DMagazine

Nhà đầu tư có nhất thiết "hoảng loạn" khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt?

(Dân trí) - Chuyên gia đánh giá, rủi ro của sự kiện bắt ông Trịnh Văn Quyết lần này là rất thấp và không tạo ra một hiện tượng "hòn tuyết lăn" như những lo ngại năm xưa khi các yếu nhân vướng vòng lao lý.

Nhà đầu tư có nhất thiết "hoảng loạn" khi Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt?

Rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có một đêm 29/3 không ngủ với nỗi bất an, lo ngại về biến động thị trường trong ngày 30/3 và những phiên kế tiếp sau khi tin bắt ông Trịnh Văn Quyết đã chính thức được công bố.

Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt với cáo buộc đã "thao túng TTCK", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK Việt Nam.

Rủi ro với kinh tế rất thấp và không tạo ra một hiện tượng "hòn tuyết lăn"

Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT cho rằng, về ảnh hưởng của sự kiện này đối với nền kinh tế hiện tại là ở mức độ "thấp và không đáng kể" vì quy mô kinh doanh của hệ sinh thái này rất bé, ngoại trừ Bamboo Airways - BAV (chưa phải là công ty đại chúng nên chưa có số liệu cụ thể).

Cụ thể, tổng doanh thu hệ sinh thái tập đoàn này vào khoảng 13.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 500 triệu USD và chỉ bằng khoảng 0,014% GDP Việt Nam. Về nợ bao gồm cả ngắn và dài hạn (chưa tính Bamboo Airways) khoảng 8.400 tỷ đồng, tương đương với khoảng 360 triệu USD, quá bé so với quy mô nợ hơn 11 triệu tỷ đồng của nền kinh tế Việt Nam.

"Những số liệu này cho thấy với quy mô này nhóm hệ sinh thái phía trên không có ảnh hưởng nào tới nền kinh tế hiện tại vì quy mô và mức độ liên kết, liên đới rất nhỏ" - ông Huỳnh Minh Tuấn nhận xét.

Nhà đầu tư có nhất thiết hoảng loạn khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt? - 1
FIDT giữ nguyên đánh giá ban đầu là "rủi ro rất thấp và không tạo ra một hiện tượng hòn tuyết lăn như những lo ngại năm xưa khi các yếu nhân vướng vòng lao lý.
Ông Huỳnh Minh Tuấn Nhà sáng lập Sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT

Nhà sáng lập FIDT cũng cho biết, về Bamboo Airways, hiện tại FIDT chưa thu thập được đầy đủ số liệu để đánh giá về dư nợ và quy mô vốn, tuy nhiên Bamboo Airways sẽ có liên đới tới các ngân hàng cho vay cầm cố bổ sung tài sản đảm bảo là cổ phần BVA này như Sacombank (mã STB) với 1.840 tỷ đồng, OCB Bank (mã OCB) với 1.400 tỷ đồng. Những ngân hàng này sẽ phải trích lập theo chuẩn quản trị rủi ro của từng ngân hàng trong các trường hợp khẩn cấp như Tổng giám đốc hay Chủ tịch doanh nghiệp bị vướng vòng lao lý và đánh giá lại toàn bộ các khoản vay này và yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo để nâng hệ số an toàn lên.

"Lấy một chuẩn tham chiếu từ Sacombank là cho vay cầm cố cổ phần này với mức định giá khoảng 8.500 đồng (dưới mệnh giá), giả sử tổng vốn điều lệ của Bamboo Airways là 16.000 tỷ đồng thì mức cầm cố từ số cổ phần này sẽ vào khoảng 13.600 tỷ đồng là mức dự phóng tối đa cho dư nợ phát sinh từ cổ phần của Bamboo Airways".

Về máy bay, theo ông Tuấn, hầu hết Bamboo Airways đang vận hành là thuê, các hợp đồng đặt mua từ trước tới giờ chưa được ghi nhận, vì vậy, các tài sản này không thuộc về hãng bay và không phát sinh dư nợ với hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tóm lại, ông Tuấn cho biết, qua bóc tách dư nợ toàn bộ hệ thống Tập đoàn FLC vào khoảng gần 1 tỷ USD trong đó hơn 60% được đánh giá là an toàn bởi sự vận hành của Bamboo Airways là khá hiệu quả theo khảo sát của FIDT.

Nhà đầu tư có nhất thiết hoảng loạn khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt? - 2

(Nguồn: FIDT).

