Dân "chơi" chứng khoán chạy loạn, mất ăn mất ngủ vì "sập bẫy"

Mai Chi

(Dân trí) - Đợt tăng giá đầu phiên sáng trở thành "bẫy tăng giá" với nhà đầu tư chứng khoán, nhiều người đã "sập bẫy" vì chỉ ít giờ sau đó, tình trạng bán tháo lại xảy ra.

Niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi của thị trường chứng khoán kể từ sau đợt sụt mạnh vừa qua vẫn đang trong quá trình bị thử thách đáng kể khi mà mỗi một nhịp hồi sẽ lại xuất hiện thêm những nhịp giảm, không những vậy còn giảm rất sâu.

Chỉ số VN-Index sáng nay (1/12) sau khi tiến vượt 1.070 điểm đã quay đầu và có cú lao mạnh xuống vùng giá 1.045 điểm.

Tuy nhiên, diễn biến ngộp thở vẫn chưa dừng ở đó. Chỉ số hễ cứ kéo lên là lại chịu áp lực bán và tiếp tục giảm. Sự nghi ngờ và phòng thủ của nhà đầu tư được đẩy lên cao. Theo đó, những ai bị "kẹp hàng" ở những phiên trước, chỉ cần có cơ hội thị trường hồi phục là lập tức ra quyết định bán.

Dân chơi chứng khoán chạy loạn, mất ăn mất ngủ vì sập bẫy - 1
Dân chơi chứng khoán chạy loạn, mất ăn mất ngủ vì sập bẫy - 2

Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán phiên đầu tháng 2, nhịp tăng phiên sáng trở thành bẫy tăng giá (bulltrap) với nhà đầu tư

Vòng xoay luẩn quẩn đó khiến thị trường không thể bứt lên được. Điều gì đến cũng phải đến, một cú "đạp" cực mạnh vào cuối phiên tiếp tục "thổi bay" của VN-Index thêm 21,1 điểm tương ứng 2% xuống còn 1.035,51 điểm.

HNX-Index đóng cửa mất 5,37 điểm tương ứng 2,51% xuống còn 208,85 điểm; UPCoM-Index giảm 1 điểm tương ứng 1,39% còn 71,08 điểm.

"Dường như sự kiên nhẫn của nhà đầu tư sắp tới hạn. Bản thân tôi đã phải bán ra giá cổ phiếu ở mức giá rẻ mạt so với thời điểm tôi mua vào, cắt lỗ đau đớn, vì tôi nghĩ khi xu hướng thị trường bất ổn như hiện tại thì việc chấp nhận mỗi ngày lỗ thêm một ít, dồn lại là cả một khối tài sản to" - chị Nguyễn Hoài Thương, một nhà đầu tư ở TPHCM chia sẻ.

Chính bởi sự chán nản và mất niềm tin của nhà đầu tư, thị trường hôm nay chứng kiến 639 mã cổ phiếu giảm giá và có đến 159 mã giảm sàn.

Cổ phiếu penny "đo sàn" hàng loạt. Một màu xanh da trời bao phủ lên nhóm này: DLG, SJF, TNT, YBM, DAG, DRH, LSS, AGR, CCL, SBV, BSI, LCG, TDC, CSM… Hầu hết các mã cổ phiếu nói trên đều trắng bên mua.

Dân chơi chứng khoán chạy loạn, mất ăn mất ngủ vì sập bẫy - 3
Dân chơi chứng khoán chạy loạn, mất ăn mất ngủ vì sập bẫy - 4

Những nhà đầu tư mua đuổi cổ phiếu ở mức "giá xanh" đầu phiên sáng điếng người vì nhiều mã trong số đó đã giảm kịch sàn cuối phiên, bất kể là cổ phiếu VN30 hay penny, midcap

Đáng nói là có những mã trong phiên có thời điểm tăng giá thì cuối phiên lại giảm kịch biên độ. Theo đó, nhà đầu tư có thể bị mất hơn 7% giá trị khoản đầu tư nếu là cổ phiếu sàn HSX, hơn 10% nếu là cổ phiếu sàn HNX, UPCoM.

