"Ai lông gà lông vịt bán đê" - một nghề đang biến mất tại làng Triều Khúc
(Dân trí) - Khi việc giết mổ gia cầm của các hộ dân thành thị không còn phổ biến và việc có quá nhiều dụng cụ gia đình mới, hiện đại khiến cho nghề làm chổi lông gà Triều Khúc cũng bước vào giai đoạn thoái trào.
Trên đường phố Hà Nội, thi thoảng người dân vẫn bắt gặp những chuyến xe chở chổi lông gà mang bán thì đó chính là những người cuối cùng của làng Triều Khúc còn làm nghề chổi. Người Triều Khúc cho biết, nghề này bắt đầu đi xuống từ những năm cuối thế kỷ 20.
Bà Nguyễn Thị Thành là một trong số rất ít người triều Khúc còn làm chổi cho biết, trước đây chúng tôi đi khắp các ngõ phố Hà Nội để thu mua lông gà, lông vịt về làm sạch, chế biến, chọn lựa để làm ra những chiếc chổi. Nghề này có thời kỳ là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình Triều Khúc. Ở đây ai cũng thuộc câu rao: "Ai lông gà, lông vịt bán đê".
Ông Giang Nguyên Bồi dù không làm nghề chổi nhưng là người luôn ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của làng. Kể về ông tổ nghề, vào thời Lê Cảnh Hưng có ông Vũ Úy làm quan được cử đi sứ. Khi trở về, ông đã mang tinh hoa của nghề thủ công học được truyền dạy cho dân làng, làm ra những mặt hàng có tính mỹ nghệ cao, trong đó có nghề làm chổi từ lông gà, lông vịt.
Một điều thú vị là nghề làm chổi thường được người dân tận dụng ngày mát để làm vì không được bật quạt, bởi nếu gió quạt thổi lông sẽ bay tứ tung. Tại tầng thượng căn nhà của chị Nguyễn Thị Hiếu được dùng làm xưởng cũng phải che màn để ngăn bụi, lông bay khắp nhà dưới.
Lông gà được chia nhiều nhóm, loại lông màu đỏ (bên trái) thường dài, mềm, nhìn đẹp hơn được coi là loại tốt hơn. Lông cánh và lông đuôi (bên phải) thường cứng, nhìn không đẹp, dùng làm chổi quét trần nhà, khua mạng nhện, phủi đồ gỗ...
Các loại chổi quét trần thường được gắn với chiếc sào tre dài 2-3m. Còn loại chổi lông đỏ mềm thì chỉ dùng với que tre 80cm chuyên để phủi bụi các loại đồ đặc trong nhà. Chổi này cũng được người dân Hà Nội quen gọi "chổi phất trần". Trong ảnh là bà Thành đang lấy những chiếc sào tre để chuẩn bị quấn lông.
Trước đây việc giết mổ gia cầm vẫn phổ biến từ các hộ gia đình thì người Triều Khúc thực hiện mọi công đoạn từ thu mua đến gia công chổi. Ngày nay không ai còn đi thu mua lông nữa, chỉ nhập lông đã chế biến sẵn rồi về quấn, sau đó tự mang đi bán lẻ khắp đường phố Hà Nội.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thành thường phân loại khá cầu kỳ các loại lông gà để tiện làm riêng rẽ từng loại chổi. Công đoạn này mất khá nhiều thời gian. Đặc biệt nếu làm vào những ngày nắng nóng thì không được bật quạt để không làm bay lông.
Lông gà mua sẵn, việc làm chổi hiện tại khá đơn giản. Lông được xếp liên tiếp kết thành từng dây, sau đó đun nhựa đường để cuốn vào que, cố định chắc chắn là hoàn thành.
Chị Nguyễn Thị Hiếu là người có thâm niên khoảng 30 năm làm nghề, chị và bà Thành hiện là những người hiếm hoi còn làm nghề chổi lông gà của Triều Khúc.
Loại lông đuôi cứng đang được chị Hiếu tập hợp để quấn chổi quét trần. Loại này có giá dao động 60-80 nghìn đồng/ chiếc.
Chiếc chổi phất trần bằng lông gà loại tốt, mẫu mã đẹp, toàn thân có 2 màu lông được bán với giá 80-120 nghìn đồng/chiếc.
Hình ảnh hiếm hoi những người Triều Khúc bán chổi lông gà trên đường phố còn lại đến ngày nay.