Bỏ phố lên rừng, Giám đốc chân đất bắt đất khó "nhả vàng"
(Dân trí) - 27 năm trước, ông Lê Đình Tú bỏ nghề thợ điện, bỏ phố thị, liều lĩnh lên vùng đất "3 không" lập nghiệp. Máu đam mê, bản tính cần cù đã giúp ông trở thành một tỷ phú nông dân xuất sắc.
Bỏ phố về rừng
Ông Lê Đình Tú (59 tuổi, trú tại thôn Bao Lâm, xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nước da ngăm đen, đôi tay thoăn thoắt, miệt mài hái chè ở khoảnh đồi phía sau nhà xưởng.
Vẻ bề ngoài đậm chất nông dân, nếu không giới thiệu, chẳng ai nghĩ ông là vị Giám đốc nổi danh ở vùng đất bán sơn địa này.
Ông kể, vốn sinh ra ở phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa, trước đây ông từng là thợ điện với mức thu nhập ổn. Năm 1996, được bạn bè giới thiệu, ông rời phố lên rừng, đến xã Bình Sơn khai hoang lập nghiệp.
"Đó là một quyết định táo bạo đưa cuộc đời tôi rẽ sang một hướng mới. Lúc đầu tôi chỉ xác định đi mua ít đất rừng để trồng cây rồi về xuôi tiếp tục công việc thợ điện. Nhưng khi đến đây, thấy những khoảnh đồi màu mỡ, vốn là người yêu thích nông nghiệp nên tôi quyết định chuyển hướng, đi khai hoang", ông Tú nhớ lại những ngày đầu.
Dốc toàn bộ vốn được 20 triệu đồng, ông Tú mua 3ha đất rừng sản xuất của người dân để canh tác. Thời điểm đầu lập nghiệp gian nan, những quả đồi nơi ông đặt chân đến là vùng đất hoang vu với đặc thù "3 không" - không đường, không điện, không sóng điện thoại.
Để bắt tay vào công việc, ông kiên trì mở đường, ngăn đập lấy nước, bỏ tiền túi, phối hợp cùng người dân kéo điện lên đồi, sau đó đưa cây giống về trồng.
"Lúc bấy giờ xã Bình Sơn thuộc diện đặc biệt khó khăn, đồi núi chủ yếu là cây tạp và chè. Việc đầu tiên tôi bắt tay vào làm là mở đường, kéo điện lên núi. Đến năm 1998, mới hoàn thành đường điện. Sau đó tôi khai hoang đất đồi, mở đường đến trang trại", ông Tú kể.
Giữa nơi rừng sâu hoang vắng, không quản nhọc nhằn, mỗi ngày ông Tú cùng vợ đào, đắp đường, thiết lập hệ thống ao để phục vụ tưới tiêu. Sau thời gian vất vả, những mảnh đồi trơ trọi trước kia dần phủ một màu xanh với khoảng 3ha mía.
"Có ngày vợ chồng đắp đập, be bờ đến tận đêm khuya. Cả quả đồi mênh mông, nhìn đâu cũng chỉ có cây và cỏ. Lúc đầu mới lên, vợ tôi sợ đến phát khóc. Nhưng ở mãi rồi cũng thành quen. Vợ chồng cứ thế bảo ban nhau cùng cố gắng", ông Tú nhớ lại những ngày đầu gian nan lập nghiệp.
Đánh thức vùng chè, bắt vùng đất khó "nhả vàng"
Ông Tú cho biết, trước đây, ngoài trồng mía, keo, người dân xã Bình Sơn còn nổi tiếng bởi nghề trồng chè. Tuy nhiên do sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ nên chưa phát huy được thế mạnh, người dân làm lụng vất vả quanh năm vẫn không thoát được cảnh khó khăn.
Thậm chí, có thời điểm nơi đây đã từng thành lập hợp tác xã sản xuất chè, nhưng chỉ được ít năm thì rơi vào thảm cảnh thua lỗ, phá sản.
Nhìn vựa chè xanh ngát trồng ra nhưng không có nơi tiêu thụ, ông Tú xót xa, trăn trở. Cũng tại thời điểm này, ông quyết định kêu gọi bạn bè, người dân trong xã thành lập lại hợp tác xã, với hy vọng làm "sống lại" một vùng chè nức tiếng.
Năm 2016, Hợp tác xã dịch vụ nông - lâm nghiệp Bình Sơn được thành lập, ông Tú trở thành Giám đốc. Để phát triển thị trường, ông Tú cùng một số thành viên đi các hội chợ thương mại, thậm chí đem chè ra chợ để quảng bá thương hiệu.
Song song với đó, ông tìm cách thay đổi mẫu mã, cách đóng gói sản phẩm, nhãn hiệu chè, đồng thời đầu tư công nghệ máy móc để sản xuất với quy mô lớn.
"Nếu muốn phát triển thì không thể làm việc theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, sau khi đưa chè Bình Sơn ra thị trường, chúng tôi xây dựng các vùng trồng chè điển hình, đặc trưng, đầu tư máy móc để đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường", ông Tú chia sẻ.
Năm 2019, chè sạch Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, Hợp tác xã dịch vụ nông - lâm nghiệp Bình Sơn có gần 80ha chè (trong đó có 12ha chè theo tiêu chuẩn VIETGAP). Quy mô hoạt động của hợp tác xã cũng được mở rộng với 20 xã viên chính thức và 100 thành viên liên kết.
"Sản phẩm chè Bình Sơn đã có mặt ở khoảng 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Doanh thu trung bình mỗi năm của hợp tác xã đạt gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, việc trồng chè đang dần khởi sắc, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo. Có những hộ phát triển tốt còn đem về thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm nhờ cây chè", vị Giám đốc cho hay.
Mới đây, ông Lê Đình Tú còn được Trung ương Hội nông dân Việt Nam bình chọn là một trong 100 gương mặt nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Nhìn lại khoảng thời gian gần 30 năm bỏ phố lên rừng, vị giám đốc hợp tác xã xúc động, đầy tự hào, bởi đây là thành quả vô cùng to lớn đối với cá nhân ông và các thành viên trong hợp tác xã.
"Khi bỏ phố tới đây lập nghiệp, mái tóc còn xanh, giờ thì tóc đã bạc trắng. Gần nửa cuộc đời tôi bám trụ với mảnh đất này, nay nhìn thành quả đạt được cũng rất đỗi tự hào. Hy vọng, một ngày không xa, chè Bình Sơn sẽ là một trong những sản phẩm ngon hàng đầu Việt Nam.
Tôi có cái máu làm nông nghiệp, sống đam mê cũng là phương châm của tôi. Có đam mê thì mới phấn đấu để đạt được mục tiêu mình đề ra. Làm chè cũng vậy, những người nông dân phải như một nghệ nhân, phải tâm huyết thì mới cho ra những sản phẩm chè ưng ý", ông Tú tâm sự.
Về dự định trong tương lai, ông Tú cho biết đang ấp ủ và mong muốn các ngành chức năng cùng phối hợp, xây dựng quy hoạch để làm dự án mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại vùng chè ở địa phương.
Ông Lê Công Sơn, cán bộ nông nghiệp UBND xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn, cho biết, toàn xã có 300ha chè. Ông Lê Đình Tú là nông dân xuất sắc nhất ở địa phương, đã có đóng góp to lớn trong việc vực dậy sản phẩm chè.
"Với sự phát triển cây chè như hiện nay, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chè từ 300ha lên 400ha, đồng thời kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng chè để tăng thu nhập cho bà con", ông Sơn nói.