(Dân trí) - Việc Fed tăng mạnh lãi suất được cho là tác động tiêu cực tới thị trường vàng. Với chứng khoán, các chuyên gia có những cái nhìn khác nhau khi thị trường đang ở mức hấp dẫn.
Fed tăng lãi suất, nhà đầu tư Việt có nên tháo chạy khỏi chứng khoán, vàng?
Việc Fed tăng mạnh lãi suất được cho là tác động tiêu cực tới thị trường vàng. Với chứng khoán, các chuyên gia có những cái nhìn khác nhau khi thị trường đang ở mức hấp dẫn.
Lần thứ hai liên tiếp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75%. Thị trường chứng khoán, vàng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã ngay lập tức có những phản ứng với quyết định mạnh tay từ Fed.
Trao đổi với Dân trí, TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định việc Fed tăng lãi suất sẽ có những tác động nhất định lên nền kinh tế của Mỹ, nền kinh tế toàn cầu và cả của Việt Nam. Con số tăng 0,75% được cho là phù hợp với kỳ vọng của phần đông nhà đầu tư.
"Đây là động thái rất mạnh của Fed để kiểm soát lạm phát. Lãi suất tăng làm cho tất cả khoản vay, từ khoản vay của Chính phủ đến các khoản vay mua ô tô, mua nhà, vay tiêu dùng đều tăng. Khi chi phí vay của tất cả thành phần kinh tế Mỹ tăng lên, người dân sẽ giảm lượng vay đi", ông Hiếu phân tích.
Chứng khoán có đi theo nguyên tắc?
Theo ông, sắp tới, thị trường chứng khoán của Mỹ sẽ bị tác động rất mạnh, còn hiện tại chỉ là phản ứng nhất thời. Nguyên tắc khi mà Fed tăng lãi suất thì sẽ đẩy giá chứng khoán xuống.
Riêng tại thị trường Việt Nam, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán đã giảm hơn 15%, ông Hiếu đánh giá lần này Fed tăng lãi suất sẽ tác động mạnh hơn. Về quan điểm khi thông tin được công bố cũng là lúc thị trường hết bị ảnh hưởng, vị chuyên gia cho rằng đúng một nửa.
"Ở Việt Nam, cái nhìn của mình luôn luôn muốn vẽ màu hồng, vì thế bao giờ mình cũng nói: Ôi đừng lo, cái chuyện đó xảy ra chúng tôi đã lường trước rồi, thị trường cũng đã lường trước rồi và đã có những động thái thích hợp. Tuy nhiên, thị trường tài chính không luôn là như vậy. Lãi suất tăng 0,5% hay 0,75% hay 1% thì tới lúc điều chỉnh mới xảy ra và tôi khuyên các nhà đầu tư nên thắt dây an toàn", ông Hiếu nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, đánh giá việc Fed tăng lãi suất 0,75% là tin tốt, nếu so với một số dự báo tăng lên đến 1%. "Thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng vẫn lên thôi, vì thực tế hơn 2 năm qua, lượng bán ròng rất lớn nên họ vẫn đang giữ tiền trên tài khoản. Họ đang đợi xuống đáy để họ mua", ông Thịnh nói với Dân trí.
Trong thời gian tới, thị trường chứng khoán sẽ tốt lên rất nhiều, nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư. Thực tế, khả năng tăng trưởng của nền sản xuất là rất tốt khi giá xăng dầu đang giảm, chi phí đầu vào của doanh nghiệp đã giảm đi, tức là sản xuất tăng lên.
Vàng sắp xuống giá?
Về thị trường xuất nhập khẩu, chuyên gia Trí Hiếu cho rằng việc Fed tăng lãi suất sẽ đẩy giá trị USD tăng lên, từ đó có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, tức xuất khẩu nhận về USD và đổi được nhiều VND hơn. Ở chiều ngược lại, giá cả hàng nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn, nhất là những hàng nhập khẩu từ Mỹ do Việt Nam chủ yếu nhập khẩu bằng USD.
Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lại nhìn nhận "việc USD tăng giá sẽ ảnh hưởng tích cực đến hoạt động xuất khẩu" chỉ là lý thuyết. Thực tế, giữa USD và VND luôn có sự ổn định và nếu tăng cũng chỉ chênh tối đa 2% nên không có ảnh hưởng gì lớn. Thứ hai, khi lãi suất của Mỹ tăng thì nền sản xuất bị chậm lại do chi phí vốn lớn hơn, dẫn đến sản xuất chậm lại.
Ngoài ra, người dân Mỹ tiêu dùng chủ yếu là vay qua thẻ tín dụng, như vậy khi lãi suất cao thì họ sẽ giảm bớt chi tiêu. "Rõ ràng là ông bán hàng mà người tiêu dùng ít mua đi, cầu ít đi thì bán khó hơn. Điều quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải là chủ động tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu", ông Thịnh nhấn mạnh.
Cũng chính vì sự ổn định tỷ giá và mức chênh lệch không lớn giữa đồng USD và VND, tác động tiêu cực đến chiều nhập khẩu của Việt Nam cũng là không đáng kể.
Về nợ công, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc USD tăng giá sẽ bất lợi cho Chính phủ vì Chính phủ nợ trên ngoại tệ, đặc biệt là USD một lượng khá lớn.
Đối với tác động lên thị trường vàng, khi Fed tăng lãi suất, giá USD tăng lên thì thị trường vàng sẽ bị đẩy xuống. Giá vàng cũng biến động giảm trong thời gian gần đây và nhà đầu tư đang thấy rằng đầu tư vào vàng không có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm còn rất nhiều biến số, khó lường nhất là cuộc chiến tại Ukraine.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng giá vàng thời gian tới sẽ giảm nhẹ khi giá USD mạnh lên. Trong điều kiện như vậy, vàng tại thị trường Việt Nam cũng sẽ xuống giá theo.
Việt Nam cần làm gì?
Trước việc Fed tăng lãi suất, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã có báo cáo nhanh đánh giá về tác động chính đối với kinh tế tài chính toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng.
Đối với Việt Nam, hoạt động thương mại của Việt Nam có thể tăng chậm lại khi đà phục hồi kinh tế toàn cầu giảm tốc. Thứ hai, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Nhóm nghiên cứu dự báo tỷ giá năm nay tăng khoảng 2-2,3%.
Thứ ba, việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm cho mặt bằng lãi suất trong nước có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng.
Cuối cùng, việc Fed tăng lãi suất tác động đối với dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước.
Động thái này đã xảy ra trong năm 2021 và dự kiến có thể tiếp tục xảy ra tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay, dù triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo xu thế này sẽ không quá rõ ràng và không ảnh hưởng nhiều đối với thị trường Việt Nam.
Nhóm chuyên gia kiến nghị cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi điều tiết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục) một cách phù hợp, nhịp nhàng, hiệu quả tránh giật cục, không phù hợp về thời điểm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần theo dõi, đánh giá nghĩa vụ nợ nước ngoài khi Fed tăng lãi suất nhằm có những cảnh báo kịp thời đối với doanh nghiệp; tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vay nợ nước ngoài nhiều.
Nội dung: Văn Hưng