Liều mạng làm "người rơm" sang nước ngoài lao động chui có đáng?
(Dân trí) - Hiện dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc đã rất phổ biến, với chi phí minh bạch nhưng nhiều người vẫn bất chấp, thậm chí là liều mạng đi theo đường bất hợp pháp.
Tối 29/9, Bộ Ngoại giao dẫn thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cho biết cảnh sát Pháp đã phát hiện 6 phụ nữ, trong đó có 4 người được cho là công dân Việt Nam trong một xe chở hàng đông lạnh tại Rhone (thành phố Lyon, Pháp). Sự việc xảy ra ngày 27/9.
Thông tin trên khiến nhiều người rùng mình sợ hãi, nhớ lại thảm kịch 39 người Việt chết trong xe container đông lạnh tại Anh vào cuối năm 2019.
Họ bất chấp tính mạng của mình để nhập cư trái phép vào các nước Châu Âu làm việc.
Thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin
Thời gian qua, các ngành chức năng triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền pháp luật về người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài, đưa ra nhiều cảnh báo về hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: "Hiện Cục vẫn nhận được thông tin từ NLĐ, các địa phương và trên phương tiện thông tin đại chúng về việc có nhiều người bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài".
Theo ông Dũng, nguyên nhân của tình trạng trên là có một bộ phận NLĐ mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt và không phải trải qua thủ tục tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề.
Lợi dụng việc đó, nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài dùng các thủ đoạn để lừa đảo NLĐ, đưa họ ra nước ngoài. Có những thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý mới phát hiện được.
Ông Đặng Sĩ Dũng cho biết: "Thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức, cá nhân này nhắm vào nhu cầu muốn đi làm việc bằng mọi giá, lợi dụng nhận thức về pháp luật và thông tin việc làm ngoài nước còn hạn chế của NLĐ".
Theo ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc ESUHAI Group (đơn vị có 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và phái cử NLĐ đi làm việc tại Nhật Bản), hiện phần đông người đi nước ngoài làm việc theo con đường không hợp pháp là vì sự nhẹ dạ, tin vào hướng dẫn của những người thân quen.
Họ thấy người quen đi bất hợp pháp nhưng vẫn sống "khỏe re", vẫn có nhiều tiền nên nhắm theo và quyết định "ra đi". Những việc đó vẫn âm thầm diễn ra trong cuộc sống, rất khó kiểm soát nếu chưa thay đổi được nhận thức của bộ phận người lao động này.
Thường những người chọn con đường đi "chui" chưa hiểu được hết ý nghĩa, lợi ích của chương trình đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc hợp pháp. Họ không đủ điều kiện đi lao động mà vẫn muốn có nhiều tiền nên chấp nhận rủi ro để ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp.
Bà Lê Minh Thùy, Phó giám đốc công ty TNHH Đào tạo Chuyển giao lao động & Chuyên gia Haio (Haio Education), đồng tình với những phân tích này. "Nhiều người nhẹ dạ cả tin, nghe lời hứa hẹn về một viễn cảnh môi trường công việc ngoài hợp đồng thu nhập tốt hơn, viễn cảnh như mơ ở xứ người", bà Thùy nói.
Cũng có những trường hợp NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nhưng không đáp ứng được các điều kiện của từng thị trường chính thức. Có người đi theo đường chính thức rồi nhưng vì lý do nào đó mà tìm cách trốn ở lại bằng mọi giá sau khi hết hạn hợp đồng…
Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này được đánh giá là do NLĐ thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật, lại có tâm lý nôn nóng muốn làm giàu nhanh nên xác định đi nước ngoài nhanh theo con đường phi pháp. Họ không lường hết được khó khăn, nguy hiểm, thậm chí có thể đánh đổi bằng cả tính mạng nên trở thành nạn nhân của các đối tượng môi giới.
Đi làm "chui" thiệt hại đủ đường
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đặng Sĩ Dũng chỉ rõ, lao động Việt ra nước ngoài theo các kênh không chính thống sau đó cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro.
Trước hết là nguy cơ không tìm được việc làm, trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất khi cơ quan sở tại phát hiện.
Do không có hợp đồng lao động hợp pháp nên việc làm và thu nhập của NLĐ không đảm bảo, cũng không được hưởng các chế độ bảo hiểm, không được pháp luật nước sở tại bảo hộ.
Bên cạnh đó, những người đi làm chui thường không có đầy đủ thông tin về người sử dụng lao động; thiếu hiểu biết về văn hóa, tập quán của nước đến; không được trang bị kỹ năng làm việc, tay nghề và ngoại ngữ…
Do đó, những công dân này rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động. Họ còn có thể gặp nhiều khó khăn, rủi ro khác trong cuộc sống nhưng lại không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ.
Ngoài ra, do đi làm "chui" nên những công dân này không đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam, không đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước đến làm việc. Trong trường hợp NLĐ gặp khó khăn, các cơ quan chức năng của Việt Nam rất khó tiếp cận, nắm bắt, hỗ trợ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Bà Lê Minh Thùy chia sẻ thêm: "Đi làm "chui", chính NLĐ tự tước bỏ quyền được bảo vệ của mình. Đồng nghĩa với đó là sức khỏe, sự an toàn và tính mạng của NLĐ luôn có thể rơi vào tình trạng mất an toàn".
Vì sống chui nhủi, cư trú bất hợp pháp, các quyền lợi của NLĐ trong công việc, đi lại, nơi ăn, chốn ở, y tế… gần như bằng không.
