(Dân trí) - Trong đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng, người đứng đầu Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rất rõ: Quy hoạch thực hiện theo nguyên tắc thuận thiên, là đô thị xanh, không chồng chất các cao ốc dọc sông Hồng.
QUY HOẠCH ĐÔ THỊ SÔNG HỒNG: TUYỆT ĐỐI KHÔNG PHẢI LÀ ĐÔ THỊ NÉN ĐỂ BÁN BẤT ĐỘNG SẢN
Trao đổi với PV Dân trí, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nhấn mạnh: Chủ trương "Nhà nước làm, không giao cho doanh nghiệp" lập quy hoạch đô thị sông Hồng là quyết định đúng đắn.
Để doanh nghiệp làm thì phải hiểu, đằng sau việc họ tài trợ sẽ là nguy cơ về lợi ích nhóm. Doanh nghiệp nào sẽ là người bỏ tiền ra cho không Nhà nước? Cũng không thể giao cho những người không hiểu Hà Nội, không hiểu văn hóa sông Hồng làm quy hoạch được.
Bên cạnh đó, không được tính đến nó là đô thị nén để bán bất động sản. Trong đồ án này, người đứng đầu Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rất rõ là: Quy hoạch thực hiện theo nguyên tắc thuận thiên, là đô thị xanh, không "chồng chất" cao ốc dọc sông Hồng.
NHÀ NƯỚC TỰ LẬP QUY HOẠCH, KHÔNG CHỒNG CHẤT CÁC CAO ỐC DỌC SÔNG HỒNG
Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất trình các Bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6 tới. Với việc tái khởi động sau nhiều năm im ắng. Ông có nhận định gì về những điểm đột phá, đáng chú ý đồ án quy hoạch lần này?
Chủ trương này không phải không phải bây giờ mới có. Ý tưởng về quy hoạch sông Hồng đã từng được đề cập gần 25-30 năm trước. Nhưng vì nhiều lý do, ý tưởng vẫn chỉ trên giấy. Có thể nói, bây giờ là điều kiện chín muồi để chúng ta quyết tâm làm thật tốt quy hoạch có tính lịch sử này.
Trước đây, một trong những cái vướng khi quy hoạch đô thị sông Hồng là vấn đề thủy văn. Sông Hồng có đặc điểm thủy văn phức tạp và dữ dội. Muốn làm được thì phải xác định được cốt nước cao nhất khi có lũ ra sao, ảnh hưởng như thế nào...
Bên cạnh đó, còn có nhiều vấn đề khác về tư duy, tầm nhìn, cách đặt vấn đề ở từng giai đoạn lãnh đạo thành phố, khiến việc lập quy hoạch không "đến nơi đến chốn". Đặc biệt việc lập quy hoạch đó hầu như chỉ giao cho tư vấn nước ngoài hay doanh nghiệp bỏ vốn lập dưới hình thức xã hội hóa.
Tôi rất tâm đắc với quyết định của Hà Nội lần này, đó là quy hoạch do Nhà nước làm, không giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Đó là quyết định đúng đắn.
Một điều đáng lưu ý nữa, trong đồ án này, người đứng đầu TP. Hà Nội đã chỉ đạo rất rõ là: Quy hoạch thực hiện theo nguyên tắc thuận thiên, là đô thị xanh, không chồng chất các cao ốc dọc sông Hồng.
Các đô thị được xây dựng lên phải theo nguyên tắc thuận thiên, tức là hài hòa với thiên nhiên, không đối chọi với thiên nhiên, đó là tư duy hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Tôi rất đồng tình phát triển đô thị sông Hồng là đô thị xanh, kiến trúc xanh, có cảnh quan xanh, không gian xanh và bảo tồn được các di sản, di tích lịch sử.
BÂY GIỜ LÀ MẤY TRĂM NGHÌN ĐỒNG/M2 ĐẤT BÃI, NHƯNG KHI CÓ QUY HOẠCH GIÁ SẼ KHÁC
Ông có thể phân tích rõ hơn những cái được khi Nhà nước làm quy hoạch mà không giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào như cách làm trước đây?
Hồi năm 2006, lãnh đạo TP. Hà Nội và Thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội.
Theo đó, thành phố Seoul sẽ cử chuyên gia hỗ trợ Hà Nội xây dựng phương án quy hoạch, cải tạo và khai thác hai bên bờ sông Hồng, bao gồm việc trị thủy, khai thác sử dụng đất và bố trí tái định cư cho người dân.
Chi phí nghiên cứu khoảng 5 triệu USD, trong đó thành phố Seoul đảm nhận 90% kinh phí.
Cách đây vài năm, có một số doanh nghiệp tự nguyện đóng góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng.
Mới đây nhất, Bí thư Hà Nội khẳng định "Nhà nước làm, không giao cho doanh nghiệp". Nhà nước lập thì Nhà nước mới làm chủ được mục đích của mình.
