(Dân trí) - Trường Đại học VinUni được thành lập với mong muốn đào tạo nhân tài, những người trẻ tuổi được kỳ vọng sẽ kiến tạo sự thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống. Giảng viên không chỉ có nhiệm vụ truyền đạt kiến thức mà trước hết là người truyền cảm hứng.
Trường Đại học VinUni được thành lập với mong muốn đào tạo nhân tài, những người trẻ tuổi được kỳ vọng sẽ kiến tạo sự thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống. Giảng viên không chỉ có nhiệm vụ truyền đạt kiến thức mà trước hết là người truyền cảm hứng.
Quan điểm nhất quán của đội ngũ giảng dạy ở VinUni là muốn tạo ra kỳ tích, trước hết phải có những người xuất sắc được làm việc với nhau.
Một trong những may mắn của sinh viên Trường Đại học VinUni là cơ hội được học với những nhà khoa học hàng đầu thế giới ngay tại Việt Nam. Đó là những người từng làm việc tại trường đại học hàng đầu của Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Úc, Hàn Quốc và các quốc gia khác. GS Laurent El Ghaoui là một trong những tên tuổi đó.
Cách đây 2 năm, GS Laurent (nhà khoa học người Pháp, làm việc nhiều năm ở Mỹ) được mời đến VinUni để đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính. Gần đây, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng Trường Đại học VinUni.
Trước khi đến với VinUni, GS Laurent đã giảng dạy ở Đại học California tại Berkeley, Mỹ (một trong những trường đại học xếp hàng đầu toàn cầu trong các bảng xếp hạng danh tiếng). Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, ông nhận nhiều giải thưởng có giá trị, nổi bật là giải thưởng Tối ưu hóa SIAM (Hiệp hội Toán học Công nghiệp và Ứng dụng Mỹ) cho bài báo khoa học hay nhất đợt trao năm 2008.
Nhưng điều khiến cho "lý lịch khoa học" của GS Laurent thú vị hơn chính là việc ông có hơn 20 năm hoạt động thực tiễn trong khối doanh nghiệp. Ông là đồng sáng lập và chủ tịch của Công ty SumUp Analytics, một công ty xây dựng hệ phần mềm phân tích văn bản thời gian thực. Ông cũng thường được mời làm diễn giả tại các sự kiện của Google, Amazon, Exxon, Walmart, Twitter và các công ty, tổ chức lớn về chủ đề tối ưu hóa.
"Tôi nghĩ lý do chính mà VinUni mời tôi làm việc là vì VinUni coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học có chất lượng, với mục tiêu trở thành một đại học có đẳng cấp cao trên bản đồ đại học thế giới. Có thể tôi sẽ giúp được VinUni theo cách thay vì cố gắng sao chép y hệt cách làm của những đại học hàng đầu thế giới như Cornell, Stanford, Berkeley…, chúng tôi sẽ áp dụng những phương pháp thiết thực, ít tốn kém và có thể mang lại hiệu quả rõ rệt hơn", GS Laurent cho biết.
Là phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của VinUni, GS Laurent kỳ vọng VinUni sẽ thành công trong việc kết nối với các đại học trên thế giới, để là cửa ngõ dẫn đến trải nghiệm giáo dục bổ ích ở nước ngoài cho sinh viên các nước.
Ngoài ra, đây sẽ là nơi tổ chức các hội thảo và sự kiện nghiên cứu, nơi hội tụ của các học giả nổi tiếng từ khắp nơi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, VinUni sẽ không đầu tư cho những nghiên cứu theo hướng quá hẹp và quá sâu với mục đích "thi đấu" mà sẽ tập trung nghiên cứu những dự án lớn và có ý nghĩa với thực tại đời sống xã hội Việt Nam.
"Động lực chính của tôi là thực hiện những dự án nghiên cứu xoay quanh các vấn đề nổi cộm của Việt Nam như ô nhiễm rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường và y tế. Chúng tôi muốn kết hợp công nghệ với các môn khoa học đời sống để giải quyết những vấn đề này thông qua các trung tâm nghiên cứu. Trước đây, VinUni chỉ có Trung tâm Sức khỏe thông minh, giờ chúng tôi đã có thêm Trung tâm Trí tuệ Môi trường. Đây là minh chứng cho nỗ lực của chúng tôi trong việc thay đổi hướng nghiên cứu để tập trung vào những vấn đề thiết thực và tìm kiếm đối tác để tài trợ cho dự án", GS Laurent cho hay.
Dù rất bận rộn vì vừa làm lãnh đạo, vừa nghiên cứu khoa học nhưng GS Laurent vẫn ưu tiên thời gian cho việc dạy học, thông qua đó để truyền lửa đam mê của mình với lĩnh vực tối ưu hóa cũng như toán ứng dụng nói chung cho sinh viên.
