Nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc
Cổ phiếu CTC của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên có khả năng bị hủy niêm yết do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cổ phiếu không giao dịch trong 12 tháng. Thông báo này được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa ra, kèm theo sẽ xem xét tiến hành hủy bỏ niêm yết bắt buộc với cổ phiếu CTC.
Hồi đầu năm nay, Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên bị Cục Thuế tỉnh Gia Lai gửi đề nghị lên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Lý do là Cục Thuế Gia Lai không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế theo quy định và đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản, ngừng sử dụng hóa đơn đối với công ty nhưng vẫn không thu đủ tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, Cục đã công khai thông tin nợ thuế của doanh nghiệp này trên trang thông tin điện tử ngành thuế ngày 15/12/2023 và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cổ phiếu CTC trên sàn HNX đang thuộc diện cảnh báo, kiểm soát và hạn chế giao dịch. Cổ phiếu ở diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là số âm. Cổ phiếu bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 là số âm, tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ.
Cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch do công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch (chậm công bố thông tin báo cáo tài chính quý III/2023).
Trong hơn 1 năm qua, cổ phiếu duy trì mức giá 1.300 đồng/đơn vị và không có giao dịch.
Thua lỗ liên tục từ năm 2022
Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên tiền thân là Đội Chiếu Bóng đầu tiên của tỉnh Gia Lai - Kon Tum, được thành lập từ năm 1970 để phục vụ cán bộ chiến sĩ và đồng báo các dân tộc vùng giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau đó, Đội Chiếu Bóng thành Phòng Chiếu Bóng thuộc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Gia Lai - Kon Tum.
Đến năm 1999, với tên Công ty Điện ảnh tỉnh Gia Lai, doanh nghiệp sáp nhập với Công ty Văn hóa Tổng hợp Gia Lai, đổi tên là Công ty Điện Ảnh Văn hóa Tổng hợp Gia Lai, bổ sung thêm chức năng kinh doanh phát hành sách, văn hóa phẩm...
Năm 2004, công ty được cổ phần hóa, trở thành Công ty cổ phần Văn hóa Du lịch Gia Lai - Gia Lai C.T.C, định hướng phát triển đa ngành, mở rộng hoạt động kinh doanh ra nhiều tỉnh, thành.
Năm 2008, công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên HNX và trở thành doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Gia Lai niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Năm 2012, công ty được đổi tên là Công ty cổ phần Gia Lai CTC, rồi tiếp tục thay đổi tên như hiện tại vào năm 2021.
Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên hiện hoạt động trong các ngành như kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng; dịch vụ vui chơi giải trí; kinh doanh và phát hành sách, văn hóa phẩm...
Hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng kết quả kinh doanh của Hoàng Kim Tây Nguyên không được "hoàng kim" như tên gọi ở một vài năm gần đây. Hai năm liên tiếp 2022 và 2023, công ty lỗ lần lượt 9 tỷ và 16 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, công ty lỗ tiếp 3 tỷ đồng. Như vậy tại ngày 30/9, công ty đã lỗ lũy kế hơn 54 tỷ đồng.
Nói về việc lỗ trong quý III năm nay, công ty cho biết đang trong giai đoạn tái cấu trúc tài sản khôi phục hoạt động kinh doanh dẫn đến khối dịch vụ nhà hàng khách sạn không có doanh thu. Ngoài ra theo thuyết minh, công ty cũng không ghi nhận doanh thu từ bán sách, văn phòng phẩm, siêu thị, hàng hóa.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản doanh nghiệp đạt hơn 223 tỷ đồng, phần lớn nằm ở tài sản cố định, hàng tồn kho và các khoản phải thu, lượng tiền mặt chỉ 19 triệu đồng. Vay nợ tài chính gần 50 tỷ đồng, trong đó chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng BIDV với khoản nợ ngắn hạn hơn 33 tỷ đồng. Công ty cũng vay một số cá nhân nhưng không thuyết minh.
Một số vấn đề tồn đọng nhiều năm
Không chỉ đối diện thua lỗ, Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên còn có nhiều vấn đề cần lưu ý trên báo cáo kiểm toán 2022,2023 và 6 tháng 2024 - những giai đoạn mà công ty đang gặp vấn đề tài chính.
Vấn đề đầu tiên được nhắc đến là công nợ phải thu khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu khó đòi. Năm 2022, ý kiến kiểm toán ngoại trừ việc công ty chưa trích lập dự phòng với các khoản công nợ này, tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng. Nếu trích lập dự phòng đầy đủ, chi phí quản lý doanh nghiệp sẽ tăng lên tương ứng, khiến lợi nhuận trước thuế giảm hơn 9 tỷ đồng.
Năm 2023, các khoản công nợ này tăng lên hơn 25 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán tiếp tục nêu ý kiến loại trừ rằng công ty chưa trích lập dự phòng, nếu trích lập đầy đủ thì lợi nhuận trước thuế giảm đi một khoản tương ứng là hơn 25 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm nay, trên báo cáo soát xét, đơn vị kiểm toán tiếp tục nêu ý kiến với các khoản công nợ hơn 22 tỷ đồng. Như thường lệ, nếu trích lập đầy đủ, lợi nhuận công ty giảm số tiền tương ứng.
Báo cáo kiểm toán năm 2023 và soát xét bán niên 2024 còn nêu một số vấn đề tương đồng, như chi phí thực hiện mua tour du lịch cho khách hàng hơn 2,7 tỷ đồng (phát sinh từ tháng 12/2022 đến nay) nhưng công ty vẫn chưa nghiệm thu với đối tác. Đơn vị kiểm toán không chắc chắn liệu có thu hồi được khoản chi phí này không.
Một số hàng hóa có giá trị hơn 6 tỷ đồng tồn đọng từ lâu không có khả năng tiêu thụ nhưng công ty chưa xem xét trích lập dự phòng.
Công ty chưa ghi nhận giá trị còn lại của tài sản phát mãi vào chi phí mà đang treo chi phí trả trước ngắn hạn với số tiền gần 20 tỷ đồng. Nếu công ty ghi đầy đủ giá trị còn lại của tài sản này sẽ làm giảm chỉ tiêu lợi nhuận tương ứng các năm 2023 và nửa đầu năm 2024.
Công ty còn chưa thu thập báo cáo tài chính năm 2023 và các năm trước của công ty liên kết là Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai; chưa xem xét trích lập dự phòng (nếu có) cho khoản đầu tư này.
Trong báo cáo năm 2023 và 6 tháng năm nay, đơn vị kiểm toán đều đưa ra các dữ liệu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.