"Ngày... tháng... năm..." và kỉ niệm 26 năm với thầy giáo cũ
(Dân trí) - Với bài viết "Ngày... tháng... năm... của thầy và tôi", cô giáo Nguyễn Thị Liên (Quảng Trị) đã giành giải nhất cuộc thi "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức.
26 năm yêu thương và sự tử tế
Ngày… tháng… năm…
"Liên à, hôm nay thầy ở nhà, thầy ra vườn, cây na sau vườn nhà thầy sâu nhiều quá. Mắt thầy từ ngày bị tai nạn, yếu dần. Thầy không nhìn thấy rõ để bắt sâu cho cây na nữa. Thầy không thích mang kính vì nó vướng và rất khó chịu. Con đã ổn định chưa? Trong đó, mùa này nắng lắm con hè? Sài Gòn không giống quê mình, xe cộ và người đi lại đông, con ra đường nhớ cẩn thận nhé. Con đã nghe và hiểu được giọng nói miền Nam chưa? Gắng con hi. Bốn năm thôi, trôi qua nhanh lắm...
Ngày...
Thầy đã nhận thư con. Thầy mừng vì con không phải xuôi ngược, tất bật đi thuê và đổi nhà trọ nữa. Ở kí túc xá tốt lắm con à. Có nhiều bạn, an ninh đảm bảo, đặc biệt là con có môi trường tập thể để ăn ở, sinh hoạt, điều này sẽ giúp con có nhiều trải nghiệm thú vị hơn ở ngoài. Thầy mới đi viện về. Cứ trở trời, vết thương cũ lại đau. Nhưng mấy hôm nay thời tiết đẹp, thầy cũng thấy thoải mái, dễ chịu hơn rồi. Con cố gắng ăn, đừng sợ mập. Mập thì khỏe lên và đẹp ra con nhé"...
Mở đầu bài viết, cô Nguyễn Thị Liên, giáo viên Ngữ văn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị ghi lại những lời dặn dò ân cần, thấm đẫm yêu thương của thầy giáo chủ nhiệm gửi cô học trò nhỏ trong những ngày đầu cô vào TPHCM nhập học.
Với 11 trang, bài viết là những kỉ niệm của hai thầy trò, từ những ngày đầu cô bé Liên mới vào cấp 3, vào đại học và ra trường tiếp nối nghiệp giáo viên.
Được biết, thầy Hoàng Đức Vinh, cựu giáo viên Ngữ văn Trường THPT Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, đồng thời cũng là thầy giáo chủ nhiệm hồi cấp 3 của cô giáo Liên.
Những ngày đầu mới chập chững bước vào cánh cổng THPT, cũng như nhiều bạn cùng lớp, cô bé Liên lúc ấy từ làng quê chân ướt chân ráo ra thị xã học, nên cảm thấy bỡ ngỡ và lạ lẫm. Nhưng chính thầy Vinh đã khiến cho cô cùng các bạn lớp 10C3 cảm thấy ấm lòng.
Dù năm tháng đã trôi qua, cô Liên vẫn ấn tượng đặc biệt về người thầy giáo cũ, đó là sự nhân từ và độ lượng. Từ ánh mặt, giọng nói, nụ cười của thầy khi thầy vào nhận lớp đã giúp cô học trò năm xưa nhận thấy điều đó.
"Đã 26 năm, trên hành trình được làm học sinh của thầy, thầy cho tôi tất cả tình thương, sự tin yêu và cách để trở thành người tử tế.
Cũng hai mươi sáu năm đó, thầy cho tôi nghị lực để vượt qua ranh giới của chính mình, có lúc là ranh giới của sinh - tử.
Hai mươi sáu năm, thật hạnh phúc, vì thầy vẫn đứng đó, dầu mái tóc đã bạc trắng, dầu mắt đã mờ nhòe nhưng trái tim, khối óc vẫn rộng lượng, bao dung, minh mẫn để đợi tôi trở về, kể cho thầy nghe những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống gia đình và của nghề dạy học", cô Liên viết.
Thầy, trò và những tháng năm bình dị đẹp đẽ
Cô giáo Liên kể lại: "Tôi vẫn nhớ như in khi lần thầy vào nhận lớp 10C3, khi đó có 64 thành viên. Thầy đã có tuổi, mái tóc màu muối tiêu.
Ngày hôm đó, thầy mặc chiếc áo trắng và quần tây nâu cũ nhưng được là ủi cẩn thận. Trên đầu thầy đội chiếc mũ phớt màu pha xám khiến tôi liên tưởng đến một người nghệ sĩ".
