DMagazine

Thủ khoa Gen Z bỏ nghiệp diễn, theo đuổi ước mơ nhà giáo

(Dân trí) - Là thủ khoa khối du học sinh nước ngoài của Học viện Hý Kịch Trung ương Trung Quốc, cô Diệu Anh không lựa chọn con đường diễn xuất chuyên nghiệp mà chọn về nước làm giáo viên.

(Dân trí) - Là thủ khoa khối du học sinh nước ngoài của Học viện Hý Kịch Trung ương Trung Quốc, cô Diệu Anh không lựa chọn theo đuổi con đường diễn xuất chuyên nghiệp mà về nước, trở thành giáo viên, ươm mầm ước mơ diễn xuất cho học sinh.

Thủ khoa Gen Z bỏ nghiệp diễn, theo đuổi ước mơ nhà giáo - 1

Gần hết một học kỳ tại The Dewey Schools (Hà Nội), cô giáo trẻ Phạm Diệu Anh vẫn chưa tin được rằng mình lại bén duyên với con đường giáo viên.

Cô Diệu Anh yêu nghề giáo, việc truyền lửa cho thế hệ trẻ là định hướng của cô từ ngày còn ngồi trên ghế trường đại học. Tuy nhiên, dạy học sinh nhỏ lại là một câu chuyện khác so với những gì cô luôn tưởng tượng.

"Giáo sư ở Học viện Hý Kịch từng khuyên tôi theo đuổi con đường sư phạm vì thấy tôi hợp. Hồi đó, tôi nghĩ rằng tôi sẽ giảng dạy ở bậc đại học hoặc diễn xuất cho người trưởng thành. Cơ duyên đưa đẩy, tôi chuyển sang làm giáo viên của bộ môn Nghệ thuật trình diễn cho học sinh phổ thông từ 4 tới lớp 11".

Ít ai biết rằng, Diệu Anh từng tốt nghiệp thủ khoa Học viện Hý Kịch Trung ương Trung Quốc, ngôi trường đào tạo ra những tên tuổi hàng đầu trong làng nghệ thuật Trung Quốc như Củng Lợi, Chương Tử Di.

Cô từng là Á khoa đầu vào của trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội, Diệu Anh xuất sắc giành học bổng toàn phần "Con đường tơ lụa" của Chính phủ Trung Quốc.

Đam mê với diễn xuất, cô Diệu Anh đã chạm một tay vào ước mơ của mình khi biết tin được nhận vào Học viện Hý Kịch.

Thủ khoa Gen Z bỏ nghiệp diễn, theo đuổi ước mơ nhà giáo - 3

Cô Diệu Anh và các bạn học tại trường Hí kịch Trung ương Trung Quốc (Ảnh: L.P).

"Tôi có ước mơ trở thành diễn viên nên quyết định thi vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội vào tháng 7/2017.

Tôi đã đỗ và trở thành Á khoa đầu vào của trường đại học Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm đó.

Cũng trong khoảng thời gian này, Học viện Hý Kịch Trung Ương Trung Quốc mở kỳ thi tuyển trao học bổng cho sinh viên nước ngoài. Để chạm được tới ước mơ của mình, tôi không ngần ngại đăng ký tham gia kì thi tuyển này.

Thời gian ôn luyện tại phòng tập cho các phần thi trong học bổng chiếm trọn thời gian của tôi. Các bài vũ đạo khiến cho đôi chân bầm tím, chảy máu, những khó khăn, vất vả này cũng không thể vơi đi ý chí quyết tâm đạt được học bổng của tôi".

Việc học tại Học viện Hý Kịch nặng hơn rất nhiều so với tại Việt Nam và các thầy cô cũng nghiêm khắc. Diệu Anh cho biết cô phải học rất nhiều, mỗi kỳ khoảng 8 môn song song với nhau, từ kỹ thuật biểu diễn, hình thể (võ thuật, nhảy, múa…) cho đến âm nhạc.

