(Dân trí) - “Ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành tốt 3 mục tiêu đột phá về xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động. Đồng thời, ngành đã ưu tiên giải quyết việc tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em…”.
Chủ tịch Quốc hội: “Xúc động khi thấy người dân viết đơn ra khỏi hộ nghèo…”
“Ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành tốt 3 mục tiêu đột phá về xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động. Đồng thời, ngành đã ưu tiên giải quyết tốt việc tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng, tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em…”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện năm 2019, triển khai nhiệm vụ ngành lao động, người có công và xã hội năm 2020. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 25/12 tại Hà Nội.
Chính sách đi vào thực tế
Đánh giá cao những thành tựu của ngành LĐ-TB&XH đạt được trong năm 2019, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vừa quyết liệt, linh hoạt và sự đoàn kết thống nhất, dân chủ của tập thể lãnh đạo Bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu”.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận những đóng góp, cống hiến của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành LĐ-TB&XH.
“Ngành đã hoàn thành các mục tiêu đột phá về xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động. Đồng thời, các ưu tiên về giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng được thực hiện có hiệu quả” - Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, điểm nhấn lớn nhất về công tác xây dựng thể chế là việc Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Lao động 2019. Đây là bộ luật hội tụ nhiều điểm tiến bộ, nhân văn cho người lao động và đáp ứng tình hình hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc xác nhận người có công đã có những bước đột phá so với trước đây. Với sự nghiêm cẩn nhưng cũng rất thực tế, Bộ đã thực hiện công tác đánh giá, xem xét và xác nhận cho hàng ngàn trường hợp thương binh, liệt sĩ.
Tới nay, cả nước có 8 địa phương giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có tồn đọng.
“Nhiều người hy sinh sau 70 năm rồi nhưng không đủ hồ sơ, bằng nhiều nỗ lực, chúng ta mới có thể xác nhận được. Dịp Kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 vừa qua, tôi rất xúc động khi chứng kiến nhiều người lên nhận bằng Tổ quốc ghi công của cha, ông mà nước mắt đầm đìa” - Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh tới những điểm “sáng” trong hoạt động của ngành LĐ-TB&XH năm 2019, như: Lĩnh vực lao động, việc làm đã hoàn thành trước 1 năm của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, các tỉnh, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tạo việc làm đã đề ra.
Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, công tác tuyển sinh học nghề đều đạt và vượt kế hoạch, chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao, gắn đào tạo với doanh nghiệp và giải quyết việc làm, đào tạo chất lượng cao cho hàng ngàn sinh viên theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của mỗi người dân, các chính sách giảm nghèo hướng tới hỗ trợ sinh kế lâu dài, làm động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, người nghèo được cải thiện hơn về điều kiện sống.
“Tại không ít địa phương, những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng nhiều, từ Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Bình, Kon Tum... Điều này cho thấy hiệu quả của chính sách giảm nghèo trong cuộc sống và việc người dân đã dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước và nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo” - Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Đẩy mạnh nhiều nhiệm vụ lớn
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý ngành LĐ-TB&XH cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ chính trong năm 2020.
“Một trong những trọng tâm của năm 2020 của ngành là phải phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc phát triển kinh tế bền vững cần gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm các mục tiêu an sinh xã hội” - Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Ngành cần tiếp tục nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.
Trong đó, đặc biệt lưu ý việc cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý ngành LĐ-TB&XH cần sớm hoàn thành việc xây dựng, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động để đảm bảo việc thực thi theo đúng thời gian hiệu lực thi hành.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp, trong đó lưu ý các chính sách để khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống.
Đặc biệt, công tác giáo dục nghề nghiệp cần gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trưởng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm nền tảng, điều kiện cốt lõi để bảo đảm cho người lao động về tiền lương, thu nhập công bằng, cải thiện điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động.
“Ngành LĐ-TB&XH cần kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn để thiết kế chính sách giúp người dân phát huy tinh thần tự lực, vươn lên thoát nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị: “Trong công tác phụ nữ và trẻ em, hướng tới thu hẹp khoảng cách giới, bảo đảm bình đẳng giới trong tổng thể các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình, ngành cần xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho tất cả trẻ em. Quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm bạo lực, xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật với trẻ em, bạo hành trẻ em; tăng cường công tác phòng chống ma túy, mại dâm…”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Kết quả BHXH tự nguyện tăng bằng hơn 10 năm trước”
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét: “Ngành LĐ-TB&XH đang quản lý một lĩnh vực rất rộng và có sự kết hợp chặt chẽ với bộ, ngành khác. Kết quả của ngành hôm nay, bên cạnh những nỗ lực của ngành, còn là hiệu quả của sự phối kết hợp giữa các ban, bộ, ngành”.
Phó Thủ tướng cho biết, năm 2019, ngành LĐ-TB&XH đã đột phá phát triển số lượng người tham gia BHXH tự nguyện với con số tăng thêm 276.000 người, bằng cả hơn 10 năm trước.
Trong năm 2020, Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành các nhiệm vụ cần tập trung quyết liệt hơn nữa việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
“Năm 2020, ngành cần chú trọng vận động người dân thay đổi thói quen tham gia BHXH. Đặc biệt là thay đổi thói quen giữ tiền thay vì tham gia BHXH của người dân. Đây vừa là cách giúp bảo đảm an sinh cho cá nhân và thể hiện trách nhiệm của công dân” - Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường về chất lượng nhằm đưa thứ hạng về giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam lên vị trí thứ 4 trong khối các nước khu vực Asean
Đồng thời, ngành cần nhân rộng ra kết quả và mô hình giáo dục nghề nghiệp trong toàn xã hội, không chỉ bằng việc phát triển công nghệ thông tin, tập huấn thậm mà còn cần là đào tạo theo cách “cầm tay chỉ việc”.
Nội dung: Hoàng Mạnh, Ảnh: Đức Anh, Video: Toàn Vũ