iPhone - "con át chủ bài" giúp Apple vượt mốc vốn hóa 3.000 tỷ USD
(Dân trí) - Apple trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới vượt mốc vốn hóa 3.000 tỷ USD.
Cột mốc lịch sử
Apple đã chính thức trở thành công ty có giá trị vốn hóa thị trường vượt 3.000 tỷ USD, cột mốc phản ánh tầm ảnh hưởng dài hạn và sức mạnh bền bỉ của iPhone - sản phẩm đã làm thay đổi cuộc sống và thương mại trên toàn thế giới.
Bắt nguồn từ một công ty máy tính tại hầm để xe ở California (Mỹ) năm 1976, Apple giờ có giá trị thị trường lớn gấp đôi giá trị của đối thủ lâu năm Google.
"Gã khổng lồ" công nghệ này đã len lỏi sâu vào cuộc sống người tiêu dùng và trở thành một nền tảng vững chắc bất chấp bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.
Cổ phiếu Apple đã tăng mạnh trong năm nay, nhờ nhu cầu từ các thị trường mới nổi như Ấn Độ và sản phẩm tai nghe Vision Pro mới được ra mắt.
Giá cổ phiếu Apple đã tăng gần 50% tính từ đầu năm nay và vượt 30% so với mức tăng của chỉ số Nasdaq. Apple đã mất 42 năm để cán mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2018 và mất thêm 2 năm để đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2020. Apple mất thêm gần 3 năm nữa để cán mốc 3.000 tỷ USD trong năm 2023.
Đầu năm 2022, có thời điểm Apple đã vượt mốc giá trị vốn hóa thị trường 3.000 tỷ USD trong phiên nhưng lại không thể duy trì cho đến lúc kết phiên. Tuy nhiên, cuối phiên giao dịch ngày 30/6 vừa qua, giá cổ phiếu Apple đã tăng 2,3% lên mức 193,7 USD và giúp Apple đạt giá trị 3.050 tỷ USD.
Dan Morgan, chuyên gia quản lý danh mục đầu tư của Synovusus Trust, cho rằng Apple là doanh nghiệp an toàn đối với các nhà đầu tư trong hầu hết hoàn cảnh nhờ dòng tiền và lượng khách hàng lớn của công ty này. Ông cũng đánh giá rằng Apple là công ty mà giới đầu tư muốn mua vào ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn.
iPhone - "con át chủ bài"
Sức mạnh bền bỉ của Apple chủ yếu đến từ sự thành công của iPhone. Sản phẩm này hiện chiếm tới 50% tổng doanh số bán hàng hàng năm của công ty.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2007, công ty đã bán được hơn 2 tỷ chiếc iPhone. Mặc dù doanh số iPhone không còn tăng trưởng nhanh như trước nhưng quyết định tăng giá bán khi ra mắt dòng sản phẩm iPhone Pro vào năm 2019 đã đẩy mạnh doanh số bán hàng của công ty.
Apple cũng đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm hỗ trợ xung quanh sản phẩm chính là iPhone. Điều này vừa giúp công ty tăng doanh số, vừa giúp giữ chân khách hàng trong hệ sinh thái của họ.
Những động thái gần đây của Apple còn cho thấy sức phục hồi mạnh mẽ của công ty khi phải đối diện với những thách thức lớn trên thị trường. Điều này cho phép công ty hồi phục nhanh hơn hầu hết các đối thủ công nghệ lớn trong giai đoạn hậu Covid-19.
Apple cũng nhanh chóng vượt mặt đối thủ lâu năm trên thị trường là Microsoft. Công ty phần mềm này đã cán mốc giá trị 2.000 USD vào năm 2021, chậm hơn 1 năm so với Apple. Cổ phiếu của Microsoft cũng đã tăng hơn 40% từ đầu năm đến nay nhờ vào khoản đầu tư vào OpenAI, công ty đứng sau sản phẩm trí tuệ nhân tạo đình đám ChatGPT. Giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft hiện ở mức 2.500 tỷ USD.
Tuy nhiên, Apple cũng đã từng có giai đoạn vô cùng khó khăn vào cuối năm ngoái. Tháng 11/2022, công ty từng cảnh báo về sự gián đoạn chuỗi cung ứng do các lệnh hạn chế vì Covid-19 của Trung Quốc.
