Chuyên gia: Nghị quyết 68 là bước ngoặt quan trọng với kinh tế tư nhân
(Dân trí) - Các chuyên gia kinh tế đánh giá Nghị quyết 68 là một dấu mốc đột phá, mang đến định hướng chính sách rõ ràng, cụ thể và khác biệt cho khu vực kinh tế tư nhân.

Ngày 4/5, Tổng Bí thư Tô Lâm ký quyết định ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết được đánh giá có nhiều điểm mới, mang tính đột phá và khác biệt so với các nghị quyết trước đó về khu vực kinh tế tư nhân.
Các chuyên gia nhận định, lần đầu tiên kinh tế tư nhân được khẳng định là "động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc đặt khu vực này làm trụ cột phát triển.
Nghị quyết không chỉ thay đổi tư duy, mà còn đặt ra mục tiêu lượng hóa cụ thể, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo nền tảng vững chắc để kinh tế tư nhân bứt phá, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế.
Kinh tế tư nhân được khẳng định là động lực quan trọng nhất
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, TS Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HanoiSME), nêu Nghị quyết 68 là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Kinh tế tư nhân được lấy làm trụ cột chủ đạo để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước (Ảnh: Nguyễn Khoa).
Ông Quốc Anh cho rằng sau gần 7 năm kể từ Nghị quyết 10 năm 2017 về kinh tế tư nhân ra đời, Nghị quyết lần này đã nâng khu vực tư nhân lên vị thế "động lực quan trọng nhất của nền kinh tế".
Đồng quan điểm, TS Ngô Minh Vũ, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) nhận định, Nghị quyết 68 có sự đột phá lớn. Ông nhấn mạnh, nếu như Nghị quyết 10/2017 xác định kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng" thì Nghị quyết 68 nhấn mạnh kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế.
Việc chỉ thêm một chữ "nhất" nhưng lại cho thấy sự thay đổi quan trọng trong quan điểm chỉ đạo, thể hiện quyết tâm chính trị trong việc lấy kinh tế tư nhân làm trụ cột chủ đạo để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước
Trước bối cảnh nền kinh tế và chính trị trong nước, quốc tế có nhiều biến động phức tạp trong thời gian qua, vị chuyên gia nhận định Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra quan điểm chỉ đạo kịp thời. "Đây là một định hướng rất đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tiễn, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Vũ nói.
Ông cũng chỉ ra rằng nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh việc xóa bỏ định kiến, thay đổi cách nhìn nhận đối với doanh nghiệp tư nhân. Trước đây, khu vực tư nhân thường bị đánh giá khắt khe, chưa được nhìn nhận ngang hàng với các khu vực kinh tế khác.
Trong khi Nghị quyết lần này đã thể hiện quan điểm rõ ràng, quyết liệt, coi doanh nghiệp tư nhân là một lực lượng quan trọng nhất trong đổi mới sáng tạo, tôn trọng và ghi nhận đóng góp của khu vực doanh nhân.
Nghị quyết 68 khẳng định trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.
Cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.
Đột phá từ mục tiêu rõ ràng, lượng hóa cụ thể
TS Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, nhận định, Nghị quyết 68 mới được ban hành giống như lời hiệu triệu đi kèm là loạt chính sách để triển khai, phục vụ cho hướng chiến lược và mục tiêu cụ thể được đề ra.
Nghị quyết 68 nêu ra cụ thể những mục tiêu đặt ra. "Khác với trước đây là những mục tiêu trừu tượng, tổng quát thì các mục tiêu được nêu ra ở Nghị quyết 68 có thời hạn, đầy đủ con số, phù hợp với nguồn lực hiện tại của đất nước", ông nói. Việc xác định đúng, trúng những mục tiêu là điểm rất mới để sau này có các chỉ số để kiểm tra, đánh giá lại có đạt tới những mục tiêu đặt ra hay không.

Một góc Hà Nội từ trên cao (Ảnh: Hữu Nghị).