Những ảnh hưởng về dư nợ, chất lượng tài sản và tín nhiệm sẽ được các ngân hàng rà soát lại sau thông tin ngày hôm qua và đi kèm những kế hoạch dự phóng gồm trích lập, yêu cầu bổ sung tài sản là tất yếu và FIDT giữ nguyên đánh giá ban đầu là "rủi ro rất thấp và không tạo ra một hiện tượng hòn tuyết lăn như những lo ngại năm xưa khi các yếu nhân vướng vòng lao lý"!

Mức độ tác động TTCK lần này nhẹ nhàng hơn vì hoạt động bán giải chấp đã giải quyết trong tháng 1

Bàn về ảnh hưởng của sự kiện trên tới TTCK, ông Huỳnh Minh Tuấn đánh giá, đương nhiên là sẽ có tính liên đới trực tiếp với nhau khi TTCK là nơi phản ánh kì vọng kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp được niêm yết tại đây.

Nhà đầu tư có nhất thiết hoảng loạn khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt? - 3
Sự kiện này tạo ra một bước ngoặt về môi trường đầu tư sạch, an toàn và bảo vệ tốt cho toàn bộ tầng lớp nhà đầu tư tham gia hiện tại, từ đó thúc đẩy sự lớn mạnh tiếp nối của thị trường trong những năm tiếp theo là chắc chắn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn Nhà sáng lập FIDT

FIDT nhận định có 2 nhóm ảnh hưởng trực tiếp bởi sự kiện này, trước hết là hệ sinh thái của FLC như AMD, KFL, ART, ROS, HAI, GAB... vì "tính gia đình" và sẽ tiếp tục diễn biến bán tháo là khó tránh khỏi; bên cạnh đó, BVA cũng sẽ rơi mạnh trên thị trường OTC là điều tất yếu.

Nhóm tiếp theo là nhóm ngân hàng mà hệ sinh thái FLC đang có dư nợ gồm STB, OCB, BID, NVB... do quy trình trích lập và gọi bổ sung tài sản cũng như rà soát lại chất lượng tài sản, đánh giá lại mức giá cho vay...

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, ở nhóm ngân hàng vừa đề cập thì quy mô nợ xấu của hệ sinh thái FLC nếu có cũng khá nhỏ với quy mô tổng tài sản của từng ngân hàng như Sacombank, OCB hay Navibank, vì vậy, mức độ phản ứng với giá cổ phiếu chỉ khoảng trong vòng 1-2 phiên là cùng và đi kèm với đó là những thông tin được công bố về cơ cấu nợ sẽ làm thẩm thấu những lo ngại này vào thị giá các nhà bank này.

Trên góc độ toàn bộ thị trường và các nhóm ngành còn lại, ông Tuấn nhìn nhận, sự kiện này "thật sự không liên quan gì" vì nhóm FLC này từ lâu đã tách bạch và "định vị" ở nhóm đầu cơ rất rõ, có chăng  chỉ là một lượng tiền đầu cơ tương đối sẽ bị nhốt trong "họ" FLC cũng như liên đới tới một vài "kho hàng" tự phát theo kiểu bán bổ sung tài sản.

Nhà sáng lập FIDT đánh giá, mức độ của vụ việc lần này nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với trước đây và gần như không có nhiều hoạt động bán giải chấp liên đới ở các "kho hàng" này khi đã bị "xử lý" ở tháng 1 vừa qua.

Pha "ghi điểm" trong mắt nhà đầu tư ngoại

Sau những ảnh hưởng ngắn hạn có thể nói là "tiêu cực" như trên thì trung và dài hạn, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, "chỉ có thể nói: rất tốt".

Theo đó, dữ liệu lịch sử đã chứng minh với những lần vướng vào lao lý của các yếu nhân có quy mô còn tầm cỡ hơn nhiều so với ông Trịnh Văn Quyết thì thị trường thường phục hồi rất tốt về sau.

Nhà đầu tư có nhất thiết hoảng loạn khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt? - 4

(Nguồn: FIDT).

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, việc thể hiện quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh và minh bạch của thị trường sẽ thúc đẩy một luồng vốn quy mô lớn vào TTCK vì đây vẫn là nơi phân bổ tài sản chất lượng và là nơi huy động vốn trung và dài hạn tốt cho nhóm công ty làm ăn "đàng hoàng, minh bạch".

Từ sự vụ này, tâm lý về đánh bạc, đầu cơ, đội lái sẽ giảm bớt và việc nắn dòng vốn đầu tư sẽ diễn ra rất rõ. Có thể nói, nhóm cổ phiếu hưởng lợi là nhóm cổ phiếu làm ăn tốt, quy mô lớn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và uy tín từ người lãnh đạo sẽ "hút hàng".

