(Dân trí) - Dừng lại cuộc dạo chơi với bóng đá, ông Trần Đình Long ngoài 20 năm làm thép còn không hề giấu tham vọng lớn khi phát triển đa ngành, chắc nịch quan điểm "không sợ", nhìn thấy cơ hội là phải làm.
Dừng lại cuộc dạo chơi với bóng đá, dồn toàn lực vào kinh doanh để sinh lợi, ông Trần Đình Long ngoài 20 năm làm thép còn không hề giấu tham vọng lớn khi phát triển đa ngành, chắc nịch quan điểm "không sợ", nhìn thấy cơ hội là phải làm.
Giá cổ phiếu nhảy múa và sự trồi sụt danh hiệu "tỷ phú USD"
Tuần qua là một tuần giao dịch không mấy thuận lợi với cổ phiếu ngành thép nói chung và HPG của Tập đoàn Hòa Phát nói riêng. HPG sau khi tiến dần gần về vùng đỉnh cũ của tháng 10 (58.000 đồng/cổ phiếu) vào phiên 8/11 thì đã liên tục giảm.
Mặc dù phiên cuối tuần (12/11) HPG hồi phục tương đối tích cực 1,11% lên 54.600 đồng/cổ phiếu nhưng xét chung trong một tuần giao dịch, HPG vẫn ghi nhận mức sụt giảm 3,53% và giảm tới 4,21% trong một tháng qua.
Thậm chí, ở phiên 11/11, HPG còn trở thành "tội đồ" dìm VN-Index khiến chỉ số này quay đầu giảm điểm về cuối phiên. Ở một góc nhìn khác, điều này cho thấy, HPG vào thời điểm này đã trở thành một trong những "thế lực lớn" trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tầm vóc mà mới khoảng 2 năm trước khó ai nghĩ đến.
Kể cả diễn biến cổ phiếu thời gian gần đây bất lợi nhưng điều đó cũng không mấy ảnh hưởng tới vị thế của HPG trên thị trường. Thống kê tại thời điểm kết phiên giao dịch ngày 12/11, vốn hóa thị trường của HPG đã đạt 241.985,1 tỷ đồng, xếp vào diện cổ phiếu "tứ trụ" của VN-Index, cùng với VCB (Vietcombank), VIC (Vingroup) và VHM (Vinhomes).
Tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát - tính theo thị giá HPG, đạt 62.986 tỷ đồng. Ông Long đang sở hữu 1,17 tỷ cổ phiếu HPG. Đó là chưa tính đến sở hữu của vợ ông Trần Đình Long - bà Vũ Thị Hiền - với 328,1 triệu cổ phiếu HPG có giá trị khoảng 17.719 tỷ đồng.
Nếu nói sự phát triển của thị trường chứng khoán đã làm lộ ra mức độ giàu có của giới đại gia thì ông Trần Đình Long có lẽ là một ví dụ.
Ông Trần Đình Long xuất hiện trong danh sách "những người giàu nhất thế giới năm 2018" do Forbes bình chọn. Năm đó, Việt Nam có sự góp mặt của 4 doanh nhân: ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Ô tô Trường Hải và ông Trần Đình Long. Ông Trần Đình Long xếp vị trí 1.756 khi nắm giữ khối tài sản 1,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, vừa được vinh danh không lâu thì thị trường chứng khoán có cú rơi đột ngột từ năm 2018 đến đầu năm 2020, ông Long bị bật khỏi bảng xếp hạng. Đến cuối năm 2020, ông Long lại tiếp tục là "tỷ phú USD" nhờ cổ phiếu HPG tăng giá, chứng khoán Việt lập kỳ tích này đến kỳ tích khác.
"Ông trùm" ngành thép nói rằng, bản thân ông thấy "rất bình thường" với việc xếp hạng, "còn với công ty, có hay không danh hiệu đó thì ở Hòa Phát mọi thứ vẫn vận hành như thế thôi".
Tuy nhiên, việc đo đếm tài sản của giới nhà giàu mỗi ngày sẽ tương đối… vô nghĩa nếu chỉ nhìn vào con số. Danh sách này nhận được sự quan tâm đó là do mục đích của Forbes là liệt kê và xếp hạng ai là những người quan trọng nhất trên thế giới. Thế nên, việc được vinh danh "tỷ phú USD" sẽ phần nào khẳng định được tầm vóc của một cá nhân cũng như doanh nghiệp của cá nhân đó trên thị trường, uy tín theo đó tăng theo và không thể không nói, cá nhân cũng như doanh nghiệp của họ cũng hưởng lợi!
