Tại sao Trung Quốc lại "quay lưng" với Jack Ma?

(Dân trí) - Từ một người được yêu mến ở Trung Quốc, Jack Ma đã trở thành một "tội đồ" bị công chúng Trung Quốc quay lưng.

Ông chủ của gã khổng lồ công nghệ Alibaba đang phải trả giá cho những thái độ của mình với Bắc Kinh.

Tại sao Trung Quốc lại quay lưng với Jack Ma? - 1

Gần đây, công chúng ở Trung Quốc đã quay lưng với ông. Từ chỗ được yêu mến, Daddy Ma đã bị công chúng ở Trung Quốc ghét bỏ. (Ảnh: NYT)

Ở Trung Quốc, Jack Ma đồng nghĩa với thành công. Từ một giáo viên tiếng Anh cho đến doanh nhân trong lĩnh vực internet, Jack Ma đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Ông thành lập Alibaba - một đối thủ ngang hàng với Amazon. Sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Ma là người Trung Quốc cấp cao đầu tiên mà ông Trump gặp.

Thành công đó cũng đã chuyển sang cả đời sống cá nhân. Ông trở thành một ngôi sao với biệt danh "Daddy Ma". Năm 2017, Jack Ma còn vào vai một bậc thầy Kung fu trong một đoạn phim ngắn quy tụ nhiều ngôi sao điện ảnh hàng đầu Trung Quốc. Thậm chí, ông Ma còn hát song ca với Faye Wong - một diva nhạc Pop của Trung Quốc hay cùng với Zeng Fazhi - họa sĩ hàng đầu Trung Quốc - vẽ một bức tranh. Bức tranh đó đã được bán đấu giá ở sàn Sotheby's với giá 5,4 triệu USD.

Với những người trẻ và đầy tham vọng ở Trung Quốc, Daddy Ma là thần tượng đáng để học tập.

Nhưng gần đây, công chúng ở Trung Quốc đã quay lưng với ông. Từ chỗ được yêu mến, Daddy Ma đã bị công chúng ở Trung Quốc ghét bỏ.

Ông bị gọi là "kẻ xấu", "gã tư bản độc ác" và "con ma hút máu". Một nhà văn đã liệt kê "10 tội lỗi chết người" của ông. Và thay vì gọi là "bố" như trước đây, một số người đã bắt đầu gọi ông là "con trai" hoặc "cháu trai".

Việc hình ảnh của tỷ phú Jack Ma trong mắt công chúng trở nên xấu hơn xảy ra khi ông đang phải đối mặt với những rắc rối ngày càng tăng với chính phủ Trung Quốc. Hôm thứ 5 vừa qua, các quan chức Trung Quốc cho biết, họ đang mở rộng một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba - gã khổng lồ thương mại điện tử do ông đồng sáng lập và vẫn nắm giữ vị trí chủ chốt.

Đồng thời, các quan chức chính phủ vẫn đang tiếp tục xoay quanh Ant Group - một công ty trong lĩnh vực fintech mà ông Ma vừa thành lập.

Tháng trước, các nhà chức trách Trung Quốc đã ra lệnh hoãn thương vụ IPO "bom tấn" của Ant Group sau chưa đầy 2 tuần sau phát ngôn của tỷ phú này. Theo đó, Jack Ma đã công khai chê hệ thống tài chính Trung Quốc và cho rằng hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang hành xử như "tiệm cầm đồ".

Cũng trong sáng thứ 5 vừa qua, các quan chức Trung Quốc cũng cho rằng họ sẽ gặp Ant để thảo luận về các biện pháp giám sát mới.

Theo New York Times, nhìn bề ngoài, sự thay đổi thái độ của công chúng Trung Quốc đối với ông Ma phần lớn là bắt nguồn từ những chỉ trích của chính phủ đối với đế chế kinh doanh của ông. Nhưng đằng sau đó là một xu hướng sâu sắc và đáng lo ngại hơn đối với cả chính phủ Trung Quốc và các doanh nhân - những người đã đưa Trung Quốc thoát khỏi thời kỳ đen tối về kinh tế trong 4 thập kỷ qua.

