Quảng Trị:
Nhiều doanh nghiệp tuyển công nhân, cơ hội việc làm cho lao động hồi hương
(Dân trí) - Đang có nhu cầu mở rộng sản xuất, một số doanh nghiệp tại Quảng Trị đã thông báo tuyển công nhân, mở ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động hồi hương.
Sẵn sàng tuyển dụng lao động về từ phía Nam
Sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực cơ điện tại Bình Dương, dịch bệnh Covid-19 lan rộng ở các tỉnh phía Nam nên anh Cáp Quang (1995, trú ở xã Linh Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị) quyết định đưa gia đình trở về quê. Sau khi hoàn thành cách ly y tế, đầu tháng 9/2021, anh Quang xin vào làm việc tại Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ (thuộc Công ty thương mại Quảng Trị).
Theo anh Quang, trước khi bắt tay vào làm việc, các công nhân được nhà máy mở lớp đào tạo các quy trình, quy định về an toàn vệ sinh lao động, kỹ thuật vận hành máy móc… Ngoài ra, công nhân được hưởng các chế độ dành cho người lao động, các chính sách ưu đãi theo quy định của công ty.
"Điều kiện làm việc tại công ty tương đối tốt. Nếu so sánh về mức thu nhập giữa Quảng Trị với Bình Dương thì có sự chênh lệch đáng kể. Nhưng mức lương trung bình vẫn đảm bảo cuộc sống cho công nhân. Hiện tôi không có ý định quay trở lại phía Nam làm việc mà quyết tâm ở lại quê hương, ở gần gia đình", anh Quang chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Tuyển - Giám đốc Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ, hiện nhà máy có hơn 100 lao động. Đợt vừa qua, nhà máy cũng tuyển dụng được gần 20 công nhân vào làm việc. Đến nay, nhà máy đang duy trì sản xuất ổn định. Nếu lao động nào có nhu cầu, đơn vị cũng tiếp nhận, tuyển vào làm việc.
Theo Giám đốc Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ, các lao động về từ phía Nam đã làm quen với môi trường lao động công nghiệp nên cũng đáp ứng được yêu cầu công việc tại nhà máy. Tuy nhiên, với lao động làm ngành gỗ, ngành điện sẽ dễ thích ứng với công việc hơn.
"Vào làm việc tại nhà máy, công nhân được hưởng mức lương bình quân từ 6 -7 triệu đồng và được hưởng các ưu đãi chung cho lao động. Các chế độ khác cũng được nhà máy đảm bảo đầy đủ", ông Tuyển cho hay.
Bà Nguyễn Thị Diệu Linh, chủ cơ sở may Minh Tâm (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) cho biết, cơ sở sẵn sàng tuyển dụng lao động về từ phía Nam vào làm việc sau khi hoàn thành việc cách ly theo quy định.
Theo bà Linh, hiện cơ sở may đang mở rộng quy mô, đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu. Cơ sở đã liên kết với một công ty may mặc tại địa bàn huyện Gio Linh, do đó nguồn hàng hóa rất phong phú, chuyên may hàng xuất khẩu.
"Nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là những lao động về từ phía Nam, cơ sở may cần tuyển khoảng 25 công nhân. Các lao động nếu có tay nghề, không cần đòi hỏi cao về chuyên môn đều được nhận vào làm việc, trả lương theo quy định. Những ai chưa có tay nghề cũng được đào tạo", bà Linh cho hay.
Được biết, sau quá trình thông báo tuyển dụng, cơ sở may đã tiếp nhận thông tin gần 20 lao động đăng ký vào làm việc. Nhiều lao động đăng ký làm việc tại cơ sở may trở về từ các tỉnh phía Nam.
Theo tìm hiểu một số doanh nghiệp may mặc tại Quảng Trị, nhiều đơn vị có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm vị trí việc làm. Chính vì vậy, đây là cơ hội cho những lao động về từ phía Nam.
Vẫn còn ít lao động có nhu cầu tìm việc
Trước làn sóng lao động về từ các tỉnh phía Nam, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, hỗ trợ, tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động.
Qua đó, Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; giới thiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu biết để tuyển dụng lao động…
Ngoài ra, Sở cũng đã đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh Quảng Trị tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động từ vùng dịch trở về được vay vốn tự tạo việc làm để ổn định đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Theo ông Lê Văn Trắc - Trưởng phòng Lao động việc làm- An toàn Lao động, thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, Sở đã phối hợp với các địa phương rà soát, tìm hiểu nhu cầu việc làm của những người dân trong độ tuổi lao động; làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm.
"Vừa qua, đơn vị đã thực hiện rà soát lao động trở về từ các tỉnh phía Nam trong độ tuổi lao động để có kế hoạch đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhưng chỉ ghi nhận số lượng rất ít có nhu cầu đăng ký nên rất khó để mở các lớp đào tạo nghề.
Ngoài ra, trong số khoảng 534 lao động đăng ký tìm việc, Sở đã đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm nhắn tin, gọi điện cho từng lao động để kết nối với một số doanh nghiệp tại địa phương giúp họ tìm việc làm nhưng nhận được số lượng rất ít lao động phản hồi. Đây chủ yếu là lao động từ các tỉnh phía Nam về tự phát", ông Trắc thông tin.
Ngoài việc lên các phương án để hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế cho người dân, đơn vị này cũng liên hệ với đầu mối tại TPHCM và các tỉnh phía Nam tạo sự kết nối, tìm kiếm việc làm cho người lao động sau khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân có nhu cầu quay lại các tỉnh phía Nam làm việc.