Bỏ bóng đá
Trước khi những "cơn sóng thần" chứng khoán nổi lên vào năm 2017-2018 và 2020-2021, đương nhiên ông Long vẫn là một người giàu trên thị trường, nhưng chủ yếu người ta vẫn nhắc đến Chủ tịch Hòa Phát với cái tên gọi "bầu Long" - một doanh nhân đam mê và tài trợ cho bóng đá - thay vì danh xưng "tỷ phú".
Cùng với ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) hay ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), ông Trần Đình Long từng được công chúng biết đến là một trong những người kinh doanh rất tâm huyết với bóng đá Hà Nội nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.
Là ông bầu của đội bóng Hòa Phát Hà Nội trong hơn 7 năm, bên cạnh việc xây dựng khu liên hợp thể thao hoành tráng rộng gần 3 ha nằm dọc quốc lộ 5 với các trang thiết bị máy móc tối tân, Hòa Phát Hà Nội còn thực hiện tuyển chọn tài năng trẻ, kỳ vọng và chăm lo cho tương lai của câu lạc bộ.
Tuy nhiên, những vấn đề của bóng đá trong nước thời điểm đó đã khiến ông Long chán nản. Đỉnh điểm là khi Hòa Phát Hà Nội bị xử ép trong trận đấu với Hải Phòng trên sân Lạch Tray cuối mùa giải 2011 - "giọt nước tràn ly" dẫn đến quyết định "rửa tay gác kiếm" của bầu Long và bầu Tuấn. Ông chủ Hòa Phát chính thức dừng lại cuộc chơi với môn thể thao vua.
Tháng 9/2011, bầu Long quyết định ngừng đầu tư vào bóng đá và giải thể đội bóng Hòa Phát Hà Nội thì câu lạc bộ Hà Nội ACB của bầu Kiên - một người bạn thân thiết của ông Long - chính là bên tiếp nhận đội bóng này.
2 thập kỷ làm thép
Rời bỏ đam mê bóng đá và tập trung vào việc chính và cũng là thế mạnh của mình là thép, dường như đây là lựa chọn chính xác của vị doanh nhân gốc Hải Dương.
Theo chia sẻ của ông Kiều Chí Công - Giám đốc Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên - khi mới thành lập năm 2001, Công ty TNHH Sắt Thép Hòa Phát, tiền thân của Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên ngày nay mới chỉ có vốn điều lệ khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Long đã quyết định đầu tư làm thép với dây chuyền cán hiện đại nhất vào thời điểm đó với công suất 250.000 tấn/năm. "Đó thực sự là bước ngoặt lớn vì Hòa Phát lúc đó tiềm lực chưa có, chưa làm thép xây dựng bao giờ" - ông Công cho biết.
"Lão làng" ở Hòa Phát kể lại: Nói hiện đại nhất vì đó là dây chuyền của châu Âu, có tính tự động hóa cao, điều hoàn toàn mới mẻ với các cán bộ, kỹ sư của công ty cùng như cả ngành thép. Vì quy mô lớn quá chưa có ngân hàng nào cấp tín dụng xông xênh như bây giờ, vay 100 tỷ đồng mà phải làm việc với 6 ngân hàng mới sắp xếp đủ. Xoay được vốn rồi, nhập máy móc thiết bị về cũng là cả vấn đề. Hòa Phát lúc ấy hoàn toàn mới, chưa có tên tuổi trên thị trường nên phải ủy thác cho một công ty thương mại nhập dây chuyền thiết bị về Việt Nam. Ngày 12/8/2002, dây chuyền cán thép đầu tiên của Tập đoàn Hòa Phát nổi lửa, ra mẻ thép cán đầu tiên. Những năm đầu, sản phẩm thép của Hòa Phát có tên "Dani".
Làm được nhà máy cán rồi, việc nhập phôi từ nước ngoài về cán thép cũng rất khó khăn vì vấn đề hạn mức, chủ yếu phải nhập qua các đơn vị nước ngoài. Phải đến năm 2004, công ty hoàn thành nhà máy sản xuất phôi thép đầu tiên từ phế liệu, công suất ban đầu khoảng 150.000 tấn/năm, từ đó tự chủ được nguồn phôi cho dây chuyền cán. Khi tự chủ được phôi rồi thì công ty mới chính thức chuyển nhãn hiệu thép Dani thành thép Hòa Phát như ngày nay.
