(Dân trí) - Một Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng khẳng định, đến năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương. Thế nhưng, hơn 10 năm trôi qua, đồng lương của giáo viên cũng không được cải thiện so với các ngành nghề khác.
Tâm sự mới đây của một số thầy cô giáo trên Dân trí trước thềm ngày 20/11 về đời sống giáo viên khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi.
Năm 2004, cô Khổng T.H. bước chân vào nghề giáo và biên chế chính thức. Một ngày dạy 2 buổi sáng - chiều, tham gia chủ nhiệm lớp và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Tính đến nay, với thâm niên làm việc 17 năm, tổng thu nhập một tháng của giáo viên này chỉ hơn 7 triệu đồng.
"Với thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong sinh hoạt, mọi thứ tôi đều phải tằn tiện, "cân đong đo đếm", nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, giá cả leo thang.
Tiền sinh hoạt đã gặp khó, tất nhiên không dám nghĩ đến giấc mơ tích lũy để mua đất, làm nhà. Đó là tôi dạy lâu năm còn có tiền thâm niên, chứ những đồng nghiệp ít tuổi nghề, đồng lương eo hẹp, thử hỏi họ còn chật vật, khó khăn đến thế nào", cô H. chia sẻ.
Do lương thấp, một bộ phận giáo viên đã mưu sinh bằng việc dạy thêm và nhận lại nguồn thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên, con số đó không nhiều, bởi trên thực tế, do đặc điểm vùng miền và cấp học, cô H. và rất nhiều đồng nghiệp ít có cơ hội tham gia dạy thêm.
Nhà giáo Đỗ D. (giáo viên cấp 1 tại Hải Dương) cũng hơn 7 năm gắn bó với nghề giáo nhưng khi nhắc đến đời sống, cô thở dài vì "cực và bèo lắm".
"Mọi người thường nghĩ, công việc của giáo viên chỉ là những tiết dạy trên lớp và tối về soạn bài, chấm điểm; nhưng suy nghĩ ấy sai hoàn toàn.
Bên cạnh những việc "bề nổi", mỗi thầy cô còn có nhiệm vụ xử lý sổ sách, hồ sơ; thời gian trống thì lên tiết dự giờ, gửi giáo án hàng tuần… Chưa kể, giáo viên phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ cấp trên, phụ huynh cho tới học sinh. Nhất là trong bối cảnh dạy online, "hòn đá" áp lực lại càng đè nén hơn bao giờ hết".
Theo cô D., cộng mức lương cứng với tất cả các khoản thu, từ dạy bán trú, phụ đạo… mỗi tháng, thu nhập của cô dao động từ 6,5-7 triệu đồng. Sống tại thành phố, mọi thứ đắt đỏ nên gia đình chẳng có gì dư dả. Cả nhà 3 người vẫn phải sống trong căn trọ chỉ rộng 20m2.
"Cứ cuối tháng là chi đủ thứ tiền, nào là tiền học của con, rồi tiền điện nước, tiền nhà, xăng xe… Nhiều lúc nghĩ đi làm từ 7h sáng, về nhà làm việc đến 22h đêm mà chỉ tạm đủ sống qua ngày thì tủi thân quá. Trong khi với mức thâm niên 7 năm, 10 năm, 20 năm, những người làm việc trong lĩnh vực khác hoàn toàn có thể mua nhà, tậu xe", cô D. trải lòng.
Lương giáo viên thấp được bàn luận nhiều và luôn là vấn đề "nóng" trong giáo dục. Không ít giáo viên bỏ việc vì lương thấp, phải tìm công việc khác và nghề giáo trở nên thiếu hấp dẫn với người giỏi. Nhiều người có năng lực, đam mê nhưng không thể theo nghề một phần cũng vì lương thấp.
Trước câu hỏi tại sao đội ngũ giáo viên vẫn bám nghề dù cuộc sống bấp bênh và khó khăn, một nhà giáo ngậm ngùi chia sẻ, nói thẳng ra: "Hàng ngày chúng tôi lên lớp một phần vì vẫn giữ lửa đam mê; phần vì tiếc những năm tháng nhọc nhằn theo đuổi ước mơ và công lao nuôi dưỡng của bố mẹ.
Còn xét đến nhu cầu mưu sinh, đa số giáo viên, đặc biệt là những thầy cô trẻ, chưa được biên chế vẫn phải sống dựa vào gia đình hay tự tìm cho mình một nghề tay trái như: giặt là, bán hàng online...
Việc giáo viên chạy xe ôm, buôn cá, bán hàng online, tiếp thị bảo hiểm… nay đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".
Còn nhớ ngày 17/11/2006, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói, Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.
Năm 2017, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, nếu chỉ yêu cầu các thầy cô phải cố gắng lên, phải đổi mới trong khi điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, thậm chí cả danh dự không được bảo vệ một cách chính đáng thì không được…
Nhưng Bộ trưởng Nhạ lúc đó cũng cho hay, Bộ GD-ĐT không quyết định được vấn đề lương giáo viên nên đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất vấn đề thang bảng lương, làm sao triển khai thật tốt Nghị quyết 29- NQ/TW của Trung ương, để giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất.
Đến năm 2019, khi bàn thảo để sửa đổi Luật Giáo dục 2019, dự thảo ban đầu đưa vào nội dung "lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận trong và ngoài ngành GD-ĐT.
