"Lớp học hạnh phúc": Nơi những ước mơ của bệnh nhi ung thư thành hiện thực
(Dân trí) - Niềm hạnh phúc trong lớp học này không chỉ đến từ tiếng cười của các bệnh nhi, mà còn ở những giọt nước mắt của các bậc phụ huynh khi nhìn thấy con mình lại được đi học như những đứa trẻ bình thường.
Có một lớp học mang tên “Hạnh phúc”
Tại tầng 3 của Bệnh viện K những ngày gần đây xuất hiện một lớp học đặc biệt. Sự đặc biệt trước tiên đến từ việc lớp học này nằm trong một cơ sở y tế, thay vì một ngôi trường; sự đặc biệt được tạo nên bởi chính các học sinh được giảng dạy tại đây, khi các em lại là những bệnh nhân đang hàng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác; và sự đặc biệt còn đến từ cái tên của lớp học này: “Lớp học Hạnh phúc”.
Đúng như tên gọi, khi được tham gia vào một buổi học tại đây, điều mà bạn sẽ cảm nhận rõ nhất chính là niềm hạnh phúc của những bệnh nhi, đã lâu lắm rồi mới lại được cầm trên tay cuốn sách, ngòi bút, cây sáp màu, được tập đọc hay hát theo nhịp vỗ tay của cô giáo, vốn là những niềm vui đến trường bình dị, mà các em đã bị căn bệnh ung thư cướp mất.
Tuy nhiên, niềm hạnh phúc trong lớp học đặc biệt này không chỉ là những tiếng cười của trẻ thơ, mà còn ẩn sâu trong những giọt nước mắt cứ bất giác rơi xuống của các ông bố, bà mẹ, khi chứng kiến đứa con bé bỏng của mình lại được hồn nhiên vui chơi, học tập như những đứa trẻ bình thường; hay trong ánh mắt đầy mãn nguyện của các y, bác sĩ Bệnh viện K và các cô giáo tình nguyện đã cùng nhau tổ chức nên lớp học đặc biệt này, khi nhìn thấy tâm nguyện của mình đã trở thành hiện thực.
Trò chuyện với chúng tôi, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện K đã chia sẻ về niềm hạnh phục đặc biệt này của chính những con người đi “xây” hạnh phúc: “Đối với bệnh nhi ung thư, ước mơ đến trường của các con là rất lớn, bởi hầu hết đều đã phải bỏ dở việc học giữa chừng để điều trị bệnh, và thậm chí còn có các bé chưa đến trường được ngày nào đã phải nhập viện. Với tâm nguyện muốn làm những điều tốt nhất cho các bệnh nhi, Bệnh viện K đã kêu gọi các giáo viên trên địa bàn, các nhà hảo tâm cùng chung sức thành lập nên Lớp học Hạnh phúc, để các con lại có thể được đi học như những đứa trẻ bình thường khác, ngay sau giờ điều trị. Thi thoảng chúng tôi lại xuống nhìn ngắm các con qua ô cửa lớp học, mà trong lòng cảm thấy một niềm vui, niềm hạnh phúc khó tả”.
Người mẹ trẻ và ước mơ lại được nhìn thấy con đi học
Tay phải còn đau vì vừa truyền hóa chất, bé H.D (4 tuổi) đành phải tập dùng tay trái để thực hiện bài tập tô màu, nhưng không vì thế mà trên môi em tắt đi nụ cười, bởi được đến lớp học là điều mà D. mong chờ nhất trong một ngày.
Theo lời kể của chị Vân, mẹ của bé, D. được phát hiện mắc ung thư máu từ 2 tháng trước, sau khi trên gò má của bé xuất hiện một vết sưng bất thường. Khoảnh khắc nghe bác sĩ kết luận con mình mắc phải căn bệnh nan y cũng là lúc chị cảm thấy cả thế giới như sụp đổ.
Người mẹ trẻ xót xa không chỉ vì những đau đớn con mình phải chịu đựng do bệnh tật, mà còn bởi nghĩ đến việc tuổi thơ của con thay vì được đến lớp, vui chơi với thầy cô, bạn bè, lại phải gắn liền với 4 bức tường của phòng bệnh, với kim tiêm và những lần truyền hóa chất cứ lặp đi lặp lại hàng ngày.
“Có lần đang truyền thuốc tôi động viên con xong đợt này là được về nhà đi học lại như trước, nhưng D. lại bảo sẽ không đi học nữa vì sợ các bạn trêu chọc, bởi lúc này một bên mặt của cháu đã sưng lên vì bệnh. Nghe những lời con nói mà tôi không kìm được nước mắt” – Chị Vân tâm sự.