Năm 2002, Hòa Phát có dây chuyền cán thép đầu tiên 250.000 tấn/năm nhưng chỉ bán được 24.000 tấn thép, thị phần 1%. Thương hiệu chưa có, chưa ai biết chào hàng, trong khi các công ty khác bán gấp nhiều lần.
Ngoài chi nhánh Đà Nẵng mở năm 2003, chi nhánh Sài Gòn, Bình Dương được thành lập năm 2008, Bình Định năm 2009. Thị phần thép Hòa Phát tăng mạnh sau khi có nhà máy Hải Dương. Vào năm 2010, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương bắt đầu có sản phẩm, sản lượng đạt 582.000 tấn. Các năm tiếp theo tăng mạnh, đến năm 2014 cán mốc 1 triệu tấn.
Năm 2016, con số tăng mạnh lên 1,8 triệu tấn và năm 2017 đạt trên 2 triệu tấn. Đây cũng là lần đầu tiên Hòa Phát vượt qua Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) để soán ngôi "vương" thị phần tiêu thụ thép và ống thép trong cả nước. Thị phần của Hòa Phát năm đó dẫn đầu cả nước với mức 22%.
Đến năm 2020, sản lượng bán ra của tập đoàn đã là 3,4 triệu tấn, gấp 30 lần năm 2005. Hiện tại công suất thép xây dựng Hòa Phát khoảng trên 5 triệu tấn/năm. Thống kê 9 tháng năm 2021, thị phần thép của Hòa Phát nâng lên 31,7%, cao nhất cả nước. Trong năm 2021, dự kiến tập đoàn này bán hàng đạt 5 triệu tấn thép thành phẩm và phôi thép.
Sản phẩm của Hòa Phát chủ yếu vẫn tiêu thụ ở thị trường trong nước, chỉ khi nào trong nước dư thừa và giá có lợi mới xuất khẩu. Thép của tập đoàn này xuất đi khoảng 18 quốc gia nằm ở 4 châu lục: châu Á, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương.
Khi chưa có dịch Covid-19, tỷ trọng hàng xuất khẩu trong khoảng 10-15% tổng lượng bán hàng. Tuy nhiên, trong năm 2021 tiêu thụ trong nước gặp khó khăn do dịch thì phải linh hoạt đẩy mạnh xuất thành phẩm. Tỷ trọng hàng xuất khẩu năm nay có thể cao hơn, tầm 25%. Sản lượng xuất thép thành phẩm 2021 dự kiến là 900.000 tấn, bằng gần 2 lần 2020 và 3,5 lần năm 2019.
Tuy vậy, với lượng tồn kho lớn, giá trị ước tính tại thời điểm cuối quý III trên 46.000 tỷ đồng, thì đây sẽ là bài toán mà Hòa Phát cần phải cân đối. Nếu xu hướng giá thép hồi phục và tăng trở lại thì doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp nhu cầu thị trường đi xuống, giá thép giảm thì con số tồn kho này lại là rủi ro.
Con át chủ bài
Thực tế, "con át" của tập đoàn này - Dự án Khu liên hợp (KLH) Gang thép Hòa Phát tại Dung Quất tại Quảng Ngãi - vốn là dự án được Hòa Phát tiếp quản dựa trên cơ sở kế thừa dự án Liên hợp thép Guang Lian (Quảng Liên) do chủ đầu tư Trung Quốc thực hiện.
Dự án thép Guang Lian Dung Quất được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2006 với số vốn ban đầu 556 triệu USD, trên diện tích 337 ha. Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án, tỉnh Quảng Ngãi đã tạm ứng ngân sách 175 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và bàn giao đất "sạch" cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm "đắp chiếu" và nhiều lần điều chỉnh vốn và thay đổi liên doanh đầu tư, phía Trung Quốc đã "bỏ của chạy lấy người", buông dự án vì không thể thu xếp được vốn sau khi đã tiến hành đầu tư được 45 triệu USD.
Tháng 6/2016, tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định thu hồi dự án. Dựa trên cơ sở đề xuất của Hòa Phát và đề nghị của tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng đã chấp thuận cho phép tập đoàn này tiếp quản và thực hiện đầu tư.
Tháng 2/2017, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất được thành lập với vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng và là chủ đầu tư xây dựng vận hành Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất.
