Bạn đọc viết:

Lương giáo viên: Nếu không phải yêu nghề, thầy cô rất khó trụ được lâu dài!

(Dân trí) - Mấy năm trở lại đây, lương nhà giáo cơ bản được cải thiện. Thế nhưng so với mặt bằng chung, mức lương giáo viên vẫn ở mức thấp. Nếu thầy cô không làm thêm, thì rất khó sống được với nghề.

Những ngày này chủ đề về dạy thêm được giáo viên đặc biệt quan tâm. Rất nhiều thầy cô hiện nay tăng thu nhập bằng cách dạy thêm. Họ cho rằng dạy thêm cũng là một cách lao động chính đáng, cũng giống như bác sĩ làm thêm ngoài giờ thôi.

Có thể nói với mức lương hiện nay, nếu giáo viên không làm thêm thì rất khó sống được với nghề, nhất là những giáo viên trẻ. Ngoài những phút giây thăng hoa trên bục giảng thì người thầy cũng phải trở về với cuộc sống đời thường.

Thầy cô cũng bộn bề với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Ai cũng như vậy cả thôi. Thầy cô nào may mắn có kinh tế gia đình thì đỡ, bằng không, họ phải xoay xỏa đủ thứ nghề để lo cho cuộc sống riêng tư của mình.

Thông thường những giáo viên dạy môn chính thì đa số đều tăng thu nhập bằng cách dạy thêm. Họ có thể dạy tại nhà, làm gia sư riêng hoặc dạy tại các trung tâm.

Họ có thể dạy nhiều, dạy ít tùy theo năng lực và trình độ của mình. Thầy cô dạy giỏi, có uy tín và thương hiệu thì không thiếu học sinh. Thậm chí, nhiều phụ huynh phải chầu chực đăng kí từ sớm mới được một suất học con. Còn những thầy cô ép học sinh học thêm bằng chiêu trò thì sẽ tồn tại không lâu.

Thực tế, để kiếm được tiền từ dạy thêm không dễ chút nào. Phụ huynh bây giờ họ đều khôn cả. Họ thường cân nhắc rất kĩ lưỡng khi bỏ tiền ra. Nếu con cái họ học không hiệu quả, họ rút lui ngay.

Riêng những thầy cô dạy môn phụ thì họ phải xoay sở bằng đủ thứ nghề khác nhau. Từ bán hàng online, tăng gia sản xuất tại nhà đến cả phụ việc gia đình bán thời gian… Họ làm tất cả mọi việc, miễn là kiếm tiền chính đáng.

Giờ chúng ta chẳng lạ gì thầy cô ngoài giờ lên lớp là chào hàng trên Facebook hoặc Zalo cả mình. Sau mỗi tiết dạy, thầy cô lại sấp ngửa chạy đi giao hàng ngay…Tất cả cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo cả thôi.

Bây giờ, giáo viên mới ra trường mức lương chỉ tầm hơn 3 triệu. Giáo viên công tác 20 năm cũng chỉ hơn 8 triệu đồng. Với mức lương này, nếu chỉ lo ăn uống thì gói ghém có thể vừa đủ. Chứ chẳng mong gì có tích lũy.

Nhiều thầy cô khi nhà có việc, hoặc đau bệnh chẳng biết xoay xở vào đâu. Không ít thầy cô phải mượn thấu chi hoặc hốt hụi để tiêu dùng hàng ngày. Cái vòng luẩn quẩn cứ mượn, rồi trả, trả xong lại mượn bủa vây không ít giáo viên hiện giờ.

Đợt dịch Covid vừa qua, nhiều giáo viên từng điêu đứng vì thiếu thiết bị dạy học ở nhà. Trong khi đó giá laptop thì tăng chóng mặt. Không mua thì lấy gì mà dạy. Cuối cùng nhiều thầy cô đành bấm bụng mua theo kiểu… trả góp. Hàng tháng thầy cô sẽ trả dần. Đồng lương giáo viên vốn đã còm giờ lại còm hơn nữa.

Tôi có người bạn quê mãi ở Thái Bình. Bạn vào Tây Ninh công tác cũng đã 20 năm rồi. Hai vợ chồng bạn đều là giáo viên ở một xã gần biên giới. Bạn kể trước đây có chế độ thu hút nên hai vợ chồng bạn tằn tiện cũng mua đất và làm được căn nhà nhỏ.

Tuy nhiên mấy năm gần đây, tiền thu hút bị cắt nên đồng lương hai vợ chồng bạn chỉ đủ ăn. Hàng ngày, ngoài thời gian lên lớp, bạn lấy hạt điều về cạo thêm. Gần hai năm nay, bạn chưa dám về quê thăm gia đình. Nhiều lúc nhớ bố mẹ, bạn chỉ biết khóc thầm.

Thực tế, mấy năm trở lại đây, lương nhà giáo cơ bản được cải thiện. Thế nhưng so với mặt bằng chung, mức lương giáo viên vẫn ở mức thấp. Nếu thầy cô không làm thêm, thì rất khó sống được với nghề. Ai ở trong nghề mới hiểu rõ cái cực của nghề "cao quý".

Ngoài những tiết giảng thì thầy cô còn hàng trăm ngàn công việc khác nhau. Từ soạn bài, chấm bài, học bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn... Nếu không phải yêu nghề thì rất khó mà thầy cô trụ được lâu dài.

Bản thân tôi công tác trong ngành cũng đã hơn 20 năm. Vậy mà mức lương hiện hành vỏn vẹn có 9 triệu đồng. Lúc trước khi các con còn nhỏ, tôi thấy cuộc sống như vậy là tạm ổn.

Tuy nhiên vài năm gần đây, khi các con lớn, nhu cầu chi dùng ngày một nhiều. Để đảm bảo cuộc sống, tôi cũng phải tăng thu nhập bằng đủ cách khác nhau. Từ làm gia sư riêng đến trồng rau và chăn nuôi thêm. Tôi rất yêu nghề nhưng cũng cần phải lo lắng cho gia đình bé nhỏ của mình nữa chứ.

Chúng tôi- những người thầy đang làm nghề cao quý nhất chỉ mong mỏi bao giờ mình có thể sống được bằng lương. Bao giờ thì mình không phải làm thêm để hết lòng với nghề đây?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm