Túi tiền người dân Mỹ ảnh hưởng thế nào sau động thái của Fed?

Nhật Linh

(Dân trí) - Fed vừa tăng lãi suất thêm 0,75%, lần tăng mạnh thứ 2 nhằm hạ nhiệt nền kinh tế, kìm cương lạm phát. Vậy điều này sẽ tác động ra sao đến túi tiền của người dân và nền kinh tế Mỹ?

Tại sao Fed tăng lãi suất?

Câu trả lời ngắn gọn là để hạ nhiệt lạm phát đang ở mức cao kỷ lục.

Theo Forbes, người Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi các mặt hàng thiết yếu từ thực phẩm, khí đốt, các mặt hàng tiện ích đều đã tăng giá gấp đôi.

Thay đổi mức lãi suất quỹ liên bang là một trong số ít công cụ mà ngân hàng liên bang Mỹ có thể sử dụng để ổn định nền kinh tế đang quá nóng và làm giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa để từ đó có thể hạ nhiệt lạm phát.

Trong nhiều tháng qua, Chủ tịch Fed Jerome Powel và các quan chức của Fed đã lặp đi lặp lại rằng lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ khiến chính sách tiền tệ thắt chặt hơn là điều cần thiết. Chính sách này cũng trở nên rõ ràng hơn khi thị trường lao động gần như đã hồi phục hoàn toàn sau làn sóng dịch Covid-19, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6%.

Túi tiền người dân Mỹ ảnh hưởng thế nào sau động thái của Fed? - 1

Chủ tịch Fed Jerome Powel và các quan chức của Fed đã lặp đi lặp lại rằng lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ khiến chính sách tiền tệ thắt chặt hơn là điều cần thiết (Ảnh: Reuters).

Fed có 2 nhiệm vụ là kiểm soát lạm phát và thúc đẩy toàn dụng lao động. Và có vẻ như công việc thứ 2 đã hoàn thành, nên Fed đang chuyển hướng sang giải quyết vấn đề lạm phát bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ.

Các nhà phân tích cho rằng Fed còn 2 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Chính Fed cũng dự kiến mức lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt mức 3,4% vào cuối năm nay. Nhưng thách thức lớn đối với Fed là cơ quan này không thể tăng lãi suất quá cao, bởi điều đó có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Một số nhà kinh tế tin rằng Fed đang ngày càng khó khăn trong việc xác định ranh giới này và tránh để nền kinh tế chìm sâu.

Phải một thời gian nữa mới có thể biết được liệu việc tăng lãi suất có chế ngự được lạm phát hay không. Nhưng chính sách tiền tệ thắt chặt có thể ảnh hưởng ngay đến tài chính của người dân, từ khả năng đi vay đến lãi suất tiết kiệm…

Tác động đối với túi tiền của người dân ra sao?

Theo Forbes, việc Fed tăng lãi suất có tác động khá mơ hồ đến thị trường chứng khoán. Một mặt, lãi suất cao có thể khuyến khích nhà đầu tư bán cổ phiếu và chốt lời. Nhưng nhiều bằng chứng cho thấy, việc tăng lãi suất không ảnh hưởng đến cổ phiếu.

Trong ngắn hạn, tác động tức thời đáng kể nhất của việc tăng lãi suất là đến tâm lý thị trường. Khi Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) tăng lãi suất, các nhà giao dịch chuyên nghiệp có thể nhanh chóng bán cổ phiếu và chuyển sang đầu tư phòng thủ hơn. Nhưng về dài hạn, dữ liệu cho thấy thị trường chứng khoán vẫn tăng trong một số trường hợp khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.

Dữ liệu thị trường Dow Jones đã phân tích 5 chu kỳ tăng lãi suất gần đây cho thấy, 3 chỉ số thị trường chứng khoán hàng đầu của Mỹ chỉ giảm trong một chu kỳ tăng lãi suất, từ tháng 1/1999 đến tháng 1/2001, trong thời kỳ sụp đổ của dot-com.

Túi tiền người dân Mỹ ảnh hưởng thế nào sau động thái của Fed? - 2

Nợ tiêu dùng thường có xu hướng thay đổi theo lãi suất của Fed (Ảnh: AFP/Getty).

Khi Fed tăng lãi suất, khoản nợ thẻ tín dụng sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Đó là vì lãi suất đối với nợ tiêu dùng thường có xu hướng thay đổi theo lãi suất của Fed.

Chính sách lãi suất của Fed cũng tác động đến cách tính phí giữa các ngân hàng đối với các khoản vay ngắn hạn. Lãi suất huy động cao hơn đồng nghĩa chi phí đi vay đắt đỏ hơn. Điều này có thể làm giảm nhu cầu vay tiền giữa các ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Và các ngân hàng sẽ chuyển chi phí vay cao hơn này sang các khoản vay tiêu dùng.