Trong đó, kỹ thuật biểu diễn là môn học chủ đạo trong suốt chương trình. Sinh viên chuyên ngành diễn xuất không chỉ được đào tạo diễn xuất mà còn phải có kiến thức về thiết kế âm thanh, ánh sáng, biểu diễn, biên kịch. Những điều này đã giúp Diệu Anh rất nhiều trong quá trình làm nghề tại trường phổ thông cô đang giảng dạy hiện nay.

Thủ khoa Gen Z bỏ nghiệp diễn, theo đuổi ước mơ nhà giáo - 5

Học tập tại trường Top đầu Trung Quốc, Diệu Anh đã phải "khổ luyện" gấp nhiều lần để giữ được học bổng và không thua kém các bạn bè quốc tế khác (Ảnh: L.P).

Thời gian học tập tại Trung Quốc, bên cạnh các hoạt động tại trường, Diệu Anh có thời gian tham gia nhiều hoạt động và gặt hái những thành quả đầu đời trong sự nghiệp sân khấu.

Năm 2018, Diệu Anh nhận giải nhất hội thi nghệ thuật sinh viên Việt Nam tại Bắc Kinh. Năm 2019 cô vinh dự được tham gia ATEC 11th International Forum - Luận đàm đào tạo kịch sân khấu Châu Á lần thứ 11 được tổ chức tại Bắc Kinh cùng với các hoạt động giao lưu văn hóa Quốc tế khác như: "Kỷ niệm quan hệ quốc tế ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc năm 68,69,70".

Sau khi trở về Việt Nam, cô Diệu Anh có làm trợ giảng tại Đại học Sân khấu điện ảnh một thời gian.

Tuy nhiên, khi biết trường phổ thông The Dewey có bộ môn Nghệ thuật trình diễn, cô Diệu Anh đã ứng tuyển với niềm tin rằng, những kiến thức về diễn xuất học được tại Học viện Hý Kịch có thể thay đổi thế hệ trẻ của đất nước.

Kể từ khoảnh khắc bước chân vào làm giáo viên phổ thông ở đây, cô thấy lấp lánh niềm hạnh phúc khi nhận ra niềm yêu thích kịch nghệ và diễn xuất của học sinh lớn đến nhường nào.

Thủ khoa Gen Z bỏ nghiệp diễn, theo đuổi ước mơ nhà giáo - 7

Những bài học từ Học viện Hý Kịch Trung Quốc theo chân cô giáo Diệu Anh tới trường phổ thông. Diệu Anh vẫn nhớ như in lời dạy của Giáo sư ở Trung Quốc, rằng muốn học diễn xuất trước hết phải học làm người.

Câu nói này đã trở thành kim chỉ nam cho Diệu Anh trong thực hành nghệ thuật, ứng dụng vào bài giảng với học sinh trong bộ môn diễn xuất.

Tại trường nơi đang công tác, cô được học sinh yêu mến.  Những giờ dạy diễn xuất của cô giáo trẻ luôn sôi nổi, hào hứng với sự tham gia nhiệt tình của các bạn học sinh.

Cô đã ứng dụng đa dạng các phương pháp trong giảng dạy nghệ thuật, từ trò chơi cho đến hoạt động ứng tác, những lớp học nghệ thuật tưởng như quá xa lạ với học sinh trở nên gần gũi, sinh động.

Nữ giáo viên này đã dạy cho các em từ những thứ nhỏ nhất như quan sát con vật, mô phỏng con vật, cảm xúc nhân vật, cách viết và xây dựng kịch bản, thiết kế sân khấu, thiết kế trang phục, âm thanh ánh sáng…

Từ những lớp học đó, nhiều tài năng nghệ thuật cũng được phát hiện. Quan trọng nhất, cô Diệu Anh nhìn thấy được tình yêu nghệ thuật và sự thay đổi rõ rệt của học sinh khi tiếp xúc với nghệ thuật.

