Giáo sư Trần Hồng Quân và những quyết sách gây "chấn động"
(Dân trí) - Gắn bó cả cuộc đời với ngành giáo dục, Giáo sư Trần Hồng Quân đã đưa ra những quyết sách được đánh giá là mới mẻ, táo bạo, "cởi trói"' giáo dục đại học, xây dựng nền tảng cho giáo dục phổ thông.
GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - qua đời chiều 25/8 tại Bệnh viện Quân y 175, TPHCM, hưởng thọ tuổi 87.
GS Quân (SN 1937, tại Cà Mau). Đến năm 1950, ông tham gia cách mạng và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy từ năm 1961. Hơn 60 năm gắn bó với giáo dục, GS Trần Hồng Quân để lại nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Chính sách bầu hiệu trưởng
Trong khoảng thời gian 1961-1975, thầy giáo Trần Hồng Quân giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó, ông chuyển về làm Trưởng khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Giai đoạn 1976-1982, ông đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Khoảng thời gian sau đó, ông làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp rồi trở thành Bộ trưởng Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Nhớ lại quãng thời gian gắn bó cùng GS Quân, PGS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TPHCM - nhớ đến những quyết định mới mẻ, tiến bộ, những cải cách "chấn động" từng sôi nổi một thời.
Ấn tượng sâu sắc nhất là chính sách bầu cử hiệu trưởng đầu tiên của các trường đại học cả nước vào năm 1989 sau 2 năm ông Quân đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
"Tôi ấn tượng sâu sắc với chính sách này. Trường đầu tiên thực hiện là Trường Đại học Kinh tế TPHCM, rồi sau đó là Trường Đại học Cần Thơ và nhiều trường khác trên cả nước", ông Tống nhớ lại.
Hồi đó, ông Tống là 1 trong 4 ứng cử viên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Tất cả giảng viên, nhân viên, đại diện sinh viên đều được tham gia bầu hiệu trưởng. Giảng viên, nhân viên làm việc trên 5 năm được tính 1 phiếu, dưới 5 năm được tính nửa phiếu. Đại diện sinh viên được chia một tỷ lệ phiếu nhất định.
Mỗi ứng viên sẽ có một tuần đến trình bày, trao đổi với từng khoa về quan điểm, chính sách giáo dục, quản lý của mình để giành phiếu bầu.
Tại phiên bầu trực tiếp, mỗi ứng viên có 30 phút trình bày chính sách vào buổi sáng và trả lời chất vấn vào buổi chiều, ngày hôm sau bỏ phiếu. Với những trường không có đa số phiếu sẽ tổ chức bỏ phiếu lại với 2 người có phiếu cao nhất ở lần trước đó.
"Đây là hoạt động rất tiến bộ, dân chủ, tạo không khí sôi nổi trong khắp các trường đại học. Người lãnh đạo phải tìm hiểu ý kiến của người trong trường để xây dựng chính sách, chủ trương thực hiện. Hết nhiệm kỳ sẽ bầu lại nên phải làm sao cho tốt đẹp", PGS Nguyễn Thiện Tống kể lại.
PGS Tống đánh giá những hiệu trưởng được bầu vào thời điểm đó đều rất xuất sắc trong chuyên môn và quản trị, đưa ra những đường hướng phát triển mới mẻ, quyết đoán, thúc đẩy phát triển ở các trường đại học, mở ra hướng hội nhập quốc tế. Rất tiếc sau đó việc bầu hiệu trưởng trực tiếp không được tiếp tục.
Hồi mới về làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, GS Quân đã lập một bộ phận gồm 9 người, 5 người trong bộ máy cũ và 4 người mới để bổ sung, tham mưu ý kiến cho ban giám hiệu.
Ông Tống được tham gia với vai trò "người cũ" nhưng ông nhận định GS Quân rất cởi mở, thân thiện chứ không có "thành kiến" với người cũ.
Tuy nhiên, nhiều người quen làm việc theo lối mòn, ngại thay đổi nên có những chính sách đổi mới của nguyên hiệu trưởng chưa thể thực hiện.
"Sau khi rời công việc ở cơ quan quản lý nhà nước, GS Trần Hồng Quân thành lập Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam và tiếp tục gắn bó rất nhiều năm với giáo dục đại học. Ông đã tạo nên những thay đổi đáng kể, đặc biệt là việc sinh hoạt tại Hiệp hội đã tạo nên một tinh thần cho những ý tưởng, sáng kiến cải tổ chất lượng đại học, giao quyền tự chủ đại học...", PGS Thiện Tống nhận định.
"Bông hoa đẹp nhất" của giáo dục phổ thông
Hơn 30 năm "sát cánh" cùng GS Quân, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - chia sẻ GS Trần Hồng Quân đã dành cả đời để cống hiến cho giáo dục, luôn trăn trở phát triển giáo dục nước nhà.
Theo đánh giá của ông Nhĩ, GS Quân đã đưa những chính sách thay đổi rất căn cơ, tạo nên chuyển biến đột phá với giáo dục đất nước.
