Hiểu sao cho đúng về khí nhà kính?

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Khí nhà kính có tác động rất lớn đến môi trường trên thế giới và gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan. Điều này đang tạo ra những thách thức lớn cho sự phát triển bền vững và an ninh toàn cầu.

Khí nhà kính là gì?

Khí nhà kính (greenhouse gases) là một tập hợp các khí tự nhiên và nhân tạo trong không khí, gồm các chất như carbon dioxide (CO2), methane (CH4), nitrous oxide (N2O) và ozone (O3). Các khí này có khả năng hấp thụ và giữ lại nhiệt từ mặt đất, tạo thành hiệu ứng nhà kính tự nhiên, giúp duy trì nhiệt độ trái đất ở mức phù hợp cho sự tồn tại của các hệ sinh thái và sự sống.

Khí nhà kính mất hàng trăm năm tồn tại trong tầng khí quyển. Chúng hoạt động như một vách ngăn, không cho nhiệt độ từ bề mặt trái đất thoát ra ngoài. Nhiệt độ bị giữ lại dưới tầng khí quyển sẽ  tạo ra một lớp bức xạ nhiệt trong không khí và tạo ra hiệu ứng nhà kính.

Hiểu sao cho đúng về khí nhà kính? - 1

Mô tả cơ chế nóng lên vì khí nhà kính (Minh họa: Getty Images).

Trong tự nhiên, hiệu ứng nhà kính là một quá trình cần thiết để duy trì sự ấm áp và sự sống trên hành tinh. Tuy nhiên, hoạt động con người như đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, chặt phá rừng và công nghiệp nông nghiệp đã tạo ra một lượng lớn khí nhà kính vượt quá mức cần thiết. Những điều này dẫn đến sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Hiện tượng biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong các khoảng thời gian có thể xác định và so sánh được. Trước đây, hiện tượng này chỉ xuất hiện ở một số khu vực và trong một giai đoạn nhất định do sự biến đổi của tự nhiên gây ra. Thế nhưng, dưới sự tác động của con người, hàm lượng phát thải khí CO2 tăng cao nên hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn và trên phạm vi toàn cầu.

Hiệu ứng nhà kính tác động ra sao đến môi trường và kinh tế?

Sự gia tăng khí nhà kính đã dẫn đến tăng nhiệt độ toàn cầu và tạo ra hiệu ứng nhà kính. Hiện tượng này gây ra sự nóng lên của Trái Đất, gây biến đổi khí hậu và gây ra các hậu quả như băng tan, tăng mực nước biển và thay đổi môi trường sống của các loài sinh vật.

Các loài động vật và thực vật phải đối mặt với sự thay đổi môi trường sống, suy giảm đa dạng sinh học và sự di chuyển của các loài. Điều này có thể gây ra sự suy thoái môi trường và mất cân bằng sinh thái.

Hiệu ứng nhà kính cũng có thể dẫn đến mưa lớn, hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Điều này ảnh hưởng tới nông nghiệp, hệ sinh thái tự nhiên và đời sống con người.

Không những vậy, hiệu ứng nhà kính còn tác động đến nền kinh tế. Các hiện tượng thiên tai cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán... đang có dấu hiệu gia tăng. Những sự kiện này có thể gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng, gây ra sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế của các quốc gia.

Hiểu sao cho đúng về khí nhà kính? - 2

Hiệu ứng nhà kính gây ra sự nóng lên của Trái Đất và gây biến đổi khí hậu (Ảnh: Getty Images).

Hiệu ứng nhà kính cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng, làm thay đổi mô hình canh tác và mức độ sản xuất nông nghiệp. Sự thay đổi đó có thể ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, sự đa dạng sinh học và sức khỏe động vật nuôi. Những thay đổi này cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung, khiến giá thành sản xuất tăng cao, ảnh hưởng đến nền kinh tế và an ninh lương thực.

Chính vì vậy, việc đầu tư vào các biện pháp giảm thiểu khí thải nhà kính và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là cần thiết để xây dựng một tương lai bền vững hơn.

Các quốc gia cũng đã áp đặt các quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn đối với các ngành để giảm thiểu khí thải nhà kính. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp để tuân thủ như đầu tư vào công nghệ sạch hơn, cải tiến quy trình sản xuất và sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả hơn. 

Việc giảm lượng khí thải nhà kính cũng cầu sự chuyển đổi từ nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Điều này đòi hỏi các quốc gia đầu tư lớn vào công nghệ và các hệ thống năng lượng tái tạo.