Học vấn đáng nể của 2 nữ VĐV đấu kiếm giành huy chương vàng Olympic Paris
(Dân trí) - Tại Olympic Paris 2024, công chúng sửng sốt trước học vấn của 2 nữ vận động viên đấu kiếm giành huy chương vàng. Đằng sau thành tích thi đấu của họ chính là bí mật về thế mạnh trí tuệ.
Thành tích học tập ấn tượng của 2 nữ vận động viên đấu kiếm
Thông tin về học vấn của hai nữ vận động viên giành huy chương vàng ở bộ môn đấu kiếm tại Thế vận hội Olympic đang thu hút sự quan tâm của công chúng quốc tế. Hai nữ vận động viên này là Vivian Kong của đoàn Hong Kong (Trung Quốc) và Lee Kiefer của đoàn Mỹ.
Vivian Kong đã giành huy chương vàng ở nội dung đấu kiếm 3 cạnh đơn nữ. Trước khi theo đuổi bộ môn đấu kiếm, Vivian từng thử sức với múa ba-lê và tập taekwondo. Cô bắt đầu học đấu kiếm năm 11 tuổi và nhanh chóng tiến bộ bởi biết tận dụng tốc độ của môn võ taekwondo và sự mềm dẻo của múa ba-lê.
Vừa theo đuổi sự nghiệp thi đấu thể thao thành tích cao, Vivian vừa theo đuổi con đường học vấn. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô theo học chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Stanford danh tiếng của Mỹ. Nữ vận động viên 30 tuổi còn có bằng thạc sĩ luật của Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Hiện tại, cô theo học chương trình đào tạo tiến sĩ luật tại khoa luật của Đại học Trung văn Hong Kong. Vivian đang tạo nên cơn sốt tại quê nhà sau khi giành huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic.
Báo chí Trung Quốc cho biết nhiều trường dạy đấu kiếm tại Hong Kong đang chứng kiến số lượng học viên gia tăng chóng mặt. Cả người lớn và trẻ nhỏ đều đang đổ xô tới các trung tâm dạy đấu kiếm để đăng ký học. Đặc biệt, nhiều phụ huynh quyết định cho con đi học đấu kiếm sau khi biết bộ môn này vốn được xem là môn thể thao trí tuệ.
Bên cạnh Vivian Kong, con đường học tập của nữ vận động viên người Mỹ Lee Kiefer (30 tuổi) cũng thu hút nhiều sự chú ý. Cô đã giành huy chương vàng kiếm liễu cá nhân nữ và kiếm liễu đồng đội nữ tại Olympic 2024.
Trong sự nghiệp thi đấu, Lee đã 3 lần giành huy chương vàng tại 2 kỳ Thế vận hội Olympic. Cô được xem là nữ vận động viên đấu kiếm liễu có thành tích tốt nhất trong lịch sử thể thao Mỹ.
Trước Lee, chưa có vận động viên đấu kiếm nào của Mỹ giành được huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic ở nội dung thi đấu cá nhân.
Lee Kiefer từng tốt nghiệp chuyên ngành nghiên cứu khoa học tại Đại học Notre Dame, sau đó, cô tiếp tục theo học ngành dược tại Đại học Kentucky (Mỹ). Trong gia đình Lee, bộ môn đấu kiếm là niềm đam mê chung của cả nhà. Cha cô là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, ông cũng từng theo đuổi bộ môn đấu kiếm.
Lee cùng chị gái và em trai của cô đều sớm theo đuổi bộ môn đấu kiếm và trở thành những vận động viên chuyên nghiệp. Chị gái của Lee - Alex Kiefer - vốn là một vận động viên đấu kiếm có tiếng tại Mỹ. Alex từng theo học tại Đại học Harvard và hiện đã trở thành một bác sĩ.
Chồng của Lee - Gerek Meinhardt - cũng là vận động viên đấu kiếm chuyên nghiệp từng có 4 lần tham gia Thế vận hội Olympic.
Khi tìm hiểu thông tin đời tư của Vivian Kong và Lee Kiefer, truyền thông quốc tế sửng sốt trước con đường học vấn mà họ theo đuổi bên cạnh sự nghiệp thi đấu thể thao.
Thực tế, đấu kiếm trước nay vốn được nhìn nhận là môn thể thao đầy tính trí tuệ. Học vấn cao của những vận động viên đấu kiếm giỏi càng khiến nhận định này có thêm sức thuyết phục.
Vì sao đấu kiếm là bộ môn thể thao trí tuệ?
Đấu kiếm đòi hỏi sự kết hợp của sức mạnh thể chất dẻo dai và tư duy chiến thuật mau lẹ. Những thách thức mà vận động viên đấu kiếm thường xuyên phải đối diện lại thường là những thách thức về "tâm lý chiến".
Thường vận động viên đấu kiếm giỏi cũng là những người biết "chơi tâm lý", họ có nội tâm vững vàng và biết cách "đọc vị" đối phương. Một số yêu cầu về mặt "tâm lý chiến" đối với vận động viên đấu kiếm bao gồm:
Sự tập trung cao độ: Sự tập trung này dùng để quan sát các chuyển động của đối thủ, nhằm dự đoán trước đường kiếm của đối phương và có cách đáp trả nhanh gọn, chính xác. Việc duy trì sự tập trung cao độ trong suốt trận đấu là một thách thức không phải ai cũng có thể thực hiện.
Khả năng kiểm soát cảm xúc: Kiểm soát cảm xúc là yêu cầu quan trọng trong bộ môn đấu kiếm. Người luyện tập đấu kiếm phải kiểm soát tốt cảm xúc trong quá trình thi đấu, tránh tuyệt đối việc để cảm xúc hỗn loạn làm phân tán sự tập trung.
Khả năng ứng biến nhanh: Đấu kiếm thường được so sánh với chơi cờ, bởi vận động viên phải nhanh chóng quan sát đường đi nước bước của đối phương và đưa ra được chiến thuật phù hợp ngay trong quá trình thi đấu. Vì vậy, đấu kiếm được nhìn nhận là bộ môn thể thao có tính thử thách tâm lý và đòi hỏi khả năng tư duy chiến thuật rất nhạy bén.