DMagazine

"Còn người, còn tất cả" - tiền đề giải quyết việc thiếu hụt nhân lực

(Dân trí) - Trước nguy cơ thiếu hụt lao động tại các trung tâm công nghiệp phía Nam, các doanh nghiệp "nhanh chân" đã đầu tư tăng lương thưởng, hỗ trợ nhà giá rẻ, lo việc tiêm vaccine... để giữ chân công nhân.

Trước nguy cơ thiếu hụt lao động tại các trung tâm công nghiệp phía Nam, các doanh nghiệp "nhanh chân" đã đầu tư tăng lương thưởng, hỗ trợ nhà giá rẻ, lo việc tiêm vaccine... để giữ chân công nhân, ngăn chặn khủng hoảng nhân lực kéo dài.

Còn người, còn tất cả - tiền đề giải quyết việc thiếu hụt nhân lực - 1

Trong 2 ngày 11 và 12/10 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp xúc cử tri, làm việc với TPHCM trong bối cảnh địa phương này từng bước tiến tới trạng thái bình thường mới sau quãng thời gian dài chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Thông điệp trong 4 buổi làm việc, Chủ tịch nước yêu cầu thành phố lớn nhất cả nước bằng mọi cách giữ chân người lao động, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, không để người dân gặp khó khăn sau dịch. Chủ tịch nước nêu rõ, việc giữ chân người lao động là nhiệm vụ quan trọng hiện tại nhằm tránh xáo trộn nguồn lao động, trở ngại cho việc hồi phục sản xuất. Với đặc điểm lượng người nhập cư lớn, số lao động ở lại sẽ là nguồn lực để các địa bàn củng cố ngành kinh tế sau dịch, tạo đà phát triển.

"Chính quyền các cấp cần có chính sách động viên, hỗ trợ bà con phòng, chống dịch. Đồng thời, khuyến khích người dân tránh nguy cơ lây nhiễm và tiếp tục bắt tay vào sản xuất", Chủ tịch nước quán triệt.

Còn người, còn tất cả - tiền đề giải quyết việc thiếu hụt nhân lực - 3

Để đạt được mục tiêu trên, ông chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cần đi sát dân hơn nữa. Việc hỗ trợ cho người dân, đặc biệt gia đình neo đơn, người già, gia đình chính sách, người lao động có hoàn cảnh khó khăn cần phải được triển khai kịp thời.

Chủ tịch nước nhận định, trong số 100 người về quê thì có tới 60-70 người sẽ quay trở lại thành phố. TPHCM cần những chính sách phù hợp để thuyết phục người lao động quay về như tiêm vaccine Covid-19 mũi 2, cải thiện điều kiện nhà ở hay hỗ trợ các gói an sinh.

Còn người, còn tất cả - tiền đề giải quyết việc thiếu hụt nhân lực - 5

Thông tin thêm về vấn đề, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua thành phố đã nỗ lực đảm bảo an sinh, triển khai 3 gói hỗ trợ để níu chân người lao động. Thành phố đang xây dựng đảm bảo sản xuất an toàn, đồng thời sẽ cùng ngồi lại với doanh nghiệp để tính phương án đưa người lao động trở lại thành phố tham gia sản xuất.

Thành phố cũng đang tính phương án xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp. Vừa qua, UBND TPHCM đã yêu cầu các sở, ngành lên phương án triển khai xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân. Lãnh đạo UBND thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND huyện Bình Chánh cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc khu đất tái định cư 15ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân.

Còn người, còn tất cả - tiền đề giải quyết việc thiếu hụt nhân lực - 7

5 tháng qua là quãng thời gian khó khăn nhất đối với hàng trăm ngàn doanh nghiệp ở TPHCM. Tuy vậy, mối bận tâm lớn nhất của các doanh nghiệp không chỉ là việc hàng loạt đơn hàng bị hủy, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng... mà là đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho công nhân, người lao động. Chưa khi nào chủ doanh nghiệp và người lao động lại có mối liên hệ sâu sắc và đoàn kết như vậy.

"Ngay từ đầu tháng 5, khi nhiều nước bùng phát dịch ,ảnh hưởng đến người lao động, công ty đã thực hiện cơ chế "3 tại chỗ". Phương án chuẩn bị lều, chòi ngủ, tủ đông, lương thực thực phẩm, thuốc, vật tư y tế. Quan niệm của chúng tôi "còn người là còn tài sản". Việc sụt giảm doanh thu lúc này không phải chuyện quan trọng nhất. Công ty còn người lao động, còn hoạt động thì doanh thu sẽ sớm trở lại", bà Đỗ Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty thuốc Thú y Ánh Việt (KCN Hiệp Phước) chia sẻ.