Với tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, KLH sản xuất Gang thép Hòa Phát được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.
Khi Hòa Phát tham gia dự án này đúng vào thời điểm dư luận đang dậy sóng vì bê bối ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt do Formosa gây ra ở dọc bờ biển miền Trung. Các dự án sản xuất thép thời đó vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ công chúng. Tuy nhiên, về phía Hòa Phát, dự án tỷ đô vẫn tiếp tục.
Hòa Phát cho biết, dự án này áp dụng công nghệ lò cao khép kín tương tự mô hình đã triển khai thành công tại tỉnh Hải Dương, nhưng ưu việt hơn, thiết bị hiện đại hơn được nhập khẩu từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới.
"Đây là công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, sản xuất than coke bằng công nghệ dập coke khô, thu hồi hoàn toàn nhiệt và khí thải, tận dụng triệt để sản phẩm phụ để phát điện, phục vụ trở lại sản xuất. Toàn bộ nguồn nước sản xuất cũng được sử dụng tuần hoàn, không xả ra môi trường" - phía doanh nghiệp ông Trần Đình Long quả quyết.
Mặc dù vậy, trên thực tế rất khó tránh những vấn đề phát sinh về môi trường khi vận hành một khu liên hợp sản xuất thép. Trước phản ánh và sự bức xúc của người dân về tình trạng khói bụi xảy ra hồi đầu năm, lãnh đạo Tổng cục Môi trường đã lên tiếng và cho biết đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi để tiếp tục yêu cầu Hòa Phát kiểm tra chất thải nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn.
Hồi tháng 4 năm nay, khi trả lời phóng viên Dân trí, ông Trần Đình Long cho biết, "nói thật tôi muốn tập trung cao độ để hoàn thành dự án Dung Quất 2 và không muốn bị phân tâm vào việc này việc kia. Dung Quất 2 rất quan trọng với Hòa Phát. Đó là thời cơ". Bởi theo tầm nhìn của vị tỷ phú này thì khi Trung Quốc trở thành nước phát triển, xu hướng tất yếu sẽ chuyển từ ngành công nghiệp nặng sang dịch vụ - đây là cơ hội và thời cơ cho những người khác, trong đó có Hòa Phát.
Tại thời điểm đó, ông Long không giấu tham vọng đến năm 2030 trở thành tập đoàn sản xuất thép có thứ hạng, lọt vào danh sách 50 công ty thép lớn nhất thế giới.
"Đó thực sự là một hoài bão. Giờ Hòa Phát trong top này rồi nhưng mà chúng tôi phải tốt hơn", ông Long cho hay. Tuy nhiên, lãnh đạo Hòa Phát vẫn rất "tỉnh" khi nói về thành công và tham vọng: "đừng quên là mình đứng lại thì sẽ có người vượt mình ngay (…) Chứ nếu cứ nghĩ thôi thế là đủ rồi, thế thôi thì rất là khó. Cả thế giới đang không ngừng vận động. Ai đứng lại là người đó tụt hậu ngay thôi, thậm chí còn chết luôn ý chứ".
Đến đầu tháng 10 vừa qua, Hãng dữ liệu của Anh quốc Refinitiv Eikon (tiền thân là Thomson Reuters Data) công bố top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới và Hòa Phát đã gây bất ngờ lớn khi đứng thứ 15 trong danh sách này với mức vốn hóa 11 tỷ USD, "vượt mặt" cả tập đoàn thép hàng đầu Nhật Bản là JFE Holdings.
Lấn sân
Bên cạnh "không dừng lại" thì ông Long còn chắc nịch với quan điểm "không sợ": Nhìn thấy cơ hội là phải làm! Từ đất đai, nông nghiệp đến sản xuất container… doanh nhân gốc Hải Dương này đều không chần chừ trong quyết định đầu tư, phát triển.
"Hòa Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn phải mở rộng đa ngành" - ông Trần Đình Long tuyên bố như vậy trước Đại hội đồng cổ đông tại phiên họp thường niên của tập đoàn này hồi tháng 4, dù nhiều lần khẳng định thép vẫn là "mũi nhọn".
Và chỉ trong năm nay, Hòa Phát đã liên tục cho thấy sự phình to của mình trong quá trình mở rộng đầu tư ở những lĩnh vực khác.
