DNews

Cha mẹ có con thành công giống nhau ở điểm gì?

Bích Ngọc

(Dân trí) - Không có công thức chung cho sự trưởng thành của một đứa trẻ, nhưng các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng có một vài yếu tố có thể dự báo trước về điều này.

Cha mẹ có con thành công giống nhau ở điểm gì?

Dưới đây là những điểm chung thường thấy ở những bậc phụ huynh có con cái phát triển tốt đẹp:

Cha mẹ để con tự quyết định những việc vừa sức

Theo nghiên cứu của giáo sư Jelena Obradović đến từ Đại học Stanford (Mỹ) hồi năm 2021, việc cha mẹ hướng dẫn quá nhiều, quá chi tiết trong quá trình trẻ thực hiện một công việc có thể khiến trẻ mất tập trung, mất tự tin. Với những hoạt động vừa sức của trẻ, cha mẹ càng hướng dẫn nhiều, trẻ càng khó kiểm soát hành động và cảm xúc của bản thân.

Giáo sư Obradović cho rằng đôi khi, cha mẹ nên lùi lại, để trẻ tự khám phá cách tham gia các hoạt động. Như vậy, trẻ sẽ hình thành kỹ năng tự kiểm soát bản thân, xây dựng tính tự lập, tự chủ.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia tư vấn tâm lý Laura JJ Dessauer, việc cha mẹ không để trẻ được tự đưa ra các quyết định về cách thức hành động sẽ khiến trẻ thiếu quyết đoán ở tuổi trưởng thành. Nhìn chung, cha mẹ không nên đưa ra mọi quyết định thay cho con, từ việc con mặc gì, chơi với ai, học ngoại khóa môn gì...

Cha mẹ cho con làm việc nhà

Giảng viên Julie Lythcott-Haims đến từ Đại học Stanford (Mỹ), tác giả của nhiều đầu sách hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ, khẳng định tầm quan trọng của việc nhà đối với việc giáo dục trẻ nhỏ. Nếu trẻ được phân công làm việc nhà, trẻ sẽ hiểu rằng mỗi thành viên trong gia đình đều phải đóng góp vào công việc chung của cả nhà.

Những đứa trẻ biết làm việc nhà nhiều khả năng sẽ trở thành những đồng nghiệp biết hợp tác về sau này, bởi họ biết cảm thông, chia sẻ để cùng gánh vác trách nhiệm.

Cha mẹ rèn con có thói quen ăn uống tốt

Những người thành công thường có cách nhìn nhận đúng đắn về thói quen ăn uống. Dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp con người tập trung học tập và làm việc có hiệu quả.

Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Catherine Steiner-Adair khẳng định việc phát triển thói quen ăn uống lành mạnh ở trẻ đòi hỏi sự quan tâm, rèn giũa của cha mẹ. Việc cha mẹ có thói quen ăn uống lành mạnh sẽ là tấm gương cho con.

Cha mẹ đặt tên con đơn giản

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tên gọi của một cá nhân có thể làm ảnh hưởng tới thành công trong cuộc sống của họ. Thực tế, những người có tên gọi không quá đặc biệt và dễ phát âm lại thường đạt được thành công lớn hơn.

Cha mẹ có con thành công giống nhau ở điểm gì? - 1
Cha mẹ có con thành công giống nhau ở điểm gì? - 2

Cha mẹ cần dành thời gian bên con và tạo nên những khoảng thời gian chất lượng (Ảnh minh họa: iStock).

Cha mẹ biết dạy con kỹ năng xã hội

Nghiên cứu trải dài 20 năm của Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke (Mỹ) đối với hơn 700 trẻ nhỏ trên khắp nước Mỹ cho thấy rằng, những đứa trẻ có kỹ năng tương tác tốt ngay từ thuở đi học mẫu giáo sẽ có xu hướng thành công hơn khi đến tuổi trưởng thành.

Nghiên cứu này cho thấy những đứa trẻ biết cách hợp tác, biết giúp đỡ người khác và có năng lực tự xử lý vấn đề cá nhân thường có năng lực học tập tốt, sớm có công việc ổn định.

Những trẻ quá yếu về kỹ năng tương tác, khi đến tuổi trưởng thành dễ gặp phải những vấn đề như nghiện chất cấm, vi phạm pháp luật, sự nghiệp và đời tư không suôn sẻ.

Một đứa trẻ biết tự kiểm soát xúc cảm và hành vi của bản thân sẽ có xu hướng phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần. Việc giúp trẻ phát triển kỹ năng tự kiểm soát cảm xúc và tương tác xã hội là điều quan trọng mà cha mẹ cần làm để trẻ có tương lai hứa hẹn về sau này.