Nguyên Thứ trưởng nhớ lại, khi hai Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp; Bộ Đại học Trung học Chuyên nghiệp và Dạy nghề sáp nhập lại thành Bộ GD&ĐT, điều đầu tiên tân Bộ trưởng Trần Hồng Quân làm là dành thời gian đi xem xét, quan sát tất cả cơ sở vật chất của Bộ.
Sau đó, ông trao đổi với các lãnh đạo của hai bên để tạo điều kiện cho đơn vị hòa nhập nhanh chóng. GS Quân đều từng làm lãnh đạo ở cả hai đơn vị nên có am hiểu sâu sắc về cả giáo dục đại học và phổ thông. Khi thiết lập đơn vị mới, ông mạnh dạn phân công cho các thứ trưởng và thực hiện hàng loạt chương trình mục tiêu.
Điểm sáng phải kể đến là chủ trương xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú để chăm sóc cho đồng bào miền núi. Chương trình đã đạt mục tiêu thành lập hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú với 50 trường thuộc Trung ương, 250 ở huyện và 300 trường bán trú ở xã.
"Trong thập niên cuối của thế kỷ XX, thành tựu phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ở miền núi được đánh giá là bông hoa đẹp nhất của giáo dục phổ thông Việt Nam", ông Nhĩ nhớ lại.
Tiếp đến là các chính sách về đào tạo giáo viên, xây dựng hệ thống các trường sư phạm. Mỗi tỉnh có 1 trường cao đẳng để đào tạo giáo viên bậc mầm non đến THCS, các trường Trung ương đào tạo giáo viên bậc THPT và trường chuyên nghiệp khác.
Hệ thống quản lý cũng được phân cấp, giáo viên mầm non, phổ thông do địa phương phụ trách.
Ngoài ra, ông còn chú trọng tới xây dựng cơ sở vật chất ở các nhà trường, xây dựng hệ thống trường chống bão lụt, trường chuẩn, chương trình hợp tác quốc tế...
Xây dựng hệ thống ngoài công lập
Trước năm 1987, ngành giáo dục nước ta chỉ tồn tại duy nhất mô hình trường học công lập, do Nhà nước thành lập và bao cấp.
Khi vừa nhậm chức Bộ trưởng Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề năm 1987, GS Trần Hồng Quân đã lắng nghe các đóng góp của chuyên gia, nhà giáo dục mạnh dạn đề xuất với Chính phủ cho mở mô hình ngoài công lập.
Trường đại học tiên phong đầu tiên theo mô hình này là Đại học dân lập Thăng Long do GS Hoàng Xuân Sính làm Chủ tịch. Cùng giai đoạn ấy, hệ thống giáo dục phổ thông cũng ra đời trường ngoài công lập đầu tiên là Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) do cố PGS.TS Văn Như Cương sáng lập.
Với hệ thống giáo dục ngoài công lập, GS Trần Hồng Quân đóng góp vai trò lớn khi là một trong những người khai mở, ủng hộ mô hình này.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết: "Thầy Quân quan niệm đại học công lập và ngoài công lập như một con chim cần có hai cái cánh nên bên nào cũng cần được chú trọng phát triển".
Ngoài ra, GS Trần Hồng Quân đã đưa ra 4 tiền đề đổi mới giúp hệ thống giáo dục đại học tiếp cận cơ chế thị trường, xã hội hóa.
Đó là ngoài đào tạo theo chỉ tiêu nhà nước giao, các trường được tuyển sinh để phục vụ nhu cầu xã hội.
Thứ hai, trường thu học phí theo quy định của nhà nước. Học phí và các khoảng thu nhập chính đáng được trường tự chủ sử dụng minh bạch mà không phải nhập vào ngân sách.
Thứ ba, quỹ học bổng của nhà nước không chỉ cấp cho sinh viên diện chính sách mà còn trao học bổng khuyến khích học tập.
Cuối cùng, Bộ công khai phân bổ ngân sách cho các trường, xóa bỏ phần dự trữ của Bộ thường được dùng theo cơ chế xin - cho.
Ở thời Bộ trưởng GD&ĐT Trần Hồng Quân đã khuyến khích các trường đại học chuyển từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ, học phần. Ngoài ra, ông chủ trương từng bước mở rộng phân cấp quản lý, tiến tới các trường tự quản.
Cả một đời đi tìm lối đi đổi mới cho nền giáo dục Việt Nam, đến những năm tháng cuối đời, GS Trần Hồng Quân vẫn dành tâm sức cho con đường phát triển giáo dục.
Cách đây 2 năm, khi sức khỏe không cho phép, ông rời vị trí Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhưng vẫn là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Với những cống hiến của mình cho sự nghiệp cách mạng, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huy hiệu 60 năm tuổi đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Lễ tang GS Trần Hồng Quân sẽ được tổ chức với nghi thức lễ tang cấp cao. Lễ viếng từ 11h ngày 27/8 tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp, TPHCM).
Lễ truy điệu tổ chức vào hồi 9h, ngày 29/8 (tức ngày 14/7 năm Quý Mão).
Lễ an táng cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố (TP Thủ Đức, TPHCM).