Sĩ tử và phụ huynh vô tư trèo rào cấm vào xoa đầu rùa Văn Miếu lấy may
(Dân trí) - Sáng 5/7, hàng trăm sĩ tử đã tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám để dâng lễ cầu may mắn, thuận lợi trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù đã có biển cấm, nhiều người vẫn trèo rào vào khu bia tiến sĩ.
9h sáng nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) tấp nập người đến tham quan, đa phần là các thí sinh tới để dâng lễ cầu may mắn, thuận lợi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bàn thờ đức Khổng Tử trong chính điện là nơi thu hút đông đảo nhất các thí sinh đến khấn vái, tỏ lòng thành kính, gửi gắm ước nguyện đăng khoa.
Mỹ Tâm (áo trắng, ở quận Nam Từ Liêm) cùng bạn tới Văn Miếu để cầu mong mình sẽ có một kỳ thi như ý. Tâm hi vọng mình sẽ đỗ vào trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp.
Trong kỳ thi THPT năm nay, TP Hà Nội có gần 98.000 thí sinh đăng ký dự thi, gồm cả học sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022 và thí sinh tự do. Trong số này, 86.460 thí sinh đăng ký dự thi lấy kết quả để vừa xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông, vừa xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng Sư phạm.
Những điều ước được các sĩ tử viết lại và gửi gắm trên bảng lưu giữ ước nguyện trên bức tường tại Văn Miếu.
Khu vực của các thầy đồ cũng tấp nập phụ huynh và học sinh tới xin chữ. Các chữ Nôm, chữ Hán được xin nhiều như: Đăng Khoa, Thành Đạt, Thành Công... với ý nghĩa đem lại may mắn cho kỳ thi quan trọng.
Ngọc Lan (giữa) và nhóm bạn đã có mặt tại Văn Miếu từ sớm để xin chữ với hi vọng sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Khu vực rùa đá đặt bia tiến sĩ dù đã được dựng biển khuyến cáo không vượt rào vào bên trong nhưng vẫn còn một số vị khách cố tình vào xoa đầu rùa để "kiếm tìm" may mắn.
Sáng nay tại Hà Nội có mưa nhỏ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Nhiều bậc phụ huynh đã chuẩn bị ô đưa con tới cầu may nhằm giải tỏa tâm lý lo lắng.
Một số bạn trẻ vội vã tránh mưa ướt khi không lường trước được thời tiết trong buổi sáng nay.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 7-8/7, ngày 9/7 dùng để dự phòng. Thí sinh thực hiện các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).