"Mục tiêu có tính dài hạn, tầm nhìn 2045, rất rõ ràng để cụ thể hóa tầm nhìn. Và những mục tiêu chiến lược có thể cụ thể hóa thành mục tiêu ngắn hạn: một loạt chính sách, từ đó kích hoạt khả năng giám sát để chính sách đúng với tinh thần ban đầu", chuyên gia nêu.
Theo ông, Nghị quyết 68 đã mở cờ, khơi dậy cho đội ngũ kinh doanh, tinh thần dân tộc, lòng tự hào dân tộc. Việc thay đổi tư duy, nhận thức sẽ kiến tạo giúp kinh tế tư nhân có không gian phát triển, kéo theo những cải cách thể chế và chính sách đi kèm…
Đó là cụ thể hóa về tiếp cận nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước… Khi có sự liên kết, các khối kinh tế sẽ được thừa hưởng những tiến bộ khoa học công nghệ, chia sẻ nguồn lực, thậm chí trở thành một phần chuỗi cung ứng toàn cầu… nâng đỡ để cùng nhau phát triển.
Nghị quyết 68 cũng đặt ra những hạn chế và đưa ra tầm nhìn về việc thay đổi những doanh nghiệp lớn, song song đó là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… "Nghị quyết đã xác định thực trạng, đề ra giải pháp, hoàn thiện chính sách, đưa ra mục tiêu chiến lược và cụ thể hóa tầm nhìn", ông Linh nêu và nhận định các mục tiêu trở nên rõ ràng, cởi mở, minh bạch.
Theo ông Linh, sau này, khi triển khai Nghị quyết 68 bằng chính sách cụ thể, sẽ giúp nghị quyết đi vào thực tiễn, giúp kinh tế tư nhân, từ động lực trở thành trụ cột của đất nước, bên cạnh khối doanh nghiệp Nhà nước và nước ngoài.
Chuyên gia này hình dung về đất nước trong 10 năm tới với sự sôi động trong hoạt động kinh doanh của kinh tế tư nhân, các trung tâm R&D để tạo ra hàm lượng chất xám cao, nhiều doanh nghiệp liên kết cùng ngành, liên ngành để tạo ra sản phẩm cùng nhau trong chuỗi cung ứng… "Sẽ có sự chia sẻ, kết nối với những trụ cột của nền kinh tế, từ đó kinh tế tư nhân trở thành cú hích phát triển", vị này nói.
Ông cũng hình dung ra sự sôi động trong thị trường lao động gắn với số lượng doanh nghiệp lớn trong 10 năm tới, từ đó hình thành xu hướng phát triển nhân lực có trình độ cao hơn về quản lý, lãnh đạo, vận hành, nghiên cứu… tiệm cận những quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.
TS Ngô Minh Vũ cho rằng, Nghị quyết 68 không chỉ thay đổi về mặt tư duy mà còn đề ra các mục tiêu lượng hóa cụ thể, thể hiện sự quyết tâm chính trị cao.
Theo nghị quyết, đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 57/2024.

Kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ (Ảnh: Gia An).
Mục tiêu cụ thể được đặt ra là phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đạt tỷ lệ 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân, và có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết cũng đặt ra các mục tiêu định lượng rõ ràng là đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 2 triệu doanh nghiệp, đóng góp 55-58% GDP và năng suất lao động tăng từ 8,5-9,5%/năm. Phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Thông điệp song hành xanh, số quan trọng
Ông Quốc Anh còn cho rằng thông điệp "song hành xanh - số" tại Nghị quyết 68 còn khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Việt Nam đặt mục tiêu đưa trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
"Những điểm này không chỉ củng cố niềm tin thị trường mà còn đặt doanh nghiệp tư nhân vào tâm thế là đối tượng được bảo hộ, đồng thời là lực lượng phải dẫn đầu đổi mới", ông nhấn mạnh.
