(Dân trí) - "Lớp học thứ Bảy" là niềm an ủi với nhiều bệnh nhi ung thư máu, giúp những đứa trẻ vui hơn, vơi bớt nỗi nhớ trường lớp và các bạn trong những ngày lên viện điều trị…
"Lớp học thứ Bảy" là niềm an ủi với nhiều bệnh nhi ung thư máu, giúp những đứa trẻ vui hơn, vơi bớt nỗi nhớ trường lớp và các bạn trong những ngày lên viện điều trị…
Sáng thứ bảy hàng tuần, tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, có một lớp học đặc biệt. Học sinh trong lớp là những bệnh nhi ung thư máu ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Dù việc học khó khăn hơn bởi đau đớn, mỏi mệt của bệnh tật, dù trên tay những đứa trẻ vẫn phải truyền hóa chất, truyền dịch, ánh mắt các em vẫn ánh lên niềm hạnh phúc.
Từ lâu, "lớp học thứ Bảy" trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp những đứa trẻ không may mắc bệnh vơi đi nỗi nhớ trường lớp, bạn bè…
"Bố ơi. Chắc các bạn trong lớp và các cô quên con rồi. Dạo này không thấy ai nhắc đến tên con trong nhóm Zalo của lớp nữa. Mọi người quên con rồi, phải không bố?".
Câu hỏi ngây thơ của con trai khiến anh T. trào nước mắt. Đã 6 tháng nay, con trai anh T., cháu H.N.M.Đ. (9 tuổi, quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) phải nghỉ học, cùng bố khăn gói lên Viện Huyết Học Truyền máu Trung ương điều trị bệnh ung thư máu. Sau mỗi đợt điều trị khoảng 1 tháng, bé Đ. được về nhà khoảng 10-20 ngày rồi lại lên viện tiếp tục phác đồ.
Thời gian về nhà ít ỏi, nhưng Đ. luôn tha thiết được đi học. Cậu bé nài nỉ: "Bố ơi, bố cho con đi học. Con muốn chơi với các bạn, muốn gặp thầy cô".
Mong ước nhỏ nhoi của con khiến vợ chồng anh T. đau thắt. "Điều kiện sức khoẻ của cháu không thể đi học như các bạn. Có thể lúc này con khỏe, nhưng vài tiếng sau lại đau đầu, chóng mặt, sốt… Bởi vậy, chúng tôi không dám cho Đ. đi học nhiều. Mỗi lần cháu hỏi, hay là các bạn và cô quên con rồi, tôi đều động viên, các bạn vẫn nghĩ đến con, con gắng chữa bệnh rồi sau này về đi học tiếp…", anh T. chia sẻ.
Giống với Đ., cháu N.H.G.B. (13 tuổi, quê huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng vào Viện Huyết học Truyền máu Trung ương từ tháng 4/2022 để điều trị ung thư máu. Chị H.K.Th., mẹ của B. tâm sự, cậu bé từ nhỏ đã rất ham học và có thành tích học tập xuất sắc.
Suốt những ngày điều trị tại viện, B. luôn ôm theo sách vở. Buổi tối, B. nhờ bạn chụp lại toàn bộ bài giảng trong ngày và cẩn thận chép lại vào vở. Lúc học không hiểu bài, cậu bé sẽ gọi điện cho thầy cô hoặc bạn bè nhờ giảng lại. B. gần như chưa từng bỏ lỡ bất cứ bài học nào. Chị Th. nhớ nhất có lần, khi vừa truyền xong hóa chất, dù rất mệt, B. vẫn gọi với: "Mẹ đưa con sách vở để con chép bài".
G.B. có lẽ trưởng thành hơn so với lứa tuổi. Cậu bé chưa từng kể với bố mẹ, nhưng mỗi lần về nhà và được đến lớp học, B. đều buồn bã thủ thỉ với các bạn rằng rất nhớ trường lớp. B. cũng không biết nói lời tình cảm mà thể hiện nhiều hơn qua hành động.
"Thỉnh thoảng, con lại đến ôm tôi. Nhiều lần thấy bố mẹ buồn, con đều nói bố mẹ yên tâm, bệnh của con sẽ lành thôi. Con sẽ điều trị khỏe để về còn đi học", chị Th. kể.
Những lớp học ngay tại bệnh viện có lẽ là sự an ủi lớn với Đ., B. hay nhiều đứa trẻ khác có chung hoàn cảnh.
