DNews

Kỷ vật lưu lạc nửa vòng trái đất trở về với người lính sau 55 năm

Hoàng Lam

(Dân trí) - Cựu binh Lê Đức Thuận tâm sự, cuốn sổ ghi chép không chỉ là vật kỷ niệm mà chính là phần ký ức thiêng liêng của cả một thế hệ từng sống, chiến đấu và hy sinh cho hòa bình, độc lập ngày nay.

Kỷ vật lưu lạc nửa vòng trái đất trở về với người lính sau 55 năm

Kỷ vật trở về sau hàng chục năm lưu lạc nửa vòng trái đất

Ngày 15/4, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ (Ban chỉ đạo 515) Quân khu 4 tổ chức lễ bàn giao kỷ vật kháng chiến do phía Mỹ cung cấp tới cựu chiến binh và thân nhân liệt sỹ.

Các kỷ vật được bàn giao lần này là 3 bản sao sổ ghi chép của cựu chiến binh Lê Đức Thuận (SN 1949, quê Thanh Hóa), cựu chiến binh Trần Minh Tuyển (SN 1944, quê Hà Tĩnh) và liệt sỹ Nguyễn Văn Hiển (SN 1943, quê Quảng Bình, hi sinh năm 1967).

Kỷ vật lưu lạc nửa vòng trái đất trở về với người lính sau 55 năm - 1

Đại diện phía Mỹ và Quân khu 4 trao kỷ vật tới các cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ (Ảnh: Hoàng Lam).

Đây là những hiện vật được các cựu binh Mỹ thu giữ sau các cuộc giao tranh với quân giải phóng tại Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Dương và đưa về nước. Các hiện vật này sau đó được lưu trữ dưới dạng bản ảnh tại các cơ quan lưu trữ trên đất nước bạn.

Mới đây, các cơ quan chức năng của Mỹ phối hợp các đơn vị liên quan của Việt Nam đã giải mã, xác minh thông tin chủ nhân để thực hiện trao trả theo chương trình thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Phạm Văn Đông, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4 khẳng định đây là những kỷ vật có ý nghĩa, giá trị tinh thần vô cùng to lớn đối với thân nhân gia đình liệt sỹ. Những cuốn sổ ghi chép này đã đồng hành cùng các chiến sỹ, liệt sỹ trong sinh hoạt hàng ngày, thấm đẫm máu xương của người lính trong những năm tháng chiến đấu khắp các chiến trường.

Trao trả kỷ vật kháng chiến tới cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ (Video: Hoàng Lam).

Sau hơn hàng chục năm lưu lạc nửa vòng trái đất, cuốn sổ ghi chép trở về với người thân liệt sỹ Nguyễn Văn Hiển và hai cựu chiến binh Lê Đức Thuận, Trần Minh Tuyển.

"Sự trở về của các kỷ vật đã đáp ứng phần nào nguyện vọng, mong mỏi của các gia đình, xoa dịu một phần nỗi nhớ mong, nỗi đau thương, mất mát của thân nhân các liệt sỹ", Đại tá Nguyễn Văn Đông khẳng định.

Kỷ vật lưu lạc nửa vòng trái đất trở về với người lính sau 55 năm - 2

Cựu chiến binh Lê Đức Thuận vui mừng nhận lại cuốn sổ ghi chép thất lạc từ năm 1970 (Ảnh: Hoàng Lam).

Đón nhận cuốn sổ ghi chép từ các cơ quan chức năng, cựu chiến binh Lê Đức Thuận (Trung đoàn 9, Sư đoàn 304) hết sức phấn khởi. Ông đã bị thất lạc cuốn sổ này trong lần đụng độ với địch tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ngày 12/7/1970.

Lần giở những trang giấy với hàng chữ mờ nhòe, ông Thuận kể vanh vách từng địa điểm, từng sự kiện được ông ghi chép từ hơn nửa thế kỷ trước. Ký ức về những ngày "sống trong hầm pháo, ăn cơm vắt, uống nước suối, lấy mũ tai bèo che mưa, lấy lời động viên của đồng đội làm sức mạnh" như ùa về trong tâm trí người lính già dạn dày trận mạc.

