Cần có xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh
(Dân trí) - Những chiếc xe chở nông sản của người dân Hải Dương đã cập bến Hà Nội và được tiêu thụ trong thời gian ngắn. Có thể không dùng hết nhưng vì "nghĩa đồng bào", nhiều người đợi cả trưa nắng để mua giúp.
Sau cam kết của Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc hỗ trợ tối đa tiêu thụ hàng hóa cho người dân Hải Dương, những chuyến xe chở đầy nông sản đã cập bến Hà Nội.
Theo phản ánh của PV Dân trí, trưa ngày 21/2, chỉ trong vòng 30 phút, 5,5 tấn nông sản của nông dân Hải Dương tại điểm tập kết trên đường Giải Phóng được tiêu thụ hết.
Dù chuyến xe bị chậm hành trình nhưng nhiều người dân Thủ đô vẫn kiên nhẫn đứng chờ dưới nắng và vỗ tay khi nông sản vùng dịch đã được vận chuyển tới nơi.
Chiến dịch "giải cứu nông sản" cho tâm dịch Hải Dương không chỉ được chính quyền Thủ đô triển khai mà còn có sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức khác.
Những chuyến xe chở đầy nông sản từ Hải Dương lên Hà Nội đã được kiểm tra qua 11 chốt kiểm dịch, tài xế đều có giấy xác nhận âm tính với Covid-19. Có nghĩa là, phương tiện và con người đều đã được đảm bảo yêu cầu về an toàn phòng dịch.
Đó là kết quả của tinh thần trách nhiệm, sự nhuần nhuyễn trong phối hợp giữa các cơ quan liên quan đối với nhiệm vụ "giải phóng" hàng nghìn tấn nông sản còn ùn ứ tại địa phương này trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến khó lường.
Việc tiêu thụ nông sản, gỡ khó cho người dân không chỉ ở tỉnh Hải Dương mà ở những địa phương có dịch là điều hết sức cần thiết trong thời điểm này. Tin rằng, với truyền thống tương thân tương ái, không chỉ người dân Hà Nội và nhân dân cả nước sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nhân dân vùng dịch.
Tuy nhiên, cũng có những băn khoăn trước nguy cơ tiềm ẩn mầm dịch trong hàng hóa từ các vùng dịch chuyển đi các địa phương khác. Trong khi đó, chưa có nghiên cứu nào khẳng định hàng hóa từ các vùng có dịch được loại bỏ nguy cơ có chứa mầm dịch bệnh nguy hiểm này.
Vì thế trước đó, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn Công tác kiểm dịch phòng chống lây nhiễm COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu tiếp giáp nơi có dịch. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể đối với hàng hóa là động vật, thực vật, thực phẩm - loại hàng hóa không thể khử khuẩn bằng hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế.
Bởi vậy, những băn khoăn, lo lắng của người dân không phải là không có sơ sở.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, nguy cơ có thể xảy ra ở những địa phương khác. Việc tiêu thụ nông sản cho người dân vùng dịch sẽ không chỉ dừng lại ở Hải Dương mà có thể sẽ phải triển khai ở nhiều tỉnh, thành khác. Do vậy, việc xây dựng một quy trình khử khuẩn, khử trùng đối với hàng hóa là thực phẩm để loại bỏ nguy cơ mang theo mầm dịch cũng như an toàn cho người sử dụng là hết sức cần thiết.
Ngày 22/2, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế là đầu mối, phối hợp với Bộ NN&PTNT chỉ đạo thống nhất các đơn vị chuyên ngành tại địa phương có dịch Covid-19 trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mong rằng, những kiến nghị này sẽ được các cơ quan hữu quan triển khai ngay để đảm bảo cho việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu, cũng như nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.