DMagazine

Jack Ma biến mất, Alibaba ngấm đòn và lời cảnh tỉnh từ Bắc Kinh

(Dân trí) - Việc Bắc Kinh "mạnh tay" với Alibaba là tín hiệu cảnh báo rằng Trung Quốc đang mất kiên nhẫn khi chứng kiến các công ty công nghệ nắm trong tay ngày càng nhiều quyền lực và vượt khỏi tầm kiểm soát.

Jack Ma biến mất, Alibaba ngấm đòn

và lời cảnh tỉnh từ Bắc Kinh

Những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba từng được xem là niềm kiêu hãnh, biểu tượng cho sự thịnh vượng kinh tế và sức mạnh công nghệ của Trung Quốc. Nhưng giờ đây, việc Bắc Kinh "mạnh tay" với Alibaba là tín hiệu cảnh báo rằng Chính phủ Trung Quốc đang mất kiên nhẫn khi chứng kiến các công ty công nghệ nắm trong tay ngày càng  nhiều "quyền lực" và vượt khỏi tầm kiểm soát.

Jack Ma "im hơi lặng tiếng" khó hiểu khi Alibaba lao đao

Vị tỷ phú sáng lập đế chế Alibaba - Jack Ma đã không xuất hiện trước công chúng 2 tháng nay kể từ sau bài phát biểu gây chú ý tại Thượng Hải hồi cuối tháng 10. Ít lâu sau đó, Công ty thanh toán Ant Group của Jack Ma đã bất ngờ bị hoãn thương vụ IPO trị giá 37 tỷ USD còn Alibaba thì dính vào vụ điều tra chống độc quyền của Bắc Kinh.

Jack Ma biến mất, Alibaba ngấm đòn và lời cảnh tỉnh từ Bắc Kinh - 1

Tờ Financial Times đưa tin Jack Ma đã vắng mặt trong đêm chung kết chương trình truyền hình dành cho doanh nhân mang tên "Africa's Business Heroes" mà ông là giám khảo. Điều này trái ngược với tuyên bố hôm 12/10 của Jack Ma rằng, ông mong chờ được gặp những người chơi lọt vào vòng chung kết của chương trình diễn ra vào 14/11.

Ảnh của Jack Ma hiện đã bị gỡ khỏi trang web chương trình và các video quảng bá, còn lịch phát sóng vòng chung kết đã bị hoãn đến mùa xuân mà chưa có thời gian cụ thể.

Phía Alibaba lý giải nguyên nhân khiến vị tỷ phú nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc vắng mặt trong đêm chung kết là do bị trùng về lịch trình. Nhưng điều này không ngăn được những đồn đoán lan rộng trên mạng xã hội về sự "im hơi lặng tiếng" đáng ngờ của Jack Ma trong 2 tháng qua - đúng bằng khoảng thời gian mà Alibaba lao đao khi rơi vào "tầm ngắm" của chính phủ Trung Quốc.

Jack Ma biến mất, Alibaba ngấm đòn và lời cảnh tỉnh từ Bắc Kinh - 2
Jack Ma biến mất, Alibaba ngấm đòn và lời cảnh tỉnh từ Bắc Kinh - 3

Theo một số nguồn tin, sau khi rời khỏi cương vị điều hành tập đoàn Alibaba, Jack Ma thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và các sự kiện kinh tế lớn với vai trò diễn giả. Nhưng suốt hai tháng qua, ông trùm đứng sau Alibaba đã không cập nhật thông tin gì trên mạng xã hội. Bài đăng gần đây nhất của Jack Ma trên tài khoản mạng xã hội Weibo của Trung Quốc là vào ngày 17/10, nội dung là một số nhận xét về hệ thống giáo dục.

Trong một bài phân tích vào cuối tháng 12/2020, bà Shuli Ren - chuyên gia thị trường châu Á tại Bloomberg đã nghi ngờ nguyên nhân sâu xa khiến Alibaba của Jack Ma rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh là vì bài phát biểu của cuối cùng của ông tại một diễn đàn ở Thượng Hải.

Jack Ma biến mất, Alibaba ngấm đòn và lời cảnh tỉnh từ Bắc Kinh - 4

Nội dung bài phát biểu bao gồm nhiều phát ngôn nhạy cảm, trong đó ông ví các ngân hàng thương mại Trung Quốc như "tiệm cầm đồ", chỉ những ai có tài sản thế chấp hoặc được bảo lãnh mới vay được tiền.

