1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Báo cáo Thủ tướng điểm "chưa phù hợp" khiến nông sản Hải Dương bị tắc

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo Bộ Công Thương, có một số vướng mắc khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản của một số địa phương vùng đang có dịch (đặc biệt là tỉnh Hải Dương) và các tỉnh giáp ranh.

Bộ Công Thương vừa chính thức có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết vừa qua đã làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương và doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch. 

Báo cáo Thủ tướng điểm chưa phù hợp khiến nông sản Hải Dương bị tắc - 1

Theo báo cáo, tổng lượng nông sản của Hải Dương là 90.760 tấn chưa tiêu thụ được. Ảnh: Phi Hùng.

Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, trong quá trình thực hiện, có một số vướng mắc khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) của một số địa phương vùng đang có dịch (đặc biệt là tỉnh Hải Dương) và các tỉnh giáp ranh. 

Cụ thể việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương. 

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hóa ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu.... 

Điều này làm cho hàng hóa bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng…, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898 "có nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và trong thị trường xuất khẩu được".

Bộ Công Thương cũng cho biết, những khó khăn vướng mắc nêu trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, trước hết là tỉnh Hải Dương, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh- Hải Dương. 

Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.

Báo cáo nhanh của Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ cầm chừng.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay.

Đồng thời chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm Covid-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch Covid-19 bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế là đầu mối, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thống nhất các đơn vị chuyên ngành tại địa phương có dịch Covid-19 trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh; Đầu mối chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn thống nhất và quy định rõ các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa để lưu thông hàng hóa qua các địa bàn có và không có dịch bệnh. 

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu;

Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sản xuất, nuôi trồng các loại nông lâm thủy sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế tối đa việc tồn ứ nông lâm thủy sản; Cung cấp thông tin cho ngành Công Thương về hàng hóa nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh để kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Đối với các địa phương, Bộ Công Thương cho rằng cần thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16, cam kết không để tình trạng "ngăn sông cấm chợ" diễn ra trên địa bàn...

Các địa phương có dịch và địa phương giáp ranh chủ động liên hệ làm việc với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kinh nghiệm (Lạng Sơn, Thừa Thiên-Huế, Tây Ninh, Quảng Nam,…) để tổ chức các mô hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của mình bảo đảm phòng chống Covid-19 hiệu quả...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm