Các nước đang hành động ra sao để giảm phát thải khí nhà kính?
(Dân trí) - Nhận thức về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gia tăng, Việt Nam và các nước lớn trên thế giới đã nỗ lực để giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi hệ thống năng lượng sạch, bền vững hơn...
Mỹ
Mỹ đã thực hiện một loạt biện pháp để giảm phát thải khí nhà kính. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa ra các chính sách và khung hỗ trợ nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Điều này bao gồm việc cung cấp các khoản tài trợ, giảm thuế và các chính sách khuyến khích cho các dự án năng lượng tái tạo.
Năm 2015, Mỹ ban hành Clean Power Plan (kế hoạch điều chỉnh năng lượng sạch) nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ ngành công nghiệp điện. Kế hoạch này yêu cầu các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm phát thải carbon.
Quốc gian này cũng đưa ra các chính sách khuyến khích sử dụng xe điện, bao gồm việc cung cấp những khoản tài trợ và giảm thuế cho người mua xe điện. Ngoài ra, Mỹ cũng đầu tư vào phát triển hạ tầng sạch hơn, bao gồm việc xây dựng các trạm sạc điện và đầu tư vào công nghệ lưu trữ năng lượng.
Mỹ cũng đặt tiêu chuẩn năng lượng cho các ngành công nghiệp, những thiết bị sử dụng năng lượng, như đèn chiếu sáng, máy lạnh, máy giặt, và tủ lạnh. Nhờ đó, những thiết bị mới được sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn năng lượng cao hơn, giúp giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính.
Anh
Năm 2020, Chính phủ Anh cho biết đặt mục tiêu cắt giảm 2/3 lượng khí thải trong thập kỷ này và nhấn mạnh đây là mức cắt giảm nhanh nhất trong các nền kinh tế lớn. Theo thông báo, mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính 68% so với mức của năm 1990 là một phần của kế hoạch ràng buộc pháp lý để Anh trung hòa carbon vào năm 2050.
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson từng nhấn mạnh rằng Anh đang dẫn đầu với một mục tiêu mới đầy tham vọng về giảm khí phát thải vào năm 2030, nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào.
Ông cũng đã công bố kế hoạch về một cuộc cách mạng công nghiệp xanh, trong đó ông khẳng định sẽ tạo ra và hỗ trợ 250.000 việc làm. Kế hoạch này bao gồm cấm bán các loại xe mới chạy bằng xăng và dầu diesel, tăng gấp 4 lần năng lượng gió ngoài khơi và mở rộng năng lực sản xuất hydrogen trong một thập kỷ tới.
Đức
Đức đặt mục tiêu cắt giảm 65% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990, một bước để trở thành trung hòa carbon vào năm 2045. Hiện tại, con số này ở mức khoảng 46%.
Quốc gia này đã đầu tư vào năng lượng tái tạo và khuyến khích sử dụng điện mặt trời và gió. Ngoài ra, Đức cũng thúc đẩy sử dụng xe điện và phát triển hạ tầng sạch hơn cho giao thông công cộng.
Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp để giảm phát thải khí nhà kính. Một trong những biện pháp quan trọng nhất là Hệ thống Giao dịch Quyền phát thải (EU ETS), một hệ thống thị trường carbon cho các ngành công nghiệp lớn.
Từ năm 2020, châu Âu đã chính thức triển khai Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), một gói biện pháp toàn diện nhằm đạt được mục tiêu trở thành khu vực không khí trung tính đối với carbon vào năm 2050.
Khu vực này cũng thiết lập Hệ thống Thương quyền Phát thải (EU Emissions Trading System) để giới hạn và điều tiết phát thải carbon của các ngành công nghiệp. Hệ thống này áp dụng giới hạn phát thải và quyền chứng nhận phát thải carbon, tạo ra một thị trường carbon để khuyến khích giảm phát thải và khuyến nghị các hoạt động sạch hơn.
Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia có mức phát thải khí nhà kính cao nhất thế giới, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam. Quốc gia này cũng đã thực hiện một số biện pháp để giảm phát thải. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết nước này đặt mục tiêu đưa lượng phát thải carbon đạt đỉnh trước cuối năm 2030, và đạt trung hòa carbon trước cuối năm 2060.
Năm 2021, ông Tập Cận Bình cam kết tạm dừng cấp vốn và xây dựng các nhà máy than mới ở nước ngoài, đồng thời đưa ra kế hoạch 5 năm mới với những mục tiêu năng lượng và carbon quan trọng.
Trung Quốc cam kết giảm hơn 65% lượng khí thải carbon trên mỗi đơn vị GDP từ năm 2005 và đặt mục tiêu mới về công suất lắp đặt điện gió và mặt trời là hơn 1.200 GW vào năm 2030.
