DMagazine

"Giải cứu" nông sản: Những lời "gan ruột" từ tâm dịch Hải Dương!

(Dân trí) - Bà con mong bán được đồng nào thu được đồng đấy là may lắm rồi. Nhiều người không chỉ rơi vào cảnh "mất trắng" mà còn gánh thêm nợ nần vì đi vay, đi mượn...

GIẢI CỨU "NÔNG SẢN": NHỮNG LỜI "GAN RUỘT" TỪ TÂM DỊCH HẢI DƯƠNG!

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương - bày tỏ sự xúc động trước những tấm lòng hảo tâm của người dân trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con Hải Dương.

Từ người đứng đầu Hà Nội đến người dân, tất cả đều có sự chia sẻ rất kịp thời. Sức lan tỏa là vô cùng lớn, dù không thể giải quyết được toàn bộ nhưng đã bổ sung phần nào cho việc không thể xuất khẩu và tiêu thụ ở một số thị trường khác.

Hôm qua (22/2) giá nông sản đã bắt đầu có tín hiệu nhúc nhích tăng lên. Giá lên cho thấy nhu cầu tăng cao và người dân tin vào chất lượng, sự an toàn của nông sản Hải Dương.

Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 1
Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 2
Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 3
Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 4

CHUNG TAY "GIẢI CỨU" NÔNG SẢN HẢI DƯƠNG: VÔ CÙNG ĐÁNG QUÝ

Xin ông chia sẻ đôi điều về những khó khăn của bà con nông dân, doanh nghiệp trong việc lưu thông hàng hóa vùng sản xuất nông nghiệp tại Hải Dương thời điểm hiện nay?

- Thu nhập chính của bà con nông dân là cây vụ đông. Hiện bà con rất khó khăn khi sản lượng không tiêu thụ được như mọi năm, trong khi đó giá rất thấp.

Thậm chí, có những nơi bà con mong bán được đồng nào thu được đồng đấy là may lắm rồi. Nhiều người không chỉ rơi vào cảnh "mất trắng" mà còn gánh thêm nợ nần vì đi vay, đi mượn để làm chứ tích lũy không có nhiều.

Báo cáo nhanh của Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đến ngày 15/2 cho thấy, nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ cầm chừng.

Toàn tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 19.500 ha rau màu, còn 2.802 ha đang đến kỳ thu hoạch. Sản lượng thu hoạch dự kiến là 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá, 1.000 tấn lợn sữa - 80% số nông sản trên để phục vụ xuất khẩu); nhu cầu vật tư, thức ăn đầu vào cho nuôi trồng cũng thiếu…

Tổng lượng nông sản của Hải Dương là 90.760 tấn chưa tiêu thụ được. Cụ thể: 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá.

Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 5

Nhiều người ở Hà Nội đội nắng cả tiếng, chờ đợi trên vỉa hè, đi lại nhiều lần để mua bằng được nông sản ủng hộ bà con Hải Dương. Ảnh: Đỗ Linh.

Trước tình trạng nông sản dư thừa ở Hải Dương, nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện kết nối với các hợp tác xã nông nghiệp, sau đó chuyển lên các điểm giải cứu nông sản trên Hà Nội giúp người dân tỉnh Hải Dương vượt qua khó khăn. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?

- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản của tỉnh vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Nông sản bán rất chậm, giá sụt giảm mạnh. Bà con thực sự khó khăn.

Trong bối cảnh đó, ngoài các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị chế biến thu mua, hỗ trợ tiêu thụ một lượng lớn thì có sự đóng góp từ phía các cá nhân, nhóm thiện nguyện… là rất đáng kể.

Khi thấy hình ảnh ở các điểm "giải cứu" được chiếu trên tivi, báo đài, mạng xã hội, tôi và những anh em khác ở Sở Công Thương rất xúc động. Không chỉ chúng tôi, lãnh đạo tỉnh và bà con chắc cũng như vậy.

Sở Công Thương Hải Dương đã có văn bản yêu cầu các bên hỗ trợ các đoàn đi đến các vùng nông thôn tại Hải Dương giúp thu mua nông sản. Sau đó các nhóm này chuyển lên các điểm giải cứu nông sản trên Hà Nội.

Số lượng được hỗ trợ từ kênh này không giải quyết toàn bộ được nhưng qua đó, thấy được tấm lòng của người dân chia sẻ với bà con Hải Dương. Thực sự vô cùng đáng quý, đáng trân trọng.

Khi thấy hình ảnh ở các điểm "giải cứu" được chiếu trên tivi, báo đài, mạng xã hội, tôi và những anh em khác ở Sở Công Thương rất xúc động. Không chỉ chúng tôi, lãnh đạo tỉnh và bà con chắc cũng như vậy.

Giá các sản phẩm được bán rất rẻ, vận chuyển thì rất khó khăn, nếu hạch toán kinh tế có khi lỗ nhưng họ vẫn làm, thực sự vì cái "tâm", sự đồng cảm với khó khăn với Hải Dương trong lúc khó khăn này. Tinh thần người Việt "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" được phát huy trong khó khăn.

