DMagazine

Thành công nhờ "chinh chiến" với áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ

(Dân trí) - "Những gì đọng lại không phải là những giải thưởng to nhỏ, mà là những kỹ năng mình đã tôi luyện được khi "chinh chiến" với những áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ".

"Những gì đọng lại không phải là những giải thưởng to nhỏ, mà là những kỹ năng mình đã tôi luyện được khi "chinh chiến" với những áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ".

Trước nhiều sự việc đáng tiếc thời gian vừa qua, dư luận xã hội có nhiều ý kiến lên án người làm cha mẹ đã gây áp lực cho con cái. Thế nhưng, đặt trường hợp ngược lại, nếu như cha mẹ không thúc đẩy, sát sao với sự phát triển của con cái thì các bạn trẻ có được thành công như ngày hôm nay?

Sự thúc đẩy của cha mẹ giúp con cái tránh lãng phí thời gian khi chưa đủ hiểu biết để tự định hướng

Tùng Lâm (sinh viên trường ĐH Ngoại Thương) khẳng định rằng áp lực với con trẻ là cần thiết bởi trẻ dễ bị xao nhãng, không tập trung vào tập trung nên cần sự chỉnh đốn và định hướng nhất định từ bố mẹ.

Dù vậy, Lâm nhấn mạnh rằng áp lực ở đây nên được hiểu là sự quan tâm chứ không phải ép buộc từ gia đình. "Bố mẹ cần tìm hiểu sở thích, thế mạnh và nguyện vọng của con để có những định hướng thích hợp", nam sinh cho biết.

Thành công nhờ chinh chiến với áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ - 1

Ở trường hợp của Lâm, từ nhỏ, nam sinh này đã luôn được mẹ quan tâm về việc học hành một cách nghiêm khắc. Mẹ Lâm tìm nhiều lớp học thêm để Lâm theo, kèm cặp cho tới cấp 2 khi con có thể tự học. Nam sinh bộc bạch rằng dù học nhiều nhưng chưa bao giờ bị mẹ ép học những điều mình không thích.

"Mình vẫn còn nhớ hồi lên lớp 4 mình thi được lên lớp chọn nhưng phải xa các bạn cũ đã quen để sang lớp mới. Dù rất vui vì đã vào lớp chọn nhưng mẹ vẫn dắt mình sang lớp cũ để hỏi xem mình có muốn ở lại với các bạn không. Mình rất nhớ khoảnh khắc đó vì với mình khả năng lắng nghe của bố mẹ là điều vô cùng quan trọng trong sự phát triển của con cái", bạn kể.

Bạn Nguyễn Minh Anh là du học sinh Việt Nam tại Đại học Bryn Mawr (xếp hạng 30 trường đại học Mỹ theo US News). Trước khi đi du học tại Mỹ, Minh Anh là cựu học sinh lớp Anh - Trung, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, GPA cao nhất từng đạt: 9.7/10, cựu Chủ tịch câu lạc bộ Ams Advisor.

Minh Anh chia sẻ: "Thành công hiện nay của mình không thể thiếu sự thúc đẩy từ bố mẹ".

Minh Anh thẳng thắn thừa nhận rằng, khi còn nhỏ, cô bạn đạt được các thành tích học tập thường là vì kỳ vọng của cha mẹ, hơn là vì bản thân.

Tuy nhiên, sau này khi trưởng thành hơn nhìn lại, chính sự thúc đẩy của cha mẹ đã có ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống của Minh Anh bây giờ: "Những gì đọng lại không phải là những giải thưởng to nhỏ, mà là những kỹ năng mình đã tôi luyện được khi "chinh chiến" với những kì vọng của cha mẹ".

Cơ hội đi du học của cô gái này cũng đã được bố mẹ định hướng sớm, chăm chút từ hồ sơ học tập cho tới hoạt động ngoại khóa. Nhờ có sự dẫn dắt từ phụ huynh, trước khi tham gia vào hoạt động nào, Minh Anh đều có thói quen xem xét, đánh giá những mặt lợi và hại và đối chiếu chúng với con đường du học của mình.

Lợi ích lớn nhất bạn nhận được chính là sự tiết kiệm thời gian để tập trung vào các đầu việc quan trọng, giúp cho quá trình nộp hồ sơ giảm bớt căng thẳng hơn bạn bè đồng trang lứa.

Minh Anh chỉ ra rằng: "Nếu có sự thúc ép đúng mức từ cha mẹ, con cái sẽ tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích, kể cả khi con còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của chúng". Bên cạnh đó, áp lực đủ cũng giúp bạn trẻ làm quen sớm với kỷ luật, nề nếp, tránh lãng phí thời gian khi chưa đủ hiểu biết để tự định hướng.

Cha mẹ lý giải vì sao gây áp lực cho con

Chị Phạm Thị Thanh Huyền (35 tuổi) là phụ huynh của hai con, một bé học lớp 4 và một bé học mẫu giáo. Đối với bạn lớp 4, hiện nay, chị Huyền đã định hướng sẽ cho con vào môi trường trường chuyên lớp chọn.

"Tôi thấy đây là một môi trường tốt nếu con có thể theo học được. Không phải tôi coi trọng trường chuyên học khó nên con sẽ giỏi hay thành công hơn, mà là tôi tin tưởng những trường chuyên của Bộ GD&ĐT đã có một tiêu chuẩn nhất định. Đa phần học sinh trường chuyên đều thành công ở mức khá tốt. Điều tôi muốn là môi trường cho con".