Hơn nữa, đây còn là một pha "ghi điểm" trong mắt các nhà đầu tư ngoại đi kèm với triển vọng sáng sủa cho việc lên hạng của TTCK trong tương lai gần (2024 - 2025) khi những lực cản trở định tính đã được gỡ bỏ (minh bạch, hệ thống giao dịch lỗi thời..).

"Vậy có thể tóm gọn: Sự kiện này tạo ra một bước ngoặt về môi trường đầu tư sạch, an toàn và bảo vệ tốt cho toàn bộ tầng lớp nhà đầu tư tham gia hiện tại, từ đó thúc đẩy sự lớn mạnh tiếp nối của thị trường trong những năm tiếp theo là chắc chắn!" - ông Huỳnh Minh Tuấn đúc rút.

Sự thận trọng là cần thiết

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Điệp - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư S-Talk - cũng đã nêu quan điểm chính thức của doanh nghiệp này. Ông Điệp cũng chung quan điểm cho rằng đây là thông điệp thể hiện rõ quyết tâm làm trong sạch và minh bạch TTCK. Tất cả hành vi thao túng, vi phạm luật pháp mang tính hệ thống, đều sẽ bị xử lý theo chiều hướng tăng nặng.

Ngoài việc trấn an tâm lý cho nhà đầu tư cá nhân, ông Điệp nhìn nhận, việc này cũng mang lại niềm tin cho giới đầu tư nước ngoài.

"Bài học 2 quỹ ETF ngoại mua ROS với giá trên 200.000 đồng/cổ phiếu rồi phải bán toàn bộ khoản đầu tư này với giá 2.000 đồng/cổ phiếu là việc không mang lại sự tin tưởng của giới đầu tư" - ông Điệp gợi nhớ lại.

CEO S-talk cũng lưu ý, mặc dù về dài hạn đây là tin tốt cho cả thị trường, nhưng trong ngắn hạn vẫn có thể sẽ có ảnh hưởng tiêu cực cho một số nhóm cổ phiếu.

Cụ thể, những cổ phiếu có liên quan trực tiếp đến ông Trịnh Văn Quyết sẽ giảm sâu và kéo dài, nhóm bất động sản có thể sẽ tiêu cực trong một vài phiên. Nhóm ngân hàng với những tổ chức có cấp tín dụng cho cổ phiếu liên quan với ông Quyết có thể cũng chịu áp lực bán.

Nhà đầu tư có nhất thiết hoảng loạn khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt? - 5
Tất cả những hành vi thao túng, vi phạm luật pháp mang tính hệ thống, đều sẽ bị xử lý theo chiều hướng tăng nặng.
Ông Nguyễn Hồng Điệp Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư S-Talk

Ngoài ra, ông Điệp không loại trừ có những ảnh hưởng mang tính "domino" khi một vài chủ thể thị trường phải bán tài sản là các cổ phiếu tốt, để cân lại khoản mục cho vay nhóm FLC (call margin chéo - PV).

"Với tình hình hiện nay, sự thận trọng là cần thiết trong quản trị rủi ro danh mục. Luôn quan sát và đi theo các bước khuyến nghị của đội ngũ chuyên gia tư vấn chứng khoán" - ông Nguyễn Hồng Điệp đưa lời khuyên.

Thị trường vẫn "rất ổn" và "mạnh mẽ"

Nói với Dân trí, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, TTCK vẫn "rất ổn".

Thứ nhất là thanh khoản giao dịch tốt, dòng tiền mạnh mẽ. Giá trị giao dịch trong tháng 3 đã tăng mạnh so với tháng 2 (có tháng Tết). Tâm lý của nhà đầu tư cũng tốt.

Yếu tố thứ 2 hỗ trợ thị trường là sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong quý I. Dù con số không đạt được như mong muốn (tăng trưởng chỉ đạt khoảng 5,05%) tuy nhiên các yếu tố cân đối vĩ mô khác đều ổn định.

Yếu tố thứ 3 là lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I năm nay chắc chắn sẽ có sự khởi sắc do kinh tế vĩ mô phục hồi trở lại. Hơn nữa cũng đã sắp đến mùa họp đại hội đồng cổ đông, tại đây, các doanh nghiệp sẽ công bố một số báo cáo về kế hoạch kinh doanh. Hiện tại cũng đã có một số doanh nghiệp hé lộ kế hoạch kinh doanh khá là sáng sủa.