Sức lan tỏa của sự hỗ trợ này cũng rất lớn. Tôi được biết, nhiều người dân có thể không mua trực tiếp từ các điểm giải cứu, nhưng khi họ thấy những hình ảnh các điểm giải cứu, sự kêu gọi trên truyền thông, mạng xã hội, họ có thể đến các địa điểm khác mua, miễn sao là sản phẩm của Hải Dương là ủng hộ. Rất xúc động!

Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 6

Thành viên nhóm giải cứu giơ cao tờ giấy kiểm dịch để bà con chứng kiến, yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm từ Hải Dương. Ảnh: Đỗ Linh.

MAY MẮN VÌ NGƯỜI DÂN TIN TƯỞNG NÔNG SẢN HẢI DƯƠNG

Ông vừa có chia sẻ thường xuyên theo dõi thấy hình ảnh các cá nhân, nhóm thiện nguyện thu mua, kêu gọi người dân "giải cứu" nông sản Hải Dương. Có hình ảnh nào khiến ông thấy đặc biệt ghi nhớ?

- Thực sự đối với chúng tôi, sự giúp đỡ, hỗ trợ, chung tay, chia sẻ nào cũng đáng quý, đáng ghi nhận.

Hình ảnh những cá nhân tại các điểm "giải cứu" đứng và đưa những tờ giấy xác nhận từ phía Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương chứng minh hàng hóa đủ điều kiện lưu thông gây ấn tượng rất lớn với chúng tôi.

Chúng tôi nhìn thấy những chữ ký của mình. Rất may mắn vì những tờ giấy ấy làm cho bà con khi mua thấy an tâm hơn. Nông sản, phương tiện vận tải được phun khử khuẩn nhiều lần trên địa bàn Hải Dương qua các chốt trạm và trước đó là ở các hợp tác xã.

Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 7

Xe chở hàng khi ra khỏi Hải Dương được phun khử khuẩn.

Phải đủ tiêu chuẩn, hàng hóa mới được ra khỏi địa bàn Hải Dương. Bà con nhân dân hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. Chúng tôi hàng ngày vẫn ăn những sản phẩm đó.

Nhiều bà con rất xúc động trước sự ủng hộ của nhân dân Thủ đô cũng như một số địa bàn khác.

Từ người đứng đầu Hà Nội đến người dân, tất cả đều có sự chia sẻ rất kịp thời.

Sau khi Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội kết nối cung cầu, hỗ trợ tối đa để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, nhất là nông sản của Hải Dương trên địa bàn thì Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã lập tức kết nối với chúng tôi ngay.

Cũng chỉ một thời gian rất ngắn sau, phong trào "giải cứu" được hưởng ứng rất lớn từ phía doanh nghiệp, người dân Thủ đô. Chúng tôi nhận được thông tin hàng ngày rằng mọi người hưởng ứng rất mạnh, trong thời gian rất ngắn tiêu thụ được nhiều.

Từ hôm qua (22/2) giá nông sản đã bắt đầu có tín hiệu nhúc nhích tăng lên. Giá lên cho thấy nhu cầu tăng cao và người dân tin vào chất lượng, sự an toàn của nông sản.

Tôi cũng đã có báo cáo lãnh đạo tỉnh là nông sản Hải Dương được tiêu thụ rất mạnh ở Hà Nội. Dù không thể giải quyết được toàn bộ nhưng đã bổ sung phần nào cho việc không thể xuất khẩu và tiêu thụ ở một số thị trường khác.

Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 8
Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 9
Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 10
Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 11

VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG VIỆC LƯU THÔNG HÀNG HÓA QUA HẢI PHÒNG

Còn các địa phương giáp ranh khác như Hải Phòng, Quảng Ninh đến thời điểm này thì sao thưa ông? Có vướng mắc gì trong vấn đề lưu thông hàng hóa?

- Việc hàng hóa từ Hải Dương có lưu thông được hay không phụ thuộc vào các địa phương giáp ranh.

Giáp ranh Hải Dương, Hải Phòng không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn thuộc tuyến đường vận chuyển hàng hóa của tỉnh.

Chiều 22/2, Sở GTVT Hải Dương có văn bản số gửi Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lưu thông giữa tỉnh Hải Dương với TP Hải Phòng.

Theo đó, qua thông tin phản ánh và lưu lượng xe thực tế qua nút giao giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với quốc lộ 38B (QL) của tỉnh Hải Dương, từ chiều 22/2 TP.Hải Phòng phân luồng không cho các phương tiện lưu thông trên QL5.

Các phương tiện từ Hải Phòng đi Hải Dương qua QL5 được hướng dẫn đi từ ngã tư Quán Toan phải lưu thông qua cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đặc biệt, các phương tiện xuất phát từ Hải Dương phải quay đầu trở lại.

Đến tận tối 21/2, chúng tôi mới thông được 1 ít hàng đi xuất khẩu, còn tiêu thụ nội địa chưa thực hiện được.