Cha mẹ đọc sách cùng con, không để con nghiện tivi hoặc điện thoại

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ nhỏ xem tivi hoặc sử dụng điện thoại quá nhiều thường không có kỹ năng giao tiếp tốt. Ngoài ra, thói quen xem tivi và dùng điện thoại không kiểm soát còn khiến cha mẹ và con cái ít có thời gian giao tiếp.

Trong các cách thức hiệu quả để gắn bó với con, việc đọc sách cùng con đưa lại ảnh hưởng tích cực dài lâu. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc cùng con đọc sách mỗi ngày giúp trẻ gia tăng kỹ năng ngôn ngữ, năng lực giao tiếp và phát triển nhận thức.

Những trẻ được cha mẹ đọc truyện cho nghe từ khi chưa biết chữ thường có điểm số tốt ở bậc tiểu học. Việc cùng con đọc sách còn nuôi dưỡng tình yêu đọc sách ở trẻ từ sớm, giúp trẻ phấn khích khám phá tri thức khi đến độ tuổi đi học.

Cha mẹ có con thành công giống nhau ở điểm gì? - 3
Cha mẹ có con thành công giống nhau ở điểm gì? - 4

Có những yếu tố trong cách thức cha mẹ nuôi con giúp dự đoán tương lai của con cái (Ảnh minh họa: iStock).

Cha mẹ biết trân trọng sự nỗ lực của con

Giáo sư tâm lý học Carol Dweck đến từ Đại học Stanford (Mỹ) cho biết con người thường có 2 kiểu tư duy về thành công.

Người có tư duy cố định tin rằng tính cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo là những điều sinh ra đã có sẵn, chúng ta không thể thay đổi. Vì vậy, thành công là minh chứng cho trí tuệ sẵn có. Nhiều người cố gắng đạt tới thành công và bằng mọi giá tránh sự thất bại, bởi họ muốn được nhìn nhận là người thông minh và tài giỏi.

Người có tư duy phát triển dám đón nhận thử thách, không nhìn nhận thất bại một cách quá tiêu cực và coi đây là bài học cho sự phát triển năng lực trên đường dài.

Cách chúng ta nhìn nhận vấn đề năng lực rất quan trọng. Trong quá trình cha mẹ nuôi con, nếu cha mẹ nhìn nhận thành tích học tập của con như là minh chứng cho trí thông minh thiên bẩm, điều này sẽ tạo nên đứa trẻ có tư duy cố định. Nếu cha mẹ nhìn nhận thành tích của con là kết quả của quá trình nỗ lực bền bỉ, điều này sẽ tạo nên đứa trẻ có tư duy phát triển.

Tâm lý sợ hãi sự thất bại trong lối tư duy cố định rất nguy hiểm, bởi khi thực sự gặp phải thất bại, một cá nhân có thể sẽ suy sụp nặng nề và không có khả năng "đứng dậy" mạnh mẽ trong công việc và cuộc sống.

Cha mẹ có học vấn và biết đặt kỳ vọng hợp lý vào con

Nghiên cứu năm 2014 của giáo sư tâm lý học Sandra Tang đến từ Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy rằng học vấn của cha mẹ có sự tương đồng rất lớn với học vấn của con cái.

Khảo sát đối với 14.000 trẻ học mẫu giáo trong khoảng thời gian từ năm 1998 tới năm 2007 cho thấy trẻ có cha mẹ không học hết trung học cũng dễ có xu hướng sớm dừng việc học. Cảm hứng học tập trong gia đình là một lý do quan trọng giúp trẻ nỗ lực học tập bền bỉ hơn.

Tiến hành khảo sát đối với 6.600 trẻ sinh năm 2001, giáo sư Neal Halfon đến từ Đại học California - Los Angeles (Mỹ) còn phát hiện ra rằng, kỳ vọng của cha mẹ có ảnh hưởng lớn tới thành tích mà con cái đạt được.

Những cha mẹ có định hướng về tương lai của con cái, chẳng hạn như họ xác định con cần phải học đại học, sẽ có xu hướng dạy dỗ con cái đạt được mục tiêu ấy. Nhiều khi, kỳ vọng của cha mẹ có thể là một đòn bẩy tâm lý tốt giúp trẻ phát triển.