"Những gì chúng ta cần là xây dựng một hệ thống tài chính lành mạnh chứ không phải rủi ro tài chính mang tính hệ thống" - Jack Ma nhấn mạnh tại diễn đàn và cho rằng: "Đổi mới mà không chấp nhận rủi ro là giết chết sự đổi mới. Không có sự đổi mới nào không đi kèm với rủi ro trên thế giới này".

Alibaba: Từ "đế chế" quyền lực đến sự "ghẻ lạnh" của Bắc Kinh

Hơn hai thập kỷ kể từ khi thành lập vào năm 1999, dưới sự dẫn dắt của Jack Ma, Alibaba đã phát triển từ một công ty thương mại điện tử truyền thống thành một đế chế với hoạt động kinh doanh bao trùm nhiều lĩnh vực: vận tải logistics, điện toán đám mây, tài chính công nghệ... Vốn hóa thị trường Alibaba hiện đạt tới 616 tỷ USD, theo số liệu mới nhất của Bloomberg.

Jack Ma biến mất, Alibaba ngấm đòn và lời cảnh tỉnh từ Bắc Kinh - 5

Alibaba & Jack Ma: Tấm gương lớn cho các đại gia công nghệ Trung Quốc

Những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba từng được xem là niềm kiêu hãnh, biểu tượng cho sự thịnh vượng kinh tế và sức mạnh công nghệ của Trung Quốc. Nhưng giờ đây, việc Bắc Kinh mạnh tay với Alibaba là tín hiệu cảnh báo rằng Chính phủ đang dần mất kiên nhẫn khi chứng kiến các công ty công nghệ nắm trong tay ngày càng nhiều "quyền lực" và vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhất là khi Alibaba mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế công nghệ cao, chi phối hàng trăm triệu người dùng.

Jack Ma biến mất, Alibaba ngấm đòn và lời cảnh tỉnh từ Bắc Kinh - 6
Jack Ma biến mất, Alibaba ngấm đòn và lời cảnh tỉnh từ Bắc Kinh - 7

Những tháng gần đây, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã ban hành hàng loạt quy định trong lĩnh vực tài chính và chống độc quyền. Đến tháng 11, Sở giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đột ngột đình chỉ thương vụ IPO của Ant Group. Điều này đã khiến thị trường chứng khoán hoảng loạn, nhà đầu tư choáng váng và giá trị vốn hóa của Alibaba đã bốc hơn 140 tỷ USD do cổ phiếu sụt giảm.

Một tuần sau, Cơ quan quản lý thị trường quốc gia (SAMR) đã ban hành bảo dự thảo luật chống độc quyền dài 22 trang nhằm ngăn chặn hành vi độc quyền của các nền tảng internet lớn nhằm trực tiếp đến những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba - công ty mẹ của Ant Group.

Jack Ma biến mất, Alibaba ngấm đòn và lời cảnh tỉnh từ Bắc Kinh - 8

Sóng gió liên tục ập đến với Ant Group khi Bắc Kinh yêu cầu công ty fintech này tuân thủ quy định pháp luật và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh nhiều mảng quan trọng như dịch vụ tín dụng, bảo hiểm, quản lý tài sản… Ant Group còn bị chỉ trích vì thiếu cơ chế quản trị doanh nghiệp chặt chẽ và nghi ngờ sử dụng vị thế độc quyền trên thị trường để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Jack Ma biến mất, Alibaba ngấm đòn và lời cảnh tỉnh từ Bắc Kinh - 9

Các cơ quan quản lý cũng thành lập một lực lượng chuyên môn đặc biệt để giám sát hoạt động tài chính của Ant Group. Nhiều nguy cơ công ty con của Alibaba sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí bị tước một trong hai giấy phép hoạt động các nền tảng tín dụng vi mô là Huabei và Jiebei.

Còn chuyên gia Andrew Polk, đồng sáng lập kiêm Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế tại công ty tư vấn Trivium China thì cho rằng: Đây là lời cảnh báo tiếp theo của Chính phủ với các doanh nhân Trung Quốc rằng, anh có thể giàu có, có thể sở hữu một đế chế hùng mạnh nhưng bắt buộc phải tuân theo quy định của nhà nước.