DMagazine

Tương lai nào cho kinh tế toàn cầu với biến chủng Omicron?

(Dân trí) - 2022 là năm mà nền kinh tế thế giới được dự báo khởi sắc trở lại. Và sự xuất hiện của biến chủng Omicron tác động như thế nào đến dự báo này?

Biến thể Omicron đang thay đổi những hy vọng lạc quan rằng kinh tế thế giới sẽ vững bước trên đà phục hồi vào năm 2022. Nó cũng có khả năng làm chệch hướng kế hoạch đối phó với tình trạng lạm phát của các nhà hoạch định chính sách toàn cầu thay vì nhu cầu yếu, theo Bloomberg. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm trái chiều, cho rằng Omicron thậm chí là... thông tin tốt. Cụ thể ra sao? 

THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU CHAO ĐẢO 

Cuối tuần qua, các thị trường tài chính trên khắp thế giới đồng loạt sụt giảm khi giới đầu tư phản ứng với thông tin về biến thể virus mới tại Nam Phi, kéo theo hàng loạt các động thái siết chặt di chuyển của các quốc gia, làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực tới các nền kinh tế.

Tương lai nào cho kinh tế toàn cầu với biến chủng Omicron? - 1

Các thị trường chứng khoán lớn trên toàn cầu phản ứng tiêu cực sau khi thế giới ghi nhận biến chủng mới tại Nam Phi (Ảnh: Reuters).

Cuối tuần trước, ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xếp Omicron vào nhóm "biến thể đáng lo ngại", các thị trường tài chính toàn cầu, ngoại trừ vàng, đã có một ngày tồi tệ nhất năm.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones có lúc giảm hơn 1.000 điểm - mức giảm mạnh nhất kể từ đợt bán tháo hồi tháng 10 năm ngoái. S&P 500 cũng lao dốc 2,3%, mạnh nhất kể từ tháng 2. Bitcoin rơi vào thị trường giá xuống.

Chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến phiên tồi tệ nhất trong vòng 17 tháng. Tại châu Á, đà bán tháo trên các thị trường thậm chí đã bị kéo dài sang phiên đầu tuần này.

Chỉ sau một phiên cuối tuần, tổng cộng hơn 2.000 tỷ USD vốn hóa đã bị quét sạch khỏi thị trường. Nhóm cổ phiếu chịu thiệt hại nặng nề nhất như thường lệ vẫn là những công ty thuộc ngành du lịch, kinh doanh và các hãng hàng không.

Với việc một vài quốc gia bao gồm Anh và Pháp nhanh chóng đưa ra các biện pháp giới hạn di chuyển hàng không với Nam Phi và 7 nước châu Phi khác, giá cổ phiếu của các hãng hàng không đã giảm mạnh. Công ty mẹ của British Airways ghi nhận cổ phiếu mất 15% giá trị trong phiên gần nhất, mức giảm mạnh nhất trong nhóm FTSE 100.

Ngoài cổ phiếu, hàng loạt tài sản khác cũng lao đao. Giá dầu thô Mỹ WTI giảm hơn 13% xuống 68,15 USD/thùng - phiên tệ nhất kể từ tháng 4/2020. Giá dầu Brent cũng mất 11,55%, còn 72,72 USD/thùng.

Nỗi lo ngại về biến thể virus mới đang dần bao phủ thị trường. Các nhà đầu tư gấp rút bán tháo các tài sản rủi ro để quay trở lại kênh trú ẩn an toàn như vàng. Giá vàng thế giới có thời điểm bật tăng 1%, nhích lên trên ngưỡng 1.800 USD/ounce trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước trước khi ổn định trở lại cuối phiên.

"Tình hình chắc chắn sẽ nguy hiểm hơn", John Vail - Chiến lược gia toàn cầu tại Công ty Quản lý Tài sản Nikko chia sẻ với CNBC. "Biến chủng lần này có thể không khủng khiếp như các thị trường nghĩ. Tuy nhiên, nó vẫn sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư với tài sản rủi ro và tiêu dùng do mọi người sẽ thận trọng hơn".

KỊCH BẢN NÀO CHO KINH TẾ TOÀN CẦU?

Không ít đơn vị quan sát thị trường nhận định tương lai của nền kinh tế và các thị trường tài chính phụ thuộc vào những phát hiện của các nhà khoa học về biến thể virus mới, bao gồm khả năng kháng vaccine và lây truyền của chủng Omicron và sẽ tiếp tục biến động biên độ lớn khi các quốc gia đánh giá nguy cơ.

"Đại dịch và các biến chủng vẫn là một trong những rủi ro lớn nhất với thị trường có thể tiếp tục gây biến động lớn trong năm tới", Keith Lerner - chiến lược gia thị trường tại Truist Advisory Service nhận định. "Tại thời điểm này, rất khó nói trước biến chủng mới sẽ tác động thế nào đến thị trường và trong bao lâu".

Tương lai nào cho kinh tế toàn cầu với biến chủng Omicron? - 2
Biến thể Omicron có thể đảo ngược nhiều thành tựu kinh tế mà thế giới đã nỗ lực tạo ra trong suốt những tháng qua (Ảnh: WSJ).

Trong trường hợp xấu nhất, các nước trên thế giới lại phải tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế virus lây lan. Điều này sẽ đe dọa lên chuỗi cung ứng vốn đang căng thẳng và làm tổn hại đến nhu cầu đang phục hồi. Khả năng này cũng làm dấy lên lo ngại về sự kết hợp của một biến số kép giữa lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại.

Những nhà kinh tế của Goldman Sachs Group đã đưa ra bốn kịch bản về mức độ tác động của biến thể Omicron. Kịch bản tiêu cực là thế giới sẽ xảy ra một làn sóng lây nhiễm lớn trong quý đầu tiên của năm tới.