Mua mới mỏ khoáng sản tại Australia
Hòa Phát đã mua lại mỏ quặng sắt Roper Valley tại Northern Territory (NT) từ một doanh nghiệp của UAE (Al Rawda Resources), theo một thỏa thuận được ký kết vào tháng 2. Mỏ quặng sắt này có trữ lượng khoảng 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm.
Theo ban lãnh đạo Hòa Phát, mỏ quặng sắt đang chuẩn bị các bước để đưa vào khai thác, sản lượng quặng sắt năm 2022 mới chỉ đạt khoảng 100.000 - 200.000 tấn. Tập đoàn này còn đang đàm phán với chủ bán mỏ tiềm năng khác ở Australia. Công ty đang đặt mục tiêu mua thêm các mỏ trong tương lai để tăng nguồn tự cung lên ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt, tương đương 10 triệu tấn mỗi năm.
"Không thiệt" với container
Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên, ông Trần Đình Long còn nói khá sâu về lĩnh vực container, một ngành "mới toanh" mà Hòa Phát "tham chiến", yêu cầu ban lãnh đạo Hòa Phát phải thực sự "cân não".
Hòa Phát có nhiều yếu tố thuận lợi để sản xuất container. Thứ nhất, phần lớn giá thành container là thép đặc biệt, thép kháng thời tiết, chịu được nắng mưa, nước mặn của biển, mà thép này thì Hòa Phát có nhà máy sản xuất sản xuất được.
Thuận lợi thứ hai là chi phí nhân công. Nếu như thu nhập một công nhân hàn của Trung Quốc quy ra tiền Việt khoảng 50 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của công nhân Việt Nam chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Thứ ba đó là nhu cầu container tăng trưởng nhanh, chưa bao giờ nhanh như bây giờ. Đó là những lý do đưa Hòa Phát đi đến quyết định sản xuất container.
Hòa Phát có kế hoạch sản xuất 500.000 TEU container/năm nhằm tham gia vào chuỗi giá trị ngành vận tải, vốn đang bị thiếu hụt nguồn cung container do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, nhà máy container đầu tiên đang được xây dựng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công suất của nhà máy là 180.000 - 200.000 TEU/năm và dự kiến sẽ đi vào hoạt động thương mại vào quý II năm sau.
Vỏ container yêu cầu sức chịu đựng với thời tiết và trọng tải nặng tốt, được sản xuất từ thép SPA-H (một sản phẩm của HRC). Theo ước tính của ContainerXchange, nguyên liệu thép chiếm khoảng 55% giá thành sản xuất container. Do đó, ban lãnh đạo Hòa Phát tin rằng sản phẩm container của công ty có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu khác nhờ việc chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất container đầu tiên này khi hoạt động tối đa công suất sẽ cần khoảng 350.000 tấn HRC/năm, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm HRC trong tương lai.
Mở rộng quỹ đất mới
Theo chuyên gia VNDirect, Hòa Phát hiện đang sở hữu 6 dự án bất động sản khu công nghiệp với tổng diện tích 1.135ha. Trong đó, UBND tỉnh Hưng Yên mới đây đã chấp thuận tập đoàn này làm nhà đầu tư dự án KCN Yên Mỹ II mở rộng (216 ha) và Phố Nối A mở rộng 2 (92,5 ha).
Còn trong mảng nhà ở, sau khi không có dự án lớn nào được triển khai trong năm 2020 - 2021, Hòa Phát dự kiến cho ra mắt dự án khu đô thị Phố Nối trong năm 2022 - 2023 (tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng).
Ngày 28/5, UBND tỉnh Cần Thơ cũng đã chấp thuận cho Hòa Phát tiến hành khảo sát 3 dự án bất động sản dân cư với tổng quỹ đất hơn 540 ha, gồm 88,2 ha ở Cái Răng; 6,24 ha tại Ninh Kiều và 452 ha tại Bình Thủy. Tập đoàn này có 6 tháng để khảo sát, bắt đầu từ ngày 6/5 cho 2 dự án đầu tiên và từ ngày 27/5 cho dự án lớn nhất. Bên cạnh việc mua đất nền, Hòa Phát đang xem xét thực hiện các giao dịch M&A để đẩy nhanh việc mua lại quỹ đất. Ban lãnh đạo kỳ vọng mảng bất động sản sẽ đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận ròng công ty từ năm 2023 trở đi.