Anh T. (bố của cháu H.N.M.Đ.) tâm sự, từ ngày tham gia "lớp học thứ Bảy", con trai anh đã vui hơn, bớt đi nỗi nhớ trường lớp và các bạn. "Có lần con buồn bã nói với tôi rằng lâu rồi không được học, con quên mất mấy chữ rồi. Nhưng hôm trước, sau thời gian được học cùng các bạn tại đây, cháu mừng rỡ khoe đã nhớ lại được những chữ bị quên", anh T. kể lại.
N.H.M., bé gái 14 tuổi cũng đang điều trị ung thư máu chia sẻ rằng đã phải nghỉ hẳn việc học tại trường từ tháng 3 năm nay. Lớp học tại bệnh viện giúp cô bé vui vẻ hơn, quên đi bệnh tật.
"Con rất nhớ trường lớp, nhớ các bạn, chính vì thế rất thích lớp học này. Có những lúc bệnh đau, con sang học và các cô đã làm cho con cười", cô bé rưng rưng, nói.
Năm 2016, chị Hoàng Diệu Thuần cùng những người bạn thân thiết lập một câu lạc bộ nhỏ, bắt đầu các hoạt động tình nguyện cho bệnh nhi ung thư tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Đến tháng 4/2021, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân, trở thành Mạng lưới Vì trẻ em ung thư, các hoạt động tình nguyện cũng dần được tổ chức quy củ hơn. "Lớp học thứ Bảy" cho bệnh nhi ung thư máu được ra đời từ đó.
Theo chị Thuần, "lớp học thứ Bảy" được tổ chức định kỳ từ 9h đến 11h sáng thứ bảy hàng tuần, dành cho các bệnh nhi từ 6-7 tuổi trở lên. Tại lớp học, các em được học tập làm văn, học vẽ, đan xen nhiều hoạt động khác như học Tiếng Anh, đọc sách… Vào chiều chủ nhật, sẽ có thêm một tiết học khác cho nhóm bệnh nhi ít tuổi hơn, chủ yếu dạy các em nhảy múa, cùng chơi trò chơi.
Giáo viên của lớp học là tình nguyện viên ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Có người là sinh viên đại học sư phạm, có người là sinh viên trường luật, có người là nhà văn, có người là giảng viên đại học… Họ đều tình nguyện tới lớp học này bởi tình yêu thương đặc biệt dành cho các bạn nhỏ.
Mỗi sáng thứ bảy, trước giờ học, thầy cô sẽ đi từng phòng bệnh để thông báo, mời học sinh tới lớp. Chị Thuần chia sẻ, lý do bởi số học sinh không cố định. Có em giai đoạn trước bệnh nặng không thể ra khỏi phòng, có em vừa nhập viện, lại có những học sinh đã điều trị xong một đợt và về nhà nghỉ ngơi…
Chị Thuần tâm sự, một trong những điều khiến chị và nhóm xúc động nhất khi tổ chức "lớp học thứ Bảy" là sự ham học, nghị lực của những đứa trẻ.
"Nhiều bạn nhỏ muốn viết, muốn vẽ nhưng tay đang truyền hóa chất, truyền dịch. Các con phải căng tay ra viết hoặc dùng tay trái, đó là sự nỗ lực rất lớn. Một số bạn tâm sự, chỉ cần vào lớp học ngồi cũng cảm thấy vui hơn. Vì trong phòng bệnh, ai cũng truyền hóa chất. Lớp học có sách vở, thầy cô và nhiều đồ chơi, không giống nơi điều trị nữa…", chị nói.
"Lớp học thứ Bảy" không có giáo án sẵn, các tiết học đôi khi được thay đổi theo chính mong muốn của tụi trẻ. Nhóm tình nguyện tâm sự, lớp học không nhằm mục đích truyền đạt kiến thức đơn thuần như "một cộng một bằng hai". Thay vào đó, thầy cô mong những đứa trẻ có nơi để vừa học, vừa vui chơi, vừa gửi gắm tâm sự trong những ngày điều trị vất vả. Đặc biệt, lớp học là nơi các em được kết nối với nhau, có thể quen biết và chơi cùng nhau.
"Một số bé chia sẻ khi kết thúc đợt điều trị và về đi học, vì tóc không có nên bị bạn cùng lớp trêu, không chơi cùng. Lại có bé bảo con thích ở bệnh viện hơn bởi ở bệnh viện hay được tặng quà và có nhiều bạn chơi cùng, về nhà lại không được đi học", chị Thuần kể.
Dần dần, các thầy cô cũng trở thành những người bạn của tụi trẻ, là nơi các em thường xuyên gửi gắm tâm sự. Chị Thuần rất nhớ câu chuyện của một bé trai. Từ ngày mắc ung thư máu, bé ở viện điều trị và được tổ chức sinh nhật tại viện. Tuy nhiên, bé lại có mơ ước là bố mẹ có tiền để tổ chức sinh nhật cho anh trai mình ở nhà. Hay câu chuyện của một bé trai khác, đã òa khóc tủi thân khi mẹ vừa sinh em bé và không thể tiếp tục ở lại viện chăm sóc cậu bé.