Hầu hết các tổ chức phát hành thẻ tín dụng dựa trên mức lãi suất cơ bản để tính lãi suất vay hàng năm (APR). Vì vậy, nếu thẻ tín dụng của bạn có APR là 16,25% thì việc Fed tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,5%, đồng nghĩa công ty phát hành sẽ tăng APR của bạn lên 16,75%. Mức lãi suất được áp cho số dư nợ càng cao thì khoản vay đó ngày càng đắt đỏ.

Tương tự, đối với khoản vay thế chấp mua nhà có thể sẽ phải đối mặt với hóa đơn nhà ở lớn hơn trong những tháng tới.

Ở chiều ngược lại, lãi suất tiết kiệm cũng sẽ tăng lên, nhưng chậm hơn. Theo Forbes, không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa lãi suất quỹ liên bang và lãi suất tiền gửi. Nhưng các ngân hàng đang từ từ tăng lãi suất đối với tiền gửi, bao gồm tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi… để thu hút người gửi tiền.

Ảnh hưởng đối với doanh nghiệp nhỏ

Theo CNBC, đối với các Main Street (một từ lóng chỉ các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ), lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí đi vay.

Nhưng quan trọng hơn, việc Fed tăng lãi suất khiến nền kinh tế chậm lại làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng và triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ. Với khả năng suy thoái ngày càng tăng, một phần do các đợt tăng lãi suất gần đây của Fed, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị hạn chế bởi các khoản thanh toán nợ lãi hàng tháng lớn hơn và chi phí cho các khoản vay mới cao hơn.

Tuy nhiên, theo CNBC, mức lãi suất cho vay kinh doanh hiện đang trên đà tăng đến 8%, vẫn ở mức thấp trong lịch sử.

Chris Hurn, người sáng lập kiêm CEO của Fountainhead, chuyên về cho vay doanh nghiệp nhỏ, cho biết: "Khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, nó sẽ có hiệu ứng gợn sóng trên tất cả các chỉ số lãi suất". Tuy nhiên, ông Hurn cũng cho rằng với mức lãi suất vẫn ở mức thấp trong lịch sử, các khoản thanh toán lãi suất của các doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Ví dụ như chủ một doanh nghiệp đang gánh khoản nợ thiết bị trị giá 200.000 USD, doanh nghiệp này sẽ phải lãi hàng tháng cao hơn một chút, nhiều hay ít còn tùy thuộc vào thời gian vay, nhưng với hầu hết các khoản vay, việc tăng lãi suất hàng tháng không phải là vấn đề lớn về dòng tiền.

Tương tự, Rohit Arora, đồng sáng lập kiêm CEO của Biz2Credit, công ty cho vay doanh nghiệp nhỏ, cũng cho rằng: "Hầu hết các chủ doanh nghiệp đang nhìn vào mức lãi hàng tháng và họ có thể chịu được với mức 0,75%. Nó không đáng kể đối với khoản vay 10 năm".

Vấn đề lớn nhất là thị trường cho vay kinh doanh có thể nhanh chóng cạn kiệt khi các ngân hàng thu hồi các khoản vay để bảo toàn vốn và hạn chế rủi ro. "Các ngân hàng đang lo ngại và số lượng người đủ điều kiện vay đang ngày càng giảm", Hurn nói và cho biết ông đã chứng kiến điều này nhiều lần trong hơn 2 thập kỷ qua khi các tổ chức tín dụng thắt chặt điều kiện cho vay khi sự bất ổn của nền kinh tế gia tăng.

Mặc dù số liệu gần đây cho thấy tỷ lệ phê duyệt các khoản vay doanh nghiệp cơ bản không thay đổi so với tháng trước đó, song các chính sách tín dụng của các ngân hàng đang được thắt chặt hơn khi nền kinh tế cận kề với suy thoái. Ông Hurn cho rằng, điều này đang xảy ra và sẽ ngày càng tăng.

Nhưng theo các chuyên gia mà CNBC trích dẫn, ảnh hưởng lớn nhất của việc tăng lãi suất đối với các doanh nghiệp nhỏ là ảnh hưởng về kinh tế và thị trường nói chung.

Fed cần hạ nhiệt nền kinh tế để kìm cương lạm phát đang cao nhất trong 40 năm. Trong một số trường hợp, điều đó sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ quản lý chi phí, bao gồm cả lao động và hàng tồn kho. "Cuối cùng, các chủ doanh nghiệp đều hiểu rằng đó là điều tốt hơn. Họ không thể tiếp tục tăng lương cho nhân viên và chịu chi phí tồn kho cao và sẽ chuyển chi phí đó cho khách hàng", ông Arora nói và cho rằng: "Tôi nghĩ rằng họ có thể chịu dựng và chấp nhận nó (tăng lãi suất) như một điều kiện để giảm lạm phát".

Thực tế, giới phân tích Phố Wall kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trở lại sớm nhất là vào tháng 3/2023 dựa trên dự báo nền kinh tế sẽ yếu hơn.

Theo Forbes, CNBC