Huy động tiền gửi ì ạch, nhiều ngân hàng phải chạy đua trước ngày 1/10

Việt Đức

(Dân trí) - Tăng trưởng huy động chậm hơn nhiều so với tín dụng, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi cũng như huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của nhiều ngân hàng đang tăng lên.

Khoảng cách ngày càng rộng giữa huy động và cho vay

Trong báo cáo nghiên cứu về ngành ngân hàng vừa được phát hành, nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset chỉ ra chỉ số thanh khoản bình quân của các ngân hàng niêm yết đang suy giảm trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, dù sau 6 tháng kênh ngân hàng hút ròng thêm hơn nửa triệu tỷ đồng bao gồm 320.000 tỷ đồng của người dân nhưng tăng trưởng huy động tiền gửi của toàn ngành chỉ đạt 4,5% so với hồi đầu năm nay. Ở chiều ngược lại, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 9,4%.

Đáng chú ý, trong tháng 7, tiền gửi còn bị rút ròng khiến mức tăng trưởng huy động của toàn ngành ngân hàng giảm còn 4,2% so với hồi đầu năm, theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Trong khi đó, việc nhiều ngân hàng đã chạm mức trần tín dụng (room) được cấp khiến tốc độ giải ngân vốn chưa có nhiều cải thiện. Đến hết tháng 7, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng vẫn là 9,4%.

Huy động tiền gửi ì ạch, nhiều ngân hàng phải chạy đua trước ngày 1/10 - 1

Tăng trưởng tiền gửi của toàn ngành ngân hàng thấp hơn nhiều so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch (Ảnh: Mirae Asset)

Sự mất cân đối trong tăng trưởng giữa tín dụng và tiền gửi dẫn đến tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của ngành ngân hàng đã vượt 83%, tiệm cận với mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 85%. Dù vậy, chuyên gia của Mirae Asset cũng dự báo việc tỷ lệ LDR chạm trần sẽ khó xảy ra dựa trên giả định dựa trên giả định tiền gửi phục hồi trong nửa cuối năm.

Trong thực tế, nhiều ngân hàng thời gian qua đã có động thái tăng lãi suất tiền gửi để thu hút thêm dòng tiền từ người dân, doanh nghiệp. 

Hiện tại, lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng tại một số ngân hàng đã ở mức trên dưới 7%/năm như SCB (7,3%/năm), DongA Bank (7%/năm), VietCapital Bank (6,9%/năm), OCB (6,9%/năm), VietBank (6,8%/năm). Ở các ngân hàng tư nhân lớn, lãi suất tiết huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức trên dưới 6% năm như MB (5,8%/năm),VPBank (5,8%/năm), Techcombank (6%/năm), ACB (6%/năm), VIB (6%/năm).

Áp lực lớn vào tháng 10

Ngoài việc tỷ lệ LDR cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của một số ngân hàng như Techcombank, OCB, VPBank, VIB cũng gia tăng trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, nhiều nhà băng hiện không công khai về tỷ lệ này. 

Đáng chú ý, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/10 tới, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng sẽ không được vượt quá 34% so với mức 37% hiện nay. Mức trần 34% sẽ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong vòng một năm trước khi tiếp tục giảm còn 30% vào thời điểm 10/2023 theo lộ trình đã công bố.

Công ty chứng khoán đưa báo cáo trên nhận định việc tăng lãi suất tiết kiệm, tốc độ tăng trưởng tiền gửi, đặc biệt là tiền gửi kỳ hạn dài sẽ cải thiện phần nào giúp các ngân hàng giảm tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong những tháng tới. Ngoài ra, một vài tổ chức tín dụng cũng đã xem xét xin hoãn thời hạn áp dụng mức trần mới 37%.

Huy động tiền gửi ì ạch, nhiều ngân hàng phải chạy đua trước ngày 1/10 - 2

Một số ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn gần chạm ngưỡng trần sẽ có hiệu lực từ 1/10 đến 30/9/2023 (Ảnh: Mirae Asset).

Trong bối cảnh chi phí huy động vốn tăng lên cùng việc tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn sẽ phải giảm để đáp ứng quy định, chuyên gia của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ suy giảm trong thời gian tới. Ngay trong quý II vừa qua, một số ngân hàng đã sụt giảm biên lãi ròng như BIDV, Vietinbank, Sacombank, VPBank.

Yuanta dự báo các ngân hàng phải chấp nhận chi phí huy động vốn cao ít nhất đến cuối năm nay. Nhưng ở chiều ngược lại, các ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ người vay theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế, dẫn đến lãi suất cho vay có thể vẫn đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ. Thực tế này khiến biên lãi ròng của toàn ngành năm nay có thể sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia của Yuanta cũng dự báo các ngân hàng có tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp cùng với tỷ lệ LDR thấp so với mặt bằng chung như HDBank, MSB, VPBank sẽ ít chịu áp lực hơn về chi phí huy động vốn và có nhiều dư địa hơn so với các nhà băng còn lại trong việc gia tăng biên lãi ròng.