DBiz

Quốc Cường Gia Lai kinh doanh ra sao dưới thời bà Nguyễn Thị Như Loan?

Khổng Chiêm
Quốc Cường Gia Lai kinh doanh ra sao dưới thời bà Nguyễn Thị Như Loan?

Bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) - vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Quyết định nêu trên nằm trong quá trình Bộ Công an điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.

Ngoài vai trò Tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Như Loan còn là người sáng lập Quốc Cường Gia Lai. Có giai đoạn, bà Loan còn đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này.

Gia đình bà Loan sở hữu phần lớn cổ phần tại Quốc Cường Gia Lai

Quốc Cường Gia Lai được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 2007, tiền thân là Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường. Năm 2007, công ty chuyển đổi thành Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Lúc này, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thủy điện Iagrai 1, Iagrai 2, Pleikeo, Anzyn Trung và 4.000ha cao su.

Dựa trên các thế mạnh sẵn có, công ty bắt đầu thành lập các công ty con, góp vốn vào công ty liên kết làm dự án bất động sản. Từ năm 2007, công ty mở rộng quỹ đất dự án Phước Kiển, Nhà Bè, TPHCM từ 19ha lên 45ha.

2 năm sau đó, công ty đầu tư và xây dựng hàng loạt dự án tại TPHCM, khai hoang trồng mới thêm 1.000ha cao su, mở rộng dự án Phước Kiển lên 93ha. Đồng thời, nhà máy thủy điện Iagrai 1 (Gia Lai) được khởi công, công suất 10,8MW.

Năm 2010 đánh dấu sự kiện công ty niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), tăng vốn điều lệ lên hơn 1.215 tỷ đồng.

Từ đó đến nay, Quốc Cường Gia Lai tập trung vào các mảng kinh doanh như thủy điện, bất động sản, cao su, gỗ. Địa bàn kinh doanh chính tại TPHCM, Gia Lai, Đà Nẵng, Bình Dương, Vũng Tàu.

Theo báo cáo tài chính quý I năm nay, Quốc Cường Gia Lai có 3 công ty con, 2 công ty liên kết. Đến nay, công ty vẫn chưa tổ chức được cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2024 do lần 1 bất thành. Tại thời điểm đó, bà Như Loan gặp vấn đề về sức khỏe nên cuộc họp không thành. Theo quy định, cuộc họp lần 2 sẽ được thông báo tổ chức trong vòng 30 ngày kể từ ngày tổ chức lần 1 không thành công.

Theo báo cáo, tính tại ngày 31/12/2023, bà Như Loan sở hữu gần 102 triệu cổ phiếu QCG, tương đương tỷ lệ 37% vốn. Bà Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan) sở hữu gần 39,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 14,3% vốn.

Cùng với đó, ông Lầu Đức Huy (con rể bà Loan) nắm hơn 10,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,8%. Ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) nắm 537.500 cổ phiếu cùng một số thành viên khác có liên quan cũng sở hữu cổ phần QCG.

Tổng cộng, bà Loan và gia đình sở hữu khoảng 59,9% vốn Quốc Cường Gia Lai.

Lợi nhuận suy giảm

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bà Loan giảm trong nhiều năm qua. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3 tỷ đồng, giảm 69% so với năm trước.

Công ty giải trình nguyên nhân lợi nhuận suy giảm là thị trường bất động sản đối mặt nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý chưa được giải quyết. Nguồn vốn vào bất động sản bị thu hẹp, các khoản giải ngân cho khách hàng và doanh nghiệp còn rất hạn chế. Lãi suất ngân hàng tăng gây áp lực lớn cho khách hàng và doanh nghiệp. Với những yếu tố không thuận lợi trên, nhu cầu giao dịch bất động sản giảm kéo theo doanh thu và lợi nhuận giảm so với năm trước.

Quý đầu năm nay, Quốc Cường Gia Lai đạt doanh thu gần 39 tỷ đồng, giảm 76%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ gần 1,4 tỷ đồng, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Điểm sáng là công ty có dòng tiền kinh doanh dương hơn 13,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước âm gần 55 tỷ đồng, phản ánh số tiền doanh nghiệp thu về vượt số tiền phải chi ra.

Quốc Cường Gia Lai có nợ vay tài chính 570 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chỉ 0,13 lần. Trong nhiều năm qua, công ty sử dụng nguồn vốn vay từ tiền cá nhân lãnh đạo, như bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc, ông Lại Thế Hà - Chủ tịch HĐQT và những người có liên quan hay doanh nghiệp liên quan.

Tại ngày 31/3, Quốc Cường Gia Lai có khoản nợ với nhóm này khoảng 676 tỷ đồng. Trong đó, công ty nợ bà Như Loan hơn 78 tỷ đồng, ông Thế Hà hơn 18 tỷ đồng...