Tham vọng trở thành nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất cả nước
Ngày 22/9, Tổng công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát được thành lập với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn của HPG là 99,9% và công ty sẽ chuyên về các sản phẩm điện lạnh và hàng gia dụng này.
Hòa Phát hiện đang sản xuất các sản phẩm làm lạnh như tủ đông và máy điều hòa, bán dưới thương hiệu Funiki. Ngoài tủ đông và máy điều hòa, công ty hiện có kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm này sang các mặt hàng điện gia dụng như máy lọc không khí, máy lọc nước, quạt hơi nước và các sản phẩm liên quan khác. Danh mục sản phẩm cuối cùng đang được xem xét.
Ông Trần Đình Long tiết lộ rằng, tập đoàn của ông đặt mục tiêu doanh thu từ hoạt động kinh doanh này là 1 tỷ USD vào năm 2030 và tham vọng trở thành nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất cả nước. Công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm bao gồm điều hòa không khí, tủ lạnh, máy lọc nước và máy giặt, với 50% sản lượng dành cho xuất khẩu.
Như vậy sau khi tái cấu trúc, Hòa Phát hiện hoạt động trong 5 lĩnh vực bao gồm gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng); sản phẩm thép (ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực); nông nghiệp; bất động sản và điện máy gia dụng.
Trong đó, sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn. Với công suất 8 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Còn tại Việt Nam, không chỉ giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép mà tập đoàn này còn số 1 về… thịt bò Úc.
Triển vọng nào cho 2022?
Theo ghi nhận của các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), trong quý III vừa qua, Hòa Phát gây ấn tượng khi thiết lập kỷ lục lợi nhuận sau thuế, lần đầu vượt 10.000 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, lãi sau thuế của Hòa Phát vượt 45% kế hoạch năm, đạt 27.100 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng đạt 30%, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ nhờ việc KLH Dung Quất 1 bắt đầu hoạt động tối đa công suất.
Agriseco đánh giá triển vọng của Hòa Phát tương đối khả quan do với cuộc khủng hoảng năng lượng và chính sách cắt giảm sản lượng các ngành có lượng phát thải cao tại Trung Quốc, xuất khẩu thép được kì vọng được hưởng lợi kép về giá và sản lượng từ diễn biến trái chiều của cung - cầu thế giới.
Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công kéo theo sự hồi phục của sản xuất và xây dựng trong nước. Đầu tư mở rộng mảng gia dụng - điện lạnh thông qua việc thành lập công ty con. Thêm vào đó, thị trường ngành gia dụng trong nước được ước tính tới 13 tỷ USD và kỳ vọng mức tăng trưởng hàng năm sẽ ở mức 10%/năm.
Cùng chung nhận định, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, Việt Nam hiện nay có rất nhiều lợi thế trong việc xuất khẩu các sản phẩm thép dẹt và Hòa Phát là doanh nghiệp lớn nhất sản xuất thép HRC cung ứng cho nội địa hiện nay.
Về giá, với công nghệ BOF, doanh nghiệp này đã có thể sản xuất thép giá thành cạnh tranh trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia phát triển quan tâm hơn về vấn đề môi trường và đang hạn chế sản xuất cùng với việc áp thuế cho carbon. Điều này giúp cho Hòa Phát chiếm thêm thị phần trong nước và mở rộng sang xuất khẩu.
VCBS cũng đánh giá, việc phát triển thêm các mảng sản xuất chế tạo các sản phẩm sau thép (thành lập công ty chế tạo container và công ty chế tạo điện lạnh) sẽ giúp doanh nghiệp tạo thêm thị trường tiêu thụ cho thép HRC. Hai mảng này, theo VCBS, là phù hợp với nhu cầu của thế giới trong tương lai, đặc biệt khi tập đoàn triển khai giai đoạn 2 của Nhà máy Dung Quất.
Tuy nhiên, thách thức không hẳn không có. Thép là ngành thâm dụng vốn lớn nên để duy trì hoạt động kinh doanh và vị thế dài hạn hàng năm thì công ty phải chi nhiều tiền vào đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa và nâng cấp. Số vốn cần bỏ ra để thu được 1 đồng lợi nhuận ròng, nếu kiểm soát không tốt, sẽ đội lên, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đang đặt cược vào cuộc chơi lớn. Bên cạnh đó, một số yếu tố ảnh hưởng cũng có thể điểm tới như: giá nguyên liệu tăng, nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn hay ít nhất là ngành bất động sản chững lại, không tăng trưởng...