Đôi khi, họ bị chủ chèn ép về lương, thậm chí bị quỵt luôn tiền công mà không biết làm gì ngoài việc trách số phận kém may mắn.
Bà Thùy cho biết: "Làm việc ở nước ngoài theo kênh không chính thức sẽ không được pháp luật nước sở tại bảo vệ, kể cả khi bị chủ sử dụng ngược đãi. Họ không được hưởng trợ cấp thôi việc khi bị sa thải, không có bảo hiểm y tế khi bị bệnh tật hay ốm đau, không được bảo hiểm rủi ro, tai nạn trong quá trình sinh sống, lao động…".
Ngoài ra, NLĐ chỉ nghĩ đơn giản liều mạng đi làm chui, đối mặt với nhiều nguy hiểm, khó khăn là để kiếm tiền, lo cho gia đình… mà không ý thức hết, hành vi của mình vi phạm nghiêm trọng pháp luật của nước sở tại.
Cảnh sát nước sở tại thường xuyên tổ chức các lực lượng để truy quét lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Khi bị phát hiện, nhẹ thì bị phạt tiền, nặng thì bị phạt tù. Sau đó, người lao động sẽ bị trục xuất về nước. Đồng thời, NLĐ đã vi phạm quy định luật nhập cư của nước sở tại sẽ bị từ chối cấp visa, bị từ chối cho nhập cảnh về sau.
Hiểu đúng để không liều mình ra nước ngoài làm việc "chui"
Phó Cục trưởng Đặng Sĩ Dũng khuyến nghị NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu các quy định của pháp luật, các hình thức đi, quyền và nghĩa vụ của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, các chi phí phải nộp theo quy định…
Đồng thời, NLĐ còn phải trang bị các kiến thức về ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề cần thiết phù hợp với yêu cầu của thị trường tiếp nhận lao động; tìm hiểu các thông tin từ các cơ quan hữu quan để đảm bảo đi làm việc ở nước ngoài một cách hợp pháp, an toàn.
Những thông tin ấy được báo đài, địa phương thông báo ra rả hằng ngày nhưng điều khó hiểu là tại sao người dân vẫn tin vào những lời hứa hẹn, vẫn đi làm việc bất hợp pháp?
Theo ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc Esuhai Group, lý do chủ yếu là người lao động thiếu thông tin về điều kiện, chi phí để ra nước ngoài làm việc theo con đường hợp pháp.
Trong 17 năm đào tạo và phái cử NLĐ đi làm việc tại Nhật Bản, ông Sơn khẳng định, chi phí dịch vụ để ra nước ngoài làm việc hiện đã hợp lý hơn trước đây rất nhiều. Mức trần chi phí đưa NLĐ đi nước ngoài làm việc được quy định rõ ràng theo Luật số 69/2020/QH14.
Ông Sơn dẫn chứng, chi phí để đi Nhật Bản làm việc theo chương trình thực tập sinh kỹ năng tại Esuhai tùy thuộc vào từng chương trình tuyển dụng khác nhau và không vượt quá 90 triệu đồng.
Chi phí thấp tạo điều kiện giúp NLĐ có thể dễ dàng tiếp cận, tham gia chương trình để vừa làm việc, vừa tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, ngoại ngữ, chứ không đơn thuần chỉ là đi để kiếm một số vốn. Tuy nhiên, vẫn có bộ phận người dân do chưa hiểu hết ý nghĩa của chương trình này nên lựa chọn ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, bất chấp rủi ro.
Theo bà Lê Minh Thùy, Phó giám đốc Haio Education, hiện chi phí dịch vụ trọn gói ở các đơn vị đều dao động trong mức 60-100 triệu đồng. Tuy nhiên, bà cảnh báo, khi tiếp cận dịch vụ qua các đơn vị trung gian có thể tăng thêm chi phí môi giới 20-40 triệu đồng nên NLĐ phải tìm hiểu kỹ.
Ông Lê Long Sơn lưu ý thêm, để đưa NLĐ đi nước ngoài làm việc, các doanh nghiệp phải có giấy phép, báo cáo đầy đủ, cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt chẽ. NLĐ cần tìm hiểu kỹ công ty uy tín và phải thật sáng suốt để lựa chọn công ty phái cử có trách nhiệm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong suốt thời gian đi làm việc tại nước ngoài.
Còn vấn đề kỹ năng và ngoại ngữ, theo các chuyên gia, đó là điều cần thiết với NLĐ khi sang xứ người làm việc, sinh sống chứ không phải rào cản đặt ra để hạn chế NLĐ đi nước ngoài làm việc.
Kỹ năng là để đáp ứng được nhu cầu công việc, cũng là bước rèn luyện để NLĐ thích ứng với công việc sắp làm, tránh chuyện mất chi phí sang nước khác làm việc nhưng lại không đáp ứng yêu cầu công việc, làm việc không hiệu quả, bị đào thải sẽ lãng phí chi phí đã bỏ ra.
Ngoại ngữ đảm bảo để NLĐ có thể giao tiếp với người bản xứ, làm việc và sinh hoạt tốt, học hỏi thêm được nhiều kỹ năng mới tại nơi làm việc và là nền tảng để học thông thạo thêm một ngoại ngữ. Đây là điều kiện căn bản để NLĐ nâng cao giá trị bản thân sau thời gian đi làm việc ở nước ngoài.