Thủ khoa Gen Z bỏ nghiệp diễn, theo đuổi ước mơ nhà giáo - 9

Khi thực hành kịch nghệ, các bạn nhỏ được làm quen và khám phá những góc cạnh khác nhau của bản thân (Ảnh: L.P).

"Khi nhắc tới sân khấu, người ta thường nghĩ tới ánh hào quang, những trang phục lộng lẫy và lớp hóa trang cầu kỳ. Trên thực tế, nghệ thuật kịch đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong giáo dục.

Mỗi lúc thực hành kịch nghệ các bạn nhỏ được làm quen và khám phá những góc cạnh khác nhau của bản thân. Việc sử dụng "ngôn ngữ" cơ thể để biểu đạt cảm xúc giúp các bạn học sinh giải tỏa năng lượng và tự tin thể hiện cá tính riêng.

Thông qua diễn xuất, kịch nghệ, học sinh được lắng nghe, cảm nhận chính mình và tương tác với những người khác.

Ngoài ra, bộ môn còn giúp học sinh phát triển các kỹ năng về làm việc nhóm, các bạn nhỏ sẽ nhận được sự tự tin trong giao tiếp và có góc nhìn đa chiều với cuộc sống xung quanh.

Sau một thời gian đồng hành cùng các bạn học sinh phổ thông ở đây, tôi nhìn thấy niềm say mê, yêu thích với bộ môn này. Rất nhiều bạn đã tiến bộ trong việc giao tiếp.

Các bạn đều thể hiện góc nhìn về một sự việc đa chiều và nhân văn hơn. Nhiều bạn đã tự tin hơn, có bạn đã tìm ra ước mơ của mình. Tôi rất vui khi thấy các bạn đều tiến bộ", cô Diệu Anh nói.

Thủ khoa Gen Z bỏ nghiệp diễn, theo đuổi ước mơ nhà giáo - 10

Nhiều học sinh đã tìm đến cô Diệu Anh để tâm sự sau những giờ học diễn xuất (Ảnh: L.P).

Học nghệ thuật cũng là cách để học sinh bày tỏ cảm xúc, mở lòng với thế giới xung quanh và đôi khi để hiểu hơn về chính mình. Cô Diệu Anh nhớ nhiều bạn học đã tìm đến mình để tâm sự sau những giờ học diễn xuất.

"Ở trường, có bạn tâm sự với tôi rằng: "Khi diễn kịch con được nói ra những lời tâm sự của chính bản thân mình".

Hiện nay do áp lực của cha mẹ với con cái quá lớn, các bạn không thể nào tâm sự và chia sẻ được với ai nên các bạn đã tìm tới kịch nghệ để nói ra tâm tư tình cảm của mình.

Trong buổi học với tác phẩm thế giới ngược của lớp 5 Boston của trường, nhiều bạn đã chia sẻ về việc mẹ sẽ bắt con chơi điện thoại không cho con học, không ép con học các môn khác nhau…

Đó đều là những chia sẻ, mong ước của học sinh mà chỉ thông qua kịch nghệ, diễn xuất, ứng tác, các em mới sẵn lòng để nói ra".

Thủ khoa Gen Z bỏ nghiệp diễn, theo đuổi ước mơ nhà giáo - 12

Không chỉ học về diễn xuất, nữ giáo viên này đã giúp học sinh thể hiện "tấm lòng" của mình qua mỗi vai diễn (Ảnh: L.P).

Với nhiệt huyết của một cô giáo thế hệ Gen Z, cô giáo Diệu Anh đã mang đến những điều mới mẻ trong hoạt động dạy học của mình.

Cô đã giúp học sinh không chỉ được học về diễn xuất, kịch nghệ, sân khấu, điện ảnh…, mà hơn cả, nữ giáo viên này đã giúp các bạn thể hiện "tấm lòng" của mình qua mỗi vai diễn, kịch bản, tương tác với những bạn diễn, thầy cô và người thân.

|Nội dung: Hạnh Nguyên

|Thiết kế: Tuấn Huy