Ngoài ra, Trung Quốc đã ban hành tiêu chuẩn năng lượng cho các ngành công nghiệp và đồng thời thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông sạch hơn, bao gồm xe điện và xe chạy bằng năng lượng sạch.
Việt Nam
Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp và chính sách nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, nước ta đã tham gia và ký kết các hiệp định quốc tế như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo NDC (Đóng góp quốc gia tự quyết định), cam kết tại Hội nghị COP26...
Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió... Tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp.
Cụ thể, tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu tổng quát là nhằm phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu quả có sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản.
Qua đó, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Chương trình đặt mục tiêu góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42% và tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5-5,5%/năm
Việt Nam cũng tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và quốc gia khác trong việc chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án giảm phát thải. Những nỗ lực này không chỉ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần vào phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.
Nhật Bản
Mặc dù là quốc gia của công nghệ năng lượng, Nhật Bản vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như than đá và khí tự nhiên hóa lỏng, trong khi hầu hết các lò phản ứng hạt nhân của nước này đã ngừng hoạt động kể từ thảm họa Fukushima năm 2011.
Tuy nhiên, Nhật Bản cũng rất tích cực triển khai các hoạt động của mô hình kinh tế carbon tuần hoàn nhằm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như đã cam kết.
Theo kế hoạch tăng trưởng xanh, Nhật Bản đặt mục tiêu trọng tâm vào việc sản xuất điện gió ngoài khơi với tham vọng tạo ra tới 45 gigawatt trong những thập kỷ tới.
Chính quyền nước này cũng muốn phát triển các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân sử dụng công nghệ thu giữ carbon để đáp ứng 30 - 40% nhu cầu về điện của quốc gia. Công nghệ sản xuất điện từ amoniac và hydro bên cạnh đó đóng góp khoảng 10% vào năm 2025.
Đến giữa năm 2030, Nhật Bản muốn loại bỏ hoàn toàn các phương tiện chở khách mới chạy bằng xăng và có kế hoạch thay thế chúng bằng xe điện, xe xăng lai điện và xe lắp động cơ pin nhiên liệu. Chính phủ sẽ có các chính sách để giảm chi phí pin cho các loại xe này.
Hàn Quốc
Hàn Quốc cũng là một trong những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhất thế giới. Tuy nhiên, quốc gia này đã tìm cách đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.
Ủy ban Tổng thống về Tăng trưởng Xanh và Trung hòa Carbon cho biết theo kế hoạch, lĩnh vực công nghiệp sẽ được yêu cầu cắt giảm 11,4% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức của năm 2018.
Ủy ban trên cho biết họ đã nới lỏng các mục tiêu cắt giảm công nghiệp do các điều kiện thực tế trong nước bao gồm nguồn cung nguyên liệu thô và triển vọng công nghệ.
Trong lĩnh vực năng lượng, Hàn Quốc đặt mục tiêu cắt giảm hơn nữa lượng khí nhà kính khi kết hợp cân bằng năng lượng giữa năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và hydro.
Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam sẽ diễn ra vào 14h ngày 22/5 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (35 Hùng Vương, Hà Nội).
Lễ ra mắt có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện tổ chức quốc tế, lãnh đạo hội, hiệp hội, chuyên gia, cùng nhiều đại diện doanh nghiệp, đơn vị quan tâm đến ESG, phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam, Báo Dân trí ra mắt Chuyên trang ESG - Phát triển bền vững, phát động cuộc thi viết "Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững", tổ chức tọa đàm Đối thoại và Giải pháp chủ đề "Net Zero - Cam kết và hành động vì tương lai bền vững".
Độc giả quan tâm có thể đăng ký tham dự Lễ ra mắt Diễn đàn ESG tại đây .
Trân trọng cảm ơn nhà tài trợ vàng HDBank, nhà tài trợ bạc OCB đồng hành với Báo Dân trí trong Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam.
"Diễn đàn ESG Việt Nam" sẽ được Báo Dân trí tổ chức thường niên từ năm 2024. Diễn đàn là nơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về ESG và kết nối, tạo dựng mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp chung tay xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững và có trách nhiệm với xã hội.
Các hoạt động chính của Diễn đàn ESG Việt Nam gồm hội thảo, tọa đàm, các sự kiện chuyên đề về ESG với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, giúp tăng cường nhận thức và kiến thức về ESG, thực thi ESG cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Diễn đàn ESG Việt Nam không chỉ là nơi thảo luận về lý thuyết mà còn là nền tảng thực tiễn, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh của mình, góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường và trong cộng đồng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Điểm nhấn của Diễn đàn ESG Việt Nam sẽ là hội thảo theo chủ đề cùng lễ vinh danh các tổ chức, đơn vị hướng đến phát triển bền vững được tổ chức hàng năm.