Thầy Vinh mở lời bằng những câu chào đầy tếu táo, khôi hài để xua tan bầu không khí lạ lẫm, ngại ngùng của cả lớp ở môi trường mới.
Lần đầu tiên gặp mặt, cô Liên vẫn không thể quên dáng vẻ lẫn phong thái ấm áp, hiền từ của người thầy chủ nhiệm quãng đường ba năm cấp 3 sau đó.
Đặc biệt, sau khi cô Liên có kết quả trúng tuyển đại học và cho đến bây giờ, tác giả đã xem thầy giáo Hoàng Đức Vinh như người cha gần gũi, yêu thương, quan tâm, lo lắng. Thầy giáo đã cùng cô chia sẻ tất cả những khoảnh khắc vui buồn trong cuộc sống và trong nghề dạy học.
Cô Liên nhớ lại: Sau này khi tôi ra trường, về quê đi dạy, cứ cách 2, 3 tuần, thầy gọi điện hỏi thăm chuyện dạy dỗ, chuyện gia đình.
Câu đầu tiên của thầy lúc nào cũng là: "A lô, Liên à. Con đang làm chi đó"?. Những lời hỏi han, trải lòng của thầy về cuộc sống về nghề dạy học đã giúp tôi rất nhiều để tôi đến được với ngày hôm nay.
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Liên cho biết, nếu viết về thầy có lẽ không biết giấy mực nào có thể đủ, trong khuôn khổ có hạn, cô ghi lại những kỉ niệm đáng nhớ nhất của thầy trò trong khoảng thời gian 26 năm.
Khi viết tác phẩm dự thi này, mỗi ngày cô viết một chút, tình cảm cứ thôi thúc trong tim, ứa ra trên đầu bút, cứ như vậy, kí ức của cô học trò với thầy giáo cũ được đong đầy thêm trên mỗi trang giấy.
"… Thầy trò chúng tôi đã đi qua những ngày... tháng... năm... bình dị và đẹp đẽ như thế. Hơn những gì thầy nói, hơn những gì tôi viết, đó chính là những sâu nặng của nghĩa tình thầy trò.
Đã có những lúc, tôi cảm nhận rất rõ, giữa thầy trò chúng tôi không còn khoảng cách. Đã có lúc, tôi xem thầy chính là người cha thứ hai của mình.
Đã có lúc, giữa bộn bề, lo toan của cuộc sống, tôi tìm về một chỗ dựa bình lặng, yên ả và vững vàng nhất chính là Thầy của tôi - Thầy giáo Hoàng Đức Vinh, cựu giáo viên Ngữ văn, chủ nhiệm lớp tôi khóa 1996 - 1999 của trường Cấp III Đông Hà.
"Tôi đã run và khóc"
Chia sẻ về cảm xúc khi bài viết về thầy giáo cũ đoạt giải, cô Liên cho hay: "Tôi đã run và khóc. Nghẹn ngào và sung sướng. Vì là lần đầu tiên tôi vượt qua chính mình, gửi bài tham dự một cuộc thi mà tôi biết rằng sẽ có nhiều tác phẩm xuất sắc hơn tác phẩm của mình".
Thông qua tác phẩm, cô giáo Nguyễn Thị Liên muốn gửi lời tri ân sâu sắc, chân thành nhất đến thầy giáo chủ nhiệm cũ Hoàng Đức Vinh.
Thầy Vinh không chỉ là người truyền dạy kiến thức cho em mỗi ngày mà còn là người cha, người bạn tinh thần sau khi cô Liên ra trường. Thầy đã khơi nguồn cảm hứng nghề dạy học, giúp cô có được kết quả như ngày hôm nay.
"… Trời về khuya, mưa bắt đầu lất phất, không khí mát dịu, dãy đèn đường đã tắt, khoảng không gian trước mắt tôi đen lại. Tôi ngồi trước máy tính, lách cách gõ bàn phím. Công việc còn ngổn ngang, bộn bề và dang dở...
Bất chợt, đâu đó vang lên lời bài hát "Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa, từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy...", ca từ và giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng chạm vào trong những thổn thức, sâu kín, đẹp đẽ và dịu dàng của tôi.
Hình ảnh người thầy - người cha già năm xưa lại hiện về trong từng mảng, từng mảng của kí ức..., mái tóc điểm màu muối tiêu, chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần tây nâu cũ cùng với cái mũ phớt đậm chất nghệ sĩ.
Thầy tôi, ngày ấy... bây giờ... đã bước qua tuổi 86 và Ngày... tháng... năm... của Thầy với tôi vẫn còn mãi.