Còn người, còn tất cả - tiền đề giải quyết việc thiếu hụt nhân lực - 9

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cũng nhận định: "Công nhân, người lao động luôn là trọng tâm, là chủ thể để công ty hoạt động và phát triển. Trước hay sau dịch cũng cần phải đặt mục tiêu đảm bảo an toàn và phát triển cho người lao động lên hàng đầu".

Trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ", công ty thường xuyên tổ chức tuyên truyền để người lao động cùng hợp tác đảm bảo an toàn sản xuất. Công ty chấp nhận giảm sút doanh thu để tổ chức lại sản xuất theo đúng chuẩn 5K để người lao động an tâm làm việc.

Bán vé số trở lại ở Cần Thơ

"Khi cộng đồng xuất hiện nhiều F0, có tình trạng một số người lao động hoang mang, lo sợ. Lúc này, công ty phải đồng hành cùng anh em như người bạn, người thân trong gia đình. Công ty cũng thường xuyên tổ chức giám sát, nhắc nhở để người lao động ý thức tự bảo vệ mình và sẽ được hỗ trợ ngay khi nhân sự nào có dấu hiệu không tốt về sức khỏe", ông Việt chia sẻ.

Ông Việt cho biết, công ty đã thành lập tổ Covid-19, phối hợp với chính quyền cơ sở thực hiện test định kỳ cho người lao động. Công ty cũng trích ngân sách để nâng cao chất lượng bữa ăn, bổ sung trái cây, vitamin... giúp người lao động tăng sức đề kháng để ngăn ngừa Covid-19.

Còn người, còn tất cả - tiền đề giải quyết việc thiếu hụt nhân lực - 11

Tương tự, tại công ty Ánh Việt, không chỉ công nhân mà cả người thân cũng được chăm lo trong mùa dịch. Khi người lao động thông báo có người nhà gặp khó khăn về thực phẩm, thuốc, thiết bị y tế sẽ được công ty cấp tốc gửi đồ thiết yếu đến tận nhà. Mục tiêu là để giúp người lao động được sống trong môi trường an toàn, để công nhân không bị phân tâm khi làm việc.

Đặc biệt các doanh nghiệp đều đẩy nhanh việc tiêm vaccine để tạo tâm lý ổn định cho người lao động. Đến nay, hầu hết người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đều được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

"Đốc thúc tiêm vaccine là chính sách kịp thời của Chính Phủ và TPHCM để giúp các doanh nghiệp và người lao động sớm ổn định để hồi phục sản xuất. Công nhân, người lao động được tiêm vaccine mũi một từ tháng 6 và khoảng tháng 8 là hoàn thành mũi 2. Nếu không được tiêm vaccine sớm, các doanh nghiệp khó có thể làm '3 tại chỗ' và hậu quả khó tính được", ông Việt nhấn mạnh.

Còn người, còn tất cả - tiền đề giải quyết việc thiếu hụt nhân lực - 13

Theo ông Phạm Văn Việt, tại một số doanh nghiệp đã xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động sau giãn cách. Nguyên nhân do chế độ lương thưởng không đủ hấp dẫn, người lao động chưa cảm thấy được đảm bảo đời sống. Do vậy, thời điểm này, các doanh nghiệp cần có cái nhìn đúng, đủ về vai trò của người lao động và đưa ra những chính sách kích thích sự gắn bó lâu dài.

"Người lao động đã quay trở lại làm việc đều có thu nhập tăng gấp đôi so với trước đây, trước 10 triệu đồng/tháng thì nay lên 20 triệu. Thời gian người lao động thực hiện "3 tại chỗ" cũng vậy. Những lao động không thể "3 tại chỗ" hoặc chưa đi làm trở lại cũng được đảm bảo các chính sách hỗ trợ căn bản, hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày", ông Việt nhấn mạnh.

Còn người, còn tất cả - tiền đề giải quyết việc thiếu hụt nhân lực - 15

Tại Công Ty TNHH Juki Việt Nam (KCN Tân Thuận) thời gian người lao động thực hiện "3 tại chỗ" cũng được tăng gấp đôi với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Công nhân, người lao động không thể đi làm do ở các khu vực phong tỏa, cách ly cũng được hỗ trợ tối thiểu 50% lương. Những chế độ thưởng tuần, tháng, quý cũng được duy trì ở mức cao.

