DNews

Tại sao giới nhà giàu thích cho con học cưỡi ngựa?

Bích Ngọc

(Dân trí) - Giới nhà giàu trên thế giới thích cho con học cưỡi ngựa và trở thành vận động viên đua ngựa chuyên nghiệp. Tỷ phú Bill Gates và Steve Jobs đều sớm cho con theo học bộ môn thể thao này.

Tại sao giới nhà giàu thích cho con học cưỡi ngựa?

Môn thể thao yêu thích của giới nhà giàu

Con gái cả của tỷ phú người Mỹ Bill Gates - Jennifer Gates (28 tuổi) - là một vận động viên đua ngựa chuyên nghiệp. Cô đã theo đuổi bộ môn này từ khi còn nhỏ.

Jennifer từng theo học 3 trường đại học và có những bằng cấp ấn tượng. Cô có bằng thạc sĩ chuyên ngành y tế công cộng tại Đại học Columbia, bằng cử nhân chuyên ngành sinh học con người tại Đại học Stanford, bằng thạc sĩ y tế công cộng tại trường y Icahn School of Medicine at Mount Sinai.

Dù có những thời điểm rất căng thẳng với việc học, nhưng Jennifer chưa bao giờ từ bỏ niềm đam mê cưỡi ngựa. Chồng của cô - vận động viên đua ngựa chuyên nghiệp người Mỹ gốc Ai Cập Nayel Nassar (33 tuổi) - từng hai lần được gọi vào đội tuyển quốc gia Ai Cập để tham gia thi đấu tại Thế vận hội Olympic London 2012 và Olympic Tokyo 2020.

Để Jennifer có điều kiện thuận lợi theo đuổi niềm đam mê cưỡi ngựa, năm 2018, tỷ phú Bill Gates mua cho con một điền trang trị giá 16 triệu USD nằm ở vùng ngoại ô New York. Điền trang rộng lớn có chuồng ngựa là nơi để Jennifer thỏa mãn sở thích cưỡi ngựa, cô có thể thoải mái tập luyện tại tư gia bất cứ lúc nào có cảm hứng.

Tại sao giới nhà giàu thích cho con học cưỡi ngựa? - 1
Tại sao giới nhà giàu thích cho con học cưỡi ngựa? - 2

Eve Jobs (trái) và Jennifer Gates (phải) khi tham gia những cuộc đua ngựa (Ảnh: Luxury Mag).

Con gái út của tỷ phú người Mỹ Steve Jobs - Eve Jobs - cũng có niềm đam mê dành cho bộ môn cưỡi ngựa. Eve có bằng cử nhân chuyên ngành khoa học, công nghệ và xã hội tại Đại học Stanford. Qua năm tháng, Eve vẫn luôn đều đặn dành thời gian tập luyện để trở thành vận động viên cưỡi ngựa chuyên nghiệp.

Năm 2019, cô từng được tờ tin tức thể thao Horse Sport xếp thứ 5 trong danh sách 1.000 vận động viên đua ngựa tiềm năng dưới 25 tuổi. Eve đặt mục tiêu tham gia thi đấu tại những sự kiện thể thao quốc tế trong tương lai.

Năm 2016, Eve được mẹ - bà Laurene Powell Jobs - mua cho một trang trại trị giá 15 triệu USD ở Wellington, bang Florida, Mỹ, để cô thoải mái tập luyện cưỡi ngựa tại đây.

Đối với Jennifer Gates và Eve Jobs, cưỡi ngựa là niềm đam mê, họ luôn duy trì hoạt động cưỡi ngựa như một thú vui không thể thiếu trong cuộc sống. Jennifer đã trở thành bác sĩ nhi khoa, Eve đang theo đuổi sự nghiệp người mẫu, nhưng họ vẫn âm thầm tập luyện và có thêm cho mình một nghề tay trái ít người biết, đó là vận động viên cưỡi ngựa chuyên nghiệp.

Tại sao cưỡi ngựa là môn thể thao dành cho giới nhà giàu?

Cưỡi ngựa là môn thể thao hấp dẫn nhiều người, nhưng để theo đuổi bộ môn này một cách dài lâu, không phải ai cũng có thể làm được. Có nhiều điều cần phải cân nhắc khi theo đuổi môn cưỡi ngựa bởi chi phí bỏ ra không hề nhỏ.

Cưỡi ngựa từ xưa vốn là thú vui của giới quý tộc châu Âu. Trong đời sống hiện đại, các trường dạy cưỡi ngựa được mở ra nhiều hơn, giúp việc theo đuổi thú vui này trở nên dễ dàng hơn, bớt tốn kém hơn. Người học giờ đây không cần phải có chú ngựa của riêng mình, việc này giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Tại sao giới nhà giàu thích cho con học cưỡi ngựa? - 3
Tại sao giới nhà giàu thích cho con học cưỡi ngựa? - 4

Theo đuổi bộ môn cưỡi ngựa đòi hỏi có nền tảng kinh tế vững vàng vì có rất nhiều khoản phải chi như chi phí chuồng trại, dịch vụ thú y (Ảnh: iStock).