Để doanh nghiệp làm thì phải hiểu rằng đằng sau việc họ tài trợ sẽ là nguy cơ về "lợi ích nhóm". Doanh nghiệp nào sẽ là người bỏ tiền ra cho không Nhà nước? Cũng không thể giao cho những người không hiểu Hà Nội, không hiểu văn hóa sông Hồng làm quy hoạch được.
Nhà nước cũng không cần lo vốn, nếu làm tốt, bài bản, Nhà nước sẽ thu được nguồn kinh phí khổng lồ từ quy hoạch này. Nhà nước cũng không cần bỏ vốn xây đô thị, Nhà nước chỉ làm quy hoạch thôi, rồi đấu giá đất thu hồi vốn về Nhà nước.
Bây giờ chỉ là mấy trăm nghìn đồng/m2 đất bãi, nhưng khi có quy hoạch thì giá sẽ vô cùng khác. Bởi, suy cho cùng bản chất của quy hoạch không chỉ là tạo dựng không gian sống mà còn là bài toán kinh tế. Làm sao để cho "tài nguyên đất" phải có giá trị cao nhất khi có quy hoạch.
Trong quá trình đô thị hóa và mở rộng Hà Nội, chúng ta đã phải trả giá đắt khi lúc này, lúc khác để doanh nghiệp chi phối lập quy hoạch, thậm chí điều chỉnh cả quy hoạch của Nhà nước vì lợi nhuận. Vì thế mới có chuyện nhiều nơi bị chất tải bởi những cao ốc, tăng dân số, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Nhiều khu đô thị thiếu hạ tầng kết nối.
PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ KHÔNG ĐƠN THUẦN LÀ VẤN ĐỀ KHÔNG GIAN
Năm 2006, các chuyên gia đô thị Hàn Quốc đã đưa ra ý tưởng xây dựng nhiều nhà cao tầng ở 2 bên bờ sông nhằm khai thác tối đa quỹ đất phục vụ quá trình đô thị hóa. Nhưng với quy hoạch lần này thì khác, lãnh đạo Hà Nội khẳng định không "chồng chất" cao ốc lên hai bên sông Hồng. Ông rất tâm đắc với chỉ đạo này?
Quy hoạch này được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Dân số theo tính toán dao động 280.000 - 320.000 người.
Trong đồ án lần này, một nội dung tôi đặc biệt quan tâm đó là không chất tải các cao ốc dọc hai bên bờ sông Hồng và khẳng định đó phải là đô thị xanh, mà đô thị này được xây dựng lên phải "thuận thiên".
Chúng ta coi phát triển đô thị không đơn thuần chỉ là phát triển không gian, mà còn những yếu tố khác về văn hóa. Đặc điểm tự nhiên của Sông Hồng cũng như văn hóa sông Hồng, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nơi sông Hồng chảy giữa lòng thành phố lại rất khác sông Hàn và văn hóa của Hàn Quốc.
CHỖ NÀO CÓ NHÀ CAO TẦNG CẦN ĐƯỢC TÍNH TOÁN HỢP LÝ
Vậy việc quy hoạch các nhà cao tầng, theo ông như thế nào sẽ hợp lý?
Tất nhiên phải nhấn mạnh rằng, điều đó không có nghĩa là không có nhà cao tầng. Những chỗ nào cần có sẽ được tính trong quy hoạch một cách hợp lý, nhưng không phải là dày đặc.
Nó càng không được tính đến là đô thị nén để bán bất động sản. Nguyên tắc chúng ta là lấy đất đai nuôi đô thị. Đấu thầu đất, dùng tiền đó để xây dựng hạ tầng. Cách làm lần này cần phải cố gắng tiết kiệm đất đai, khai thác một cách hiệu quả, quản lý bằng quy hoạch.
Chỗ nào được xây dựng nhà cao tầng phải có biện pháp quản lý, không thể dày đặc như đường Tố Hữu, Lê Văn Lương được. Nếu làm thế, kiến trúc hai bờ Sông Hồng sẽ trở thành bức tường. Cần ưu tiên mật độ xây dựng thấp, ưu tiên nhiều công viên, cây xanh, không gian văn hóa công cộng và cả bãi đỗ xe…
MUỐN CÓ ĐÔ THỊ THÔNG MINH, CẦN CÓ QUY HOẠCH THÔNG MINH
Trước đây sông Hồng cận biên là phía Bắc, bây giờ tư duy quy hoạch mới, trục giữa nằm giữa lòng sông Hồng, từ đó phát triển hài hòa 2 bên bờ sông. Ông nghĩ sao?
Bãi giữa tôi cho rằng chỉ nên làm công viên xanh, kết hợp làm nông nghiệp sạch, xây dựng các nhà thấp tầng để làm du lịch sinh thái. Vừa làm kinh tế du lịch, vừa tạo ra nguồn thực phẩm cho Hà Nội, nếu nước lên thì cũng không ảnh hưởng gì. Chúng ta trồng cây gì để khi nước rút đi thì nó vẫn sống, cũng có phải cả năm lũ đâu. Cái này muốn rõ hơn thì phía Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải góp ý. Cái này tính được hết.