Ông Ngô Minh Vũ chỉ ra điểm khác biệt của Nghị quyết 68 so với các nghị quyết trước đây còn nằm ở việc chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Theo ông, đây là định hướng không thể thiếu, cần phải làm nhanh, làm ngay để bắt kịp xu thế hiện tại và tương lai.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý nhằm tận dụng tối đa động lực từ khu vực kinh tế tư nhân. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước có kinh tế tư nhân phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các nước này đã thành lập các cơ quan chuyên trách chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông lấy ví dụ, Nhật Bản thành lập cơ quan chuyên trách từ năm 2004, Hàn Quốc từ năm 2017, Singapore thậm chí đã có mô hình này từ rất lâu và bổ sung thêm cơ quan mới vào năm 2018. Theo ông, những cơ quan này có chức năng duy nhất là xây dựng cơ chế, quỹ, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư cho khu vực tư nhân. Theo ông, Việt Nam có thể học tập mô hình này để giải quyết vấn đề thể chế hiện nay, vốn còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu rõ ràng.
Ông Quốc Anh cũng nhấn mạnh, điều đáng chú ý nhất trong Nghị quyết 68 là cam kết bảo đảm quyền tiếp cận nguồn lực và cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Hơn 82% lao động làm việc trong khu vực tư nhân nhưng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải dựa vào tài sản thế chấp để vay vốn. Chính vì vậy, việc tháo gỡ các rào cản về đất đai, tín dụng, dữ liệu và nhân lực chất lượng cao được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi nhất. Nếu các cam kết "minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế" được luật hóa trong giai đoạn 2025-2028, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí tuân thủ", ông Quốc Anh nêu.
Với những cơ hội mới từ chính sách, trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân cũng ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Các doanh nghiệp cần thực hiện các hành động cụ thể để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết, bao gồm việc tuân thủ và minh bạch trong các vấn đề thuế, lao động, môi trường.
Cụ thể, để nhận được ưu đãi tín dụng và tham gia đấu thầu, doanh nghiệp cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong báo cáo tài chính và hệ thống quản trị rủi ro ESG. Đồng thời, để lọt vào nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN về công nghệ, doanh nghiệp cần trích ít nhất 2-3% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và tham gia các quỹ đổi mới sáng tạo địa phương.

Các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích dẫn dắt đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh(Ảnh: Nam Anh).
Trong quá trình chuyển đổi số và xanh, doanh nghiệp cần xây dựng "lộ trình kép" bao gồm số hóa quy trình nội bộ, đo lường carbon và đầu tư vào tiết kiệm năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn. Thêm vào đó, việc hình thành các cụm liên kết ngành và ký kết hợp tác với các doanh nghiệp FDI sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế.
"Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ các "chiếc khóa" thể chế mà còn đặt lên vai doanh nhân trách nhiệm lớn lao trong việc trở thành kiến trúc sư của mô hình tăng trưởng mới", ông Quốc Anh nói.
Ông cho rằng để xứng đáng với vị thế là "động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp cần phải hành động ngay, minh bạch, liên kết và không ngừng đổi mới.
Ông Ngô Minh Vũ nhận định, với nội dung, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và giải pháp cụ thể, Nghị quyết 68 chắc chắn sẽ được cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đánh giá cao. Ông cho rằng họ sẽ kỳ vọng vào sự thay đổi không chỉ trên giấy tờ, mà sẽ nhanh chóng được cụ thể hóa thành chính sách, giải pháp thực tiễn.
Theo ông, doanh nghiệp sẽ đón nhận nghị quyết này với tâm thế tích cực, cởi mở, sẵn sàng hợp tác, chờ đợi các chính sách đi vào cuộc sống. Điều quan trọng nhất là sự thay đổi lần này phải nhanh, đồng bộ và thực chất. Nếu làm được điều đó, Nghị quyết 68 sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới, bứt phá cho khu vực kinh tế tư nhân và toàn nền kinh tế Việt Nam.