Cổ phiếu lên đỉnh, kết quả kinh doanh khởi sắc
Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán: YEG) là nhà sản xuất các chương trình truyền hình giải trí ăn khách bậc nhất hiện nay như "Anh trai vượt ngàn chông gai", "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng".
Đi cùng với sự nổi tiếng của các chương trình này, cổ phiếu YEG và kết quả kinh doanh của Tập đoàn Yeah1 cũng được cải thiện đáng kể.
Cổ phiếu YEG đang ở vùng giá cao nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây. Chốt phiên giao dịch ngày 10/12, giá cổ phiếu này là 14.150 đồng, gấp 2,7 lần so với đầu tháng 11/2022.
Giá cổ phiếu YEG "chạy" nhanh kể từ tháng 9-10/2023, cũng là thời điểm chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" phát sóng mùa đầu tiên. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu tăng giá thêm 22%.
Gần tới ngày diễn ra concept "Anh trai vượt ngàn chông gai" tại Hà Nội, cổ phiếu YEG có đà tăng 7 phiên liên tiếp. Sức "nóng" của chương trình này đã được chứng minh ở đêm diễn tại TPHCM, khi "cháy vé" chỉ sau hơn 1 giờ mở bán, thu hút hơn 20.000 khán giả. Trong chương trình tại Hà Nội, ban tổ chức công bố tiếp tục "cháy vé" sau 40 phút mở bán.
Cùng với biến động giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh của Yeah1 cũng có nhiều chuyển biến. Giai đoạn 2019-2020, công ty liên tục thua lỗ do trích lập dự phòng tài chính thì từ năm 2021 đã có lãi trở lại.
Năm 2023 - mùa đầu tiên phát sóng chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng", công ty lãi hơn 27 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm (2019-2023) nhờ doanh thu tăng mạnh từ mảng quảng cáo, tư vấn truyền thông trên kênh truyền hình trên nền tảng kỹ thuật số và tổ chức sự kiện; cung cấp dịch vụ và thương mại truyền thông.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Yeah1 thu về lợi nhuận gần 56 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm trước và gấp đôi cả năm trước. Doanh thu cũng tăng 2,5 lần lên 629 tỷ đồng, đóng góp lớn nhất từ mảng quảng cáo và tư vấn truyền thông.
Những lần "vượt chông gai" của Yeah1
Tập đoàn Yeah1 được thành lập từ năm 2006, khởi đầu là một trang thông tin điện tử chuyên cung cấp thông tin giải trí cho giới trẻ, do ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cùng cộng sự sáng lập. Doanh thu ban đầu chỉ vỏn vẹn 150 USD cùng xấp xỉ 40.000 lượt xem.
2 năm sau đó, công ty thành lập cộng đồng thông tin giải trí hơn 400.000 người, gấp 10 lần khi thành lập. Kênh truyền hình Yeah1TV cũng ra đời, mở ra giai đoạn hoạt động lên các loại hình truyền thông khác.
Sau đó, Yeah1 hợp tác với YouTube cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo; là đối tác đầu tiên của Google tại Việt Nam cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho hơn 600 trang website...
Giữa năm 2018, Yeah1 trở thành công ty truyền thông đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam với giá tham chiếu 250.000 đồng/đơn vị, là một trong những doanh nghiệp sở hữu cổ phiếu có giá cao nhất trên thị trường. Thời điểm đó, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 27,11% vốn công ty; cùng với đó là 3 cổ đông lớn khác gồm 1 cá nhân, 2 tổ chức nước ngoài.
Tuy nhiên, công ty lâm vào cảnh khó khăn khi từ đầu năm 2019 khi YouTube chấm dứt hợp tác mạng đa kênh vì những sai phạm liên tục và lặp lại trong quản lý nội dung. Giá cổ phiếu YEG từ đó giảm mạnh, cuối năm 2019 còn ở vùng 21.000 đồng/đơn vị, tức giảm 92% so với khi lên sàn.
Đi cùng với biến động giá cổ phiếu, công ty thua lỗ, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống dần thoái vốn, bán hết cổ phần và không còn là cổ đông vào tháng 6/2022. Ông Tống cũng rút khỏi Yeah1 sau đó, không còn là Chủ tịch HĐQT công ty.
Trước ông Tống, bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - lần đầu làm cổ đông lớn tại Yeah1 từ năm 2020, sau khi mua thỏa thuận 6,7 triệu cổ phiếu YEG, tỷ lệ 21,61% vốn. Sau đó, bà Phương cũng dần thoái vốn, đến tháng 5/2022 bán 4,1 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu về 0,84%, không còn là cổ đông lớn.
Nói về việc rút khỏi công ty thời điểm đó, ông Tống trả lời "cảm thấy rất thoải mái" bởi đã xây dựng Yeah không phụ thuộc vào một người, dù ông hay ai khác điều hành thì công ty cũng sẽ vẫn phát triển.
Sau khi ông Tống rút lui, tại kỳ Đại hội cổ đông thường niên 2022, Yeah1 có sự cải tổ sâu sắc về bộ máy lãnh đạo. Hội đồng quản trị mới của Yeah1 gồm 5 người, trong đó 3 nhân sự đang làm việc tại công ty là Tổng giám đốc Đào Phúc Trí, 2 Phó tổng giám đốc Lê Minh Nhật Tín và Lê Phương Thảo. Hai thành viên khác không liên quan đến công ty từ trước đó là ông Trần Hoài Nam (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn) và ông Nguyễn Hoàng Giang (Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE).
Sau nhiều thay đổi, hiện tại bà Lê Phương Thảo làm Chủ tịch HĐQT, bà Ngô Thị Vân Hạnh làm Tổng giám đốc Yeah1. Theo báo cáo quản trị nửa đầu năm, bà Lê Phương Thảo là cổ đông lớn, sở hữu 5,51% vốn công ty.
Định hướng chiến lược phát triển giai đoạn 2024-2025, ban lãnh đạo Yeah1 sẽ tiếp tục sản xuất các chương trình truyền hình mang thông điệp truyền cảm hứng, sản xuất và xuất bản các nội dung ngắn trên đa nền tảng, hợp tác xuất khẩu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh...
Hành trình "vượt chông gai" của Yeah1 có thể còn tiếp tục, khi doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và tìm hướng đi. Trên thực tế, lợi nhuận công ty chỉ khởi sắc hơn trong giai đoạn các chương trình truyền hình kể trên phả sức "nóng".
Ngoài ra, sức khỏe tài chính cũng là vấn đề đáng chú ý tại doanh nghiệp này. Tại ngày 30/9, Yeah1 có tổng tài sản hơn 2.423 tỷ đồng, tuy nhiên các khoản phải thu chiếm phần lớn. Phải thu ngắn hạn từ khách hàng, cho vay... gia tăng, ở mức 1.132 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm và chiếm 47% tổng tài sản.
Doanh nghiệp cũng tăng dần nợ vay tài chính. Tại ngày 30/9, công ty có 531 tỷ đồng nợ vay tài chính, gấp 2,5 lần đầu năm. Lợi nhuận sau thuế lũy kế đến ngày 30/9 chỉ hơn 4 tỷ đồng, trên vốn chủ sở hữu hơn 1.434 tỷ đồng.