Dù vậy, đối với giới siêu giàu, khi đã theo đuổi hoạt động cưỡi ngựa ở đẳng cấp chuyên nghiệp, họ thường có ngựa đua của riêng mình. Giá mua ngựa đua đẳng cấp rất cao. Các phụ phí dành cho việc chăm sóc ngựa, mua sắm các thiết bị, dụng cụ, trang phục... cũng rất tốn kém.

Như trong câu chuyện của gia đình tỷ phú Bill Gates hay Steve Jobs, họ đều phải chi ra số tiền lớn để mua điền trang cho con nuôi ngựa và luyện tập.

Nhìn chung, để có thể theo đuổi bộ môn cưỡi ngựa một cách bền bỉ đòi hỏi người tập luyện phải có một nền tảng kinh tế vững vàng. Đó là lý do tại sao người ta thường nói cưỡi ngựa là môn thể thao của giới nhà giàu.

Lý do khiến giới nhà giàu thích cho con học cưỡi ngựa

Cưỡi ngựa không chỉ là môn thể thao để giới nhà giàu thể hiện tiềm lực kinh tế, mà còn là bộ môn đưa lại nhiều bài học và kỹ năng hữu ích cho người tập luyện. Những điều học được từ cưỡi ngựa có thể ứng dụng vào công việc và cuộc sống rất tốt. Đó là một phần lý do khiến giới nhà giàu phương Tây thích cho con theo đuổi bộ môn này.

Dưới đây là một số bài học và kỹ năng có thể học được từ môn cưỡi ngựa:

Tại sao giới nhà giàu thích cho con học cưỡi ngựa? - 5

Cưỡi ngựa từ lâu đã được xem là bộ môn thể thao yêu thích của giới thượng lưu và quý tộc phương Tây (Ảnh: iStock).

Học cách xây dựng niềm tin: Điều quan trọng hàng đầu trong cưỡi ngựa chính là gây dựng niềm tin giữa vận động viên và chú ngựa. Niềm tin sẽ tạo nên sự hòa hợp, giúp đưa lại thành công trong quá trình tập luyện và thi đấu.

Trong công việc, năng lực xây dựng niềm tin với cộng sự hay với đối tác rất quan trọng. Biết gây dựng niềm tin sẽ tạo nên môi trường làm việc tích cực, mở ra những đối thoại chân thành và là nền tảng cho những mối quan hệ bền vững.

Thấu hiểu giao tiếp không lời: Ngựa là một trong những loài động vật có khả năng hồi đáp rất nhanh thông qua các tín hiệu không lời. Sự nhạy cảm của loài ngựa khiến vận động viên phải đặc biệt quan tâm tới ngôn ngữ cơ thể của mình, bởi đó là những tín hiệu không lời mà chú ngựa sẽ tiếp nhận.

Một nhân sự giỏi và có tố chất lãnh đạo cũng giống như một vận động viên đua ngựa chuyên nghiệp, họ có khả năng giao tiếp không lời, có thể đưa ra và nắm bắt các tín hiệu một cách nhạy bén.

Kiên nhẫn nỗ lực: Việc thuần dưỡng và huấn luyện một chú ngựa đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn. Người luyện tập cưỡi ngựa thường cũng có tính kiên nhẫn, đây là đức tính quan trọng để tạo nên sự phát triển bền bỉ và ổn định trong công việc và cuộc sống.

Tại sao giới nhà giàu thích cho con học cưỡi ngựa? - 6

Con rể của tỷ phú Bill Gates - Nayel Nassar - là vận động viên đua ngựa chuyên nghiệp từng hai lần tham gia Thế vận hội Olympic (Ảnh: Vanity Fair).

Thích ứng mau lẹ: Môn đua ngựa đòi hỏi vận động viên phải rất nhanh trí, có khả năng thích ứng tốt. Những chú ngựa nhiều khi rất khó đoán, vận động viên phải có sự điều chỉnh chiến thuật linh hoạt dựa trên tình hình thực tế. Công việc và cuộc sống cũng vậy, sự biến động luôn xảy ra, đòi hỏi khả năng thích nghi mau lẹ.

Đứng dậy sau ngã ngựa: Trong môn đua ngựa, việc bị loạng choạng, ngã ngựa là một phần của quá trình luyện tập. Những tình huống như vậy đòi hỏi vận động viên phải có độ vững tâm lý để đứng dậy, vượt qua sự cố và tự tin ngồi lại trên lưng ngựa.

Trong cuộc sống, những bước loạng choạng, những "cú ngã ngựa" là điều không thể tránh khỏi. Học cách xử lý hiệu quả để tiếp tục tiến bước là một kỹ năng cần thiết trên đường dài.

Quyết đoán dẫn đường: Một vận động viên đua ngựa chính là người dẫn đường đối với chú ngựa của mình, họ cần đưa ra tín hiệu rõ ràng, dứt khoát, nhưng không được quá hống hách. Trong công việc và cuộc sống, sự cân bằng trong thái độ giao tiếp cũng là một yếu tố rất quan trọng.

Tập trung chuẩn bị: Trước mỗi lần ngồi trên lưng ngựa, vận động viên đều phải trải qua những bước chuẩn bị và cần có sự tập trung tinh thần để tập luyện, thi đấu hiệu quả. Trong công việc cũng vậy, sự chuẩn bị cẩn thận và tập trung cao độ là những yếu tố quan trọng giúp đưa lại thành công.

Theo Luxury Mag/People