Vào nửa sau phiên chiều, không chỉ có cổ phiếu penny, midcap bị bán ra ồ ạt mà còn có cả những cổ phiếu vốn hóa lớn. VN30-Index trong phiên sáng vẫn còn giữ được trạng thái tăng thì ở phiên chiều cũng đã chấp nhận mất 18,45 điểm tương ứng 1,76% còn 1.029,86 điểm.

SSI giảm sàn, TCH giảm sàn, cả hai mã này đều trắng bên mua và dư bán sàn. SBT cũng suýt soát về mức sàn, giảm 6,7% còn 16.800 đồng.

MWG giảm 6,8% còn 123.700 đồng; VRE giảm 6,4%; KDH giảm 6,3%; MBB giảm 6,2%; VHM giảm 5,6%; BVH giảm 5,3%; PNJ giảm 5,2%; STB giảm 4,7%; HPG giảm 2%; VCB giảm 2%; GAS giảm 1,4%; VIC và VNM cũng giảm. Trong số này có nhiều mã trong phiên đạt trạng thái tăng khá mạnh nhưng cuối phiên vẫn giảm giá.

Như vậy, có thể thấy rằng, cổ phiếu bị bán ra trong phiên giảm nay có "vàng thau lẫn lộn", ngay cả những doanh nghiệp báo kết quả kinh doanh tích cực và tăng trưởng ổn định thì cổ phiếu vẫn bị xả hàng không thương tiếc.

Chiều ngược lại, TCB, FPT, VPB, CTG tiếp tục là những cổ phiếu được nhà đầu tư ưa thích. TCB tăng nhẹ 0,6%; FPT tăng 1,3%; VPB tăng 3,3%; CTG tăng 4,9%. Đáng chú ý, SAB duy trì tăng trần lên 173.000 đồng, cuối phiên không hề có dư bán trong khi vẫn còn dư mua sàn.

Dân chơi chứng khoán chạy loạn, mất ăn mất ngủ vì sập bẫy - 5

Nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái mua ròng trong khi thị trường hoảng loạn

Một thông tin mà nhà đầu tư cũng cần lưu tâm là ở phiên này, thanh khoản toàn thị trường đã giảm rất mạnh, giảm 24,7% so với phiên 29/1 xuống còn 15.798,3 tỷ đồng. Trong đó, sàn HSX là 13.651,5 tỷ đồng; HNX là 1.688,6 tỷ đồng, sàn UPCoM là 458,2 tỷ đồng. Riêng giá trị giao dịch thỏa thuận đạt 1.819,5 tỷ đồng, giảm 35,9% so, chiếm 11,5% tổng giá trị giao dịch.

Trong khi áp lực bán tăng mạnh thì nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) vẫn mua ròng 210,2 tỷ đồng trên toàn thị trường (riêng sàn HSX, khối ngoại mua ròng 184,5 tỷ đồng; mua ròng trên HNX 7,1 tỷ đồng và mua ròng trên sàn UPCoM là 18,5 tỷ đồng).

Tính riêng giao dịch khớp lệnh trên sàn HSX, tổ chức trong nước mua ròng 77,1 tỷ đồng (nhưng tự doanh công ty chứng khoán lại bán ròng 109,4 tỷ đồng), nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng 253,5 tỷ đồng.

Như vậy, có thể kết luận, áp lực bán ở phiên giao dịch hôm nay chủ yếu đến từ nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ (cá nhân).

Mặc dù đã có một phiên điều chỉnh mạnh song diễn biến của phiên ngày mai (2/2) vẫn rất khó để dự đoán liệu thị trường đã hồi phục được hay chưa. Bởi trong phiên 28/1, khi thị trường giảm sốc nhất lịch sử thì đã có một khối lượng hàng bắt đáy tương đối lớn và đúng vào ngày mai, cổ phiếu T+3 sẽ về tới tài khoản nhà đầu tư. Nếu hoạt động chốt hàng diễn ra thì rủi ro của thị trường vẫn còn hiện hữu.