Coteccons và một số doanh nghiệp nhà thầu khác có kế hoạch mở rộng lĩnh vực hoạt động sang mảng bất động sản. Tuy nhiên ở giai đoạn hiện tại, khi thị trường địa ốc được đánh giá "khó chồng khó", thành công từ con đường khai mở của các doanh nghiệp trên vẫn là ẩn số.
Loạt doanh nghiệp chọn con đường mới
Mới đây, doanh nghiệp nhà thầu số 1 Việt Nam là Coteccons công bố lấn sân sang mảng bất động sản với công trình đầu tiên The Emerald 68 trong vai trò nhà phát triển dự án. Tọa lạc tại mặt tiền Đại lộ Bình Dương, sát địa phận TP Thủ Đức (TPHCM), dự án do Tập đoàn Lê Phong là chủ đầu tư, với vốn triển khai hơn 2.000 tỷ đồng. Coteccons hứa hẹn trong tương lai chắc chắn sẽ có thêm nhiều dự án nữa được công ty hợp tác với Lê Phong.
Việc Coteccons bước chân vào một ngành nghề kinh doanh mới không gây nhiều bất ngờ trên thị trường. Bởi ngay từ năm 2021, doanh nghiệp này từng công bố đã hỗ trợ vốn cho ít nhất 2 dự án bất động sản. So với vị chủ tịch HĐQT tiền nhiệm, ông Bolat Duisenov vạch ra nhiều định hướng kinh doanh khá mới mẻ cho Coteccons, với mục tiêu chuyển đổi mô hình hoạt động, mở rộng mảng hạ tầng, tổng thầu (EPC), thiết kế thi công. Ban lãnh đạo Coteccons không muốn kết quả kinh doanh quá lệ thuộc vào mảng xây dựng - lĩnh vực được đánh giá có biên lợi nhuận gộp mỏng (khoảng 4-7%) và đối mặt với nhiều sự cạnh tranh, nhất là cạnh tranh giá thầu.
Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons - nói công ty sẽ không đề cao việc phát triển dự án vì lợi nhuận, cũng không chọn dự án vì vị trí "đất vàng", "đất kim cương". "Chúng tôi muốn hướng đến những giá trị khác biệt, những giá trị nhân văn cho cộng đồng, cho xã hội. Trong tương lai, nếu việc trở thành chủ đầu tư đem đến những giá trị khác biệt đó, chắc chắn chúng tôi sẵn sàng tiếp bước", ông này nhấn mạnh.
Lựa chọn bước chân sang lĩnh vực bất động sản là con đường không chỉ riêng Coteccons. Nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành đã bàn luận hoặc thực hiện hoạt động này.
Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (một doanh nghiệp từng trong hệ sinh thái Coteccons Group) tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4 năm nay cũng đã nêu định hướng đầu tư mảng bất động sản, bên cạnh ngành nghề kinh doanh cốt lõi là xây dựng. Tiêu chí Ricons đặt ra là đầu tư có chọn lọc, tìm kiếm các bất động sản có nhiều cơ hội hoặc đầu tư chung với các chủ đầu tư tại các dự án pháp lý rõ ràng, các dự án thứ cấp có khả năng mang lại lợi nhuận cao.
Ông Nguyễn Bá Dương, Cựu Chủ tịch Coteccons và là Chủ tịch sáng lập của Công ty Xây dựng E&C, có liên quan tới công ty xây dựng Newtecons, cũng từng chi khoảng 395 tỷ đồng mua lại 50% vốn Công ty Song Hỷ Quốc Tế từ Công ty Nhà Thủ Đức. Song Hỷ Quốc Tế là chủ đầu tư dự án nhà ở Tecco City Bình Dương diện tích gần 2ha tại thị xã Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương.