Hôm qua (30/11), CEO hãng dược Moderna Stephane Bancel nhấn mạnh các vaccine hiện tại có thể không thực sự hiệu quả đối với biến thể mới. Đặc biệt, nếu so với biến thể Delta, hiệu quả của các mũi tiêm hiện tại đối với Omicron có khả năng sụt giảm đáng kể. Ông cũng đưa ra cảnh báo rằng các công ty dược phẩm sẽ mất nhiều tháng để có thể sản xuất vaccine quy mô lớn cho loại biến chủng này.

Do đó, nếu kịch bản tiêu cực trở thành hiện thực, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, với tốc độ tăng quý I năm sau chỉ khoảng 2%, thấp hơn 2,5% so với dự báo hiện tại. Tăng trưởng cả năm 2022 có thể giảm 0,4% xuống còn 4,2%.

Một kịch bản tích cực hơn là biến thể mới không gây nguy hiểm như lo ngại ban đầu. Nhưng sự xuất hiện của nó sẽ là một lời nhắc nhở rằng đại dịch vẫn là mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu, có khả năng lặp lại trong nhiều năm tới.

Omicron vẫn còn là một bí ẩn đang chờ các nhà khoa học tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu nó khiến đại dịch kéo dài, giá cả sẽ tiếp tục tăng cao, tăng trưởng việc làm bị ảnh hưởng và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng sẽ tồi tệ hơn.

"Chúng ta vẫn chưa rơi vào tình trạng lạm phát. Nhưng nếu thêm một năm nữa đóng cửa biên giới và sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể đẩy chúng ta đến đó", Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis, nhận định.

Biến thể Omicron xuất hiện đúng thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang muốn đẩy nhanh việc giảm chương trình mua trái phiếu để kích thích kinh tế. Các ngân hàng trung ương Anh (BOE) và châu Âu (ECB) cũng chuẩn bị đưa ra động thái tương tự trong vài tuần tới. Do đó, sự xuất hiện biến thể Omicron cũng có thể cản đường phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới và tránh nguy cơ lạm phát.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận những lo ngại nói trên, trong bản nội dung chuẩn bị cho phiên điều trần của ông tại Thượng viện Mỹ hôm 30/11: "Làn sóng đại dịch gần đây và sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể tạo rủi ro với thị trường việc làm và chuỗi cung ứng, cũng như gia tăng sự không chắc chắn về vấn đề lạm phát".

OMICRON CŨNG CÓ THỂ LÀ TIN TỐT 

Tuy nhiên, không phải toàn bộ giới chuyên gia đều nhìn thấy một kịch bản tiêu cực. Một số nhà kinh tế cho rằng mức độ ảnh hưởng của biến thể mới có thể thấp hơn so với năm 2020.

Tỷ phú, nhà đầu tư Bill Ackman cho biết biến thể Omicron mới thực sự có thể tạo động lực cho thị trường chứng khoán nếu các triệu chứng của người bệnh ít nghiêm trọng hơn.

Tương lai nào cho kinh tế toàn cầu với biến chủng Omicron? - 3

Tỷ phú Bill Ackman là nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Pershing Square Capital Management (Ảnh: CNBC). 

"Dù hiện vẫn còn quá sớm để có dữ liệu chính xác song các thông tin mới cho thấy biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ đến trung bình dù dễ lây lan hơn. Nếu đây là sự thật, thị trường sẽ trở lại với xu hướng tăng chứ không phải giảm", ông Ackman chia sẻ trên Twitter.

Nhà sáng lập và CEO của Pershing Square Capital Management nói thêm rằng, thông tin này sẽ mang đến đà tăng cho thị trường chứng khoán và giảm giá với thị trường trái phiếu.

Trên thực tế, ngoại trừ Trung Quốc, các nước khác trên thế giới đều lưỡng lự trong việc trở lại tình trạng phong tỏa. Nhờ tiêm chủng rộng rãi, những biện pháp hạn chế được áp dụng ở châu Âu đã linh hoạt hơn và ít gây tổn hại tới tăng trưởng.

"Các doanh nghiệp và hộ gia đình đã thích nghi với trạng thái mới. Do đó, mức độ ảnh hưởng có thể không quá nghiêm trọng", theo ông Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura Holdings.

Các doanh nghiệp Mỹ cũng đang phản ứng với biến thể Omicron với sự pha trộn của lo lắng, bối rối nhưng cũng khá thận trọng, theo WSJ. Biến thể Omicron với tốc độ lan truyền nhanh chóng đang thúc đẩy các công ty tại Mỹ phải cân nhắc lại các cách thức phục hồi, biện pháp an toàn và quy trình làm việc.

Các nhà bán lẻ thực phẩm Mỹ cho biết họ đang chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về biến thể mới trước khi thực hiện các thay đổi với hoạt động hiện tại của họ. Họ nói rằng các phương thức như đeo khẩu trang, tiêm phòng và khử trùng, đang hoạt động rất hiệu quả trong việc bảo vệ nhân viên và khách hàng trong đại dịch.

Ông Keith Milligan, chủ các chuỗi cửa hàng tạp hóa Piggly Wiggly ở Alabama và Georgia (Mỹ), cho biết ông không có thay đổi phương thức điều hành vì sự thật về biến thể vẫn chưa rõ ràng và ông vẫn đang chờ các thông tin chính xác nhất.

"Có một điều chắc chắn về đại dịch này. Đó là bạn nghĩ rằng bạn có thể dự đoán được nhiều thứ nhưng bạn vẫn có thể bị nó làm cho ngạc nhiên bất cứ khi nào", ông Milligan nói.