Xưởng thực hành hiện đại của nghề lương 20 triệu đồng nhưng thiếu người học
(Dân trí) - 3 năm sau khi ra trường, một người học cắt gọt kim loại thường có mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng. Ngành học này còn được nhà nước hỗ trợ 70% học phí nhưng lại thiếu người học.
Một buổi học của sinh viên nghề cắt gọt kim loại tại phòng thực hành công nghệ cao, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Hà Nội (trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội). Tại đây, người học được thực hành với máy CNC (máy sử dụng phổ biến trong các ngành gia công cơ khí, được điều khiển tự động hóa dưới sự hỗ trợ của máy tính).
Nhóm sinh viên không phải dùng nhiều cơ năng để gia công một sản phẩm. Với máy CNC, quá trình tiện hoặc phay một phôi trở thành tự động dưới sự lập trình, điều khiển của các em.
Để đào tạo cho sinh viên nghề cắt gọt kim loại đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, các trường nghề đẩy mạnh đầu tư máy CNC vào chương trình thực hành. Quá trình sinh viên học trên máy móc hiện đại ở trường sát với công việc thực tế trong các doanh nghiệp, xưởng gia công cơ khí.
Thầy Dương Văn Cường - Giảng viên khoa Cơ khí chế tạo, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ cho biết, hiện nay, nhiều người lo ngại rằng cắt gọt kim loại là nghề nặng nhọc, độc hại và nhem nhuốc. Đó là một trong những lý do khiến nghề này thiếu người học.
"Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các công việc liên quan đến cắt gọt kim loại đều đã được tự động hóa nhờ máy CNC. Dường như các em chỉ cần sử dụng tư duy, kiến thức và kỹ năng nghề của mình để tính toán, "bấm nút" tạo ra sản phẩm mà ít phải vận động chân tay, nặng nhọc", thầy Cường cho biết.
Theo thầy Cường, tố chất mà người học cắt gọt kim loại cần có là cần cù, tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao, phải có tư duy trừu tượng để đọc và phân tích bản vẽ kỹ thuật.
"Hằng năm, có nhiều doanh nghiệp đến trường đặt hàng từ sớm, tuyển sinh viên về thực tập và làm việc cho họ. Tuy nhiên, nhà trường không đáp ứng đủ số lượng mà doanh nghiệp cần tuyển. Lý do là số người học cắt gọt kim loại ít hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng của họ. Đây là thực trạng chung của rất nhiều cơ sở đào tạo hiện nay", thầy Cường nói.
Thầy Cường cho biết, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng nghề cắt gọt kim loại, sinh viên hoàn toàn có thể mở xưởng sản xuất, gia công cơ khí.
Nếu làm việc trong doanh nghiệp, các em có đủ khả năng làm cán bộ kỹ thuật trong phân xưởng, công ty có liên quan đến gia công cơ khí hoặc làm tổ trưởng sản xuất, quản đốc phân xưởng trong các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, kinh doanh các sản phẩm cơ khí.
Vị trí công việc tốt nhất là lập trình và vận hành máy CNC, đây cũng là hướng đi mà nhiều người học đang theo đuổi. Các bạn nữ học nghề này xong có thể làm quản lý kho hoặc phân tích các bản vẽ kỹ thuật, lập tiến trình công nghệ, gia công cho công nhân.
Theo khảo sát của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ, lương khởi điểm của người học nghề cắt gọt kim loại trung bình từ 7-8 triệu đồng/tháng. Sau khoảng 3 năm, thậm chí sớm hơn, những em nào đã lập trình và vận hành máy CNC tốt, mức lương tăng lên 15-20 triệu đồng/tháng. Người lao động có bằng cao đẳng nghề sẽ có thêm các chế độ đãi ngộ.
Một số sản phẩm được sinh viên tạo ra trong quá trình thực hành, dưới sự hướng dẫn của giảng viên.
