Nữ tiến sĩ bỏ việc văn phòng về quê làm nông dân, kiếm 26 tỷ đồng/năm
(Dân trí) - Từ một tiến sĩ được mời đi nghiên cứu tại Mỹ, Thạch Yên từ bỏ mọi thứ "sẵn nong sẵn né", trở về quê làm nông. Từ mảnh vườn nhà, cô kiếm được mức thu nhập mà nhiều người mơ ước.
Mô hình làm nông triệu đô
Học xong tiến sĩ tại đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Thạch Yên (39 tuổi) quyết định bỏ phố về quê ở Bảo Định, tỉnh Hà Bắc để làm một nông dân.
Trước đó, từ Mỹ du học trở về, Thạch Yên không làm việc tại Viện nghiên cứu hay bất kỳ công ty nào mà thông báo cho gia đình sẽ về quê xây dựng trang trại theo mô hình CSA.
Thời điểm đó, Thạch Yên vừa tròn 30 tuổi. Quyết định của cô vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình, bạn bè.
Nhờ quyết tâm đi con đường riêng của mình, Thạch Yên giờ đây có thể kiếm được hơn 8 triệu NDT (khoảng 26,4 tỷ đồng) mỗi năm nhờ trang trại cung cấp trái cây, rau sạch cho hơn 1.500 gia đình. Không những vậy, Thạch Yên còn lập được liên minh sinh thái tại khắp 16 tỉnh, thành trên cả nước.
Vào năm 2016, cô gái được vinh danh là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Geneva công bố. Thạch Yên là một trong 121 người trẻ dưới 40 tuổi có nhiều thành tích nổi bật tại các lĩnh vực.
Nhờ có nông trại của Thạch Yên, người lao động tại vùng quê nghèo có thêm nguồn thu nhập. Không ít hộ dân đổi đời, nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ cùng tham gia mô hình trồng rau sạch.
Kể về thời gian đầu khởi nghiệp, Thạch Yên cho hay, cô đã về quê thuê một khu đất rộng, thành lập trang trại và đặt tên nó là "Little donkey" (chú lừa nhỏ). Với mảnh đất này, Thạch Yên lên kế hoạch mở một trang trại theo mô hình CSA (nông nghiệp cộng đồng), chuyên về sản phẩm nông nghiệp sạch, không dùng hóa chất. Ngoài ra, cô còn nuôi thêm lợn, gà.
Tại Hội nghị CSA toàn cầu lần thứ 6 tổ chức tại Bắc Kinh, Thạch Yên từng bày tỏ hi vọng có nhiều người biết đến mô hình này hơn. Bởi cô gái tin rằng, việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.
Sau một thời gian ngắn, người tham gia mô hình này đã tăng lên số lượng 54 thành viên trồng rau hữu cơ. Dần về sau, mô hình CSA này của Thạch Yên có đến 600 người tham gia.
Tình yêu nghề nông
Xuất thân trong gia đình trí thức tại Bảo Định, Thạch Yên ngay từ nhỏ đã bộc lộ được sự thông minh, chăm chỉ với bảng thành tích học tập luôn nằm trong top đầu. Trong suốt 12 năm cắp sách đến trường, Thạch Yên luôn đạt thành tích tốt.
Năm 2002, cô gái tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học và đạt được kết quả cao. Thạch Yên có cơ hội vào những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Thế nhưng, cô gái lại quyết định chọn đại học Nông nghiệp Hà Bắc, chuyên ngành Nông nghiệp.
Suốt quá trình học đại học, Thạch Yên luôn tham gia các hoạt động ngoại khóa và được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên trường. Bản thân cô lúc nào cũng nỗ lực trau dồi bản thân và nhận được nhiều học bổng.
Mỗi khi rảnh, Thạch Yên làm gia sư tiếng Anh để tự cải thiện trình độ. Trong kỳ thi tiếng Anh toàn Trung Quốc do Vụ Giáo dục cao đẳng, đại học thuộc Bộ Giáo dục tổ chức (CET-4), Thạch Yên xuất sắc đạt được 91,5 điểm.
Tốt nghiệp đại học vào năm 2006, Thạch Yên học tiếp lên thạc sĩ tại đại học Nhân dân Trung Quốc. Sau đó, Thạch Yên đăng ký học tiến sĩ tại đại học Thanh Hoa.
Vào thời điểm gần tốt nghiệp tiến sĩ, Thạch Yên được mời đến Mỹ làm nghiên cứu sinh ở Viện Thương mại và Chính sách nông nghiệp.
Tại trang trại Địa Thăng ở Minnesota, Thạch Yên lần đầu đặt chân đến nên cảm thấy mọi thứ vô cùng mới lạ. Trang trại nơi cô gái nghiên cứu thực sự khác với các trang trại truyền thống.
Khi đó, Mỹ chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường nên trang trại loại bỏ hầu hết việc sử dụng thuốc hóa học. Từ đó, người làm nông phải tăng cường độ lao động nhiều hơn.
Từ 7h-17h mỗi ngày, Thạch Yên phải làm việc rất vất vả tại nông trại. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cô gặt hái được nhiều kiến thức nông nghiệp quan trọng. Cho đến khi biết được mô hình nông nghiệp CSA, Thạch Yên mới có hướng đi mới cho sự nghiệp của mình.
Trong nhiều năm liền, cô đã làm việc không nghỉ ngày nào. Dù đạt được những thành công lớn, cô gái và chồng luôn giữ thói quen có mặt ở trang trại mỗi ngày, trò chuyện với nông dân, nắm bắt tâm tư người làm, quan sát sự phát triển của các loại cây trồng.