DBiz

3 đại gia Gia Lai: Từ tỷ phú sàn chứng khoán đến người nợ nần, người bị bắt

Khổng Chiêm
3 đại gia Gia Lai: Từ tỷ phú sàn chứng khoán đến người nợ nần, người bị bắt

Người từ đỉnh vinh quang đến ngày nợ nần, người bị khởi tố

Nói đến phố núi Gia Lai, không ai không biết tới 3 doanh nghiệp nổi tiếng trên thương trường: Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG), Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) và Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG).

Cùng khởi nghiệp bằng những xưởng gỗ nhỏ trên đất Gia Lai từ mấy chục năm trước, từng rạng rỡ với các thành quả đáng tự hào, nhưng nay, cả 3 doanh nghiệp đều có những khó khăn riêng.

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - đã làm nức lòng giới đầu tư khi trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam liên tiếp trong 2 năm 2008-2009.

Năm 2008, lần đầu tiên cổ phiếu HAG niêm yết sàn chứng khoán, bầu Đức soán ngôi đầu trong top người giàu trên sàn với giá trị tài sản cổ phiếu gần 6.200 tỷ đồng. Năm 2009, ông tiếp tục giữ vững ngôi vương với giá trị cổ phiếu gần 11.500 tỷ đồng. Sau đó, ông không ngần ngại bày tỏ ước mơ có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không đơn thuần là người giàu Việt Nam.

Thời kỳ đỉnh cao, bầu Đức là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng. Ông mua một chiếc máy bay do Mỹ sản xuất, có 12 chỗ ngồi, lên tới 7 triệu USD. Lúc đó, ông khẳng định mua máy bay để giải quyết nhu cầu công việc chứ không phải mua về chỉ để thỏa cái sở thích cá nhân; không thừa tiền để mua máy bay chỉ để thỏa mãn cái thú vui ngắm cảnh...

3 đại gia Gia Lai: Từ tỷ phú sàn chứng khoán đến người nợ nần, người bị bắt - 1

Bầu Đức từng giàu nhất sàn chứng khoán, sở hữu máy bay riêng (Ảnh: Hải Long).

Tuy nhiên sau đó, ông Đức gặp thất bại với cao su, mía đường, chăn nuôi bò. Giá cao su rớt thê thảm, các mảng kinh doanh khác không thuận lợi khiến nợ vay đè nặng. Từ giấc mơ tỷ phú USD, bầu Đức thành con nợ tỷ USD. Năm 2016, số nợ của Hoàng Anh Gia Lai lên đến hơn 26.500 tỷ đồng, chi phí lãi vay một năm gần 1.600 tỷ đồng.

Đến năm 2022, Bầu Đức tuyên bố Hoàng Anh Gia Lai "thoát khỏi cửa tử", khi số nợ vay ngân hàng về mức 8.000 tỷ đồng. Trong 6 năm giông bão, Hoàng Anh Gia Lai bán hàng nghìn ha cao su để trả nợ, bán dự án phức hợp tại Myanmar, bán phá giá nhiều dự án căn hộ tại TPHCM, tuyên bố rút lui khỏi mảng bất động sản....

Ngay cả Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) - một doanh nghiệp chủ chốt trong hệ sinh thái liên quan Bầu Đức - cũng được sang tay ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải (Thaco).

Nhớ lại những ngày tháng đó, bầu Đức nói đã phải đối mặt với những người khinh mình, coi thường mình. Nhưng điều đó dạy ông cách "bình thản", "coi sự khinh thường là động lực" và tin rằng "một ngày mai trời sẽ sáng trở lại". Người từng giàu nhất sàn chứng khoán Việt nói rằng "Càng nhiều người coi thường, thì càng nhiều động lực để tôi tiếp tục nỗ lực, quyết tâm".

Với ông, những người bạn thực sự là "ánh mắt họ nhìn Đoàn Nguyên Đức dù là khi ông ta giàu nhất sàn chứng khoán với khi ông ta gánh trên vai khoản nợ 30.000 tỷ đồng đều không hề thay đổi".

3 đại gia Gia Lai: Từ tỷ phú sàn chứng khoán đến người nợ nần, người bị bắt - 2

Bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai - vừa bị khởi tố, bắt tạm giam (Ảnh: T.Đ).

Chông gai chưa qua với bầu Đức thì mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai - lại gặp biến cố. Từng một tay gây dựng lên cơ nghiệp, bà Loan đã gắn bó với Quốc Cường Gia Lai từ năm 1994 đến nay, tròn 30 năm.

Vừa qua, bà Loan bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Vụ việc nằm trong quá trình Bộ Công an điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.

Còn Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã 2 lần bị đối tác nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Lần 1 vào tháng 7/2023, Lilama 45.3 đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai và Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản.

Tuy nhiên, Đức Long Gia Lai đã có đơn đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại quyết định này. Sau đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xem xét quá trình hoạt động, nhận thấy Đức Long Gia Lai không mất khả năng thanh toán và có thiện chí, cam kết trả nợ cho Lilama 45.3. Từ đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã ra quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh Gia Lai.

Mới đây nhất, Lilama 45.3 lại tiếp tục nộp đơn và TAND tỉnh Gia Lai đã thụ lý đơn.

Tìm đường vượt khó

Trong nhiều năm qua, kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai suy giảm theo những khó khăn chung của thị trường. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3 tỷ đồng, giảm 69% so với năm trước.

Công ty giải trình nguyên nhân lợi nhuận suy giảm là thị trường bất động sản đối mặt nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý chưa được giải quyết. Nguồn vốn vào bất động sản bị thu hẹp, các khoản giải ngân cho khách hàng và doanh nghiệp còn rất hạn chế. Lãi suất ngân hàng tăng gây áp lực lớn cho khách hàng và doanh nghiệp. Với những yếu tố không thuận lợi trên, nhu cầu giao dịch bất động sản giảm kéo theo doanh thu và lợi nhuận giảm so với năm trước.