"Nói chung, nếu nhìn vào thị trường hiện tại thì thị trường vẫn rất mạnh mẽ. Cá nhân tôi không thấy có vấn đề gì với thị trường cả", ông Hoàng Công Tuấn nói.

Những dòng cổ phiếu nào triển vọng?

Ông Hoàng Công Tuấn cho biết, thời gian tới, dòng cổ phiếu bất động sản vẫn là dòng cổ phiếu thu hút sự chú ý của nhà đầu tư bởi có 2 yếu tố thúc đẩy: Một là, thị trường bất động sản hiện nay không thể phủ nhận là đang rất sôi động. Các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất và có sẵn sản phẩm mở bán thì có thể khẳng định là họ sẽ có thể mở bán được luôn trong năm nay với mức giá tốt. Vấn đề là doanh nghiệp có quỹ đất tốt, dự án tốt để mở bán trong năm 2022 hay không.

Nhóm thứ hai có triển vọng tốt, theo ông Tuấn, là nhóm chứng khoán. "Thị trường giao dịch sôi động như thế này thì chắc chắn kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán sẽ rất sáng sủa ít nhất là so với cùng kỳ năm ngoái". So với quý IV/2021 có thể không đạt được sự vượt trội nhưng nếu so với cùng kỳ thì thanh khoản đã tăng đáng kể. Giao dịch trên thị trường vừa qua vô cùng sôi động.

Nhà đầu tư có nhất thiết hoảng loạn khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt? - 6
Nếu nhìn vào thị trường hiện tại thì thị trường vẫn rất mạnh mẽ. Cá nhân tôi không thấy có vấn đề gì với thị trường cả.
Ông Hoàng Công Tuấn Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Nhóm tiếp theo là dầu khí khi mà tiêu thụ xăng dầu, tiêu thụ khí năm nay sẽ tốt trở lại.

Nhóm cổ phiếu ngành điện cũng khả quan mặc dù sẽ có sự phân hóa. Có thể thấy tăng trưởng tiêu thụ điện đã tăng mạnh mẽ trở lại sau khi nền kinh tế có sự phục hồi và mở cửa toàn diện. Có thể quý II, tiêu thụ điện sẽ còn nhiều hơn nữa.

Còn về dòng hàng hóa cơ bản thời gian vừa qua tăng rất tốt nhưng theo ông Tuấn, quý tới nhóm này sẽ điều chỉnh trở lại vì nhà đầu tư sẽ nhìn vào tương lai. Ông tuấn đánh giá câu chuyện căng thẳng địa chính trị, câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng chỉ là câu chuyện tạm thời.

Căng thẳng Nga - Ukraine vừa qua đã đẩy giá cổ phiếu phân bón, sắt thép… lên rất mạnh, nhưng cũng chỉ mang tính thời điểm. Có thể một hai tháng tới các bên sẽ đạt hòa giải. Câu chuyện giá dầu mỏ thời gian qua thể hiện rất rõ, giá dầu có lúc đã tăng vượt 130 USD/thùng nhưng sau đó đã điều chỉnh trở lại.

"Những nhà đầu tư khôn ngoan đều hiểu rằng những câu chuyện đó cũng chỉ là câu chuyện tạm thời mà thôi. Ở góc độ đầu tư, chúng tôi nhìn vào câu chuyện tạm thời đó. Tôi nhìn nhận giá phân bón và một số hàng hóa cơ bản đã lên cao ở một mức phi lý rồi, bây giờ đầu tư vào những mã đó, chỉ cần đến khi giữa Nga và Ukraine đạt được một thỏa thuận chính thức thì lúc đó giá sẽ bị sụt giảm rất mạnh, rủi ro sẽ rất lớn" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Về rủi ro lạm phát, ông Tuấn đánh giá, áp lực lạm phát là đáng kể. Do đó, NHNN phải thận trọng và điều hành rất mượt mà trong năm nay thì mới giữ được lạm phát trong phạm vi 4% như mục tiêu.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng đặt kỳ vọng về việc giá xăng dầu khả năng sẽ giảm nhiệt trong tháng 4 và giá hàng hóa cơ bản tương tự cũng thoái trào vào nửa cuối năm, theo đó sẽ hỗ trợ cho kiểm soát CPI và không ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK. Còn trường hợp CPI tăng vượt 4% thì tác động đến chứng khoán sẽ khó tránh khỏi.

Nội dung: Mai Chi