Thực tế các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Hải Dương khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu là do vướng nhiều thủ tục, nhiều yêu cầu khắt khe rất khó thực hiện. Chi phí cũng bị đội lên rất nhiều, 1 chuyến xe container bình thường trước kia có 3,5 triệu đồng thì bây giờ tốn 7 triệu đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là các yêu cầu từ phía Hải Phòng như: Hợp đồng, đơn hàng cụ thể, lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR, giấy xác nhận của CDC tỉnh Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất...

Hải Phòng cũng quy định vào Hải Dương khi về cách ly 14 ngày nên tài xế cũng ngại đi vào. Vào 1 chuyến xong nghỉ 14 ngày thì khó quá. Doanh nghiệp người ta ngại vào thì nông sản bị ế. Chi phí người đi mua tăng lên thì tiêu thụ không thể nhiều được.

Còn với Quảng Ninh thì mất một vài hôm đầu sau khi Hải Dương công bố có dịch. Qua trao đổi hai địa phương thống nhất tạo điều kiện cho những sản phẩm thiết yếu vào tỉnh.

Ngày 21/2, Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 901 /BCT-TTTN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong đó đã đưa ra một số đề xuất nhằm gỡ khó cho việc lưu thông hàng hóa.

Thực tế chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong việc phòng dịch nên không cần thiết đưa ra những yêu cầu quá khắt khe, kém khả thi.

Ví dụ như ở Lạng Sơn, chỉ tập kết một chỗ rồi khử khuẩn hàng hóa. Đối với lái xe, chúng ta cũng có thể tùy tình hình cân nhắc các phương án mặc đồ bảo hộ, triệt để áp dụng "5K", khử khuẩn hàng hóa tại các điểm quy định.

Hiệu quả nhất là kết hợp, cân đối được cả về kinh tế và phòng dịch. Phòng dịch cao hơn nhưng không nên cực đoan. Thiệt hại kinh tế lớn thì sau đó hệ quả cũng rất lớn.

Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 12
Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 13
Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 14
Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 15

GỠ KHÓ KHĂN, TĂNG CƯỜNG LƯU THÔNG HÀNG HÓA CHO VÙNG DỊCH

Ông có đề xuất giải pháp gì nhằm đẩy mạnh việc lưu thông hàng hóa từ Hải Dương?

- Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07 tháng 2 năm 2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp, dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và chưa xuất khẩu được.

Bộ Công Thương cũng đã có đề xuất về lâu dài Bộ Y tế sửa những điểm chưa phù hợp để cho các địa phương thực hiện. Không chỉ là vấn đề của Hải Dương mà còn ở các địa phương khác.

Nên quy định từng mức nhỏ hơn, tránh tình trạng địa bàn một số xã ít người bị Covid-19 cũng như nhiều người bị nhiễm. Cần phân ra nhiều mức hơn, nhiều cấp độ hơn. Phân nhỏ ra để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những khu vực không có dịch.

Chúng tôi cũng có những cố gắng trong việc đưa ra các giải pháp nhằm loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch như đảm bảo tuân thủ chặt chẽ hơn việc khử khuẩn. Để bà con có thể yên tâm, nông sản từ Hải Dương đi ra hoàn toàn yên tâm về vấn đề chất lượng và sự an toàn.

Giải cứu nông sản: Những lời gan ruột từ tâm dịch Hải Dương! - 16

Mặt hàng nông sản lần này gồm có su hào và bắp cải, thanh niên tình nguyện và người dân sẽ hỗ trợ trong việc đưa nông sản từ xe xuống địa điểm tập kết. Ảnh: Đỗ Linh

"NGĂN SÔNG CẤM CHỢ" - NHIỀU HỆ LỤY CHO KINH TẾ 

Đối với các địa phương, Bộ Công Thương cho rằng cần thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16, cam kết không để tình trạng "ngăn sông cấm chợ" diễn ra trên địa bàn… Ông có nghĩ chính tình trạng này khiến cho nền kinh tế địa phương gặp nhiều khó khăn?

- Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, không chỉ với thế giới mà mỗi tỉnh cũng đan xen rất nhiều. Mức độ luân chuyển lao động, hàng hóa giữa các địa phương với nhau là rất lớn.

Hàng hóa nông sản Hải Dương sản xuất ra chỉ tiêu thụ khoảng 20% ở địa bàn tỉnh, còn lại 80% là xuất khẩu và lưu thông sang các tỉnh khác. Độ mở nền kinh tế là rất lớn, giao thương đan xen. Ở ngành công nghiệp, không phải 100% tất cả sản xuất ở Hải Dương mà có thể là một phần của sản phẩm của Hải Phòng hay 1 phần của Thái Bình nữa.

Những khó khăn vướng mắc không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, trước hết là tỉnh Hải Dương mà còn ảnh hưởng đến các địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Hải Dương.

Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác.

Việc "ngăn sông cấm chợ" có thể gây ách tắc chuỗi sản xuất. Nông sản đâu có để được lâu, rất nhanh hỏng. Rồi không có nguyên vật liệu thì nhà máy phải dừng, công nhân phải nghỉ. Từ việc không có hàng hóa dừng như thế thì vi phạm hợp đồng bạn hàng, mất luôn bạn hàng, mất luôn thị trường. Mọi khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ nhanh không thì hệ quả rất lớn.