Tuy nhiên, sau nhiều lần bàn thảo, nội dung này đã được đưa ra khỏi dự thảo luật Giáo dục 2019 trình Quốc hội thông qua.
Hai bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đều không đồng tình với nội dung này và cho rằng, đề xuất như vậy sẽ "phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề"…
Rõ ràng việc cải thiện thu nhập của giáo viên không phụ thuộc vào mong muốn hay đề xuất của Bộ GD-ĐT mà có thể thực hiện được. Vì thế, hơn 10 năm trôi qua, đồng lương của giáo viên cũng không được cải thiện là bao so với các ngành nghề khác.
Mới đây nhất, tháng 4/2021, trong bức tâm thư của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi đến toàn thể giáo viên cả nước đã chạm vào trái tim của nhiều người. Bức thư thể hiện sự trăn trở về đời sống, đãi ngộ và vị thế của người thầy trong xã hội.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Kim Sơn, một lần nữa lại nhắc đến lương giáo viên.
Tư lệnh ngành Giáo dục cho rằng, ông rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện. Điều này chạm đến mong mỏi chính đáng của giáo viên từ rất lâu nay.
Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi rằng có đặt nhiều hy vọng về phát biểu này của tân Bộ trưởng không, một số giáo viên rất băn khoăn bởi lời hứa cải thiện đời sống giáo viên dựa vào lương đã qua nhiều đời Bộ trưởng nhưng đến nay, nhiều thầy cô vẫn đang rất chật vật.
"Điều chúng tôi tha thiết mong muốn là người đứng đầu Bộ GD-ĐT phải thực hiện lời hứa của mình để sau bao nhiêu năm cơ cực, thầy cô giáo có thể sống được, sống đàng hoàng bằng chính đồng lương của họ", một giáo viên chia sẻ.
Trong một lần trả lời PV Báo điện tử Dân trí trước đó, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, miễn học phí hoặc tăng lương cho giáo viên, nếu thực hiện được, đó là một cuộc "cách mạng".
Riêng việc tăng lương giáo viên, theo GS Thi, có thể trở thành hiện thực bởi đây là ý chí của Đảng, của nhân dân nhưng chưa thực hiện được.
Tuy nhiên, ông đã rất thất vọng và đáng tiếc vì cả hai đề xuất: Tăng lương cho giáo viên và miễn học phí, thời điểm đó đều bị gác lại.
Về vấn đề "lương của giáo viên phải xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp", theo GS Thi, đây là quan điểm của Đảng trong thời gian khá dài, không phải đến Nghị quyết 29- NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Điều này đã có từ Nghị quyết T.Ư năm 1996.
"Nghị quyết của Đảng mang tính định hướng, không yêu cầu thực hiện ngay lập tức nhưng phải có độ trễ ở hạn định nào đó chứ không phải trên 20 năm vẫn đang "xem xét" và chưa đưa được vào cuộc sống.
Vì thế theo tôi, cần thể chế hóa trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là luật thì mới thực hiện được. Bởi nếu như đưa vào văn bản thấp hơn cơ quan ban hành vẫn có thể thay đổi. Chẳng hạn, Nghị định có thể Chính phủ thay đổi, hoặc Thông tư thì bộ có thể thay đổi. Do đó, thể chế hóa trong luật bởi chỉ có Quốc hội mới thay đổi luật", GS Thi phân tích.
Đồng quan điểm trên đây, trao đổi với PV Dân trí chiều 18/11, ngay trước thềm ngày 20/11, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung Ương cho rằng, lương giáo viên là câu chuyện đã được đưa ra từ rất nhiều năm trước, thậm chí từ thời nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Bình.
"Lương giáo viên, nhất là cấp mầm non và tiểu học thực sự là vấn đề bức bách bởi công việc nặng nề, lao động nhiều giờ trong ngày- kể cả bưng bô cho học sinh nhưng lương vô cùng thấp.
Thế nhưng một bộ trưởng bộ nào đó, không thể một mình "quyết" được vấn đề tăng lương cho giáo viên. Tiền cho giáo dục Bộ Tài chính quyết. Biên chế giáo viên lại do Bộ Nội vụ cầm trịch. Vậy nên một mình Bộ GD-ĐT không thể làm nổi, mà cần phải đưa vào luật để Quốc hội thông qua mới có thể thực hiện được.
Khi Quốc hội thông qua rồi phải có các phiên nói về tài chính cho giáo dục. Tại sao có thể lãng phí ở nhiều ngành nghề, tại sao các ngành khác lương cao ngất ngưởng, trong khi chi cho giáo dục lại không thể làm được"?, GS Phạm Tất Dong đặt câu hỏi.
Một lần nữa nhắc lại về vấn đề lương của giáo viên, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII khẳng định với chúng tôi: "Phải tăng lương để thầy cô đủ sống. Có như vậy, đội ngũ nhà giáo mới tập trung mọi sức lực vào sự nghiệp trồng người và không bị phân tâm vào chuyện dạy thêm, học thêm".
Về điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, đòn bẩy quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trước hết phải giải quyết được chế độ tiền lương thỏa đáng, và làm thế nào để thầy cô sống thật bằng nghề.
Sản phẩm của giáo dục là nhân cách và trí tuệ của học trò. Lao động của nhà giáo không chỉ là trí tuệ mà còn là lao động bằng nhân cách, tình yêu thương. Vì thế cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng với lao động thầy cô đã bỏ ra.