Năm nay, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 20 lần năm trước.

Ban lãnh đạo đặt mục tiêu năm nay tiếp tục hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 1/500 dự án Marina Đà Nẵng và triển khai thủ tục, kịp bán hàng trong quý IV. Đồng thời, công ty đưa vào khai thác 6 tầng thương mại dự án Giai Việt (quận 8, TPHCM) vào quý III năm nay; tiếp tục khai thác mặt bằng khu thương mại tại các dự án.

Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai lên kế hoạch có nguồn thu từ mủ cao su; hoàn tất chuyển nhượng 3 nhà máy thủy điện; hoàn tất thoái vốn tại công ty liên kết - Công ty cổ phần Quốc Cường Liên Á. Công ty sẽ hoàn thiện pháp lý các dự án dở dang, có tính khả thi cao và chuyển nhượng hàng tồn kho tại các dự án.

Phải hoàn trả 2.883 tỷ đồng cho Vạn Thịnh Phát và loạt tài sản giá trị

Theo bản án liên quan vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử buộc Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ 2.883 tỷ đồng đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan, liên quan dự án Phước Kiển.

Đồng thời, Hội đồng xét xử tiếp tục kê biên các bất động sản liên quan đến Quốc Cường Gia Lai để đảm bảo nghĩa vụ của công ty. 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM (có diện tích khoảng 1 ha thuộc dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển) tiếp tục bị kê biên và giao cục C03 - Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.

Hội đồng xét xử cũng kê biên 475 bất động sản liên quan đến Quốc Cường Gia Lai bao gồm 301 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 21 hợp đồng công chứng, 147 Thỏa thuận bồi thường các thửa đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM thuộc dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển và 6 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM.

Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng tuyên nếu Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn đủ 2.883 tỷ đồng sẽ được nhận lại toàn bộ các bất động sản cùng giấy tờ liên quan.

Là doanh nghiệp nhiều năm trong ngành, Quốc Cường Gia Lai có khối tài sản khổng lồ. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh nghiệp có hơn 7.033 tỷ đồng hàng tồn kho, không thay đổi nhiều so với cuối năm trước.

Trong đó, hơn 6.525 tỷ đồng là bất động sản dở dang và hơn 465 tỷ đồng bất động sản hàng hóa. Báo cáo không thuyết minh cụ thể về các dự án tồn kho.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, tài sản bất động sản của công ty được thuyết minh cụ thể hơn. Với bất động sản dở dang (gồm các khoản chi phí tiền sử dụng đất, tư vấn thiết kế, xây dựng và chi phí khác), Quốc Cường Gia Lai có các dự án Khu dân cư Phước Kiển (TPHCM), dự án Lavida (TPHCM), Central Premium (TPHCM), Marina Đà Nẵng và một số dự án khác.

Bất động sản hàng hóa (đã xây dựng hoàn thành) gồm Chung cư Quốc Cường Gia Lai II - Lô A (TPHCM), Dự án DeCapella (TPHCM), Chung cư Giai Việt (TPHCM) và một số dự án khác. Tại ngày 31/12/2023, công ty đã thế chấp một số dự án bất động sản với giá trị ghi sổ gần 28 tỷ đồng để đảm bảo khoản vay tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Liên doanh Việt Nga.

Quốc Cường Gia Lai còn đầu tư dưới hình thức hợp tác đầu tư để phát triển 2 dự án gồm Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong (quận 7, TPHCM) và Khu dân cư Phước Kiển 2 (Nhà Bè, TPHCM).

Tại ngày 31/12/2023, công ty còn thế chấp quyền sử dụng đất tại đường Nguyễn Chí Thanh, TP Pleiku, Gia Lai với giá trị còn lại hơn 47,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp còn có hơn 15 tỷ đồng bất động sản đầu tư.

Ngoài tài sản bất động sản, Quốc Cường Gia Lai còn có tài sản là các nhà máy thủy điện Iagrai 1 và Iagrai 2 tại huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai. Công ty từng ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản nhà máy thủy điện Iagrai 1 với Công ty cổ phần Thủy điện Mặt trời, giá trị gần 47,7 tỷ đồng. Tuy nhiên ngày 26/2/2024, công ty đã ký văn bản hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng này, các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Tháng 5 vừa qua, Quốc Cường Gia Lai còn có công bố Nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng dự án và các tài sản khác thuộc dự án Nhà máy Thủy điện Iagrai 2 (Gia Lai) và Nhà máy Thủy điện Ayun Trung (Gia Lai). Mục đích chuyển nhượng nhằm tái cơ cấu đầu tư, thời gian thực hiện đều trong quý II-III năm nay. Tổng giá trị chuyển nhượng là 615 tỷ đồng.