Ông tâm sự, những trang viết này không chỉ là tư liệu cá nhân mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần chiến đấu kiên cường, ý chí quật cường và khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của những người lính đã đi qua chiến tranh.

Kỷ vật lưu lạc nửa vòng trái đất trở về với người lính sau 55 năm - 3

Những trang viết trên đường ra trận của cựu chiến binh Lê Đức Thuận (Ảnh: Hoàng Lam).

"Có những người bạn chiến đấu với tôi năm ấy, giờ đã yên nghỉ vĩnh viễn nơi rừng sâu, núi thẳm hay trong các nghĩa trang liệt sỹ. Có những đồng đội đã ra đi mà gia đình chưa biết được nơi an táng, không có một tấm ảnh hay dòng thư để lại.

Mỗi kỷ vật như cuốn sổ tay này không chỉ là vật kỷ niệm mà còn là một phần ký ức thiêng liêng của cả một thế hệ từng sống, chiến đấu và hi sinh cho độc lập, tự do của dân tộc", ông Thuận xúc động.

Nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh

Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Anthony Saich (Trường Harvard Kennedy, Đại học Harvard, Mỹ), cho biết đến nay nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard đã bàn giao 54 bộ kỷ vật chiến tranh tới cơ quan chức năng Việt Nam và các cựu chiến binh, thân nhân các liệt sỹ. Số kỷ vật bao gồm 44 cuốn sổ tay, nhật ký (trong đó có một bản gốc do cựu binh Mỹ lưu giữ), 10 bức thư cá nhân và hơn 100 tài liệu khác như ảnh, lý lịch, chứng chỉ, bằng khen... 

Kỷ vật lưu lạc nửa vòng trái đất trở về với người lính sau 55 năm - 4

Giáo sư Anthony Saich phát biểu tại buổi trao trả kỷ vật kháng chiến (Ảnh: Hoàng Lam).

"Dự án này có ý nghĩa hết sức lớn lao, không chỉ tìm và trao trả các kỷ vật của các cựu chiến binh, các liệt sỹ, phục vụ việc tìm kiếm, xác minh thông tin về các liệt sỹ Việt Nam mà còn có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam", ông Anthony Saich khẳng định.

Ông nhấn mạnh, bằng trách nhiệm của mình, nhóm nghiên cứu sẽ vượt qua khó khăn, mở rộng tìm kiếm các kỷ vật kháng chiến từ các nguồn lưu trữ, xác minh thông tin để trao trả tới các cựu chiến binh, thân nhân các liệt sỹ trong thời gian tới.

Năm 2025 này cũng là năm đặc biệt khi Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 50 năm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Ông Anthony Saich cho biết, ngoài việc trao trả các kỷ vật kháng chiến, nhóm nghiên cứu sẽ tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về tìm kiếm thông tin liệt sỹ từ các tài liệu lưu trữ và tổ chức chương trình đào tạo ngắn hạn về nội dung này ở cả Việt Nam và Mỹ.

Kỷ vật lưu lạc nửa vòng trái đất trở về với người lính sau 55 năm - 5

Trao trả kỷ vật của các cựu chiến binh, các liệt sỹ góp phần thúc đẩy hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh giữa 2 dân tộc, 2 quốc gia (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác từ văn phòng tùy viên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Bộ Quốc phòng Việt Nam, Ban chỉ đạo quốc gia 515 để có thể hoàn thành tốt công việc có ý nghĩa này, thúc đẩy sự hàn gắn và hòa giải giữa hai nước.

Thiếu tá Daniel Romans, Tùy viên Thủy quân Lục chiến, Văn phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội khẳng định, Khắc phục hậu quả chiến tranh là một phần quan trọng trong quan hệ hai nước.

"Tôi nghĩ rằng, nếu như chúng ta không thực hiện nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh ngay từ thời gian đầu thì hiện nay, chúng ta sẽ không thể nào thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước đã đạt được. Những hoạt động như sự kiện như hôm nay là bước tiến để chúng ta tiếp tục thực hiện để hướng tới chữa lành vết thương chiến tranh cũng như hòa giải giữa hai dân tộc, hai quốc gia", Thiếu tá Daniel Romans nhấn mạnh.