Bên cạnh đó, chị Huyền nhận thấy ở môi trường lớp chọn trường chuyên, học sinh không nhất thiết phải xuất chúng mà đôi khi chỉ cần chăm chỉ, cần cù cũng có thể vào được. Xét về khả năng của con bây giờ, chị Huyền nhận xét có lẽ mục tiêu của gia đình có phần hơi cao nhưng vẫn đề ra để con có mục đích phấn đấu, phát triển.

"Tôi có mục tiêu cao nhưng cũng có các phương án dự phòng khác như thi vào các trường công có chất lượng tốt hoặc trường tư, chứ không chỉ chăm chăm ép con vào một mục tiêu duy nhất", chị Huyền bộc bạch.

Thành công nhờ chinh chiến với áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ - 2

Chị Huyền cho rằng áp lực đến từ bố mẹ đến con cái đặc biệt cần thiết, nhất là ở các giai đoạn đầu của mọi việc: "Nhiều bạn bè của tôi hay bảo để con làm việc mình thích, nhưng tuổi này con chỉ thích chơi game, xem  với ngủ. Tôi đâu thể cứ để con như vậy được".

"Cha mẹ nên thúc đẩy con làm những việc tốt cần làm, giúp con vượt qua mức trung bình thì con mới có thể đam mê với chúng, nhìn thấy nét đẹp trong đó. Áp lực không sai mà chỉ sai ở cách chúng ta đặt áp lực tới con trẻ, ví dụ đặt ra mục tiêu nhưng lại không sát cánh cùng con, không nhận ra mục tiêu đó có quá sức hay không", chị Huyền cho hay.

Chị kể rằng: "Chị từng băn khoăn không biết tại sao con học toán mãi mà không bật lên. Nhưng rồi chồng chị, người trực tiếp cùng con học bài nói rằng một tối, con phải làm tận 20 bài. Chị tính ra như vậy, một tuần con phải làm tới hơn trăm bài. Con đã luyện tập và học hành rất nhiều rồi. Cho nên, mình cũng hiểu hơn và chấp nhận hơn với những điều con đạt được".

Đối với bà mẹ này, áp lực học hành ngoài chuyện cung cấp kiến thức cho con trẻ còn giúp con rèn luyện những đức tính khác quan trọng, có lợi về lâu dài cho con như tính chăm chỉ, tự giác hay ý thức kỷ luật nề nếp.

Cha mẹ nên làm gì để thúc đẩy con học tập?

Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên Nguyễn Văn Mạnh cho biết, xã hội càng phát triển thì càng có nhiều áp lực đặt lên vai tất cả chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải có kỹ năng ứng phó tốt hơn, học tập và làm việc hiệu quả hơn.

Áp lực học tập của giới trẻ có thể tới từ chính bản thân, gia đình hoặc nhà trường. Một số khác lại thấy áp lực từ bạn bè, môi trường mới (như tình hình dịch bệnh) thay vì cách học truyền thống.

Thành công nhờ chinh chiến với áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ - 3

Theo chuyên gia, bố mẹ cần biết đặt mục tiêu phù hợp với khả năng của con cái: "Nếu đặt mục tiêu phù hợp với năng lực, điều kiện của từng người thì áp lực sẽ trở thành động lực để các bạn trẻ phấn đấu và hoàn thiện hơn.

Ngược lại, nếu đưa ra những mong đợi quá mức, phụ huynh đang tạo ra các áp lực không cần thiết. Trong trường hợp đó, khi không đạt được mục tiêu, các bạn trẻ sẽ có cảm giác thất bại, nản chí".

Trong quá trình trẻ học tập, bố mẹ cần theo dõi sát sao quá trình thực hiện nhiệm vụ. Yếu tố quan trọng nhất là sự trao đổi thường xuyên giữa hai bên.

Chuyên gia khuyên rằng: "Nếu thấy các bạn có dấu hiệu đuối sức thì cần để các bạn nghỉ ngơi, cân nhắc điều chỉnh mục tiêu, rồi động viên các bạn tiếp tục phấn đấu. Trong quá trình đó, bố mẹ cần trao đổi với con thường xuyên để hiểu được những khó khăn của các bạn trẻ là gì, cùng nhau tìm ra cách giải quyết, thay vì cứng nhắc đòi hỏi con phải thực hiện nhiệm vụ bất chấp con có làm được hay không".

Thay vì nói những câu nói như "Cha mẹ làm điều đó cũng chỉ vì tốt cho con", phụ huynh cũng cần tự hỏi lại bản thân mục đích của việc này là gì, vì con hay vì cha mẹ (vì cái tôi, thể diện không thể đánh mất). Nếu cha mẹ làm điều đó vì con, cha mẹ cần lắng nghe ý kiến và chia sẻ của con.

Phương pháp đơn giản nhất mà bố mẹ có thể thúc đẩy việc học hành của con chính là đóng vai người đồng hành, hỗ trợ thay vì đóng vai là người ra quyết định thay cho con. Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Văn Mạnh nhận thấy đây là điều không phải ai cũng thực hiện được.

"Cha mẹ cần học cách chấp nhận trẻ như cách mà các bạn trẻ được sinh ra, với những ưu điểm và nhược điểm riêng. Để giáo dục cho các bạn trẻ, các cha mẹ cần giao tiếp theo hướng để trẻ lắng nghe và tiếp thu, thay vì giao tiếp theo hướng thỏa mãn cái tôi của cha mẹ. Cha mẹ lưu ý là khi cha mẹ thay đổi thì con cái cũng sẽ thay đổi theo".

Ảnh: Freepik