Thấy con ít bạn bè, kém giao tiếp, cha mẹ nên giúp thế nào?
(Dân trí) - Kết bạn và duy trì tình bạn là một việc có tính cá nhân rất cao, phụ thuộc vào trí tuệ cảm xúc của mỗi người. Dù vậy, cha mẹ có thể giúp con cải thiện các kỹ năng để có quan hệ bạn bè tốt đẹp hơn.
Nhiều trẻ gặp vấn đề trong việc kết bạn bởi bản tính của trẻ nhút nhát và hay lo lắng. Khi thấy con gặp khó khăn trong việc kết bạn, cha mẹ nên chủ động hỗ trợ con cải thiện kỹ năng kết giao.
Năng lực kết giao cũng đòi hỏi sự rèn luyện qua thời gian, cha mẹ có thể dùng kinh nghiệm của mình để giúp con có những tình bạn đẹp.
Đây là bước đầu tiên để trẻ tập dượt kỹ năng tương tác xã hội và trở thành người có năng lực giao tiếp tốt về sau này. Dưới đây là những cách cha mẹ có thể giúp con cải thiện kỹ năng kết giao.
Yêu thương và tôn trọng, đừng khắc nghiệt với con
Điều này nghe qua tưởng không liên quan tới việc giúp con học cách kết giao, nhưng kỳ thực cách cha mẹ đối xử với con ảnh hưởng rất nhiều tới trí tuệ cảm xúc và năng lực hành vi của trẻ. Những điều này lại gây ảnh hưởng trực tiếp tới các mối quan hệ của trẻ với bạn bè.
Việc cha mẹ quá nghiêm khắc với con, thường xuyên la mắng, trách phạt, chỉ trích con sẽ khiến con gặp vấn đề trong các mối quan hệ, do trẻ luôn sống trong tâm cảm tự ti, lo lắng.
Ngược lại, những cha mẹ có cách đối xử ấm áp, tôn trọng con, giúp con ngày càng tự tin, cởi mở, vui vẻ sẽ đồng thời giúp con có tương tác tốt hơn với bạn bè. Những đứa trẻ được cha mẹ đối xử yêu thương, trìu mến thường ít giận dữ, có tính cách độc lập, tự chủ, được bạn bè yêu thích, bởi những trẻ này thường có tính cách hòa nhã, vui vẻ, tự tin.
Giúp con kiểm soát cảm xúc
Chúng ta đều có lúc trở nên tiêu cực, ích kỷ, nóng giận trong các mối quan hệ, nhưng nếu chúng ta biết kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân, những vấn đề lớn sẽ không xảy ra.
Cha mẹ cần dạy con cách kiểm soát cảm xúc và hành vi. Điều này đòi hỏi chính cha mẹ phải biết làm gương, biết kiểm soát bản thân khi có những xúc cảm tiêu cực. Ngoài ra, khi con xuất hiện các trạng thái tâm lý tiêu cực, cha mẹ cần biết cách trò chuyện cảm thông và có tính xây dựng, dạy con cách kiểm soát chính mình, dù tâm trạng đang không tốt.
Nhiều khảo sát thực tế cho thấy trẻ có kỹ năng tự kiểm soát bản thân tốt cũng thường có những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp xuyên suốt cuộc đời.
Ngoài ra, cha mẹ cần dạy con biết cảm thông và thấu hiểu. Việc hiểu được cảm xúc của người khác cũng như góc nhìn của họ sẽ giúp con dễ kết bạn và duy trì tình bạn. Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cũng nên dạy trẻ cách đoán biết cảm xúc của người khác thông qua gương mặt, thái độ, cử chỉ...
Dạy con những kỹ năng giao tiếp quan trọng
Để kết bạn, trẻ cần biết cách chủ động làm quen, tự giới thiệu bản thân và mở ra những đề tài phù hợp để trò chuyện với bạn. Trẻ cũng cần học cách lắng nghe và hồi đáp trong quá trình trò chuyện. Các kỹ năng giao tiếp này cần được rèn luyện ngay trong gia đình.