"Một cách khác để truyền cảm hứng cho sinh viên là tạo cơ hội cho họ được tham gia nghiên cứu với các nhà khoa học. Hiện sinh viên của chúng tôi đang làm việc với một nhà hóa học nổi tiếng tại Berkley, người đã thắng giải thưởng VinFuture. Đó là một dự án lớn, các sinh viên của chúng tôi đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa", GS Laurent chia sẻ thêm.
Trước khi trở thành giáo sư của Viện Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUni, GS Pranee Liamputtong làm việc ở Đại học Tây Sydney, Đại học La Trobe, đều là những đại học mà tên tuổi đã được định vị trên bản đồ đại học thế giới.
Hiện nay, bà là một chuyên gia nổi tiếng, được mời báo cáo tại nhiều hội nghị lớn của thế giới về lĩnh vực nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, nhất là sức khỏe của những nhóm người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người nhập cư, người tị nạn, người cao tuổi, người chuyển giới.
Là một người Thái Lan di cư, bà có sự thấu cảm với nhóm phụ nữ tị nạn. Công bố khoa học khiến bà tâm đắc nhất được thực hiện từ cách đây hơn 20 năm là nghiên cứu về những phụ nữ tị nạn H'mong di cư từ Lào sang Úc sau chiến tranh Đông Dương. Đây là công trình nghiên cứu đã góp phần thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Úc.
"Trong quá trình nghiên cứu quá trình sinh nở của phụ nữ H'mong, tôi đã thuyết phục được họ đến bệnh viện và thực hiện chữa lành tự nhiên, giống như cách chữa bệnh dân gian. Việc này nhằm hỗ trợ những người phụ nữ sau khi sinh mổ. Sau việc này, các bệnh viện ở Úc bắt đầu có đơn vị y tế đa văn hóa, có thông dịch viên và nhà nghiên cứu văn hóa để giúp đỡ phụ nữ tị nạn và di cư ở Úc. Tôi vô cùng tự hào về nghiên cứu này", GS Pranee nói.
Nhận lời làm việc tại VinUni, GS Pranee coi đây là cơ hội khám phá những vấn đề mới liên quan đến sức khỏe của người dân Việt Nam. Các nghiên cứu của bà (không chỉ ở Úc mà cả ở Thái Lan), có rất nhiều tương đồng với những vấn đề tại Việt Nam.
Hiện nay, bà đang thực hiện một dự án do VinUni tài trợ (74.000 USD, trong 2 năm), nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí đối với người dân ở Hà Nội. Để thực hiện nghiên cứu này, bà đã huy động các sinh viên tham gia, qua đó cũng để đào tạo các em làm nghiên cứu, nhất là với phương pháp nghiên cứu định tính bằng phỏng vấn sâu.
GS Pranee vẫn đang tiếp tục xin tài trợ từ bên ngoài (Quỹ Bill và Melinda Gates, một tổ chức từ thiện lớn trên thế giới, được sự góp vốn bởi Bill Gates, chủ tịch và người sáng lập ra tập đoàn Microsoft, và vợ cũ của ông, bà Melinda Gates) cho một dự án dài hơi.
Dự toán kinh phí cho dự án này khoảng 200.000 USD. Đề tài nghiên cứu là về sức khỏe của phụ nữ H'mông ở Việt Nam. Nếu dự án này được tài trợ, sản phẩm của dự án không chỉ là công trình khoa học mà còn là đào tạo nghiên cứu sinh. Điều này mở ra một triển vọng là GS Pranee sẽ có "truyền nhân" ngay tại VinUni.
Sau kỳ tuyển sinh đầu vào đầy thử thách, Viện Khoa học và Giáo dục Khai phóng là "ngôi nhà" đầu tiên đón chào các tân sinh viên Trường Đại học VinUni. Ở "ngôi nhà" này, các tân sinh viên sẽ bắt đầu được làm quen với cuộc sống giảng đường, được chuẩn bị để đối mặt với hàng loạt… thất bại, để thu về bài học "chiến thắng chỉ thuộc về những người không bao giờ bỏ cuộc".
Một trong những giảng viên các em được làm quen đầu tiên là thầy Myles Liam Lynch, một nhà khoa học xã hội chuyên về giáo dục trải nghiệm. Ông dạy 2 môn Giới thiệu về trách nhiệm xã hội và Kỹ năng lãnh đạo. Đây là 2 môn học của chương trình OASIS, một chương trình gắn "nhãn" VinUni, vì nó không giống bất kỳ chương trình nào trong các trường đại học ở Việt Nam.
"Đây là khóa học trải nghiệm dành cho sinh viên năm nhất, với nhiều giảng viên tham gia. Chẳng hạn, một đồng nghiệp khác của tôi dạy môn Lối sống lành mạnh. Thông qua khóa học OASIS, chúng tôi giúp các em rèn luyện kỹ năng mềm, thích nghi với cách học đại học, thực hành một lối sống lành mạnh. Hơn nữa, trong quá trình học, các em sẽ được hình thành và củng cố ý thức trách nhiệm xã hội, khả năng học hỏi lẫn nhau và có tác phong chuyên nghiệp trong tương lai", TS Myles chia sẻ.
