(Dân trí) - Vượt qua cuộc khủng hoảng bầu Kiên và lấy lại vị thế, ACB trở lại top 4 ngân hàng tư nhân đứng đầu thị trường nhưng vẫn phải chấp nhận một khoảng cách khá xa để đuổi kịp người dẫn đầu.
10 năm thoát khỏi cái bóng "đại án bầu Kiên" của ACB
Vượt qua cuộc khủng hoảng bầu Kiên và lấy lại vị thế, ACB trở lại top 4 ngân hàng tư nhân đứng đầu thị trường nhưng vẫn phải chấp nhận một khoảng cách khá xa để đuổi kịp người dẫn đầu.
Tròn 10 năm trước, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt vào tháng 8/2012, kéo theo biến cố lớn nhất trong lịch sử ACB - ngân hàng tư nhân có quy mô lớn nhất đầu thập niên 2010. Phải mất nhiều năm sau, ACB mới lấy lại được vị thế, trở về nhóm ngân hàng tư nhân có lợi nhuận hàng đầu trên thị trường.
Dân trí sử dụng dữ liệu của FiinGroup để phác họa lại những thăng trầm của ACB trong một thập kỷ qua.
Kết thúc năm 2011, tổng tài sản của ACB đạt hơn 280.000 tỷ đồng, xây chắc vị thế ngân hàng tư nhân có quy mô lớn nhất thị trường. Nhưng sau khi bầu Kiên bị bắt, tổng tài sản của nhà băng này sụt giảm gần 40% chỉ còn hơn 176.000 tỷ đồng vào cuối năm 2012.
Quy mô tài sản của ACB tiếp tục thu hẹp trong năm 2013 và phục hồi chậm chạp những năm sau đó. Phải mất 5 năm, ACB mới lấy lại được quy mô như trước thời điểm đại án bầu Kiên xảy ra khi tổng tài sản đạt hơn 284.000 tỷ đồng vào năm 2017.
Vụ việc hàng loạt lãnh đạo của ACB vướng vòng lao lý năm 2012 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thương hiệu ACB. Con số minh chứng cụ thể nhất cho tác động của sự việc đối với niềm tin của khách hàng vào nhà băng này là số dư tiền gửi. Trong năm 2012, gần 17.000 tỷ đồng tiền gửi đã bị rút khỏi ACB. Sau hai năm, huy động tiền gửi ở ACB mới tăng trưởng ổn định.
Cùng thời điểm trên, hoạt động tín dụng tại ACB cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến năm 2015, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này mới thật sự khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng hơn mà biến cố để lại cho ACB là nợ xấu.
Trước thời điểm bầu Kiên bị bắt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ACB là 0,89%, nằm trong nhóm những ngân hàng quản trị rủi ro tốt ở thời điểm đó. Tuy nhiên, vào cuối năm 2012, nợ xấu của ngân hàng này đã vọt lên 2,5% và tiếp tục tăng lên mức đỉnh 3,03% vào năm 2013. Sau nhiều nỗ lực, ban lãnh đạo ACB mới có thể hạ tỷ lệ nợ xấu về dưới 2% vào năm 2015 và duy trì ổn định ở mức thấp hơn 1% từ năm 2017 đến nay.
Nợ xấu của ACB giai đoạn đó gắn liền với dư nợ của nhóm 6 công ty liên quan bầu Kiên. Vào cuối năm 2012, tổng dư nợ của nhóm 6 công ty này lên đến gần 9.000 tỷ đồng trong khi phần trích lập dự phòng chỉ hơn 200 tỷ đồng.
Suốt những năm sau đó, ACB tập trung xử lý khoản nợ của nhóm 6 công ty nói trên và đến năm 2017 giảm dư nợ của nhóm công ty liên quan bầu Kiên chỉ còn 616 tỷ đồng, đồng thời trích lập dự phòng toàn bộ. Đến năm 2018, báo cáo tài chính của ACB đã không còn thuyết minh về khoản dư nợ đối với nhóm công ty liên quan bầu Kiên.
Vào những năm 2010-2011, ACB luôn là một trong hai ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất. Nhưng sau khi sự kiện bầu Kiên xảy ra, lợi nhuận của ABC lao dốc từ 4.200 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong suốt 4 năm sau đó, ACB chật vật tìm lại lợi nhuận khi phải tái cấu trúc, xử lý những vấn đề hậu đại án bầu Kiên. Phải đến năm 2017, kết quả kinh doanh của nhà băng này mới thật sự khởi sắc. Đến năm 2018, lợi nhuận của ACB mới vượt được con số của năm 2011 và duy trì đà tăng trưởng ổn định trong 3 năm qua.
Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử ACB báo lãi hơn 10.000 tỷ đồng.