Điều này đã làm dấy lên nhiều lo lắng về việc Apple đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất phần cứng. Thời gian sau đó, công ty vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về dòng điện thoại mới iPhone 14. Tính đến cuối năm 2022, cổ phiếu của công ty đã giảm gần 30%.
Trong quý tài chính thứ hai năm nay (kết thúc vào 1/4/2023), Apple ghi nhận doanh thu đạt 94,8 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, phía công ty nhấn mạnh rằng doanh số bán điện thoại tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Mỹ Latinh và Trung Đông vẫn giữ đà tăng trưởng tốt.
Tham vọng lấn sân sang tài chính gặp khó
Để nỗ lực tạo thêm doanh thu, Apple đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ tài chính, với sự trợ giúp của ngân hàng Goldman Sachs. Năm 2022, gã khổng lồ công nghệ đã ghi nhận 20% doanh số từ dịch vụ tài chính.
Mối quan hệ giữa Apple và Goldman Sachs bắt đầu từ năm 2019, thời điểm 2 gã khổng lồ ra mắt Apple Card, một động thái mang tính bước ngoặt cho tham vọng của doanh nghiệp này trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
4 năm kể từ nỗ lực đầu tiên vào thị trường, Apple ngày càng lấn sâu trong lĩnh vực này và thậm chí còn mở rộng hơn nữa. Hãng hợp tác với Goldman Sachs và ra mắt tài khoản tiết kiệm với lãi suất 4,15%/năm, với mục đích biến iPhone thành ví điện tử có thể liên kết với toàn bộ hệ sinh thái phần mềm.
Theo các chuyên gia, lãi suất 4,15% mà Apple đưa ra không hề nhỏ so với tỷ lệ tiêu chuẩn, song vẫn có những ngân hàng trực tuyến khác đưa ra mức lãi suất 5%/năm. Ngoài ra, lãi suất hiện có của Apple đang đặc biệt hấp dẫn đối với những khách hàng mới, những người vốn lo ngại sự ổn định của ngành ngân hàng sau sự sụp đổ của SVB.
Tuy nhiên, mới đây Goldman Sachs lại đang xem xét quyết định rút khỏi quan hệ đối tác với Apple trong dự án xây dựng thẻ tín dụng Apple Card. Cụ thể, Goldman Sachs đang đàm phán với American Express để tiếp quản dự án thẻ tín dụng Apple Card và các dịch vụ khác mà hai bên dự định hợp tác cung cấp.
Đầu năm nay, Goldman tiết lộ rằng đã lỗ khoảng 3 tỷ USD do thúc đẩy quá nhanh hoạt động cho vay tiêu dùng kể từ năm 2020. Theo WSJ, tham vọng thâm nhập vào thế giới tài chính của Apple có thể sụp đổ nếu như họ không tìm được đối tác thay thế cho Goldman Sachs.
Bước chân vào thị trường mới đầy thách thức
"iPhone thực sự là một sản phẩm toàn cầu và hiện chúng tôi vẫn đang hoạt động tốt tại các thị trường mới nổi. Điều này đã giúp chúng tôi giảm thiểu được những thách thức kinh tế vĩ mô", ông Luca Maestri, Giám đốc tài chính của Apple chia sẻ với WSJ.
Bên cạnh mở rộng thị trường tại các thị trường đang phát triển, Apple còn tăng cường nỗ lực dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc để đến Ấn Độ và Việt Nam.
Tuy nhiên, tăng trưởng tại các thị trường mới nổi không đủ khả năng để bù đắp cho sự suy giảm của Apple đang gặp phải ở các nước phát triển hơn.
Ngân hàng đầu tư UBS mới đây đã hạ xếp hạng cổ phiếu của Apple xuống do đà tăng trưởng liên tục giảm tại các thị trường phát triển và dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp diễn.
Đầu tháng 6, với việc trình làng cặp kính Vision Pro, Apple đã chính thức dấn thân vào thị trường thực tế ảo với nhiều đối thủ cạnh tranh, trong đó có "ông lớn" Meta.
Các chuyên gia cho rằng Vision Pro sẽ không thể mang lại lợi ích lớn về tài chính cho Apple. Nhưng việc "gã khổng lồ" công nghệ gia nhập thị trường thế giới ảo sẽ góp phần giúp thị trường non trẻ này dễ dàng được chấp nhận và trở nên chính thống hơn.