Theo TS Myles, bước vào đời sinh viên, các em bắt đầu cuộc sống xa nhà (tất cả sinh viên năm nhất của VinUni đều được yêu cầu ở ký túc xá), nên đây là lúc các em bắt đầu bước vào những trải nghiệm mới mẻ.
Vì thế, nhiều em sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp lịch sinh hoạt, cân bằng chế độ ăn uống - vận động… Đây là lúc các em cần được học cách thích nghi với môi trường mới và tự chăm sóc bản thân, cách giao tiếp với bạn học, với các giáo sư. Thậm chí, cả cách gửi email trao đổi với giảng viên, các tân sinh viên cũng phải học.
Chương trình đào tạo của VinUni do các trường Ivy của Mỹ hỗ trợ thiết kế, xây dựng, nên ngay cả khi học chuyên ngành, các em vẫn tiếp tục được học những môn học có tính chất thực chiến, tuy quen thuộc với sinh viên Âu - Mỹ, nhưng lạ lẫm với sinh viên Việt Nam.
Trong đó, môn học thú vị hàng đầu với sinh viên Viện Kinh doanh Quản trị là môn Giới thiệu về các loại rượu vang trên thế giới (gọi tắt là môn Rượu vang). Sinh viên tìm hiểu các vùng sản xuất rượu vang lớn thông qua việc nếm thử và đánh giá rượu vang.
Để tránh việc "đày ải" sinh viên, thay vì để cho sinh viên chỉ biết cắm mặt đọc các tài liệu khô cứng và phức tạp nghiên cứu về rượu vang, giảng viên sẽ giúp sinh viên tiếp cận với môn học bằng cách cho các em bắt tay vào làm rượu vang ngay trong bài tập đầu tiên. Điều này khiến các em rất hứng thú.
Năm học 2023-2024 ở VinUni được bắt đầu bằng một tin vui. GS David Bangsberg, một trong các nhà khoa học xuất sắc hàng đầu thế giới trong lĩnh vực y khoa, bay từ bên kia bán cầu sang để đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng, kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe VinUni.
GS Bangsberg, nguyên Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Toàn cầu tại Bệnh viện Massachusetts General (bệnh viện đào tạo lớn nhất của Trường Y khoa Harvard), đã có những cống hiến lớn với nền y học toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực phòng chống và điều trị HIV/AIDS.
Ông còn là một nhà lãnh đạo nghiên cứu tài năng mà trong đó thành tựu nổi bật là từng gây quỹ thành công với hơn 70 triệu USD kinh phí cho nghiên cứu. Năm 2007, ông được Tạp chí Science vinh danh là nhà nghiên cứu HIV/AIDS được tài trợ lớn thứ hai toàn cầu của Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ.
Mới đây, với tư cách Hiệu trưởng sáng lập của Trường Y tế Công cộng, Đại học Khoa học Sức khỏe Oregon và Đại học Portland, Mỹ, GS Bangsberg đã thúc đẩy việc thành lập một quỹ học bổng nhằm hỗ trợ học phí cho các sinh viên tài năng. Đến nay, quỹ này trao hơn nửa triệu USD để hỗ trợ học phí cho các sinh viên. Tính đến năm 2022, ông đã lãnh đạo các hoạt động thu hút tài trợ lên tới hơn 26 triệu USD cho các nghiên cứu liên quan đến chăm sóc sức khỏe, cải cách y tế, xã hội…
GS Bangsberg cho biết dù vô cùng tự hào vì được góp phần vào việc phổ cập liệu pháp điều trị HIV trên toàn thế giới, nhưng ông tự nhận thấy thành tựu lớn nhất cuộc đời mình là được cống hiến cho các sinh viên cũng như những tổ chức đại học hàng đầu nơi ông đã giảng dạy và học hỏi được rất nhiều.
Theo GS Bangsberg, cách đo lường mức độ thành công của một trường đại học là thông qua trải nghiệm của sinh viên khi theo học tại đó và những tác động mà sinh viên có thể kiến tạo sau khi các em tốt nghiệp. Ông muốn sinh viên VinUni không chỉ là những thành viên tích cực trong một cộng đồng sôi nổi và sẵn sàng giúp đỡ mà còn được rèn luyện những kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề quan trọng nhất ở quy mô trong nước lẫn quốc tế.
"Mặc dù điều này khó đo lường và mất nhiều thời gian để đạt được, chỉ cần VinUni lấy trải nghiệm học tập và sự thành công của sinh viên làm kim chỉ nam, VinUni ắt sẽ được thế giới biết đến", vị GS kỳ vọng.
Nội dung: Trường Thịnh
Thiết kế: Khương Hiền