DMagazine

Kết thúc kỳ thi "khốc liệt" tốt nghiệp THPT 2022: Đợi chờ đổi mới!

(Dân trí) - Kỳ thi "khốc liệt" nhất trong năm, kéo theo cả nhiều bộ, ban ngành vào cuộc: Thi tốt nghiệp THPT 2022 vừa kết thúc. Kỳ thi được đánh giá yên ả, dư luận cũng đợi chờ đổi mới ở những năm sau.

Kết thúc kỳ thi khốc liệt tốt nghiệp THPT 2022: Đợi chờ đổi mới! - 1

Tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi chiều 8/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT là sự kiện quan trọng đối với xã hội, đặc biệt với ngành giáo dục.

Nhiều người cũng nhận định, tốt nghiệp THPT là kỳ thi mà hàng triệu sĩ tử và gia đình lao tâm khổ tứ, kéo theo sự vào cuộc rầm rộ của hàng loạt bộ, ban ngành: Y tế, Công an, Giao thông, Điện lực…

Kết thúc kỳ thi khốc liệt tốt nghiệp THPT 2022: Đợi chờ đổi mới! - 2

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ động viên thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Thái Nguyên (Ảnh: Nguyễn Mạnh).

Chính vì tầm quan trọng đó, Chính phủ có văn bản chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo thi. Theo đề nghị và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường chỉ đạo sở GD-ĐT và các sở, ban ngành liên quan của địa phương nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh để triển khai tổ chức kỳ thi trên địa bàn phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi.  

Địa phương cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cập nhật thường xuyên tình hình thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đặc biệt, bố trí điểm thi dự phòng để chủ động xử lý các tình huống phát sinh do thiên tai, dịch bệnh; bố trí các phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi để tổ chức thi cho các đối tượng thí sinh thuộc diện F0 hoặc thuộc diện ca bệnh nghi ngờ… 

Kết thúc kỳ thi khốc liệt tốt nghiệp THPT 2022: Đợi chờ đổi mới! - 3

Tốt nghiệp THPT là kỳ thi hàng triệu sĩ tử và gia đình lao tâm khổ tứ, kéo theo sự vào cuộc rầm rộ của hàng loạt bộ ngành (Ảnh: Mạnh Quân).

Thứ trưởng nhận định, đến thời điểm này, có thể nói kỳ thi đã diễn ra an toàn, không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Ngành giáo dục chờ vào kết quả chấm thi, đề thi, đánh giá chất lượng kỳ thi. Qua việc tổ chức coi thi, mục đích kỳ thi đặt ra đã đặt được, đảm bảo nghiêm túc, an toàn, công bằng, khách quan và có chất lượng.

"Chúng tôi quán triệt cố gắng giảm tới mức tối đa vi phạm bằng cách tăng kỷ cương, giảm vi phạm. Vi phạm với học sinh vẫn còn, có nguyên nhân là hiện nay học sinh học trực tuyến rất nhiều nên nhanh nhạy trong việc sử dụng công nghệ cao. Thậm chí, có những  phần mềm gia sư hỗ trợ. Vì thế vấn đề công nghệ cao tiếp tục được quan tâm trong khâu chấm thi sắp tới", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Kết thúc kỳ thi khốc liệt tốt nghiệp THPT 2022: Đợi chờ đổi mới! - 4

Chúng tôi còn nhớ ngay trước thềm kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã chia sẻ, kỳ thi tốt nghiệp THPT ngoài mục tiêu xét tốt nghiệp, khá nhiều trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi để làm căn cứ tuyển sinh. Vì vậy, có thể nói, kết quả kỳ thi tạo nên một sự cạnh tranh rất khốc liệt.

Sở dĩ nói như vậy bởi nhiều gia đình muốn cho con vào đại học bằng mọi giá, kể cả những việc, phương án có thể vượt qua quy chế để đạt được mục tiêu. Vậy nên ngay từ khi bắt đầu kỳ thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT luôn đặt vấn đề tổ chức kỳ thi an toàn nhưng nghiêm túc và chặt chẽ.

Kết thúc kỳ thi khốc liệt tốt nghiệp THPT 2022: Đợi chờ đổi mới! - 5

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thanh kiểm tra hệ thống camera phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại địa phương (Ảnh: Mỹ Hà).

Chính vì để có một kỳ thi an toàn như mong muốn, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 24 địa phương trên toàn quốc; thành lập 10 đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương. Các địa phương còn lại được Ban Chỉ đạo kiểm tra bằng hình thức trực tuyến.  

Đơn vị này cũng huy động hơn 7.000 giảng viên từ khoảng 200 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước tham gia công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thi và chấm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Theo ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, thông qua hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, các Hội đồng thi khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót để bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định trong tổ chức kỳ thi, nhất là tạo mọi điều kiện cho các thí sinh tham gia kỳ thi đạt kết quả.

Trong những ngày thi, các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo và của Bộ GD-ĐT đã đi kiểm tra tại các địa phương: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Ninh Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Tây Ninh, Bình Phước, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long…

Kết thúc kỳ thi khốc liệt tốt nghiệp THPT 2022: Đợi chờ đổi mới! - 6

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hai ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 ghi nhận 50 thí sinh bị đình chỉ thi, trong khi đó năm 2021 là 18 em.