Bài toán về khu đô thị sông Hồng cần phải tính toán rất kỹ vấn đề biến đổi khí hậu, đánh giá tác động môi trường. Không gian và cảnh quan của trục sông Hồng cần đặc biệt chú trọng khi xây dựng đồ án.
Quy hoạch sông Hồng có tính chất phức tạp, liên quan đa ngành, cần tích hợp nhiều quy hoạch cấp cao. Vì vậy, đồ án không chỉ đảm bảo đầy đủ, vững chắc cơ sở pháp lý, khoa học mà còn phải đảm bảo tính khả thi và đánh giá kỹ lưỡng các tác động trong quá trình thực hiện.
Chúng ta đang xây dựng đô thị thông minh thì trước tiên phải có quy hoạch thông minh. Quy hoạch đó phải phù hợp với thiên nhiên, con người và văn hóa Hà Nội.
QUY HOẠCH ĐÔ THỊ SÔNG HỒNG, HÀ NỘI PHẢI LÀM CHỦ, ĐỪNG ĐỂ DOANH NGHIỆP "CẦM TRỊCH"
Vậy còn những điều gì khiến ông băn khoăn, trăn trở, muốn góp ý cho quy hoạch của Hà Nội lần này, thưa ông?
Điều tôi băn khoăn trước tiên đó là đầu nguồn sông Hồng, là phía Trung Quốc - chiếm gần một nửa diện tích lưu vực sông ở phần thượng lưu, lượng dòng chảy hàng năm sản sinh trên lãnh thổ Trung Quốc.
Tại phần lưu vực này, Trung Quốc đã cho vận hành mười mấy đập thủy điện lớn nhỏ. Đây là một bất lợi, vì chúng ta không chủ động được sự điều tiết dòng chảy, mực nước lên xuống của con sông.
Việc trị thủy sông Hồng không chỉ là chuyện của riêng Hà Nội mà còn liên quan đến cả vùng và quốc gia. Điều này đòi hỏi sự đóng góp lớn từ các nhà khoa học, các Bộ, ngành vào cuộc, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nếu làm tốt được, chủ động tính toán được thủy văn sông Hồng với tần suất 500 năm, thì chắc chắn chúng ta có cơ sở để hình thành một đồ án quy hoạch thành phố hai bờ sông Hồng một cách bền vững. Lúc đó, Hà Nội sẽ không quay lưng với bờ sông nữa mà nhìn ra sông Hồng. Sông Hồng sẽ là con sông trung tâm của Thủ đô.
Điều thứ hai, trước đây chúng ta có ý tưởng về một đô thị như đô thị sông Hàn - Hàn Quốc. Đó là mong muốn duy ý chí. Cần có cách nhìn, cách tiếp cận phù hợp với mỗi mảnh đất, địa thế mỗi nơi. Văn hóa bản địa cần được tôn vinh, đô thị sông Hồng phải mang bản sắc văn hóa Thăng Long.
Di sản phải được bảo tồn, giữ gìn. Đô thị này phải tiếp nối được quá khứ, hiện tại tương lai. Dọc sông Hồng không biết bao chùa chiền, di tích lịch sử. Đó là giá trị văn hóa, nhưng cũng là tiềm năng kinh tế không đâu có được. Người Việt làm, hiểu được giá trị văn hóa người Việt.
Theo tôi, Hà Nội có thể tổ chức một cuộc thi về quy hoạch đô thị sông Hồng trên cơ sở những mục tiêu cơ bản mà Hà Nội hướng đến. Đó là nhiệm vụ, là đầu bài mà Hà Nội đưa ra, việc còn lại là tìm những lời giải tối ưu nhất qua cuộc thi minh bạch, công bằng, công khai.
Trong việc lập quy hoạch đô thị sông Hồng, Hà Nội phải làm chủ, đừng để cho doanh nghiệp "cầm trịch". Để doanh nghiệp nhảy vào có lợi ích nhóm, rồi đua nhau xen cấy nhà cao tầng vào. Lợi nhuận từ đất ghê gớm lắm.
Ví dụ một mét vuông đất giá 1 đồng nhưng nếu biến thành 1m2 bất động sản thì là 100 đồng và nếu chồng lên 30 tầng thì nó là bao nhiêu? Ai cũng hiểu. Không ai cho không ai cái gì.
Bên cạnh đó, bài toán giãn dân hiện nay vẫn chưa tìm ra. Việc này cũng không thể cưỡng chế được, bởi nó là thói quen, là văn hóa, là nơi sinh nhai. Vì thế, phải làm sao xây dựng được những nơi chốn để họ muốn về đó sống và kiếm sống.
Tôi tin rằng chúng ta có quyết tâm, chủ trương đúng, người thực thi có tâm, có tài, có trách nhiệm thì Hà nội sẽ thực hiện được những kỳ vọng lớn lao ở quy hoạch này.
Xin trân trọng cám ơn ông về những chia sẻ này!