Những bài văn của các bạn nhỏ trong "lớp học thứ Bảy" đã chạm đến trái tim của rất nhiều người.
"Từ đầu năm 2022, em bắt đầu điều trị bệnh ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Em đã rất buồn, mình đã chẳng may bị bệnh. Từ đợt điều trị đầu tiên, tóc em bắt đầu rụng. Em rất buồn nhưng mẹ em đã an ủi em là con đừng buồn, tóc rụng rồi sẽ mọc lại. Nghe vậy nên em cũng bình tĩnh lại.
Em ngồi trên giường bệnh và nhớ lại mái tóc của em. Đó là mái tóc đen, dày và dài ngang lưng. Em hơi tiếc nhưng có lẽ mẹ em nói đúng, tóc sẽ mọc lại. Em nghe lời mẹ và bác sĩ để có kết quả điều trị tốt và tóc mọc lại nhanh nhất có thể. Bây giờ tóc em đã mọc dài được khoảng 5 phân, mẹ khen tóc mọc ra rất đẹp. Em rất vui nhưng bây giờ mọi người thường nhầm em là con trai. Em vẫn muốn có bộ tóc dài hơn..." (bài viết của em T.T.H.D., Hà Tĩnh).
"Bây giờ, em không thích ung thư nhưng cũng không ghét nó. Em không thích vì nó làm cho bố buồn. Nó cũng làm cho mẹ và bà của em bận rộn hơn, vất vả hơn khi chăm sóc cho em ở bệnh viện. Em không thích ung thư vì đôi khi nó làm cho em có cảm giác đau hoặc mệt mỏi.
Đã có lúc em tưởng tượng "ung thư" đang chạy nhảy trong người em, giống như một con báo đen đang chạy hết tốc lực để săn mồi. Khi em truyền thuốc Mê-thô, cảm giác đó rất rõ ràng. Em tưởng tượng như đang bị móng vuốt của con báo đen cào vào vụng, vào chân. Em bị đau nhức và nóng bừng cả người. Lúc đó em đã ước trong người mình sẽ xuất hiện một con hổ khổng lồ, to khỏe, dũng mãnh. Nó chỉ cần gầm lên một tiếng thôi, con báo sẽ co giò bỏ chạy mất hút.
Có lẽ ước mơ đó của em sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, nhưng em vẫn thích kiểu tưởng tượng đó. Thỉnh thoảng nghĩ về nó, em cười một mình và cảm thấy cơn đau mệt trở nên nhẹ nhàng hơn" (bài viết của em N.P., Nghệ An).
"Con ước có một bộ tóc giả để ra ngoài được tự tin như những bạn khác. Con ước có một bộ tóc dài đẹp và hợp với khuôn mặt của con. Con cũng ước được xinh đẹp như các bạn khác, muốn có bộ tóc để chụp ảnh đi chơi với bạn bè, anh chị và gia đình.
Con mong một ngày nào đó ngủ dậy, mở mắt ra có người tặng cho con một bộ tóc thật đẹp để đi chơi, đi ăn uống ở ngoài với gia đình" (bài viết của em P.T.M.T.)
Một số tâm sự, mơ ước của các em đã được chị Hoàng Diệu Thuần cùng Mạng lưới Vì trẻ em ung thư đưa vào cuốn sách "Em ước mong sao" - cuốn sách được viết bởi chính các bệnh nhi ung thư.
Theo anh Cao Văn Quyền (nhà văn, thành viên nhóm tình nguyện), chính sự hồn nhiên của những đứa trẻ là động lực to lớn khiến anh yêu công việc này và nỗ lực hơn trong các hoạt động.
"Hôm vừa rồi trong tiết tập làm văn, câu chuyện được một bệnh nhi ở Sơn La viết khiến tôi rất xúc động. Cậu bé viết: "Con ước muốn có 1.000 điều ước để ước rằng trên trái đất này hết virus, cho tất cả chúng con khỏi bệnh". Các bạn nhỏ cứ nghĩ virus làm mình bị bệnh ung thư. Tôi xúc động vì sự hồn nhiên, tấm lòng tốt đẹp của cậu bé và muốn kéo dài mãi sự hồn nhiên cho những đứa trẻ thiệt thòi này", anh tâm sự.
Nội dung: Nguyễn Liên
Ảnh: Mạnh Quân
Thiết kế: Tố Linh