Quý đầu năm nay, Quốc Cường Gia Lai đạt doanh thu gần 39 tỷ đồng, giảm 76%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ gần 1,4 tỷ đồng, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Trước biến cố của lãnh đạo cấp cao, công ty vừa thông báo ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) giữ vị trí Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện pháp luật. HĐQT cũng đề cử ông Cường làm thành viên HĐQT công ty, nhiệm kỳ 2022-2027, thay thế bà Nguyễn Thị Như Loan.

Sắp tới đây, ngày 30/7, Quốc Cường Gia Lai sẽ tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 lần 2. Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 20 lần năm trước.

Ban lãnh đạo lên kế hoạch tiếp tục hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 1/500 dự án Marina Đà Nẵng và triển khai thủ tục, kịp bán hàng trong quý IV. Đồng thời, công ty đưa vào khai thác 6 tầng thương mại dự án Giai Việt (quận 8, TPHCM) vào quý III năm nay; tiếp tục khai thác mặt bằng khu thương mại tại các dự án.

Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai dự kiến có nguồn thu từ mủ cao su; hoàn tất chuyển nhượng 3 nhà máy thủy điện; hoàn tất thoái vốn tại công ty liên kết - Công ty cổ phần Quốc Cường Liên Á. Công ty sẽ hoàn thiện pháp lý các dự án dở dang, có tính khả thi cao và chuyển nhượng hàng tồn kho tại các dự án.

Đối với bầu Đức, quyết tâm sạch nợ vào năm 2026 vẫn được doanh nghiệp rốt ráo thực hiện, khi cùng lúc sử dụng nhiều giải pháp như bán tài sản, bán cổ phiếu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn đó khó khăn khi vừa mới đây, công ty chậm trả khoản nợ gốc và lãi trái phiếu hơn 4.364 tỷ đồng tại BIDV.

Công ty giải trình lý do chậm thanh toán là chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (hiện đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên) và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của công ty. Thời gian dự kiến thanh toán phần còn lại trong quý III.

Tính đến quý I/2024, công ty của bầu Đức còn khoản nợ vay tài chính hơn 7.816 tỷ đồng, giảm 53 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,11 lần.

Chưa trả thêm nợ nhưng mới đây, Hoàng Anh Gia Lai lại muốn vay thêm tối đa 1.050 tỷ đồng tại Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cho công ty con - Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai. Tài sản bảo đảm là hơn 165,7 triệu cổ phiếu của công ty Chăn nuôi Gia Lai.

Còn Đức Long Gia Lai đang phải cùng lúc xử lý nhiều vấn đề khó khăn, trong đó có vụ việc bị đối tác Lilama 45.3 nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đức Long Gia Lai cho biết tập đoàn có phát sinh khoản nợ gốc hơn 14,7 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán gần 2,4 tỷ đồng đối với Công ty Lilama 45.3. Con số này đã được xác nhận theo bản án phúc thẩm ngày 8/2/2023 của TAND tỉnh Gia Lai.

Từ đó cho đến nay, công ty vẫn đang triển khai các hoạt động bình thường, đồng thời đã tiếp tục có thiện chí, trả nợ cho Lilama 45.3 theo đúng cam kết.

Trong quý I và quý II năm nay, Đức Long Gia Lai trả cho Lilama 45.3 mỗi quý 1 tỷ đồng. Đến giờ, tổng số tiền đã thanh toán là 6 tỷ đồng. Tại thời điểm gần nhất, ngày 27/6, công ty đã trả 350 triệu đồng.

Đức Long Gia Lai cho rằng công ty không vi phạm quy định của Luật Phá sản 2014 là "Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán".

Do đó, công ty cho biết đã gửi văn bản đề nghị TAND tỉnh Gia Lai xem xét lại điều kiện của việc Lilama 45.3 gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, để không thụ lý đơn và thu hồi thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Trong 5 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Đức Long Gia Lai có sự trồi sụt. Lợi nhuận các năm 2019-2020 và 2022 đều âm, thậm chí năm 2022 lỗ sâu 1.197 tỷ đồng. Chi phí quản lý và chi phí lãi vay "bào mòn" lợi nhuận doanh nghiệp.

Năm 2023, công ty tiếp tục lỗ gần 579 tỷ đồng. Từ đó, lỗ lũy kế ở mức 2.664 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, các khoản nợ ngắn hạn của tập đoàn cũng vượt quá tổng tài sản ngắn hạn.

Để vượt qua các khó khăn tài chính, Đức Long Gia Lai thống nhất thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited (gọi tắt Mass Noble). Đến nay, Đức Long Gia Lai đã đầu tư 249 tỷ đồng để trở thành công ty mẹ của Mass Noble, tương ứng sở hữu 97,73% vốn.

Mass Noble là "nồi cơm" của Đức Long Gia Lai khi đóng góp phần lớn doanh thu của tập đoàn. Năm 2023, mảng buôn bán linh kiện điện tử mang về hơn 573 tỷ đồng doanh thu, chiếm 51%. Năm 2022, con số này lần lượt là 822 tỷ đồng, chiếm 61%.

Năm nay, Đức Long Gia Lai đặt kế hoạch doanh thu 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng, cải thiện rất nhiều so với con số lỗ 578 tỷ đồng của năm trước. Công ty định hướng chủ trương tái cấu trúc, kiên định với các ngành nghề chiến lược như đầu tư hạ tầng giao thông hình thức BOT, năng lượng, đầu tư tài chính....