Lớp học hạnh phúc được khai giảng vào đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 như đem đến một nguồn sống mới cho cả chị Vân và bé D.. Được học cùng lớp với những bạn chung hoàn cảnh khiến D. không còn cảm thấy tự ti. Cùng với đó, sự tận tình của các cô giáo tình nguyện, với những bài học được xây dựng riêng cho bệnh nhi ung thư, cũng đã giúp bé nhanh chóng hòa nhập, và thoải mái lựa chọn môn học mình thích.
Được biết, từ khi có lớp học đến nay, cứ ngày nào không phải truyền thuốc là D. lại đòi mẹ đưa đến lớp. Những cuộc trò chuyện giữa 2 mẹ con giờ đây cũng thêm phần rôm rả, khi có thêm chủ đề về bạn bè, cô giáo và cả những bài học mới.
“Lúc nào bé cũng hỏi mẹ: “Hôm nay có được đi học không?”; “Hôm nay có các cô không?”. Có những lần truyền thuốc bị mệt, nghe mẹ bảo lát nữa sẽ được đến lớp là cháu phấn chất và vui vẻ lại ngay. Nhìn thấy con lại được đến lớp, lại hồn nhiên vui đùa với các bạn, tôi cảm thấy vui và mãn nguyện lắm”, chị nói mà ánh mắt vẫn không rời những nét vẽ bằng tay trái của con trên tập vở tô màu.
Tôi chỉ muốn ngày nào cháu còn tồn tại, cháu vẫn sẽ được hạnh phúc như những đứa trẻ khác!
Mỗi học sinh của Lớp học Hạnh phúc lại mang trong mình một câu chuyện đặc biệt. Ngồi đối diện với D. là một bé gái nom đã chững chạc hơn. Em dành được sự chú ý của nhiều người, khi đến lớp trên một chiếc xe lăn.
Hỏi thăm thì được biết, em là L.T.L, một bệnh nhi bị ung thư xương đã di căn, phải tháo bỏ 1 chân. Tuy nhiên, chỉ nhìn nụ cười trong veo của em và cái cách em hào hứng thực hiện bức tranh của mình theo sự hướng dẫn của cô giáo, ít ai có thể nghĩ rằng, L. mắc ung thư giai đoạn cuối, với sự sống chỉ tính bằng tháng, bằng ngày.
Đứng nép vào một góc phòng, lặng lẽ dõi theo từng nét vẽ của L., bà Nguyễn Thị Sen thi thoảng lại đưa tay lau nhẹ khóe mắt. “Cháu tôi ngoan ngoãn, ham học nhưng trời lại không cho”, đó là những chia sẻ đầu tiên của bà về cô cháu gái vừa tròn 6 tuổi của mình.
Người phụ nữ với dáng vẻ khắc khổ này tiếp tục mạch chuyện: “Bố mẹ cháu bỏ nhau từ khi cháu mới được 3 tháng tuổi, nên cháu phải về ở cùng ông bà ngoại. Hoàn cảnh éo le nhưng cháu tôi thích đi học lắm! Năm lên 4 tuổi, cháu còn đòi bà cho đi học tiếng Anh. Ai ngờ số cháu không được may mắn, cuối năm ngoái lại phát hiện mắc ung thư xương. Phát hiện muộn, bệnh tiến triển nhanh nên đến bây giờ bệnh đã di căn, phải xạ trị để cầm cự được ngày nào, hay ngày ấy”.
Cũng như nhiều bệnh nhi khác đang được điều trị tại cơ sở y tế này, khi biết Bệnh viện mở Lớp học Hạnh phúc là L. đăng ký học ngay. Thế là ngày nào cũng như ngày nào, sau ca xạ trị buổi sáng, L. lại được bà soạn sửa để chuẩn bị cho lớp học bắt đầu lúc 2h chiều. Giờ đến lớp trở thành khoảng thời gian vui nhất trong ngày của cả 2 bà cháu.
Ở Lớp học Hạnh phúc, L. thích nhất môn vẽ nên cứ sau mỗi buổi học, em lại có nhiều tác phẩm để mang về. Những bức tranh của cháu gái được bà Sen trưng bày ở góc đẹp nhất của phòng trọ. Với bà, những nét vẽ nguệch ngoạc này là vô giá, bởi rất có thể đó sẽ là những kỷ vật cuối cùng mà cháu mình để lại.
“Thời gian của cháu tôi không còn nhiều. Tôi chỉ muốn ngày nào L. còn tồn tại, thì cháu đều được vui vẻ và hạnh phúc như những đứa trẻ khác. Lớp học này được mở ra đã giúp điều ước của bà cháu tôi trở thành hiện thực”, bà nói trong niềm phấn khởi mà lại khiến sống mũi của người xung quanh cay xè.
Minh Nhật