"Thu nhập tùy thuộc vào việc các em có chịu khó học hỏi và làm việc hay không. Học trò cũ của tôi có mức lương cao nhất là hơn 25 triệu đồng/tháng, bạn ấy làm tổ trưởng tại một công ty ở huyện Đông Anh. Còn những em nhận lương từ 10-15 triệu đồng/tháng hoặc tự mở xưởng sản xuất thì rất nhiều", thầy Cường cho biết.
Đặc biệt, người học ngành Cắt gọt kim loại được nhà nước hỗ trợ 70% học phí.
Trước khi thực hành với máy CNC, nhóm sinh viên đã bắt đầu buổi học tại xưởng gia công cơ bản. Tại đây, người học sử dụng máy vạn năng để phay một mặt phẳng. Bài thực hành nằm trong mô-đun phay cơ bản, nghề cắt gọt kim loại.
Bước đầu tiên, nhóm sinh viên chuẩn bị phôi là những khối kim loại hình hộp chữ nhật. Bạn Trần Minh Quang - Sinh viên năm 2 ngành Cắt gọt kim loại gá phôi, gá dao (xác định vị trí của phôi so với dụng cụ cắt và giữ chặt phôi ở vị trí dưới tác dụng của lực cắt trong khi gia công).
Một sinh viên khác tính toán chế độ cắt phù hợp với vật liệu gia công, lập tiến trình các bước gia công một cách tỉ mỉ, cụ thể. Sau đó, cả nhóm vận hành máy vạn năng để bắt đầu gia công. Sau khi gia công xong, người học làm sạch và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Yêu cầu của thầy Dương Văn Cường - Giảng viên khoa Cơ khí chế tạo đối với nhóm sinh viên là sản phẩm phải đạt độ chính xác gần như tuyệt đối về kích thước, hình dáng, vị trí tương quan, độ nhám và độ bóng của bề mặt.
"Chúng em mất 3-4 ngày để làm quen với máy vạn năng. Sau khi sử dụng thành thạo các chức năng cơ bản, thầy giáo sẽ ra đề bài thực hành cùng những bản vẽ và phôi. Sinh viên phải gia công sao cho phôi đạt được kích thước và hình dáng chuẩn theo yêu cầu của bản vẽ.
Nghề cắt gọt kim loại hay ở chỗ mình có thể biến một thanh kim loại sần sùi, đơn giản thành các chi tiết đẹp, sáng bóng như mong muốn", bạn Trần Minh Quang cho biết.
Theo thầy Cường, hiện nay, máy vạn năng ở các công ty, xưởng gia công cơ khí chỉ để thực hiện quá trình tạo phôi ban đầu, đa số các bước sản xuất còn lại đều do máy CNC làm.
Tuy nhiên, để học lập trình và vận hành máy CNC, sinh viên buộc phải thực hành tại xưởng gia công cơ bản với những máy móc đơn giản trước. Mục đích là để các em nắm được những nguyên lý cơ bản và các bước gia công, trước khi chuyển toàn bộ quá trình đó sang máy CNC.
Bà Phạm Thị Lan Phương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp (Vĩnh Phúc) cho biết, một số nghề đào tạo của nhà trường có ít sinh viên đăng ký học là hàn và cắt gọt kim loại. Dù số lượng vẫn đủ để nhà trường triển khai dạy và học nhưng chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
"Hiện nay, sinh viên đã được học tập và thực hành chủ yếu trên các máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại chứ không đến nỗi nặng nhọc, độc hại như nhiều bạn nghĩ.
Thu nhập trung bình của một người học hàn, cắt gọt kim loại mới ra trường từ 8-15 triệu đồng/tháng. Nhiều doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc còn hỗ trợ thêm từ 2-3 triệu đồng/tháng cho người lao động có trình độ ngoại ngữ", bà Phương nói.
Theo ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái, cắt gọt kim loại cũng là một trong những nghề thuộc hệ cao đẳng khó tuyển sinh nhất, bên cạnh các nghề hàn, gia công và thiết kế sản phẩm mộc.