Bà Đỗ Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty thuốc Thú y Ánh Việt cho biết: "Phương châm của công ty từ đầu dịch Covid-19 đến nay là chỉ tăng lương thưởng, không giảm. Lao động thực hiện "3 tại chỗ" đều được tăng gấp đôi thu nhập. Những lao động phải ở nhà giãn cách cũng vẫn được hưởng 100% lương, công nhân thì duy trì ở mức 20 - 30 triệu đồng/tháng, nhân viên sales, chuyên gia vẫn hưởng hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi người đều được hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/tháng".

Còn người, còn tất cả - tiền đề giải quyết việc thiếu hụt nhân lực - 17

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM cho rằng, việc đảm bảo phúc lợi tại các doanh nghiệp nên đã níu được phần đông lao động ở lại TPHCM. Tình trạng thiếu hụt lao động có diễn ra nhưng không thực sự nhiều và những doanh nghiệp có chính sách tốt sẽ dễ dàng thu hút lao động trở lại với tỉ lệ 80%, 90%.

"Cùng với các doanh nghiệp, những gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ và các gói hỗ trợ của TPHCM đã góp phần quan trọng để giúp lao động ở lại thành phố làm việc. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp tránh được tình trạng khủng hoảng nhân sự trầm trọng, góp phần giúp các doanh nghiệp sớm ổn định hơn", Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng chia sẻ.

Khảo sát mới nhất của đơn vị tuyển dụng Navigos cho thấy, khoảng 50% doanh nghiệp ở TPHCM không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương cũng như phúc lợi như trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Ngoài ra, khoảng 56% doanh nghiệp sẽ tuyển thêm lao động khi trở lại bình thường.

Còn người, còn tất cả - tiền đề giải quyết việc thiếu hụt nhân lực - 19

Thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), quý 4/2021, thành phố cần 56.000 nhân lực tại các nhóm ngành nghề như dịch vụ, công nghệ thông tin, bảo vệ, cơ khí, chăm sóc khách hàng, giày da…

Để đảm bảo không thiếu hụt lao động, ngoài việc tăng lương thưởng, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần có chính sách đón lao động đã về quê tránh dịch quay trở lại làm việc. Hiện nay, đề xuất này đã được nhiều doanh nghiệp kiến nghị nhưng vẫn chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện.

"Chúng tôi mong muốn TPHCM hỗ trợ liên kết với các tỉnh, thành có lao động đã về quê tránh dịch để đưa công nhân trở lại. Doanh nghiệp sẽ bỏ chi phí đưa đón, ăn ở cho người lao động và mong muốn thành phố hỗ trợ những khu cách ly, vaccine để người lao động sớm có thể trở lại làm việc. Khi hết cách ly, doanh nghiệp sẽ đón lao động về", ông Phạm Văn Việt thông tin.

Ông Việt cũng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp đã lên phương án đưa lao động ở các tỉnh trở lại TPHCM nhưng gặp rất nhiều khó khăn do chưa có cơ chế đồng bộ. Ông hy vọng thời gian tới sẽ có những chính sách cụ thể về vấn đề trên.

Còn người, còn tất cả - tiền đề giải quyết việc thiếu hụt nhân lực - 21

 "Khoảng 10% lao động trong lĩnh vực may, thêu, đan đã về quê. Cuối năm là thời điểm quan trọng của các doanh nghiệp cần tăng công suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu người dân cuối năm và xuất khẩu. Nếu đưa được những lao động đã về quê trở lại thì quá tốt cho doanh nghiệp", ông Việt chia sẻ thêm.

Ông Việt cũng mong muốn, các địa phương sẽ tạo điều kiện cho các xe đưa đón công nhân sớm được lưu thông bình thường. Hiện nay, một số địa phương phải đi qua 6, 7 tỉnh, thành nhưng chỉ được thông chốt ở 1, 2 điểm, còn lại đều bị tắc nghẽn.

Trao đổi về bài toán nhân lực lao động cho TPHCM sau khi nới lỏng giãn cách, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho rằng, cần có sự chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp như tiêm vaccine, tăng cường năng lực y tế, đảm bảo sản xuất an toàn. Cùng với đó, thành phố cần phối hợp với các bộ ngành trung ương tham mưu với Chính Phủ để có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thủ tục hành chính, giảm giá chi phí đầu vào, mở rộng thị trường hàng hóa. Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về việc làm, bảo hiểm xã hội... để thu hút lao động.