗi bậc lương, tức là mỗi năm tiền lương chỉ tăng 3,3%, không theo kịp lạm phát.

Ông Vinh cho rằng: "Cần thương lượng để điều chỉnh tiền lương hằng năm với mức tối thiểu đạt 4-5% mới đủ bù lạm phát, cải thiện đời sống cho người lao động".

Thời điểm thuận lợi để đàm phán tăng lương

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TPHCM, đánh giá tỷ lệ tiền lương cơ bản chiếm 72% thu nhập như trong báo cáo là khá lạc quan.

Theo ông, thực tế quản lý ở TPHCM cho thấy tiền lương cơ bản của các doanh nghiệp ngành dệt may chỉ hơn 60%, còn lại đều được doanh nghiệp chuyển thành các khoản thu nhập khác.

Ông Thành Đô đề nghị phải có đánh giá chính xác cơ cấu thu nhập để thương lượng hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Công nhân dệt may lương thấp, môi trường làm việc khắc nghiệt - 3

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Đô đề nghị nâng cao chỉ tiêu đàm phán mức tăng lương hằng năm. Theo ông, chỉ tiêu tăng tối thiểu 4-5% mỗi năm vẫn còn thấp so với mức lạm phát, đặc biệt là so với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 8-10% ở các địa phương.

Ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thì đề xuất nghiên cứu lại cơ chế tiền lương của lao động ngành dệt may từ góc độ chính sách.

Theo ông Ngạn, hầu hết người lao động ngành này đều làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng chưa được tính rõ điều kiện này trong cơ cấu tiền lương. Hiện tiền lương của người lao động ngành này vẫn chỉ căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.

Công nhân dệt may lương thấp, môi trường làm việc khắc nghiệt - 4

Ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Nguyễn Thành Đô đề nghị Tổng LĐLĐ trao đổi với các nhãn hàng quốc tế về mức thu nhập đảm bảo mức sống cho người lao động ngành dệt may để tạo thêm áp lực tăng lương cho công nhân. Bởi hầu hết các doanh nghiệp dệt may trong nước đều là gia công hoặc sản xuất theo mẫu của các nhãn hàng.

Theo ông, việc đảm bảo mức sống cho người lao động là phù hợp với xu thế chung của quốc tế, khi các doanh nghiệp đa quốc gia đều chú trọng tra soát chuỗi cung ứng.

Ông Nguyễn Thành Đô nói: "Chúng ta có thể liên kết với các công đoàn ngành dệt may khu vực châu Âu, thế giới để tác động đến các nhãn hàng, họ phải có trách nhiệm của mình".

Ông Nguyễn Vinh Quang cho biết, kết quả khảo sát cho thấy triển vọng ngành dệt may trong năm 2025 và thời gian tới rất khả quan.

Công nhân dệt may lương thấp, môi trường làm việc khắc nghiệt - 5

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, đây là thời điểm thuận lợi để đàm phán tăng lương cho công nhân ngành dệt may (Ảnh: Tùng Nguyên).

Cụ thể, có tới 59,3% doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất với sản lượng, đơn hàng như trước Covid-19; có 13,8% doanh nghiệp còn đạt mức cao hơn trước Covid-19.

Về dự báo tình hình đơn hàng trong năm 2025, có 71,3% doanh nghiệp duy trì ổn định đơn hàng như năm 2024 và 22,6% doanh nghiệp dự báo đơn hàng tăng.

Về dự kiến tuyển dụng lao động, có tới 62,6% doanh nghiệp dự kiến tuyển dụng thêm lao động và 33,6% doanh nghiệp giữ nguyên số lao động hiện tại.

Ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng: "Đây là điều kiện thuận lợi để công đoàn các cấp tập trung đẩy mạnh thương lượng, đối thoại về tiền lương trong ngành dệt may".