Một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng đầu tư nhiều vào các dự án bất động sản, dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Một số dự án công ty đầu tư có mặt tại TPHCM gồm 1C Tôn Thất Thuyết (quận 4), Ascent Garden Homes (quận 7), Ascent Plaza (quận Bình Thạnh), Ascent Lake Side (quận 7), Long Thới (huyện Nhà Bè), Trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình (quận 9)... 2 dự án đã đầu tư tại Canada gồm Connolly ở Hamilton và Queenston Quarry ở Niagara-on-the-Lake, bang Ontario.
Phía trước là chông gai hay con đường trải hoa hồng?
So với ngành xây dựng, ngành bất động sản có biên lợi nhuận gộp gấp ít nhất khoảng 4-5 lần, trong điều kiện thuận lợi con số có thể cao hơn. Đó là một trong những yếu tố khiến không ít người cho rằng đó là lý do các doanh nghiệp nhà thầu muốn "đổi vai", tìm kiếm một lĩnh vực khác mang lại lợi nhuận tốt hơn.
Biên lợi nhuận gộp của Coteccons trong 2 năm gần đây (2019-2020) đều chưa tới 6%. Thậm chí, năm 2021, con số này giảm một nửa, còn 3,03%. Chỉ tiêu hiệu quả trên năm 2021 của Coteccons thấp hơn một số doanh nghiệp cùng ngành như Central (5,1%) hay Tập đoàn Hòa Bình (7,07%).
Tuy nhiên, thị trường bất động sản không phải là "khu vườn chỉ có hoa hồng".
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), đánh giá tổng thể thị trường đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có vấn đề về thể chế và khâu thực thi pháp luật. Ông Châu nêu hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của hơn 80 doanh nghiệp đang dừng triển khai, trong đó 64 dự án có nguồn gốc "đất công" hoặc do cổ phần hóa trước đây. Chủ đầu tư dự án gặp khó trong tiếp cận vốn tín dụng, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp gặp khó trong vay vốn hoặc phải chịu lãi vay cao hơn. Thị trường có thể nói đang trong trạng thái "khó càng thêm khó".
Chủ tịch Coteccons Bolat cũng thẳng thắn thừa nhận thị trường bất động sản "đang gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nút thắt pháp lý", "các chính sách kiểm soát tín dụng, trái phiếu ảnh hưởng dòng tiền của chủ đầu tư" nhưng doanh nghiệp vẫn chọn lấn sân sang lĩnh vực này. Ông tin rằng doanh nghiệp mình đang làm Chủ tịch HĐQT có đủ tiềm lực tài chính để sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các chủ đầu tư, trên tinh thần hai bên cùng có lợi. Đồng thời, với những điều kiện mà Việt Nam đang có thì năm sau sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc.
"Tiềm lực tài chính" của Coteccons như thế nào được thể hiện rõ trên báo cáo tài chính các năm qua. Từ năm 2021 (thời điểm Coteccons có Chủ tịch mới) đến nay, công ty còn có 3 quý lỗ - điều chưa từng xảy ra ở giai đoạn trước đó. Trong quý II, công ty phải trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi từ Tân Hoàng Minh khiến công ty lỗ gần 24 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, Coteccons có gần 3.700 tỷ đồng tiền mặt với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 321 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 8.198 tỷ đồng. Sau nhiều năm nói "không" với nợ vay thì dưới thời Bolat, Coteccons đã có khoản vay nợ tài chính 1.313 tỷ đồng tại ngày 30/6, riêng quý II vay thêm 666 tỷ đồng.
Câu chuyện thành công của Coteccons sẽ được trả lời trong tương lai...
Ở một khía cạnh khác, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gần đây có lên kế hoạch thoái vốn 5 dự án bất động sản trong nước, dự kiến thu về doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận không dưới 700 tỷ đồng. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có dịp chia sẻ khó khăn của Hòa Bình có liên quan tới cả những thách thức của ngành bất động sản như đã phát triển chậm lại do khó khăn về pháp lý; Covid-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế, lạm phát, trượt giá diễn ra, giá vật liệu xây dựng trồi sụt; các dự án địa ốc gặp khó về dòng vốn tín dụng...