Việc cha mẹ và con cái có những cuộc chuyện trò vui vẻ, thoải mái, hai bên cùng lắng nghe và hồi đáp lẫn nhau là cách tập dượt hiệu quả nhất cho trẻ về kỹ năng giao tiếp.
Cha mẹ nên dạy trẻ cách đặt câu hỏi, cách lắng nghe, cách thể hiện sự tập trung và những giao tiếp không lời thông qua ánh mắt và cử chỉ. Kỹ năng giao tiếp hoàn toàn có thể luyện tập được.
Ngoài ra, cha mẹ có thể cùng con bàn về một số tình huống giả định. Chẳng hạn, nếu một nhóm bạn đang chơi với nhau và trẻ muốn chơi cùng nhóm bạn ấy, trẻ nên hành xử thế nào? Nếu con không được chào đón, con nên hành động tiếp ra sao? Nhìn chung, trẻ sẽ tự tin hơn nhiều nếu được cha mẹ hướng dẫn cách xử lý các tình huống.
Giúp trẻ học cách thương lượng và thỏa hiệp
Để có mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, trẻ cần biết cách xử lý mâu thuẫn. Trẻ lớn lên trong gia đình có anh chị em thường sẽ phát triển kỹ năng này một cách tự nhiên.
Đối với những trẻ là con một, cha mẹ cần hỗ trợ con. Những khi con kể về việc xích mích, cãi cọ với bạn bè, cha mẹ nên coi đây là những tình huống tốt để hướng dẫn trẻ về cách thương lượng, thỏa hiệp nhằm tạo nên giải pháp phù hợp, khiến cả con và bạn cùng có thể chấp nhận.
Dạy trẻ cách xin lỗi và sửa lỗi
Tất cả chúng ta đều có lúc phạm lỗi, gây nên xúc cảm tiêu cực cho người khác. Chúng ta có thể cảm thấy xấu hổ, giận dữ với chính mình, nhưng điều đó không giúp sửa chữa những tổn hại đã gây ra cho mối quan hệ. Chỉ bằng cách dám nói ra lời xin lỗi chân thành và tìm cách sửa chữa những tổn hại mình đã gây ra, chúng ta mới có thể duy trì những tình bạn mà mình trân trọng.
Dạy con độ lượng với lỗi sai của người khác
Việc thấu hiểu và có cách nhìn độ lượng với lỗi sai của người khác không đến một cách tự nhiên. Không ít trẻ có xu hướng ghi nhớ những sự việc nhỏ và quyết không bỏ qua. Nếu bạn nhận thấy con mình có nét tính cách này, hãy giúp con thay đổi cách nhìn nhận và ứng xử, để trẻ biết cảm thông và bỏ qua những lỗi nhỏ của người xung quanh.
Dù vậy, nếu trẻ quá dễ cảm thông và thậm chí còn có xu hướng hay tự nhận lỗi về mình, cha mẹ cũng cần giúp trẻ có cách nhìn đúng đắn và tính cách mạnh mẽ hơn, để không bị lợi dụng hoặc đối xử tệ trong các mối quan hệ.
Quan tâm tới quan hệ bạn bè của trẻ nhưng cần chừng mực
Khi trẻ lớn dần, cha mẹ cần có chừng mực trong việc can thiệp vào các mối quan hệ bạn bè của trẻ. Việc cha mẹ kiểm soát quá nhiều, can thiệp quá sâu có thể khiến trẻ cảm thấy xấu hổ trước các bạn, bạn bè cũng có thể sẽ ngại kết giao với trẻ.
Để có thể định hướng con cái hiệu quả trong chuyện kết giao, cha mẹ cần có sự quan tâm chừng mực để không gây phản tác dụng. Mọi đối thoại cần dựa trên sự tôn trọng và tính phù hợp đối với trẻ.
Theo Parenting Science