Cha mẹ không quá căng thẳng, áp lực trong quá trình nuôi con

Nghiên cứu của chuyên gia xã hội học Kei Nomaguchi đến từ Đại học Bowling Green (Mỹ) cho thấy sự căng thẳng của cha mẹ trong quá trình nuôi con, chẳng hạn, cha mẹ không cân bằng được thời gian dành cho công việc và gia đình, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới con cái.

Cảm giác căng thẳng từ cha mẹ có thể lây truyền sang con, bởi con cái có thể cảm nhận sự mệt mỏi, kiệt quệ, suy sụp của cha mẹ.

Cha mẹ có con thành công giống nhau ở điểm gì? - 5
Cha mẹ có con thành công giống nhau ở điểm gì? - 6

Không khí gia đình vui vẻ, thuận hòa là môi trường phát triển lý tưởng nhất dành cho trẻ (Ảnh minh họa: iStock).

Cha mẹ có mối quan hệ hòa hợp với nhau

Con cái sinh trưởng trong gia đình có nhiều mâu thuẫn, dù cha mẹ có ly hôn hay không, thường không có được sự phát triển tốt đẹp như những đứa trẻ có cha mẹ hòa hợp trong cuộc sống gia đình. Đây là kết quả nghiên cứu của Đại học Illinois (Mỹ).

Giáo sư Robert Hughes, người đứng đầu nghiên cứu, còn nhấn mạnh rằng trẻ sống bên cha hoặc mẹ đơn thân và không phải chứng kiến mâu thuẫn trong đời sống gia đình vẫn phát triển tốt đẹp hơn trẻ sống trong gia đình có đủ cha mẹ, nhưng cha mẹ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.

Mâu thuẫn của cha mẹ trước và sau khi ly hôn đều có ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ và gây ám ảnh lâu dài, ngay cả khi nhiều năm tháng đã trôi qua.

Cha mẹ sống lạc quan và có mối quan hệ ấm áp với con cái

Theo nghiên cứu của giáo sư Sean Reardon đến từ Đại học Stanford (Mỹ), việc một đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó sẽ tạo nên những giới hạn đối với tiềm năng phát triển của trẻ. Chẳng hạn, phụ huynh có điều kiện kinh tế và địa vị xã hội tốt thường có con đạt điểm SAT cao hơn (SAT là điểm đánh giá năng lực phục vụ xét tuyển đại học tại Mỹ).

Dù vậy, điều kiện kinh tế của một gia đình không quyết định toàn bộ sự phát triển của trẻ. Nghiên cứu năm 2014 của giáo sư tâm lý học Lee Raby đến từ Đại học Minnesota (Mỹ) đối với 243 trẻ sinh ra trong gia đình gặp khó khăn kinh tế lại cho thấy rằng, trẻ được cha mẹ quan tâm, yêu thương có xu hướng đạt được thành tích học tập tốt.

Không khí ấm áp trong gia đình sẽ giúp đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc và phát huy tốt những tiềm năng, dù cuộc sống của gia đình đó còn nhiều khó khăn.

Bác sĩ tâm lý nhi khoa người Australia Karren Young cũng khẳng định thái độ sống lạc quan, vững vàng của cha mẹ rất có ý nghĩa đối với sự trưởng thành của trẻ. Lạc quan đích thực là khi cha mẹ có thể nhìn nhận tương lai với những mục tiêu dài hạn một cách tích cực, dù thực tế trong hiện tại có những khó khăn.

Young tin rằng trẻ nhỏ học được nhiều từ thái độ và cách hành động của cha mẹ. Cách cha mẹ nhẫn nại theo đuổi những mục tiêu dài hạn bằng thái độ lạc quan, bền bỉ vượt qua khó khăn, sẵn sàng học hỏi từ những thất bại là bài học vô giá cho sự trưởng thành của trẻ.

Cha mẹ biết cách xử lý mâu thuẫn trong gia đình

Nghiên cứu của giáo sư tâm lý học E. Mark Cummings đến từ Đại học Notre Dame (Mỹ) cho thấy khi trẻ chứng kiến cha mẹ xảy ra mâu thuẫn, cách cha mẹ xử lý vấn đề ổn thỏa sẽ giúp trẻ học được những kỹ năng quan trọng trong cách đối diện và xử lý vấn đề.

Việc cha mẹ lảng tránh vấn đề, âm thầm "chiến tranh lạnh" sẽ gây nên hệ lụy, bởi con cái có thể cảm nhận sự căng thẳng bất thường trong gia đình. Điều này khiến trẻ hoang mang, bối rối. Việc cha mẹ căng thẳng kéo dài còn khiến trẻ rơi vào bất an, giận dữ, mệt mỏi và học hành sút kém.

Theo Bussiness Insider