Ngày càng nhiều người ở Trung Quốc cảm thấy những cơ hội mà những người như ông Ma được hưởng đang biến mất, ngay cả khi nước này đang hồi phục nhanh sau đại dịch.

Trung Quốc hiện có nhiều tỷ phú hơn Mỹ và Ấn Độ cộng lại, nhưng nước này cũng có khoảng 600 triệu người dân có mức thu nhập dưới 150 USD/ tháng hoặc ít hơn. Và trong khi mức chi tiêu trên toàn quốc 11 tháng qua giảm khoảng 5% thì tiêu dùng hàng xa xỉ vẫn dự kiến tăng gần 50% trong năm nay so với năm 2019.

Những người trẻ tốt nghiệp đại học, ngay cả những người có bằng cấp từ Mỹ trở về, vẫn phải đối mặt với triển vọng việc làm hạn chế và mức lương thấp. Nhà ở tại những thành phố tốt nhất đã trở nên quá đắt đối với những người mua lần đầu. Những người trẻ tuổi giờ phải vay nợ từ một thế hệ cho vay trực tuyến mới, như Ant Group của Jack Ma, và sẽ ngày càng phải trả nợ nhiều hơn.

Đối với tất cả những thành công của nền kinh tế Trung Quốc, sự oán giận đối với người giàu, hay còn gọi là ghét người giàu, đã nổi lên từ lâu. Với tỷ phú Jack Ma, điều đó đã nổi lên như một sự báo thù.

Trong cuộc họp lãnh đạo cấp cao thường niên vào tuần trước, Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường các biện pháp chống độc quyền và ngăn chặn "sự bành trướng của nguồn vốn một cách mất trật tự".

Từ lâu, ông Ma đã có danh tiếng tốt trong các lĩnh vực sản xuất, bất động sản và các ngành công nghiệp khác nhờ mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc. Ông cũng nổi tiếng với những tuyên bố táo bạo và thách thức chính quyền.

Năm 2003, ông thành lập Alipay, sau này trở thành một phần của Ant Group. Khi đó, ông đã tuyên bố với các đồng nghiệp rằng: "Nếu ai đó cần phải vào tù vì Alipay, hãy để đó là tôi". Thậm chí, nhiều lần ông từng nói: "Nếu chính phủ cần, tôi có thể giao nó cho chính phủ".

Thời điểm đó, ít người cho rằng những phát ngôn của ông Ma là nghiêm trọng. Nhưng giờ đây, cơ hội để những tuyên bố táo bạo đó trở thành hiện thực đã tăng cao.

Zhiwu Chen, một nhà kinh tế tại trường kinh doanh của Đại học Hồng Kông cho rằng: "Với những gì đã xảy ra, Ant sẽ phải chịu sự kiểm soát hoặc thậm chí phần lớn thuộc sở hữu của nhà nước".

Áp lực đối với ông Ma báo hiệu một sự thay đổi trong cách chính phủ Trung Quốc quản lý internet.

Ngày nay, Alibaba và Tencent đã kiểm soát nhiều dữ liệu cá nhân hơn và tham gia mật thiết vào cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc hơn so với Google, Facebook và các ông lớn công nghệ khác của Mỹ. Những gã khổng lồ Trung Quốc này đôi khi còn bắt nạt các đối thủ nhỏ hơn và giết chết sự đổi mới. Thậm chí, họ còn giúp chính quyền theo dõi người dân. Và chính phủ Trung Quốc ngày càng coi quy mô và ảnh hưởng này là một mối đe dọa.

Tuy nhiên, các công ty công nghệ của Trung Quốc không phải là các công ty độc quyền lớn nhất của nước này. Những công ty thuộc sở hữu nhà nước vẫn đang chi phối ngân hàng và tài chính, viễn thông, điện lực và các ngành kinh doanh thiết yếu khác.

Vẫn còn quá sớm để biết liệu chính quyền Trung Quốc sẽ kiểm soát ông Ma và các tập đoàn công nghệ lớn đến đâu. Nhưng một số người lo ngại rằng, nước này đang quay về với những khó khăn trong thập niên 1950.