Cụ thể, môn Ngữ văn 12 thí sinh; Toán 10; Khoa học tự nhiên 10; Khoa học xã hội 11; tiếng Anh 7. Trong tổng số thí sinh vi phạm, 6 em mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 44 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Trả lời chất vấn của nhiều phóng viên tại buổi họp báo về việc, mặc dù đã nhắc nhở rất nhiều nhưng vì sao tỷ lệ thí sinh mang điện thoại vào phòng thi vẫn rất cao?

Kết thúc kỳ thi khốc liệt tốt nghiệp THPT 2022: Đợi chờ đổi mới! - 7

Số thí sinh vi phạm quy chế nhiều hơn so với năm ngoái là điều đáng tiếc (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, số thí sinh vi phạm nhiều hơn so với năm ngoái là điều đáng tiếc bởi ban chỉ đạo thi các cấp đã quán triệt các điểm thi phải tăng kỷ cương để giảm vi phạm, đồng thời tạo điều kiện tối đa để giúp thí sinh tránh nguy cơ vi phạm.

Chẳng hạn, các điểm thi đều bố trí khu vực giữ đồ dùng cá nhân, tư trang cho thí sinh, trong đó bao gồm điện thoại di động nếu các em lỡ mang đến điểm thi.

"Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn ngay từ đầu, quán triệt tới cán bộ làm thi về việc ngăn chặn khả năng vi phạm quy chế thi của các thí sinh. Các hội đồng thi đều đã chỉ đạo các điểm thi đề nghị các giám thị trước mỗi buổi thi nhắc nhở từng thí sinh về việc không mang điện thoại vào phòng thi. Mặc dù vậy vẫn có em mang vào, như thế là các em cố tình", ông Phong khẳng định.

Kết thúc kỳ thi khốc liệt tốt nghiệp THPT 2022: Đợi chờ đổi mới! - 8

Các điểm thi đều bố trí khu vực giữ đồ dùng cá nhân, tư trang cho thí sinh, trong đó bao gồm điện thoại di động nếu các em lỡ mang đến điểm thi. (Ảnh: Mạnh Quân).

Cục Quản lý chất lượng, Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi.

Một số thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác thi được khắc phục kịp thời, đảm bảo tổ chức thi an toàn, nghiêm túc.

Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của quy chế bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.  

Kết thúc kỳ thi khốc liệt tốt nghiệp THPT 2022: Đợi chờ đổi mới! - 9

Hiện trên mạng xã hội vẫn ồn ào chuyện lộ đề thi Ngữ Văn và "lọt" đề thi Toán, ông Lê Mỹ Phong khẳng định, việc đoán đúng đề thi Ngữ Văn chỉ là ngẫu nhiên, không phải lộ đề thi. Bộ GD-ĐT cũng đã chuyển đơn vị chức năng của Bộ Công an để xác minh, làm rõ.

Đối với nghi vấn đề thi môn Toán được đăng trên mạng xã hội trong giờ thi, ngay khi nhận được thông tin, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã chủ động vào cuộc để xác minh thông tin… Các đơn vị chức năng của Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ các thông tin liên quan để xử lý theo đúng quy định hiện hành.

Trước ý kiến về đề thi năm nay có tính phân hóa cao hơn, liệu có phù hợp với lứa học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay học sinh do bị ảnh hưởng của dịch bệnh ba năm liền, ở học kỳ 2 năm học 2019-2020 bộ đã có công văn về điều chỉnh nội dung dạy học trong bối cảnh dịch bệnh.

Kết thúc kỳ thi khốc liệt tốt nghiệp THPT 2022: Đợi chờ đổi mới! - 10

Kỳ thi năm nay kết thúc yên ả và dư luận mong chờ những đổi mới trong kỳ thi tiếp theo (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo ông Thành, việc ra đề thi từ đề tham khảo đến đề chính thức đều đảm bảo điều kiện, bối cảnh dạy học dịch bệnh trong năm vừa qua rất đa dạng.

Thực tế có những nơi thời gian dạy học trực tiếp nhiều, hướng dẫn nhà trường ôn tập cho từng nhóm học sinh, điều kiện tổ chức ôn tập chia từng lứa học sinh.

Chuyên gia này cho rằng với mức độ đề thi như hiện nay bảo đảm sự phân hóa, căn cứ kết quả để nhìn lại quá trình tổ chức dạy học, việc ảnh hưởng của dịch bệnh với dạy học như thế nào, bảo đảm cho học sinh đậu tốt nghiệp.

Nếu giảm mức độ khó dẫn tới nhiều em học tốt hơn sẽ không công bằng, rất nhiều em trình độ khác nhau mà cũng đạt điểm tối đa thì cũng không hợp lý.

Với câu hỏi kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm rất tốn kém, kéo theo sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, đặc biệt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao (có tỉnh đỗ 99- 100%), nhiều ý kiến đặt ra, Bộ GD-ĐT có nên trả hẳn kỳ thi tốt nghiệp này về cho các địa phương tổ chức? Lộ trình đổi mới kỳ thi này sẽ như thế nào?

Ông Lê Mỹ Phong cho rằng, Bộ GD-ĐT đã có lộ trình để chỉ đạo các đơn vị trong Bộ để xây dựng các phương án thi cho những năm tới, đặc biệt là giai đoạn thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hiện nay, chúng ta đang tổ chức kỳ thi theo Luật Giáo dục 2019 là thí sinh sau khi thi tốt nghiệp THPT thì được xét tốt nghiệp. "Vậy nên hiện tại, chúng tôi đang lên kế hoạch để có phương án thi tốt nhất, phù hợp với chương trình đổi mới giáo dục", ông Phong nói.

(Thiết kế: N. Hiệp)